Thái Nguyên: Chùa Huống – Chốn cửa Phật thanh tịnh

Hằng Nga

03/08/2021 07:20

Theo dõi trên

Trên địa bàn xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) có nhiều đình, chùa gắn với lịch sử hình thành của cả làng Huống Thượng, gồm: Đình Thượng, đình Linh Tùng, đình Hòa Úc, đình Huống Trung, chùa Ó, chùa Ao Sen, chùa Làng Dây, chùa Kim Hoa và chùa Phú Nông (chùa Huống).

chua-huong-1627949896.jpg
Đến chùa Huống, du khách sẽ cảm nhận được không khí yên tĩnh, thanh bình

Theo bia ký và lịch sử Đảng bộ xã Huống Thượng (1946-2010): Chùa Huống hay còn gọi là chùa Nóng và có tên chữ là Phú Nông Tự được xây dựng từ thế kỷ thứ VI, thời Tiền Lý. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi chùa vẫn uy nghiêm hiển hiện trong lòng người dân, phật tử.

Chùa Huống cách Trung tâm T.P Thái Nguyên chỉ chừng 3km, thuộc xóm Cậy, xã Huống Thượng. Ngôi Chùa tọa lạc trên một đồi cao, có dáng chim Phượng Hoàng đang sải cánh bay về phía Tây Nam. Phía trước Chùa là đồi bạch đàn giống như con ngựa quỳ phục, hai bên là những đồi cây sum suê tốt tươi, tượng trưng cho hai cánh của chim Phượng Hoàng đang sải rộng. Gò vầu phía sau tựa như hai cái đuôi dài của chim Phượng Hoàng và được bao quanh bởi dòng sông Cầu thơ mộng.

Theo khảo sát năm 1996 của Bảo tàng tỉnh Bắc Thái thì chùa Huống có từ thế kỷ thứ VI. Hiện nay, trong Chùa còn lưu giữ nhiều bức tượng quý như: Tượng Tam thế, Adi đà, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Thù, Bồ Tát, Phả Hiền, các vị A Nan, Ca Diếp, tượng Đức ông, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tòa Cửu Long và một quả chuông được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) và nhiều đồ thờ cổ khác.

Để tiếp tục chăm lo công tác phật sự tại Chùa, năm 2010, được sự chấp thuận của UBND tỉnh và sự tín nhiệm của nhân dân, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã ký quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Chúc Tiếp về trụ trì nhà Chùa.

chua-huong1-1627949896.jpg
Tượng Quan thế âm Bồ Tát được xây dựng năm 2008 là bức tượng lớn nhất tỉnh Thái Nguyên thời điểm đó

Theo vị sư trụ trì ngôi Chùa: Năm 1949, nhà sư Đàm Hinh về trụ trì Chùa Huống đã cùng với nhân dân địa phương củng cố tôn tạo. Đến năm 1996, chùa có nhà Chính, nhà Tổ, nhà thờ Bác Hồ. Sau khi Ni trưởng Thích Đàm Hinh chuyển trụ trì Chùa Hang, Đại đức Thích Thanh Thắng kế nhiệm đã cùng nhân dân, tăng ni phật tử góp công sức, vật lực xây dựng nhà Mẫu, nhà Tam Bảo và tượng Adiđà…

Hàng năm, ngày lễ chính của Chùa là Tết Nguyên tiêu (15-1 âm lịch); lễ Phật Đản (8-4 âm lịch), lễ Vu lan (15-7 âm lịch).

Nếu có dịp đến Chùa Huống vào đúng ngày rằm tháng Giêng, nhà Chùa mở Lễ hội Xuân, ngoài phần lễ tế trang trọng, ta có thể thấy sắc Xuân tưng bừng tại nơi đây. Trong khoảng sân rộng của Chùa, bên sắc hồng của cây bích đào, có thêm sắc màu lung linh của hàng trăm chiếc đèn lồng do các chú tiểu trong chùa công phu tự làm và trang trí.

Sắc màu tươi thắm ấy hòa với không khí rộn ràng của mùa Xuân cùng các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước trong chương trình văn nghệ cho phật tử và du khách thập phương được sống trong một không khí mùa Xuân tưng bừng, phấn khởi báo hiệu nhiều điều tốt lành trong một năm mới.

Đến lễ Chùa đầu năm, tăng ni phật tử, du khách cầu mong cho một năm mới mọi sự bình an, vạn sự tốt lành. Tới đây, nhiều du khách còn xin lửa đầu xuân mới, vì lửa biểu tượng cho sự ấm áp và no đủ trong suốt một năm, đây là một tục lệ lâu đời của chùa Huống vẫn duy trì được cho tới ngày nay.

Những ngày hè có lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ song khi đến chùa Huống, du khách vẫn sẽ cảm nhận không khí mát mẻ, yên bình, thư thái. Trong khuôn viên Chùa là những hàng nhãn xanh mát có tuổi đời hàng trăm năm. Đây là một địa điểm thú vị để du khách vãn cảnh, tìm hiểu về văn hóa tâm linh.

Bạn đang đọc bài viết "Thái Nguyên: Chùa Huống – Chốn cửa Phật thanh tịnh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn