HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ảnh minh họa
Theo đề án chương trình, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế có dân số khoảng 1,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 70%. Đến năm 2045, dân số toàn đô thị khoảng 1,85 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 75%. Tầm nhìn đến năm 2065, dân số toàn đô thị khoảng 2,3 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 77%.
Dự kiến hành chính đô thị, giai đoạn năm 2025 - 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 09 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó có 02 quận Bắc sông Hương Nam sông Hương, 03 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và Phong Điền, 04 huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Giai đoạn này, Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III. Thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Ảnh minh họa
Từ năm 2030 đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 04 quận Bắc sông Hương, Nam sông Hương, Hương Thủy, Hương Trà, thành phố Chân Mây, thị xã Phong Điền và các huyện. Tập trung xây dựng thành phố Chân Mây trở thành đô thị mới, động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030.
Giai đoạn từ năm 2045 đến năm 2065, Thừa Thiên Huế ổn định và tiếp tục nâng cao chất lượng đô thị với mô hình khu vực đô thị trung tâm, gồm 04 quận Bắc sông Hương, Nam sông Hương, Hương Thủy, Hương Trà); 01 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện.
Để thực hiện chương trình phát triển đô thị vừa được thông qua, Thừa Thiên Huế cần khoảng 73.324 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 29.890 tỷ đồng; ngân sách tỉnh khoảng 8.512 tỷ đồng; nguồn vốn khác khoảng 34.922 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có khả năng khắc phục các tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu của đô thị tương ứng với từng giai đoạn.
Các khu đô thị mới, dự án tái thiết, dự án tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch,... để tăng mật độ dân số. Công trình thể dục thể thao cấp đô thị; Công trình giao thông để tăng tỷ lệ đất giao thông so với đất đô thị, mật độ đường giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng;…
Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, Thừa Thiên Huế xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư. Tiềm năng đã có 49 dự án ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, gồm 14 dự án Trung ương đầu tư và 35 dự án do tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý đầu tư.
Các dự án Trung ương đầu tư gồm: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Nâng cấp quốc lộ 49A đoạn Thuận An - A Lưới, Mở rộng hầm Phước Tượng, Phú Gia, Nâng cấp Sân bay Quốc tế Phú Bài;…
Dự án do tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý đầu tư gồm: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An; đường La Sơn - Chân Mây; cầu Vĩnh Tu; Cầu nối Phú Đa đi xã Vinh Xuân; tuyến Tây phá Tam Giang - Cầu Hai từ Phong Bình (Phong Điền) - Vinh Hiền (Phú Lộc);…
Đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, Thừa Thiên Huế ưu tiên đầu tư 125 dự án. Trong đó, có 26 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, gồm: Tổ hợp TMDV tại khu đất ký hiệu TM -DV4 nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu; vòng xoay trên không tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu; Khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao tại phường Thuỷ Vân; Trung tâm bảo dưỡng máy bay; Khu du lịch nghỉ dưỡng Phú Diên 1, 2, 3, 4; Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp khu dân cư Điền Hòa; Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp phía Bắc (Bàu Co); Khu du lịch sinh thái và sân gôn Thanh Tân; Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp dân cư Vinh Hải; Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinh Hiền; Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp ở Bạch Mã;…
Bên cạnh đó, có 46 dự án đầu tư phát triển khu đô thị, khu dân cư nông thôn, nhà ở: Khu đô thị phía Nam sông Như Ý; Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu; Khu đô thị cảng hàng không quốc tế Phú Bài; Khu đô thị sinh thái Thủy Phương;
Dự án khu đô thị sinh thái khu vực Thủy Thanh và khu vực lân cận; Dự án Khu đô thị Thanh Toàn; Khu phức hợp Đô thị, Khu nghỉ dưỡng Khu D - An Vân Dương; Khu phức hợp Đô thị, Khu đô thị Phú Dương, Phú Thượng, Phú Mỹ; Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Vinh An; Dự án khu phức hợp du lịch, đô thị Điền Lộc;…
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng ưu tiên đầu tư 4 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông; 19 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, năng lượng; 8 dự án giáo dục, dạy nghề, y tế; 9 dự án văn hoá, thể thao, môi trường; 6 dự án khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, truyền thông; 7 dự án nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định nhấn mạnh: Mở rộng địa giới chỉ là cái bắt đầu. Phải làm sao để bảo vệ được TP Huế như là một đô thị di sản mẫu mực, nơi chứa đựng đầy đủ nhất những “hồn cốt” văn hóa Huế, Việt Nam; đồng thời phải làm cho Huế phát triển thành một trung tâm tri thức, công nghệ làm động lực cho toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ về kinh tế, trở thành TP trực thuộc Trung ương theo định hướng đã được nêu tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; mới là điều cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới…
Việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng mở rộng thành phố Huế, tạo cơ hội cho Huế cũng như tiền đề để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Trong đó TP. Huế là “hạt nhân”, đô thị trung tâm....