Thằng vô tích sự

Nụ gọi chồng là “thằng vô tích sự”, nấu cơm cũng cô, đun nước cũng cô, cho con bú cũng cô, giặt quần lót của cô cũng cô, thì thằng chồng không phải vô tích sự thì là gì chứ.
ke-vo-tich-su-1645501405.jpg
 

 

Dũng thì tự hào tuyên bố với bạn bè ở cuộc nhậu “tớ làm tất”!

- Giặt quần áo hả? Tớ làm thêm giờ 3 ngày thứ 7, chủ nhật là đủ mua máy giặt xịn, tức là tớ giặt, đúng chưa.

- Rửa bát hả? Tớ thức đêm 20 ngày dịch tài liệu, để mua máy rửa bát, tức là tớ rửa bát còn gì nữa.

- Lau nhà ư? Tớ cầy thêm mấy bữa là đủ mua máy hút bụi rồi, thuê luôn một người giúp việc nữa. Tức là tớ không chỉ hút bụi, lau nhà mà làm đủ thứ, đúng chưa.

Cứ vài ngày vợ chồng Dũng lại cãi nhau to tiếng về đề tài ấy một lần. Dũng đã nỗ lực hết mức nhưng đã đến giới hạn tận cùng, lúc nản quá, Dũng bắt đầu buông.

Nhân dịp cơ quan tổ chức nghỉ ngơi, đi du lịch, Dũng đăng ký nghỉ phép đi du lịch 7 ngày luôn. Tắt điện thoại, rong chơi thoải mái, “mackeno”, muốn đến đâu thì đến.

Ngày đầu “thằng vô tích sự” đi, Nụ cảm thấy nhẹ cả người, đúng là thằng chồng vô tích sự.

Ngay đêm đầu tiên, đúng cái giờ mọi ngày thằng chồng quậy đòi tòm tem, Nụ ngủ thẳng cẳng, thật là sướng cái đời. Bỗng rầm rầm rầm, cô thức giấc, nhảy phắt ra, mãi cũng chưa hiểu điều gì xảy ra.

Chạy khắp nhà, cuối cùng thì cũng phát hiện nước chảy lênh láng từ tầng 4 xuống cầu thang. Gọi cho  “thằng vô tích sự”, nó tắt máy, cuống lên, Nụ nhớ có lần Dũng tắt cái gì “mát mát” ấy, thế là chạy ra tắt cái công tắc aptomát.

Căn nhà chìm vào tối om, Nụ chẳng ngán, cứ thế đi ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy, điện đã tắt, bật lại aptomat thì được. Ôi giời, dễ ẹc ấy mà, nhưng lúc sau thì nước lại xối xả, tràn ra chảy từ cầu thang xuống đến tầng 1.

Tắt aptomat, tìm số điện thoại thằng thợ điện nước thì đã xóa rồi, đành chạy sang nhờ anh Tông hàng xóm giúp. Hóa ra cái phao ngắt bơm nước bị rơi ra nên điện máy bơm liên tục, gây tràn nước. Mọi ngày “thằng vô tích sự” chỉ ngoáy một cái là xong, hôm nay thì Nụ mất 3 tiếng thấm, lau cầu thang.

Mệt phờ, đưa con đi học thì không biết phải mang theo gì, bé Muối cứ giãy đành đạch bảo:

- Không, không phải, mọi ngày bố không làm thế.

Cáu tiết Nụ phát cho nó 1 cái, nó im bặt nhưng không thèm nói với mẹ câu nào nữa.

Hôm ấy, Muối bị cô phạt vì không mang bảng và phấn.

Đang trên đường đến cơ quan thì xe chết khựng giữa đường, chẳng biết vì sao. Nhờ người xem giúp thì hóa ra hết xăng. Mọi ngày, “thằng vô tích sự” luôn xem xe, nếu vơi là nó đổ đầy luôn.

Nhờ người đẩy giúp xe sang lề đường, vẫn chưa biết phải làm gì nữa, người ta mách:

- Chị đi mua xăng lẻ về đổ tạm, để đi đến cây xăng bơm đầy.

Nụ đâu biết đổ xăng vào chỗ nào đâu. Mãi rồi cũng nhờ người giúp đến chỗ con bé bán xăng lẻ để đổ tạm 1 lít. Đến cây xăng, chẳng biết đỗ xe chỗ nào. Đến mở nắp bình xăng cũng chịu, lại nhờ.

Hôm ấy, kết thúc bằng cú nước bị cắt, do “chồng chị hủy việc trả tiền nước qua thẻ ATM, mà chị vẫn chưa thanh toán tiền tháng trước. Hóa ra  “thằng vô tích sự” đã chủ động điều này trước rồi. Đành nộp tiền để được cấp nước lại.

Con bé đến tối vẫn chưa tắm, vì:

- Ứ, mọi khi bố gọi tắm cùng, còn kỳ lưng cho con nữa.

