Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích, làm rõ về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, những điều kiện, tiền đề để Phú Thọ sớm trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu, kết quả đạt được trong thời gian qua của tỉnh Phú Thọ, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phát triển đó là “Phú Thọ phải tự lực tự cường vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhất là phát triển nhanh, bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, xứng đáng với vùng Đất Tổ”.
Phú Thọ cần lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá; không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ. Trong công việc, phải suy nghĩ kỹ, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Đồng thời cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Tỉnh phải phát huy tối đa lợi thế về truyền thống văn hóa, nguồn lực con người, tinh thần đoàn kết, vượt khó; phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề đặt ra, cùng các địa phương trong vùng tạo đột phá trong giao thông kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trước hết cần tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thác lợi thế, đa dạng và nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh, phát triển các chuỗi và chuỗi liên kết; tập trung, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cơ cấu lại để công nghiệp thực sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; hạ tầng chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh. Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc và con người Phú Thọ. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho ý kiến cụ thể về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phân tích làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Phú Thọ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 8 tháng của năm 2022.
Theo đó, năm 2021 và 8 tháng của năm 2022, trong bối cảnh chung của cả nước tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh và các yếu tố tác động khác; song tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh cơ bản duy trì ổn định, có sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 6,28%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,8%, phấn đấu cả năm 2022 trên 8%.Quy mô kinh tế năm 2021 đạt 80,7 nghìn tỷ đồng; dự kiến hết năm 2022 đạt khoảng 86,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiếp tục được duy trì, nâng cao; Phú Thọ luôn thuộc tốp 10 các tỉnh, thành phố về giáo dục và đào tạo. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; khảo sát thực tế tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ và thăm Dự án xây dựng công trình Trường THPT Chuyên Hùng Vương.