Thơ Nôm của Nguyễn Trãi - Thơ Ngôn Chí

Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

24/10/2023 16:20

Theo dõi trên

b1blucj1a-1698138695.jpg

Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

THƠ NGÔN CHÍ
     (Bài 1)

PHIÊN ÂM:

Thương Chu bạn cũ gác chưa đôi,

Xá lánh thân nhàn thuở việc rồi.

Cởi tục trà thường pha nước tuyết,

Tìm thanh trong vắt tiện chè mai.

Chim kêu hoa nở ngày xuân tạnh,

Hương lụn cờ tàn tiệc khách thôi.

Bui có một niềm chăng nỡ trễ,

Đạo làm con lẫn đạo làm tôi.

Bài này, nhà nghiên cứu văn học Bùi Văn Nguyên phiên câu đầu là Thương Chu bạn cũ các chưa đôi và hiểu chữ các chưa đôi là “không thể theo bạn cũ, kiểu bợ đỡ giặc Minh, mà phải đi ở ẩn chờ thời”. Hiểu như thế, nghĩa là ông Bùi Văn Nguyên đoán định bài này Nguyễn Trãi viết trong khoảng 10 năm bị giặc Minh quản thúc ở thành Thăng Long. Bản của Trung tâm nghiên cứu quốc học (TTNCQH) phiên là gác chưa đôi. Căn cứ vào tổng phổ trữ tình của cả bài thơ Ngôn chí số 1 này, chúng tôi lại ước đoán Nguyễn Trãi viết bài thơ này khi đã về Côn Sơn ở ẩn, danh nghĩa vẫn còn chức quan, nhưng chỉ là quan nhàn (thanh quan), dưới triều vua Lê Thái Tông trị vì, chứ không phải là ở thời kỳ lẩn trốn giặc Minh.

Thương Chu bạn cũ gác chưa đôi,

Xa lánh thân nhàn thuở việc rồi.

Thương, tức triều đại nhà Thương, còn gọi là nhà Ân (khoảng 1600-1100 TCN) ở Trung Quốc xưa. Chu, tức triều đại nhà Chu, nối tiếp với nhà Thương (khoảng 1100-256 TCN). Nhà Chu có hai thời kỳ: Tây Chu (1100-771 TCN) và Đông Chu (771-256 TCN). Câu Thương Chu bạn cũ gác chưa đôi, nghĩa là cái chuyện nhà Thương bị diệt, nhà Chu thay thế, bây giờ cũng nên gác lại, chẳng nên đôi co tranh cãi làm gì. Ví như nhóm thế lực này bị diệt, nhóm khác nổi lên thao túng quyền bính trong triều, đúng hay sai, tốt hay xấu, cũng chẳng nên nhắc đến làm gì cho mệt trí não. Ở bài thơ chữ Hán Thu dạ khách cảm, Nguyễn Trãi cũng từng viết: Thôi đừng bàn luận làm chi cái chuyện nước Phàm mất với nước Sở còn (Hưu luận Phàm vong hữu Sở tồn). Bây giờ thì đã xa lánh chốn quyền môn nhiều hiểm hóc rồi, thì cũng chỉ nên tận hưởng cái thú nhàn khi tấm thân này được nhàn rỗi (thuở việc rồi) này thôi. Tình ý của hai câu thơ mở đầu là vậy!

Đã xác định tâm thế dứt khoát như vậy rồi thì ta vui với thú nhàn của ta ở nơi vắng vẻ:

Cởi tục trà thường pha nước tuyết,

Tìm thanh trong vắt tiện chè mai.

Cởi tục, nghĩa là cởi bỏ tất cả, quăng đi tất cả những thứ rác rưởi, những tham vọng thấp hèn, những tục lụy nhiêu khê ở nơi trần thế, để được thanh thản ngồi uống trà và ngâm nga thơ phú. Mà trà đây là trà pha bằng nước tuyết, tức như thứ nước đọng trên lá sen đêm qua, vô cùng tinh khiết cơ ! Uống trà pha bằng nước tuyết, để tìm thanh, tìm lấy cái thanh cao, cái sự cao khiết của thú uống trà, cái cao đạo của kẻ sĩ quân tử chính danh. Hãy xem, hãy lắng nghe ngoài kia:

Chim kêu hoa nở ngày xuân tạnh,

Hương lụn cờ tàn tiệc khách thôi.

Ngày xuân ấm áp và tạnh ráo, không thấy có mưa xuân dầm dề, nên chim chóc vui vẻ cùng đua nhau kêu hót. Hoa mừng tiết xuân đẹp cũng hân hoan phô phang hết sắc màu chung vui với trời đất. Lò hương đã đến lúc cạn rồi (lụn, có bản phiên là lọn) thì tiệc trà mời khách cũng vừa thôi. Tự vui với mình, vui với khách, với trà, với cuộc cờ, tưởng như là để quên hết cái sự đời trần lụy, nhưng với Tiên sinh Nguyễn Trãi, cũng chỉ là một cách nói, một cách phát ngôn có vẻ như bất cần, mà thực ra thì âm thầm chua xót. Trong lòng Tiên sinh có bao giờ được hoàn toàn yên tĩnh đâu? Tấm lòng lo nước thương dân của nhà Nho suốt đời chỉ lấy cái đạo vì dân vì nước để lo nghĩ, để hành động, nên chi câu kết bài thơ, Tiên sinh mới khẳng định rằng:

Bui có một niềm chăng nỡ trễ,

Đạo làm con lẫn đạo làm tôi.

Duy chỉ có (bui) một niềm lo niềm nghĩ, rằng chẳng khi nào, chẳng bao giờ dám trễ nải, nguôi quên, ấy là cái đạo làm con (đạo hiếu) lẫn ( hoặc liễn) đạo làm tôi (đạo trung).

Tấm lòng Ức Trai cao cả sáng trong như thế, dẫu trong cơn bĩ cực, bị bỏ rơi hoặc bị vô hiệu hoá, buộc phải nhàn rỗi, bao giờ cũng thế cả thôi!...

Bạn đang đọc bài viết "Thơ Nôm của Nguyễn Trãi - Thơ Ngôn Chí" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn