VH&PT - Trong một năm, ngoài tết Nguyên đán (mồng 01 tháng 01 âm lịch), thì Việt Nam ta còn rất nhiều ngày tết khác nhau. Tuy nhiên, mỗi ngày tết đều có một sự tích và ý nghĩa riêng của nó. Và một trong số đó là ngày tết Đoan ngọ (mồng 05 tháng 5 âm lịch) – hay còn gọi là tết Đoan dương - tết Diệt dâu bọ, cũng là một.
Nguồn gốc ngày mồng 05 tháng 5 âm lịch hằng năm
Ngày mồng 05 tháng 5 âm lịch hằng năm, là một ngày lễ truyền thống, không chỉ riêng của người dân Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trong khu vực Châu Á. Nên nguồn gốc của ngày này, tại mỗi quốc gia, cũng sẽ không giống nhau.
Đối với Việt Nam, ngày này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, là nét văn hóa truyền thống, đã và đang được gìn giữ. Theo tích xưa: Vào một ngày nọ, sau vụ mùa, người dân ở làng kia, đang tổ chức ăn mừng một vụ mùa bội thu. Thì đúng lúc đó, có một tai họa ập đến – lũ sâu bọ, chúng kéo từng đàn, dày đặc, cùng nhau ăn hết tất thảy trái cây, nông sản của dân làng vừa mới thu hoạch được.
Dân tình bối rối, hoang mang, chưa biết phải làm sao, thì bỗng xuất hiện một ông lão, tự xưng là Đôi Truân. Ông lão Đôi Truân đó, đã chỉ dẫn người dân lập một đàn cúng, gồm có: bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà sân nhà vận động cơ thể. Người dân nghe và làm theo lời Đôi Truân. Một lúc sau, lũ sâu bọ chết la liệt. Đôi Truân còn không quên căn dặn người dân: hằng năm, cứ vào ngày này (mồng 05 tháng 5 âm lịch), lũ sâu bọ sẽ lại lộng hành, tàn phá. Vậy nên, bà con cần lập dàn cúng theo chỉ dẫn ở trên, để diệt trừ lũ sâu bọ ấy.
Nghi thức cúng ngày mùng 05 tháng 5 âm lịch và ý nghĩa
Đoan ngọ - tức chính ngọ, thời khắc giữa trưa ngày mồng 05 tháng 5 âm lịch. Đây cũng là thời điểm thực hiện nghi lễ cúng tết Đoan ngọ, từ 11 giờ đến 13h giờ. Phong tục tập quán của mỗi vùng quê khác nhau, vậy nên, mâm lễ cúng cũng vì thế mà không giống nhau. Tuy nhiên, cơ bản thì vẫn sẽ có các món như: Rượu nếp, hương hoa, vàng mã, đăng trà, quả thực. Một loại trái cây phổ biến trong mùa này, thường có là: mận, chuối, vải, hồng xiêm. Và: bánh tro, ôi chè, dường như là hai món không thể thiếu.
Như vậy, ở Việt Nam ta, tết đoan ngọ đã được Việt hóa thành ngày tết “Diệt sâu bọ”. Người dân cho rằng, trong giai đoạn chuyển tiết, giao mùa, chính là cơ hội để dịch bệnh phát triển, sâu bọ sinh sôi, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và mùa màng. Vì thế, nhân dân đã lấy ngày mồng 05 tháng 5 âm lịch hằng năm, là ngày tết “Diệt sâu bọ”, để đánh dấu sang một giai đoạn thời tiết mới. Cũng như, mừng sự phong quang của đất trời. Mong cầu, mùa màng sắp tới được bội thu, nhiều sức khoẻ, bình an, tránh được bệnh tật, hưởng phúc khí tốt lành, khi đất trời giao thoa. Đồng thời, cũng là ngày thờ cúng ông bà, tổ tiên. Toàn thể gia đình, cùng nhau quây quần bên mâm cơm, ấm áp tình yêu thương.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, thì một số ngày tết như thế này đã dần bị mai một. Một phần là do thiếu đi sự trao truyền của thế hệ đi trước. Phần còn lại là bởi những tác động của kinh tế thị trường, văn hoá ngoại lai, khiến người dân không còn chú trọng đến nét đẹp văn hoá truyền thống như trước kia, và trong đó có tết Đoan ngọ.