Thầy giáo với nghề dạy học

Đặng Văn Hương

17/11/2022 07:54

Theo dõi trên

Trước đây người ta thường quan niệm rằng, nghề dạy học là nghề "lái đò", người thầy là người lái đò đưa khách qua sông - là những học trò. Thật là chưa thỏa đáng, chưa đúng với nghề dạy học, chưa đúng với người thầy giáo. Quan niệm và hiểu thế nào cho đúng về người thầy giáo và nghề dạy học?

THẦY GIÁO VỚI NGHỀ DẠY HỌC

dh1qa1-1668646452.jpg
Chú thích ảnh

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và 18 năm thành lập Hội Cựu giáo chức Việt Nam xin viết đôi dòng về người thầy với nghề dạy học.

Từ muôn đời nay, nhân dân ta có câu: "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy". Đó cũng là câu nói cửa miệng dăn dạy, nhắc nhở mọi người, mọi nhà trong xã hội phải "yêu lấy thầy", phải biết ơn người thầy đã dày công dạy dỗ mình để thành Người. Vị trí của người thầy giáo từ xa xưa đến nay trong tâm khảm của người Việt Nam luôn được kính trọng và đề cao: "Không thầy đố mày làm nên; Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". "Công Cha nghĩa Mẹ ơn Thầy".

Hàng nghìn năm phong kiến, thầy giáo là người khai sáng mở đường xây đắp trí tuệ cho con người cho nên suốt hàng nghìn năm ấy thầy giáo luôn được kính trọng và đề cao. Ai cũng biết, có làm đến ông vua, bà chúa - địa vị cao nhất, to nhất, vẻ vang, uy lực nhất của xã hội - vẫn phải trải qua một thời học trò, tất yếu phải có ít nhất một người thầy đã dạy dỗ dìu dắt, uốn nắn cho mình. Vì vậy, người Thầy đặt vào vị trí cao sang thứ hai của xã hội "Quân - Sư - Phụ", cao nhất là Vua, tiếp theo là Thầy, rồi mới tới cha mẹ.

Truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa đến nay, vẫn giáo dục con cái biết kính yêu, tôn trọng thầy giáo. Toàn xã hội đều chào hỏi, gọi bằng hai từ kính trọng "thầy giáo". Thầy giáo Chu Văn An mãi mãi tiếng thơm, dạy vua nên người và biết bao tấm gương các thầy giáo giỏi đã đưa dân trí nước ta lên một tầm cao mới. Kể từ khi có Quốc Tử Giám và hệ thống trường lớp trải dài khắp đất nước, với hệ thống thi cử từ thấp đến cao thi hương, thi hội, thi đình để tìm ra những con người Việt Nam tài giỏi giúp dân, giúp nước và chính họ là những người phụ mẫu.

Từ năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều chủ trương chính sách thể hiện sự nhìn nhận đúng đắn và quan tâm đến ngành giáo dục. Người cha của Bác Hồ và chính Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã từng là những nhà giáo mẫu mực. Ở cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác Hồ kính yêu đã có những câu nói sâu sắc về người thầy giáo: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao xây dựng Chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang". Bác Hồ là người thấy rõ hơn hết vị trí của người học. Bác nói: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Sau này thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định nghề dạy học và vị trí của người thầy: "Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý".

Nói đến đây để muốn nói với các thầy, các cô và mọi người rằng, các thầy cô đang đứng trên bục giảng càng phải làm tốt hơn cái nghề trồng người cao quý của mình. Các nhà giáo, các thầy cô làm trong ngành giáo dục tuy đã nghỉ hưu nay là cựu giáo chức càng phải có ý thức nhiều hơn nữa để giữ gìn đạo đức, ý chí khát vọng vươn lên của người thầy mà mấy chục năm qua ta đã cống hiến, tiếp tục dạy bảo con cháu nên người .

Trước đây người ta thường quan niệm rằng, nghề dạy học là nghề lái đò, người thầy là người lái đò đưa khách qua sông - là những học trò. Thật là chưa thỏa đáng, chưa đúng với nghề dạy học, người thầy. Bây giờ ta phải hiểu rằng, nghề thầy là nghề cao quý, cao đẹp như nghề trồng cây, trồng hoa, người trồng hoa, luôn ươm mầm, tưới tắm, chở che, chăm sóc để những hạt mầm mọc lên tươi tốt rồi thành cây xanh tươi, ra hoa kết quả. Có những rừng cây, vườn hoa đẹp, ngát hương cho đất nước.

Nhà giáo Nguyễn Vĩnh có bài hát về nghề dạy học, về cô giáo: "Em đi gieo mầm xanh":

Có gì đẹp hơn màu xanh cuả lá, sắc thắm của hoa. Có gì cao đẹp hơn nghề trồng hoa - những bông hoa cuả đất nước - đang vươn mình trước ngàn xanh của quê hương. Em gieo những mầm xanh. Em gieo những nụ đời. Em gieo những ước mơ mầm xanh - màu xanh bát ngát. Em gieo những tâm hồn thấm đượm tình yêu. Em gieo giữa quê mình những hạt giống tương lai. Ngày mai mầm xanh sẽ lớn. Ngày mai màu xanh bát ngát, có công của em vun trồng, của em với cả tấm lòng, của người cô giáo Việt Nam. Đẹp thay! Ơi nghề trồng hoa - kỹ sư xây dựng tâm hồn. Tim em mang dòng máu Đảng, ai người hạnh phúc hơn em. Đẹp thay! Ơi nghề trồng hoa".

Đ. V. H

16/11/2022

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Thầy giáo với nghề dạy học" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn