Thông điệp cỏ & giấc mơ cội nguồn

“Giấc mơ của một loài cỏ” là tập thơ đầu tay của tác giả Thèn Hương được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 8-2023. Đọc “Giấc mơ của một loài cỏ” nhận ra thơ chị rất mới, rất phù hợp với xu thế thời đại, lời thơ mang hồn vía của những dấu ấn sáng tạo cá nhân.Thơ chị ám ảnh, giọng thơ bộc trực mạnh mẽ, với một lối viết tỉnh táo, đầy lý trí, đọc không thấy nhàm chán bởi những vần điệu, chỉ thấy một nỗi buồn & đau đầy kiêu hãnh của những người phụ nữ, những người đàn bà giàu ước mơ, ôm mộng đổi đời.
thong-diep-co3-1698458154.jpg
 

 

Tập thơ được chia làm ba phần. Phần I (Tam tấu tôi) gồm ba khúc/ bài viết về chính tác giả với một cái “Tôi” thuần khiết, trinh nguyên đúng bản ngã của một cô gái dân tộc vùng cao mang đầy khát khao, lý tưởng một cách mạnh mẽ, một cái “Tôi” cũng giản dị, kín đáo từ cách học ăn, học nói và học đi từ những bước đầu tiên bước ra đời sống đầy rẫy tốt, xấu, thật, giả đan cài, một cái tôi thể hiện được trực diện tiếng nói của mình nhưng cũng vừa đủ chừng mực, rón rén trước những điều tử tế, tốt đẹp của cuộc đời.

Phần II là trường ca (Giấc mơ của một loài cỏ) gồm ba khúc cỏ với những nhân vật cụ thể và giấc mơ riêng. Trường ca này là nội dung cuốn hút, hấp dẫn bạn đọc nhất của tập thơ. Cách sử dụng hình ảnh cỏ để đột phá, đối thoại giữa con người với thiên nhiên và vạn vật trong môi trường sinh thái để tìm kiếm những giá trị nghệ thuật trong một trường ca. Đặc biệt trường ca còn thể hiện được tiếng nói của dân tộc mình đầy sức cuốn hút bằng những diễn ngôn đặc biệt của con người, vùng đất tác giả đã từng sinh sống và đi qua.

Phần III (Thổ cẩm về xuôi) gồm 15 bài thơ viết về dân tộc Tày, Mông, Dao, Cao Lan… về đời sống văn hóa qua các điệu hát Sình Ca với những điệu múa nổi tiếng của dân tộc như múa Chim gâu, Xúc tép, Cầu mùa; tục ở rể của người Dao, rồi múa Thuông, hát Then của người Tày … Có thể coi đây như thể những nét đẹp riêng của dân tộc miền cao “về xuôi” hội nhập vào đời sống văn hóa chung của đất nước. Những bài thơ lẻ trong phần này rất có ý nghĩa trong đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng dân tộc mình. Lời thơ tự nhiên hòa trộn nhiều hình ảnh, phong cảnh cùng sự kết hợp chọn lựa từ ngữ địa phương mang đến cảm giác thân thiện, gần gũi và thích thú.

Đọc “Giấc mơ của một loài cỏ” nhận ra thơ chị rất mới, rất phù hợp với xu thế thời đại, lời thơ mang hồn vía của những dấu ấn sáng tạo cá nhân. Mới trong hình thức, mới trong nội dung, mới trong cách kể chuyện, cái mới ấy được tạo lập từ diễn ngôn, từ thông điệp truyền tải ngôn ngữ, tiếng nói của cá nhân mình, dân tộc mình ra văn bản và từ văn bản qua sự sắp đặt đã trở thành tác phẩm. Có thể khi viết chị không chủ ý đến cấu trúc câu thơ ngắn, dài hay vần điệu mà cứ “bê” nguyên cái cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên của mình vào thơ nhưng người đọc lại nhận ra cách kể chuyện bằng thơ rất lạ, tưởng như thô nhám mà lại giàu suy tưởng. Chị đã chọn cỏ để khai thác những thân phận người vùng cao có cái tên “Mảy”; “Mây” “Luyến”; “Lục”; “Ngần”; “Dì Lèng”; “Chị Ngự”; “Thầy Phà”; “Giác Khoa” trong khúc (Cỏ & giấc mơ) để đồng hành cùng họ. Các nhân vật trong thơ chị có thể họ là những người bạn, người em, người chị, người thầy, họ luôn cố gắng vượt thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tăm tối để đi tìm giấc mơ cho chính mình. Phải chăng đó chính là thân phận của cỏ, hay thân phận vượt thoát của chính tác giả trong nỗi truân truyên, đắng cay của kiếp người, kiếp cỏ?

