Tấm ảnh cô văn công (Kỳ 7) - Đón Giao thừa ở Tây Trường Sơn

Bò cạp rừng Trường Sơn rất độc. Nó đốt trâu, bò còn chết. Sau này các anh ở binh trạm kể: Khi muốn được ăn thịt bò, lợn của binh trạm. Các anh bí mật bắt bò cạp cho đốt, thế là được ăn thịt.

Cô Văn công được khiêng đi cấp cứu. Các anh còn lại lấy xẻng bửa khúc gỗ mục ra, thấy hai con bò cạp to đùng, cái đuôi nó dài cong lên trông dữ tợn. Chắc con này là lão làng, là bọ cạp thành tinh.

dt1q1-1704942909.jpg

Cô văn công.

 

Được cấp cứu kịp thời, cô thoát chết nhưng nằm ở trạm y tế mấy ngày, vẫn buốt, đau, tay co chưa duỗi được. Anh chị Thảo Tín người bón cơm người vuốt tay, bóp tay cho cô như cha mẹ lo cho con. Cô thật may khi có những anh chị đồng đội chăm lo chu đáo.

khoảng một tuần sau mới khỏi hẳn. Lúc này mọi người mới trêu cô. Anh Xuân Kế véo má cô:

- Sao cả đoàn, nó chẳng đốt ai mà lại nhè cô gái xinh nhất, trẻ nhất mà đốt nhỉ? Anh còn bảo:

- Em mà chết thì tiếc lắm vì chưa biết mùi đời.

Cô ngây thơ dướn đôi mắt đẹp lên hỏi các chị:

- Chị ơi! Mùi đời là mùi gì hả chị?

Cả đoàn phá lên cười vui vẻ!

dt1q2-1704942994.jpg

Bài thơ BOM của đoàn trưởng Đặng Xuân Bái viết ngày 16 tháng 2 năm 1975 tại dốc 6 cua trên đường Trường Sơn.

 

Hôm đoàn tổ chức gặp đồng hương Yên Bái có mặt ở binh trạm này. Liên hoan và biểu diễn văn nghệ rất vui. Những bài ca cách mạng quen thuộc và những điệu múa đoàn đã tập luyện thuần thục như Cô gái Pa cô đi tải đạn, Chàm rông, rông chiêng. Đặc biệt có bài hát về Yên Bái hình như Hoa thơm YB, bài có ca từ" Yên Bái quê chúng ta, lung linh có điện Thác Bà. Người Nùng, người Kinh người Thái sống yêu thương chan hòa bên nhau. Được người xem vỗ tay tán thưởng ầm ầm.

Những năm chống Mỹ, Yên Bái có hàng ngàn thanh niên tham gia chiến đấu ở chiến trường B. Trong buổi biểu diễn, có một chiến sỹ lên sân khấu chào hỏi và giới thiệu là người phố Yên Ninh. Mấy anh chị văn công nhận ra anh. Anh tên là Nguyễn Hữu Kỳ. Trước khi nghỉ hưu anh làm việc ở Cục thuế Yên Bái.

Với một cô gái đẹp, thơ ngây trong sáng, đẹp như thiên thần thì chàng lính nào mà chẳng nao lòng, muốn nhận tiếng sét ái tình. Nhiều chàng đứng ngắm nhìn và ao ước được làm quen cô Văn công. Kỷ luật của đoàn rất nghiêm nên ai cũng bảo vệ cô để các anh lính không vo ve được. Các chị giữ và bảo vệ cô rất sát sao.

Sau buổi biểu diễn lại có một anh bộ đội khác theo cô một đoạn đường từ nơi biểu diễn cách nơi mắc võng của đoàn khoảng vài trăm mét. Anh hồi hộp, vụng về nắm tay nói lời yêu thương. Xin cô nhận lời yêu anh, trở về quê sẽ xây dựng hạnh phúc. Cô run lẩy bảy, rụt vội tay ra. Cô hiểu cô đang trên đường vào Nam. Hiểm nguy đang rình rập trên đường, còn anh đang đi ra miền Bắc. Cô không được phép nhận lời nhưng cũng không làm mất lòng đồng hương. Cô trả lời anh dõng dạc như học sinh bên bục trả bài cô giáo:

- Dạ em không dám nhận lời đâu vì miền Nam còn chưa giải phóng ạ! Em còn phải lên đường, khi nào về Yên Bái em trả lời anh nhé!

Anh lính tặng cô quyển sổ để ghi lại những kỷ niêm ở Trường Sơn. Trong sổ có ghi tên và chữ ký của anh cùng một câu thơ :

Chim lạc bầy như cây nhớ cội

Người lạc người tội lắm người ơi!

Cô cầm cuốn sổ, đỏ ửng mặt, bỏ chạy thật nhanh về khu võng của mình.

Sau giải phóng, như lời hẹn anh về tìm cô nhưng không gặp vì lúc đó cô lên Đoàn văn công Hoàng liên sơn ( sát nhập 3 tỉnh Lao Cai - Yên Bái - Nghĩa Lộ ) đóng tại Lao Cai. Thời đó thư từ, điện tín, giao thông còn hạn chế nên anh không tìm thấy cô. Anh đi học sư phạm và lấy vợ. Cô nghe nói anh dạy học ở trường Lý Thường Kiệt Yên Bái. Sau này vẫn anh vẫn đi tìm cô. Khi biết cô đã có chồng con, anh không tìm và họ không gặp nhau lần nào. Họ giữ trong tim một kỷ niệm tuổi trẻ trên Trường Sơn. Cô nghĩ nếu anh biết " Vượt núi, băng đèo. Trăm sông cũng vượt, ngàn đèo cũng qua" thì có lẽ đã nên đôi nên lứa.

Ngày 23 tháng 1 năm 1975, Cô đón tết âm lịch Ất Mão tại Tây Trường Sơn trên đất Lào. Buổi tối đoàn tập trung gói, luộc bánh chưng. Binh trạm cho quà tết, mỗi người 2 cái kẹo và hai người chung nhau một điếu thuốc Thăng Long. Họ đánh đàn, hát, ngâm thơ. Cô còn nhớ các anh chị. Anh Phạm Vinh, anh Long Cảnh anh Bùi Phức anh Xuân Vị, chị Tố Hảo, chị Thu Hiền chị Thanh Bình, chị Hoàng Nga ngồi vây quanh chiếc đài bán dẫn của trưởng đoàn đón chờ Chủ tịch nước chúc tết.

Không ai để ý, ở một gốc cây bên rừng.

Chị Tố Hảo và chị Bích Thảo úp mặt vào gốc cây khóc rưng rức nhớ con đang ở quê ngoài Bắc.

Cô bỗng nhớ bố mẹ và các anh chị em Kim Hoa Tuấn Bình da diết. Giờ này cũng đang ngồi quanh nồi bánh chưng riu rui sôi. Em gái Kim Hoa chắc buồn ngủ díp mắt nhưng vẫn chờ để vớt, ăn cái bánh mụ tự gói. Nước mắt cô trào ra nóng hổi trên khuôn mặt thiên thần.

Ngày 16/2/1975 họ đến bến 5 Cua, bờ sông Đồng Nai, một đàn máy bay VNCH lao tới ném bom. Khói lửa mịt mù, tiếng bom chói tai, đất cát rơi đầy xe. Các diễn viên ôm đầu trong thùng xe.

Mặc kệ! Hai xe của đoàn lao qua khói lửa chạy vào khu rừng trước mặt để trú nấp. Họ nhảy xuống xe, ôm chầm lấy nhau cười sung sướng vì vừa thoát chết.

Trưởng đoàn Xuân Bái ghi vào nhật ký bài thơ BOM như sau:

Thằng A đê sáu bổ nhào

Ngóc lên thằng khác lại lao xuống rồi

Mắt trông từng loạt bom rơi

Mà lo phía trước ai ngồi trong xe

Thằng địch đánh bạn bè đồng chí

Xe ta không nghỉ phía sau

Khói chưa tan, phóng lên mau

A! Qua lửa đạn gặp nhau đây rồi

Vẫn bình thản tiếng cười giọng nói

Vẫn dịu dàng câu gọi thân thương

Lại lên xe tới tiền phương

Quân thù chẳng chặn nổi đường ta đi.

Ảnh chụp trang nhật ký do Diễn viên Thủy Nguyên của đoàn Văn công cung cấp!

(Còn tiếp)

Hà Nội, ngày 9 tháng 11 năm 2023.

T.H.Q