Liệt sĩ Phạm Văn Bái (1920 – 1951) tức Đại đội trưởng Ngọc Long, chỉ huy Đại đội chủ công 363 (thuộc Trung đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312) cha của tác giả Phạm Kiều Phượng, đã hi sinh trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám, khi ông chỉ huy đơn vị đánh trận Mao Khê mỏ, thuộc Chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) năm 1951. Cũng năm đó, bà Nguyễn Thị Mai, người vợ trẻ của ông ở quê, trong một lần vận chuyển truyền đơn và tài liệu kháng chiến đã bị mật thám Pháp phát hiện bắt giam và xa con gái từ đó. Cô bé Phượng mới 8 tuổi, đã phải sống và lớn lên trong cảnh mồ côi cả cha và mẹ…
Ngay sau khi hòa bình lập lại, năm 1955, gia đình bà Phượng đã nhận được giấy báo tử, kèm theo Bằng Tổ quốc ghi công: Liệt sĩ Phạm Văn Bái (tức Ngọc Long) đã anh dũng hy sinh trong khi công đồn Mạo Khê mỏ, ngày 31/3/1951. Nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, vẫn thôi thúc bà Phượng phải đi tìm lại người cha, để biết chính xác là hài cốt ông được chôn cất ở đâu. Hàng chục năm liền, bà đã cùng con cháu cất công đi nhiều nơi. Hễ đâu có manh mối, hay tin tức gì, dù một bên chân đau, phải đi tập tễnh, nhưng bà Phượng vẫn lặn lội khắp các vùng Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh để hỏi thăm tin tức, tìm mộ cha mình.
Cuộc hành trình đi tìm cha của con gái kéo dài hơn nửa thế kỷ. Phải đến Năm 2003, trong khi đào đất làm làm vườn, một người dân ở Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ra 7 bộ hài cốt, có dấu tích vũ khí và quân trang giống của bộ đội ta thời chống Pháp. Rồi nhờ sự trợ giúp của các nhà ngoại cảm, bà Phượng và gia đình đã xác đinh được phần mộ của Liệt sĩ Phạm Văn Bái tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Triều.
Nhà văn Đặng Vương Hưng (Chủ tịch Tổ chức “trái tim người lính”) cho biết: Kể từ năm 2016, khi Ban vận động thành lập Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” ra đời, bà Phạm Kiều Phượng dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế, nhưng đã rất nhiệt tình tham gia hầu hết các hoạt động sự kiện, giao lưu và đồng hành với các cựu chiến binh và thế hệ trẻ, ở nhiều vùng miền trên cả nước.
“Phượng” (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2023) là cuốn sách được nữ tác giả Phạm Kiều Phương viết theo thể loại tự truyện, người thật việc thật, với dung lượng 236 trang, không chỉ kể về hơn 80 năm cuộc đời của một phụ nữ, đã đi qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ bao cấp và đổi mới… Câu chuyện, kỷ niệm được kể trong tác phẩm, dù rất bình dị, nhưng đã vượt ra ngoài khuôn khổ một gia đình, dòng họ, vì liên quan tích cực tới cả cộng đồng đồng xã hội. Đặc biệt, một số nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm còn là những “yếu nhân” của đất nước. Điển hình như cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (1917 – 1979) – “Cha đẻ” của “Khoán hộ, khoán 10” đổi mới cho nông nghiệp Việt Nam; hay Thiếu tướng Trần Văn Phác (1926 – 2012) – nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin… Có lẽ vì thế, mà “Phượng” đã được Trung tâm Xuất bản Tác Phẩm Mới, bình chọn là một trong 5 tác phẩm xuất sắc nhất của năm 2023. Đặc biệt, cuốn sách này không bán, mà tác giả Phạm Kiều Phượng đã tự nguyện tặng toàn bộ bản in tác phẩm “Phượng” lần đầu cho Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện con gái của một liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, đã dành thời gian hơn 50 năm đi tìm lại cha mình và khát khao được thấy hình ảnh của người cha; Nhà văn Đặng Vương Hưng đã khởi xướng “Chương trình phục dựng màu cho các di ảnh thờ và ảnh tư liệu đen trắng của các Văn nghệ sĩ, Trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến”.
Hà Nội, 25/4/2024
Trái Tim Người Lính