Thái Nguyên: Di tích lịch sử, văn hóa Long Giàn và đền Hích

Là huyện trung du, miền núi, nằm trên dải đất ven sông Cầu, cách trung tâm T.P Thái Nguyên 5km về phía Đông Bắc. Huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) được biết đến với nhiều di sản văn hóa đã được công nhận xếp hạng, đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Trong đó có Di tích Lịch sử, văn hóa Đền Long Giàn (xã Khe Mo) và Đền Hích (xã Hòa Bình).
den-hich-1627778567.jpg
Quang cảnh Lễ khai hội Đền Hích, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ). Ảnh minh họa của Trường Giang (Đài TT-TH Đồng Hỷ)

Đền Long Giàn thuộc xóm Long Giàn, xã Khe Mo được Nhân dân xây dựng để nghi nhớ công ơn, tài đức của 2 vị nữ Anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã có công lớn trong việc giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước khỏi ách cai trị của phong kiến phương Bắc và sau này là nơi ghi dấu hoạt động liên lạc của cán bộ cách mạng thời kỳ Tiền khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dừng chân thăm đền trên chặng đường kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đền Long Giàn quay mặt theo hướng Tây Nam, nằm bên bờ sông Long Giàn, xung quanh là xóm làng bao bọc và cây cối tốt tươi, với diện tích hơn 1000m2. Đền được xây dựng từ rất lâu, không rõ vào thế kỷ thứ mấy nhưng kiến trúc hiện nay được xây dựng ở thế kỷ 20. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đền Long Giàn bị hủy hoại nặng, mất đi nhiều hiện vật, tài liệu, tuy nhiên hiện nay tại di tích vẫn còn lưu giữ được một số di vật, hiện vật quý như: 03 bát hương cổ; 07 pho tượng cổ; 02 hòm sắc; 01 bộ phận của khám thờ Hai Bà Trưng; một bên kiệu...

Ngày 14/01/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-UBND công nhận Đền Long Giàn là Di tích Lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Đền Hích thuộc xóm phố Hích, xã Hòa Bình được xây dựng vào thời nhà Nguyễn (khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), thờ nữ thần sông nước có tên Bạch Ngọc Thủy Tinh Công Chúa. Hiện nay đền là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân trong vùng.

Đền Hích nằm bên bờ sông Cầu có phong cảnh hữu tình, trên bến dưới thuyền; dù trải qua mưa nắng giãi dầu, đền vẫn giữ được nét cổ kính thâm nghiêm và nhiều cổ vật có giá trị như: Bộ kiệu bằng gỗ sơn son, thiếp vàng, thân kiệu trạm rồng mây hội tụ; 06 pho tượng (trong đó có 03 pho được truyền tụng lại là làm bằng đồng đen); một đôi hạc đồng cổ; ba sắc phong của triều Nguyễn; 01 đỉnh hương và 02 quả chuông đồng cổ; 02 bức hoành phi sơn son, thiếp vàng; 02 câu đối và 01 bức đại tự, đặc biệt còn 04 tấm kê chân cột bằng đá hoa cương. Lễ hội của đền hàng năm tổ chức từ ngày 14 đến ngày 15 tháng giêng (âm lịch); có rước kiệu và có các trò chơi như đấu vật, chọi gà, cờ tướng, đánh bóng,... đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vãn cảnh.

Với những giá trị của di tích, Ngày 28/02/2007, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định số 369/QĐ-UBND xếp hạng Đền Hích, xã Hòa Bình là Di tích Lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.