thong-diep-co2-1698458154.jpg
 

Thơ chị ám ảnh, giọng thơ bộc trực mạnh mẽ, với một lối viết tỉnh táo, đầy lý trí, đọc không thấy nhàm chán bởi những vần điệu, chỉ thấy một nỗi buồn & đau đầy kiêu hãnh của những người phụ nữ, những người đàn bà giàu ước mơ, ôm mộng đổi đời. Thơ chị khai thác được sự đổi mới của xã hội trước những nghèo nàn, lạc hậu còn vây bủa, môi trường sống còn khó khăn, thiếu thốn của những người phụ nữ vùng cao. Họ muốn tự cởi trói cho mình để tìm về nơi đô hội nhưng cuối mỗi bài thơ bao giờ cũng là “giấc mơ” xa ngút ngàn, bỏng rẫy.

Những bài thơ hay nhất, ám ảnh nhất của chị lại là những bài thơ không thể trích dẫn mà cần phải đọc toàn văn bản. Trong bài thơ “Vô danh cỏ” chị nói về một loài cỏ nhỏ nhoi đầy thân phận giữa núi rừng hoang sơ, loài cỏ không tên, loài cỏ không ai buồn nhớ, loài cỏ bám vào đá, vùi trong tuyết, loài cỏ đến nỗi lũ châu chấu, cào cào, chuồn chuồn cũng có thể dẫm đạp lên nỗi đau của cỏ, khi tất cả đã bỏ đi cỏ mới nhận ra thân phận mình là cỏ dại. Loài cỏ ấy cũng như con người vùng cao sau những va đập vẫn ngời lên sức sống, cỏ vẫn cần mẫn với trách nhiệm của mình trước thiên nhiên, trước thiếu hụt của môi trường sinh thái. Lối tư duy khác biệt cùng với tâm hồn thăng hoa chị đã tạo nên giá trị thẩm mỹ của một loài cỏ bằng những cảm xúc chân thành và từ đó đã bật lên tiếng nói đầy trăn trở trước cuộc đời.

Thơ chị đến từ nội lực, từ chính cuộc sống và sự trải nghiệm của mình chứ không phải những màu mè, sáo rỗng. Chị xác tín mình, xác tín thơ bằng những hình ảnh, âm thanh có thật của cuộc sống, là những phận người xung quanh chị, hoặc chị đã gặp đâu đó trong lễ hội, trong chợ phiên… bằng trách nhiệm của một người thơ trước những nỗi đau & giấc mơ của con người chị đã hóa thân họ vào cỏ để tìm đến chiều sâu triết luận trong hành trình sáng tạo. Housman nói “Thi ca là sự trút xả, như con trai cho ngọc ở nơi đau. Vui sướng khiến người ta ồn ào, đau thương khiến người ta nén lại” và bật ra thành ngôn ngữ của riêng mình. Goethe thì nói “Khi vui lòng như mang cái gì hình tròn êm ái, khi đau lòng mang một vật gì nhiều cạnh. Cái hinh tròn một loáng nó đi qua, cái hình góc cạnh còn vướng mãi” và chính các nhà thơ lãng mạn phương tây khi viết họ cũng nói rất nhiều đến nỗi đau và khát khao của con người. Có người nói “Thơ ca đích thực là thơ ca xuất phát từ trái tim đau, nỗi đau của nhân loại, đồng loại và những bài thơ hay thường do đau đớn với đời sống mà sinh ra”.

