Thừa Thiên - Huế từng bước xóa bỏ các dự án treo trong công tác quy hoạch phát triển

Trí Thiện - Quốc Quân

09/06/2022 08:19

Theo dõi trên
img-20220609-070736-1654736104.jpg
Đường Thái Phiên - Tây Lộc

Với chủ trương phát triển kinh tế, du lịch cho vùng đất Cố Đô, nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án du lịch.

Tuy nhiên, thực tế nhiều dự án kéo dài nhiều năm qua, hàng chục dự án không triển khai thực hiện sau khi được giao đất. Nhiều dự án đã khởi công, động thổ rồi án binh bất động, gây lãng phí tài nguyên đất đai, trong lúc người dân không có đất sản xuất.

Tại thị trấn Lăng Cô hiện có 7 dự án khu nghỉ dưỡng đã hoạt động, 4 dự án đang triển khai xây dựng và còn 10 dự án đang trong giai đoạn… chuẩn bị đầu tư với diện tích đất sử dụng lên đến hàng trăm ha, dù chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ cam kết.

img-20220609-070732-1654736102.jpg
Đường Trần Quốc Toản

Huyện Phú Lộc đã giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các nhà đầu tư thực hiện 56 công trình, dự án tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu Công nghiệp La Sơn. Trên 520 trường hợp được bố trí tái định cư, tổng diện tích đất thu hồi hơn 1.000 ha. Thế nhưng, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Lập An, bến thuyền thể thao dưới nước của Công ty du lịch Đảo Ngọc, khu du lịch của Công ty cổ phần Gia Minh Conic… đến nay vẫn im lìm bất động.

Năm  2017, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết thu hồi 24 dự án, 29 dự án khác thuộc diện giám sát đặc biệt và 26 dự án là đôn đốc thực hiện. Qua kiểm tra rà soát, hiện nay, một số dự án tiếp tục không triển khai. Trong đợt giám sát lần này cùng với Nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ đề nghị tiếp tục rà soát nếu những nhà đầu tư không làm thì sẽ kiên quyết thu hồi.

Trao đổi với báo chí về những khó khăn vướng mắc trong việc tháo bỏ quy hoạch treo, quy hoạch cục bộ ở bờ bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Huế nói chung và khu vực Kinh thành Huế nói riêng trong thời gian qua được triển khai một cách đồng bộ, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

img-20220609-070729-1654736100.jpg
Đường Trần Quốc Toản

Từ năm 1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lập các đồ án quy hoạch chi tiết khu vực Kinh thành, Phú Hậu , Phú Hiệp, Phú Cát,Thủy Biều, khu dân cư Nam Vỹ Dạ, khu dân cư Tây An Hòa, khu trung tâm phía Nam thành phố Huế,..., từng bước nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch, làm cơ sở để tổ chức quản lý phát triển, chỉnh trang đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan đô thị. Trong đó, Khu vực Kinh thành Huế có tính chất đặc thù là việc tồn tại đan xen giữa các khu vực dân cư đã ổn định và các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế (đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993). Do đó, việc quy hoạch đối với khu vực này phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Di sản văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích. 

Với tính chất như vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt quy hoạch khu vực Kinh Thành theo định hướng giãn dân nhằm giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng thời quy định chặt chẽ việc tách thửa, khống chế chiều cao xây dựng công trình không quá 11m. Quá trình triển khai thực hiện đã góp phần bảo tồn cảnh quan, gìn giữ và bảo vệ các công trình di tích.

Ngày 30/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3360/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, định hướng giai đoạn 2019 – 2022 tiếp tục di dời hơn 5000 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực 1 di tích bên trong Kinh thành Huế (gồm khu vực tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ, Trấn Bình Đài, Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, khu vực tiếp giáp Mang Cá). 

Hiện nay, UBND thành phố Huế đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch phân khu Kinh Thành trong năm 2021 (Nhiệm vụ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt) dự kiến triển khai hoàn thành đồ án quy hoạch trong năm 2022 nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Quá trình lập đồ án sẽ triển khai đầy đủ công tác niêm yết công khai lấy ý kiến người dân và các ban ngành liên quan, tổ chức phản biện theo quy định nhằm đảm bảo chất lượng, tính thực tiễn của đồ án.

Theo nhận định của ông Hoàng Hải Minh, để tháo gỡ những vướng mắc của các đồ án quy hoạch chưa phù hợp, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở ngành, địa phương tiến hành đồng bộ hàng loạt giải pháp như: Nâng cao chất lượng từ khâu lập quy hoạch, bố trí kinh phí và lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực.

Huy động sự tham gia ý kiến của cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan trong quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch. Triển khai đầy đủ công tác phản biện của các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch. Đề xuất phương án quy hoạch gắn liền với dự báo nguồn lực, thời gian thực hiện cụ thể.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chú trọng công tác đôn đốc, đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch bằng giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quy hoạch. Nâng cao việc công khai quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện tuân thủ quy hoạch và quy định quản lý ban hành kèm theo đồ án quy hoạch.

Tích cực triển khai công tác kêu gọi đầu tư, đặc biệt đối với các dự án mang tính chất động lực phát triển. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án chậm triển khai thực hiện.Thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh quy hoạch không hợp lý. Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch trên nguyên tắc phục vụ lợi ích chung cộng đồng, xã hội, không có yếu tố lợi ích cá nhân.

img-20220609-070725-1654736099.jpg
Ông Hoàng Hải Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Cũng theo ông Hoàng Hải Minh, việc xóa bỏ các dự án quy hoạch treo có phần chậm trễ do quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong giai đoạn gần đây, trong khi các quy hoạch được nghiên cứu từ những năm 2010 nên có nhiều vấn đề chưa theo kịp với quá trình đô thị hóa. Quá trình thực hiện điều chỉnh các quy hoạch cũng tiến hành chặt chẽ, do đó, cần nhiều thời gian thực hiện.

Mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác quy hoạch đã được nêu rõ tại Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 24/4/2021 về tổ chức lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, trong đó bao gồm:

- Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, đô thị, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế.

- Quy hoạch bố trí lại dân cư, sắp xếp hình thành các cụm ngành sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Đánh giá, rà soát tình hình thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Làm rõ những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện để có cơ sở điều chỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

- Phân công cụ thể cho các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện để chủ động triển khai thực hiện đúng kế hoạch đề ra theo lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý.

- Đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện các quy hoạch được khả thi, kịp thời theo đúng tiến độ và trình tự ưu tiên.

Bạn đang đọc bài viết "Thừa Thiên - Huế từng bước xóa bỏ các dự án treo trong công tác quy hoạch phát triển" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn