Chiến công thầm lặng mà bà đã thực hiện khi nằm trong tổ chức Ban địch tình xứ ủy đầu tiên tại Sài Gòn đã góp phần quan trọng giúp các cơ quan chỉ đạo chiến lược kịp thời có những đối sách với kẻ thù...
Bài sát hạch “nhập môn”
Năm 1946, gia đình của Mỹ Nhung bị ly tán do người cha từ Vĩnh Long lên Sài Gòn tham gia cách mạng, sau đó bị bắt. Số tiền lo bảo lãnh quá lớn, nên cuối cùng gia đình khánh kiệt. Người cha sau đó đưa mấy con ra Bắc sinh sống, còn người mẹ ở lại Vĩnh Long cùng hai cô con gái Mỹ Nhung và Mỹ Linh.
Được người thân cho mượn tiền, bà mẹ cùng hai cô con gái xinh đẹp đã mua vải lụa từ Sài Gòn về Vĩnh Long bán. Chỉ một thời gian ngắn, Mỹ Nhung và Mỹ Linh đã quen việc, tính toán làm ăn rất giỏi. Gia đình mỗi ngày mỗi khấm khá.
Một bữa, hai chị em qua nhà ông cậu tại Vĩnh Long chơi. Ở đó, họ được gặp một người phụ nữ tên Minh. Thấy các cô rất dễ thương, nhanh nhẹn, chị Minh đã kể cho họ nghe về cảnh rừng núi trong chiến khu. Hai chị em nghe rất thích thú. Lần khác, chị Minh đi về, thì thầm nói: “Chị vừa rải truyền đơn đó”. Mỹ Nhung liền xin đi theo, nhưng chị Minh từ chối bởi khi ấy cô bé Mỹ Nhung mới chừng 13-14 tuổi. Trong câu chuyện của chị Minh, Mỹ Nhung được biết chiến khu nằm ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long). Chị hứa khi nào Mỹ Nhung, Mỹ Linh lớn lên, sẽ dắt vô hoạt động kháng chiến.
Rất háo hức với cuộc sống mới, nhưng chờ mãi tới hai năm mà không thấy chị Minh quay trở lại, Mỹ Nhung đánh liều tự tìm đường vào chiến khu. Cô em Mỹ Linh thấy vậy cũng đòi theo, nhưng cô chị muốn một mình vào trước tìm chị Minh, rồi sẽ quay trở ra đón em sau. Chuyện này xảy ra vào năm 1948.
Nhưng, vào chiến khu đâu có dễ dàng như đi chợ. Mỹ Nhung nghe ngóng thông tin thì được biết, người trong chiến khu có đi xuồng ra chợ ở bến sông mua hàng hóa. Và cô nghĩ, bám theo ghe xuồng đi đường sông là nhanh nhất. Kiếm được chiếc ghe chở hàng hóa hướng về Tam Bình, Mỹ Nhung nhảy đại lên. Tới trạm gác, tụi lính phát hiện trên ghe có người lạ, vậy là chủ ghe buộc phải “bàn giao” cô gái trẻ cho tụi lính. Trong vai đi tìm người nhà, Mỹ Nhung bị đưa vòng vo tới công an huyện. Cuối cùng, cô gái trẻ đã gặp được người quen cũ, chị Minh-nữ tình báo hoạt động tại Chiến khu Tam Bình. Chuyến đi liều lĩnh ấy chính là bài sát hạch “nhập môn” đầu tiên của nữ tình báo Mỹ Nhung, tức Nguyễn Thị Yên Thảo.
Vỏ bọc hoàn hảo
Nhờ sự chỉ dẫn của chị Minh, Mỹ Nhung dần dần học được sự khéo léo và cách ứng biến trước nhiều tình huống. Chỉ một thời gian ngắn sau, Mỹ Nhung được giao nhiệm vụ đón đồng chí Phạm Ngọc Thảo, Phó ban Tình báo Nam Bộ ở R (Chiến khu miền Đông) xuống công tác. Chị Minh đưa Nhung chiếc nhẫn mặt vuông đen, là ám hiệu để đối tác nhận ra. Sự ung dung, khéo léo của Mỹ Nhung đã góp phần quan trọng giúp chuyến công tác của cấp trên thành công. Trong vai người em gái, Mỹ Nhung đưa ông anh trai đi chơi. “Sếp” Phạm Ngọc Thảo sau đó đã khen ngợi Mỹ Nhung hết lời. Sau này, nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo đã “lọt” qua được tầm ngắm của Mỹ để nhậm chức Tỉnh trưởng Bến Tre. Tuy nhiên, sau đó anh bị lộ và đã anh dũng hy sinh. Nhớ lại lần được đi công tác chung với một trong những huyền thoại tình báo của Việt Nam-Phạm Ngọc Thảo, bà Mỹ Nhung, sau này lấy tên là Tám Thảo, đã rất xúc động. Bà nói: “Ông chính là tấm gương lớn để những người hoạt động trong ngành tình báo noi theo”.
Tháng 5-1950, nữ tình báo trẻ tuổi Mỹ Nhung chính thức được kết nạp Đảng. Năm 1953, tổ chức đảng muốn đưa Mỹ Nhung về Trà Vinh mở tiệm may làm cơ sở hoạt động. Nhận thấy công việc này dễ bị lộ, Mỹ Nhung xin cấp trên vào Sài Gòn hoạt động và được chấp thuận. Cùng với cô em gái Mỹ Linh, Mỹ Nhung và mẹ lại mở sạp vải tại cửa Bắc chợ Bến Thành. Trong vỏ bọc của một tiểu thư khuê các, xinh đẹp, làm ăn buôn bán giỏi, Mỹ Nhung đã kết thân được với nhiều tướng tá và quan chức cấp cao của chính quyền Sài Gòn. Sẵn vải vóc, lụa là buôn bán, Mỹ Nhung trang điểm đẹp, ăn mặc sang trọng, thường xuyên đi làm phù dâu cho các đám cưới của những cô bạn lấy các quan chức cấp cao. Từ đây, vỏ bọc của tiểu thư Mỹ Nhung càng kín và càng phát huy tác dụng. Mỹ Nhung học nhảy đầm, sống cuộc đời lên xe xuống ngựa để tìm đường thâm nhập vào nội các chính quyền Sài Gòn. Được tiến cử gặp đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), cán bộ địch tình Xứ ủy Nam Bộ, Mỹ Nhung đã cùng Phạm Xuân Ẩn, Phương Điền và em gái Mỹ Linh hoạt động trong nhóm cán bộ địch tình xứ ủy. Năm 1957, Phạm Xuân Ẩn được cử qua Mỹ học trong vỏ bọc nhà báo. Trước khi đi, ông đến thăm gia đình Mỹ Nhung, có ý muốn cưới cô em Mỹ Linh, nhưng việc duyên không thành. Mọi chuyện sắp xếp đại sự, các nhà tình báo thực hiện rất giỏi, nhưng chuyện riêng tư lại rất lúng túng. Ngay cả với Mỹ Nhung cũng phải tới năm 39 tuổi mới yên bề gia thất cùng một cán bộ cách mạng vừa tập kết ra Bắc trở về.
Ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương từng nói rằng: “Chị Tám Thảo từng làm liên lạc cho anh Phạm Xuân Ẩn, đã khôn khéo, mưu trí đưa được 24 cuộn phim tư liệu tuyệt mật của Mỹ vào trong chiến khu. Nhờ tài liệu quan trọng này đã giúp cho Đảng ta, Quân đội ta có đối sách kịp thời chống Chiến tranh cục bộ của Mỹ. Ngay trong Chiến dịch Mậu Thân (năm 1968), gia đình chị Thảo đã nuôi giấu đồng chí Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng H63 trong nhà (cách Dinh Độc Lập chỉ 100m)”.
Nữ tình báo xinh đẹp, lanh lẹ Nguyễn Thị Mỹ Nhung ngày nào giờ đã là bà lão 84 tuổi. Tóc trắng phau, nụ cười vẫn đôn hậu và còn giữ được nhiều nét đẹp thời trẻ, bà Tám Thảo rất vui khi đón chúng tôi tới nhà chơi. Căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm nhỏ thuộc quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), đồ đạc được sắp xếp rất lịch thiệp. Bà Tám Thảo sống một mình sau khi chồng mất. Ông bà không có con đẻ, nhưng có nhận một người con nuôi, hiện đã có gia đình và sống riêng. Nói về những câu chuyện hoạt động cách mạng ngày xưa, ở ngay trong lòng địch với vỏ bọc tuyệt vời của tiểu thư khuê các, nữ tình báo Tám Thảo cho biết, bà phải kể đến vài tháng chưa hết chuyện. Những câu chuyện của rất nhiều năm trước, của một hoàn cảnh xã hội đặc thù trong chiến tranh, của một Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của nữ tình báo-nữ anh hùng này.
Trái tim người lính