Thèn Hương thuộc thế hệ thơ 8X nhưng thơ chị khá mạnh mẽ, táo bạo và quyết liệt. Những suy niệm về đời sống của chị khá già dặn, chị quan tâm đến số phận con người, đến thời cuộc, biết đau trước những giấc mơ của con người và tôi cho rằng đó là một giá trị lớn trong tâm hồn. Giới thiệu ngắn về tập thơ và trường ca này, nhà thơ Phan Hoàng đã viết: “Diễn ngôn khác lạ, giàu hàm lượng văn hóa, Thơ Thèn Hương vừa khám phá vẻ đẹp truyền thống, vừa mang hơi thở đời sống đương đại của vùng núi cao phía Bắc với một sức quyến rũ riêng. Ngôn ngữ thơ của Thèn Hương tích hợp được vốn từ vựng của nhiều dân tộc nhưng không kém phần hiện đại và sáng đẹp. Mỗi bài thơ của chị là một câu chuyện, một phong tục tập quán, một cách ứng xử tinh tế, một giấc mơ bình dị của những người dân tộc thiểu số vùng cao quê hương - giấc mơ xây đắp cuộc sống giản đơn mà ngập tràn tươi vui hạnh phúc”. Nhà thơ Inrasara thì viết: “Lối làm cổ xưa qua cách thể hiện không thiếu hiện đại, Thèn Hương như kẻ hát rong kể câu chuyện quê nhà. Thi sĩ có nhiều câu chuyện để kể, là điều hiếm. Giấc mơ bình thường và bé nhỏ của sinh phận vùng cao “cũ như giấc mộng và mới như cái hiện tiền” được kể bằng ngôn ngữ tinh ròng và đẹp. Câu chuyện làm sống lại bao giấc mơ, thành và bại, hụt hẫng hay thất thố nhưng chưa một lần bị rời bỏ…” Rõ ràng đọc thơ của chị chỗ nào cũng thấy giấc mơ ôm chứa những cảm xúc về nguồn cội. Vượt thoát hay không vượt thoát khỏi giấc mơ đó còn là một hành trình dài có thể thành công, có thể thất bại và cỏ là người bạn đồng hành với chị trong tập thơ – trường ca này. Cỏ cũng có linh hồn của cỏ, cỏ vô danh hay có danh cũng là biểu tượng và có sức sống mãnh liệt của cỏ. Con người lấy cỏ làm trọng tâm và thậm chí còn phải học hỏi rất nhiều từ cỏ.

thong-diep-co1-1698458154.jpg
 

Tập thơ thể hiện được thái độ sống, khát khao về vùng đất, con người. Nhiều bài thấm đẫm nỗi buồn suy tưởng đến tận cùng cảm xúc. Nhiều câu thơ dài như những bài tản văn nhưng lại giải mã được nhiều bí ẩn mà tác giả muốn gửi gắm như “Suối Nguồn; Câu chuyện Hin Mạ; Chuyển dịch về vùng đất hoang; Bài ca về loài rêu; Về đi em; Đi tìm đất sống…”. Cỏ trong thơ chị tưởng như rời rạc từng bài nhưng lại tập trung vào một chủ thể đó là con người trước những biến động đời sống. Sự giản dị của ngôn ngữ trong cách kể lại làm đầy cái mới lạ, khác biệt trong sáng tạo. Nhà thơ Pablo Neruda từng nói “Làm gì có ai có quyền buộc nhà thơ phải viết thơ bằng những câu dài hay ngắn, mặc áo rộng chứ không được mặc áo chật, mặc áo màu này chứ không được mặc áo màu khác. Chỉ có người làm mới có quyền quyết định điều đó. Quyết định đó là hơi thở của anh ta, máu thịt anh ta, và thơ được làm ra từ những yếu tố đó” Và chị là người cũng không đứng ngoài điều đó.

Thèn Hương tên thật là Thèn Thị Hương, chị sinh ra và lớn lên tại thôn Bản Ba xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Trong trại viết của Liên hiệp các Hội VHNT vừa qua tôi có may mắn được đến thăm thác Bản Ba nơi quê hương chị do Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức, được đến thăm hồ Ngòi Là, được nghe trực tiếp các điệu hát, múa Sình ca của dân tộc Cao Lan và khi tiếp cận tập thơ này tôi đã phần nào hình dung ra những điều chị viết cũng như lối kể chuyện bằng thơ đầy cuốn hút. Tập thơ và trường ca “Giấc mơ của một loài cỏ” là sự giao hòa, là điểm kết nối giữa con người với thiên nhiên, đồng cảm, xót xa trước những giấc mơ đầy chính đáng của con người, của những người phụ nữ vùng cao. Một tập thơ rất đáng đọc và chiêm nghiệm.

Bắc Giang 27.10.2023 - ĐTH