Xong việc ấy, ngẩng lên thì ôi thôi, cây hoa yêu thích không người tưới đã héo quắt. Mở rộng điều tra, tất cả hoa, rau từ tầng 1 đến tầng 4 khô quắt queo, hầu hết đã không còn cơ hội nở hoa nữa.

Mệt thở không được, mở TV thì nó hiện thông báo “Mời bạn nộp cước phí trước khi sử dụng”, thế là sao? Lại nhờ anh hàng xóm, hóa ra chưa thanh toán, người ta cắt để nhắc, mai nộp vậy.

Vào mạng giải khuây một tý thì wifi không có tín hiệu, à ờ, hình như TV cùng với mạng cáp quang, chưa trả tiền.

Thế thì chị chạy 4G cho nó sướng, cần đếch gì wifi, nhưng được một lúc thì tài khoản hết tiền. Mọi ngày,  “thằng vô tích sự” kiểm tra, cứ gần hết tiền là đã mua bổ sung online ngay. Mà sao nó mua được nhỉ, tài thế, mình thì chịu, hình như cái gì AutoBank ấy.

Ngày thứ 2, giở ví ra để thanh toán mấy thứ liền thì chỉ còn 2,5 nghìn đồng, mọi ngày,  “thằng vô tích sự” thấy ví vợ hết là bỏ vào mấy tờ 500 nghìn đồng. Làm sao bây giờ, hu hu. Chạy mượn hàng xóm được 1 triệu đồng, bõ bèn gì chứ.

Kệ xác nó, đi làm đã, nhưng sờ đến quần áo thì chưa giặt, kể từ hôm “thằng vô tích sự” đi, có ai giặt đâu. Chọn mãi mới có bộ cũ rích, đã bỏ, giờ huy động lại để đi làm đã.

Ngày thứ 3, nhà bẩn như cái toilet công cộng, có ai lau đâu, có ai hút bụi đâu, quét còn chẳng quét mà.

Ngày thứ 4, toàn bộ hoa và rau xanh đã chết khô. Con chó buồn ị quá, kêu ăng ẳng, không có người dắt đi, nó bĩnh luôn ra nhà, thối um. Phải xử lý mất cả tiếng đồng hồ.

Ngày thứ 5, dòi bò nhung nhúc ở thùng rác, mấy ngày có ai đổ rác đâu.

Ngày thứ 6, bếp ga ngừng hoạt động, chẳng biết số nào để gọi ga nữa. Xin được số cửa hàng ga thì không đủ tiền trả, lại đi vay tiền.

Ngày thứ 7, hôm nay “thằng vô tích sự” sẽ về, nó sẽ lo tất cho chị, hì hì. Bỗng điện tắt phụt, hóa ra chưa trả tiền tháng trước. Làm gì còn tiền mà trả, đợi thằng chồng vô tích sự về vậy.

Lần mò tìm mãi mới ra cái nến, lại thấy bức thư “thằng vô tích sự” để lại từ trước khi đi du lịch.

Em thương yêu!

Anh quá buồn về cái việc không thể làm hài lòng em, anh đúng là thằng vô tích sự thật.

Sau chuyến du lịch để giải khuây, anh sẽ nối tuyến đi công tác luôn 1 tháng ở TP HCM.

Chắc tháng tiếp, anh sẽ đi học ở Úc 3 tháng. Chúng mình cũng cần có thời gian để hiểu nhau hơn, em nhỉ.

Hôn em.

Nụ ngồi phịch xuống, cảm thấy ngạt thở. Cô hét lên:

- Đồ đểu, đồ vô tích sự, anh cứ xéo đi, đừng về nữa.

Có tiếng đập cửa, hóa ra chị thu phí thu gom rác và bảo vệ môi trường. Chỉ 15 nghìn đồng thôi, nhưng chị đã vét đến đồng cuối cùng rồi, chẳng có nữa.

Cáu tiết, Nụ gọi điện cho “thằng vô tích sự”, vẫn tò te tí.

Ngày thứ 8: Người nhà bên “thằng vô tích sự” đến đón bé Muối về bên nội nuôi. Nụ cáu tiết quát:

- Mặc kệ cả lò nhà mày, cút tất.

Ngày thứ 9 ...

Chuông báo thức reo, ôi, Muối toát hết cả mồ hôi, hóa ra giấc mơ về cuộc đời của mẹ Nụ. Cô vùng dậy, chuẩn bị đi mời đám cưới mình. Nhất định, sau cưới, cô sẽ không gọi chồng là “thằng vô tích sự”, sẽ tôn trọng anh, sẽ cùng chia sẻ việc nhà.

Muối tự hứa với lòng mình, sẽ đón mẹ Nụ về ở cùng vợ chồng mình, mẹ đã sống độc thân từ ngày bố Dũng bỏ đi, sau đó ly dị. Bố Dũng thì đúng, nhưng cũng đáng trách khi nhất định không tha thứ cho mẹ Nụ, quyết ly dị để lấy người khác không gọi bố là “thằng vô tích sự”.

Thương mẹ Nụ quá.

 

Chuyện làng quê