Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu trong chuyển đổi số

Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ: chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hòa nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số, vì vậy phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

b1ahu-tuong-250223-3-1677310594.jpg

Phiên họp lần thứ 5 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ảnh: TTXVN

 

Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Phải đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân. Phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Không phát sinh thêm thủ tục gây phiền hà cho ngươi dân, doanh nghiệp.

Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng nhấn mạnh những nhiệm vụ cụ thể của từng bộ ngành địa phương, trong đó nhấn mạnh yêu cầu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của đơn vị mình và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề “Năm quốc gia về dữ liệu số”.

Thủ tướng nêu rõ việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm chễ, không theo đúng kế hoạch.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và đánh giá mức độ hoàn thành trong các bộ, ngành, địa phương. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu về KTXH từ các bộ, ngành trung ương đến địa phương nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách.

Cùng với đó đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, CSDL một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

 Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 và Quyết định 422 của Thủ tướng. Tập trung rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.

Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp Giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, đặc biệt là tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cùng với đó tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và có chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám; Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các thành viên Ủy ban và Tổ công tác tham dự hội nghị đã tập trung đánh giá về tình hình chuyển đổi số và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, nhất là dịch vụ công trực tuyến; đề xuất những giải pháp cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Lãnh đạo các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành doanh nghiệp, dịch vụ; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong các dịch vụ công, giao dịch kinh tế, dân sự; thanh toán điện tử...

Các đại biểu cho rằng, việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip giúp công dân được giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí; giúp cơ quan nhà nước giảm chi phí để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, giảm thiểu tình trạng “tham nhũng vặt”.