Câu chuyện xoay quanh về nhân vật Purun Dax thuộc tầng lớp Bà La Môn, con trai của 1 vị quan chức cấp cao của triều đình. Purun Dax giữ tới chức Tể tướng của 1 trong những bang bản địa nửa độc lập miền Tây bắc Ấn Độ. Với nhiều vinh quang và phần thưởng cao quý, Purun Dax vẫn trút bỏ tất cả để ra đi như 1 tu sĩ hành khất không tài sản, không nhà cửa, lang thang độ nhật.
Ông lang thang về hướng dãy Himailaya - Tây Tạng buốt lạnh, vượt qua những vách đá và vực thẳm. Ông tới một nơi cô tịch và mênh mông, được nhận thức ăn bởi những người bản địa nghèo. Ông sống quây quần bên muông thú: những con khỉ, hươu, gấu… và trò chuyện với chúng, gọi chúng là “người anh em của ta”.
Cuộc sống cứ trôi đi cho tới 1 ngày, con hươu (Kipling đặt tên là Braxinh) đến báo hiệu cho ông già dấu hiệu bất thường. Ông đã nhận ra, đốt đuốc, cưỡi lên lưng con hươu đi báo hiệu cho dân làng phía dưới thung lũng về nguy hiểm sắp xảy đến. Ông đã báo cho cả làng dưới thung lũng về nguy hiểm mà các con vật đã rầm rập chạy theo để cùng dân làng chạy đến nơi an toàn.
Khi dân làng vừa đến nơi an toàn, tức thì đất đá sạt lở vùi lấp hết những nơi họ ở. Ngay sau đó thì Purun Dax (hay Purun Bhagát- cách gọi 1 vị thánh Hinđu hoặc 1 người mộ đạo) cũng an nghỉ. Dân làng đã xây 1 đền thờ nhỏ để tưởng nhớ ông. Câu chuyện xoay quanh 1 con người đã từ bỏ tất cả danh vọng của cuộc đời để tu hành, sống yêu thương và thấu hiểu muông thú, lại cứu cả dân làng nhờ những linh cảm về hiểm nguy của các con thú đã khơi gọi tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với các loài vật.
Đó chỉ là 1 trong rất nhiều thông điệp mà nhà văn Rudyard Kipling đã truyền đạt trong sự nghiệp văn học đầy vinh quang của ông.
Rudyard Kipling (1865 –1936) là 1 nhà văn người Anh gốc Ấn Độ, sinh sau đại thi hào Nguyễn Du đúng 100 năm. Kipling được trao giải Nobel vào năm 1907 khi mới 42 tuổi – là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải Nobel Văn học.
Một số tác phẩm của ông có thể kể đến: Plain Tales from the Hills (Truyện kể núi đồi, 1887), tập truyện ngắn; The Light that Failed (Ánh sáng đã tắt, 1890), tiểu thuyết; The Naulahka - A story of West and East (1892), tiểu thuyết; The Jungle Book (Chuyện Rừng xanh, 1894), tập truyện; The White Man's Burden (Gánh nặng người da trắng, 1899), thơ…
Trong số các tác phẩm trên, đáng chú ý có: Chuyện rừng xanh (tên gốc tiếng Anh: The Jungle Book, xuất bản năm 1894) là một tuyển tập truyện ngắn hầu hết các nhân vật trong truyện là con thú, ví dụ như cọp Shere Khan hay gấu Baloo, dù nhân vật chính của cuốn sách là cậu bé "người-sói" Mowgli, vốn được bầy sói nuôi lớn ở trong rừng.
Các câu chuyện được lấy bối cảnh tại một khu rừng ở Ấn Độ; một địa điểm hay được nhắc đến là "Seonee" (Seoni), một thị xã của bang Madhya Pradesh. Chủ đề quan trọng xuyên suốt tập truyện là về sự ruồng bỏ và nuôi dưỡng, sự tự do, nguyên mẫu con người trong hình dạng các con vật. Chúng dạy ta về lòng tôn trọng đối với bề trên, sự vâng lời, và về địa vị xã hội với "Luật Rừng", đồng thời cũng khắc họa về tinh thần tự do khi di chuyển giữa các thế giới khác nhau, như việc Mowgli chuyển từ rừng ra sống ở ngôi làng.
Ủy ban Nobel đã trao giải cho Rudyard Kipling với đánh giá về ông: “Vì sự quan sát, trí tưởng tượng sống động, độ chín muồi của tư tưởng và tài năng xuất sắc của người kể chuyện”.
Ngoài những tiểu thuyết và truyện ngắn đỉnh cao, Rudyard Kipling còn viết thơ, có lẽ bài thơ “Nếu” được nhiều độc giả biết đến nhất. Đây là bản dịch tiếng Việt cho bài thơ “Nếu” do dịch giả Nguyễn Viết Thắng dịch:
“Nếu con có thể bình tâm khi mà tất cả
Hết thảy kinh hoàng và đổ lỗi cho con
Nếu con vẫn vững tin khi mọi người nghi kỵ
Mặc ai đó không tin nhưng con vẫn vững lòng
Nếu con biết đợi chờ và kiên nhẫn chờ trông
Không lấy điều dối gian đáp lại điều gian dối
Hoặc bị căm ghét mà không căm ghét lại
Không nói những lời khôn, không ra vẻ thánh thần.
Nếu con mơ ước mà không để ước mơ làm chủ đời con
Nếu con có thể suy tư mà không lấy nó làm mục đích
Nếu cả thành công, thất bại trên đường đời con gặp
Mà vẫn như nhau - đối xử một tấm lòng
Nếu con biết nghe sự thật những lời của con
Bị kẻ bất lương làm bẫy lừa kẻ dại
Hoặc nhìn đời con đổ vỡ, đành làm lại
Và con cúi xuống dựng nên với công cụ đã mòn.
Nếu con dám đem những đồng vốn của mình
Đổ hết vào một trận ăn thua úp ngửa
Đành làm lại từ đầu vì đã mất tất cả
Mất mát của mình không một chút thở than
Nếu con ép được con tim, thớ thịt đường gân
Phục vụ cho mình để giành mục đích
Và cố níu giữ, dù chẳng còn sức lực
Nhưng ý chí vẫn đòi: "Hãy giữ vững lòng tin!".
Nếu con giữ tư cách khi nói chuyện với mọi người
Hay khi ngồi với Vua – thường dân không gián đoạn
Nếu không để thiệt cho mình – dù với thù hay bạn
Không còn để ai nợ nần hay còn nợ gì ai
Nếu mỗi phút giây con có được trong đời
Không để phí hoài mà luôn luôn đặt trên đường chạy
Thì thế giới này sẽ là của con, cùng tất cả những gì trong đấy
Và – quan trọng hơn – con trai, con là một Con người!”