Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt: Giá trị văn hoá của 36 giá đồng (Bài 4)

Trong loạt bài phỏng vấn Nghệ nhân Ưu tú Trần Ngọc Ánh gồm 5 bài về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung của bài số 4: Giá trị văn hoá của 36 giá đồng.
gia-quan-hoang-muoi-1729741507.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Trần Ngọc Ánh loan giá phụng hành giá Quan Hoàng Mười

+ Xin chị cho biết ý nghĩa của 36 giá đồng?

- Trong nghi lễ hầu Thánh Mẫu có 36 giá đồng. Con số 36 tương ứng với 36 vì tinh tú trên bầu trời (Thiên Cang). Mỗi giá đồng là hình thức của thanh đồng bắc ghế hầu một vị Thánh. Bắt đầu là Thánh Mẫu thần chủ Liễu Hạnh. Sau đến các giá Chúa, giá Quan, giá Chầu, giá Hoàng, giá Cô và cuối cùng là giá Thánh Cậu.

Hầu đồng hay còn gọi là hầu bóng. Nghĩa là hầu các giá bóng Thánh. Đây là nghi lễ cơ bản nhất trong nghi lễ mang tính tôn giáo thờ Thánh Mẫu.

Không gian hầu đồng trong tâm thức cộng đồng là không gian Thiêng của tín ngưỡng. Phía trên là ban thờ Thánh Mẫu. Phía trước ban là sập Công đồng. Đồng nhân là trung tâm của thực hành nghi lễ. Hai bên là bốn hoặc hai đệ tử hầu dâng. Bên cạnh là đội cung văn (ban nhạc) của buổi lễ.

Thanh đồng (đồng nhân) thể hiện thánh tích, công đức, lịch sử, trạng thái của vị Thánh trên cơ sở diễn xướng bằng những cảm xúc đặc biệt, nhằm toát lên thần thái của vị Thánh. Tất nhiên, diễn xướng phải trên nền âm nhạc dân gian của cung văn.

Đội cung văn thực hiện phần nhạc nền bằng các thanh điệu từ nhạc cụ và ca từ. Ca từ là văn hầu vị Thánh. Ví dụ: Văn ông Hoàng Mười có đoạn: “Gươm thiêng chống đất chỉ trời / Đánh Đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung / Thanh xuân một đấng anh hùng / Tài danh nổi tiếng khắp vùng trời Nam...”.

Còn bản văn Quan lớn Tuần Tranh - Người anh hùng của dân Âu Lạc, nhưng bị nỗi oan uất nghẹn trời xanh thì: “Rừng cỏ hoa xót người đã khuất / Bỗng đùng đùng nổi trận mưa rơi / Nỗi oan chuyển động đất trời / Dây oan kết lại thành đôi Bạch Xà...”.

gia-quan-lon-tuan-tranh-1729741427.jpg
Nghệ nhân Lê Thị Thanh Hiền loan giá phụng hành giá Quan Lớn Tuần Tranh

Nền âm nhạc dân gian được tạo thành bởi các nhạc cụ dân gian như đàn tranh, đàn nguyệt, sao trúc, nhị và bộ gõ. Nhạc công được đào tạo bài bản, hoặc là những người có căn số, có năng khiếu bẩm sinh, theo thầy văn học đạo, học nhạc mà thành. Nói chung, sự kết hợp hài hòa giữa diễn xướng của thanh đồng trên nền nhạc dân gian đã tạo ra một không gian thoát tục, đưa con người vào thế giới lung linh huyền ảo của thần linh mà không hề xa rời đời sống thực tại của họ.

Để có được điều ấy cũng cần phải nói rõ thêm về lễ phục, sắc phục khi thanh đồng hầu Thánh.

Có hai nguyên tắc về sắc màu của trang phục, lễ phục: Các vị Thánh thuộc Nhạc Phủ bao giờ cũng mặc đồ màu xanh. Thuộc Thoải Phủ thì màu trắng. Địa Phủ màu vàng. Các vị thánh Thượng Thiên màu đỏ. Ngoài ra còn sắc màu khác đặc trưng cho từng vị như màu tím dành cho Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh. Cô Đôi Cam Đường vận áo tứ thân, đội nón quai thao đúng như người con gái đất Kinh Bắc. Màu hồng đào là của Cô Chín. Màu tím tía là áo váy của Chầu Bé và Cô Bé Thượng.

gia-co-chin-1729741427.jpg
Nghệ nhân Lê Thị Thanh Hiền loan giá phụng hành giá Cô Chín

Sắc màu lễ phục rất hài hòa với sắc màu tượng Pháp trong đền phủ thờ. Cạnh đó là màu vàng rực rỡ của hệ thống cửa võng và lung linh với các bức  phù điêu, cũng như các linh vật. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc, riêng biệt, hòa quyện vào sắc thái văn hóa vùng miền, tạo nên bản sắc chung của văn hóa cộng đồng dân tộc.

Điều đặc biệt nữa là sự hiện thân của vị Thánh nơi cõi tục hết sức tự nhiên và gần gũi với cuộc sống ngày thường của đồng bào các dân tộc anh em.

Bà Chúa Thác Bờ thì đúng là một cô sơn nữ người Mường đẹp như Tiên nữ. Cậu Bơ Thoải thì đúng là một thiếu niên vùng sông nước đi quăng chài thả lưới. Cậu Bé Đồi Ngang thì lại như một thiếu niên vùng sơn cước. Ăn mặc gọn gàng, chân quấn xà cạp của người đi rừng săn bắt muông thú. Các vị Quan thì đúng như Quan của các triều đình ngày xưa khi thiết triều. Tất cả là sự tái hiện cuộc sống và mọi hoạt động của các tầng lớp người Việt từ xa xưa tới nay.

Riêng các bản văn hầu thì đặc sắc hơn bởi sự tích hợp những công trạng, thánh tích trong lịch sử, trong truyền thuyết và truyền thống văn hóa ở mọi lĩnh vực, mọi đẳng cấp, mọi tầng lớp người trong xã hội. Nhất là khi lại được thể hiện bằng văn chương thơ phú dân gian ngàn đời của dân tộc. Chẳng những nó óng mượt như gió trên đồng vàng, nó ấm áp và đầy cảm xúc như những sợi khói lam chiều ở đồng quê, mà còn ở tầng cao của nghệ thuật thi ca truyền thống. Tất cả tạo nên một  không gian sinh động... gắn liền với đời sống xã hội. Nó xóa nhòa mọi ranh giới giữa ảo tưởng thần linh với đời thường khi con người chìm vào không gian linh thiêng ấy. Cái hay của nghi lễ tôn giáo bản địa là ở chỗ đó.

+ Ngoài những điều chị vừa nói, còn có gì đặc sắc hơn nữa không?

- Có chứ! Ví dụ, sắc thái, sắc diện của thanh đồng biến đổi theo từng động thái, trạng thái tâm lí của vị Thánh. Người ta bảo đó là sự biến động trong “biểu cảm nghệ thuật” nhưng thực ra người trần gian cũng chưa hiểu hết trạng thái đặc thù tâm lí của thanh đồng. Họ cho rằng thanh đồng là người được truyền dạy kĩ càng. Không phải vậy đâu! Chẳng có ai được dạy để làm thanh đồng cả. Họ không phải là nghệ sĩ múa trên sân khấu, nên sự thật không có chuyện đào tạo ra thanh đồng.

Người đồng thầy mở phủ cho đệ tử (con đồng) chỉ truyền đạt những nét cơ bản về lề lối, phép tắc khi hầu chứ không thể dắt tay, chỉ dậy từng động tác. Con đồng là người có “căn” được Thánh “chấm đồng” để ra gánh vác việc Thánh. Vì vậy, họ có bản năng rất tự nhiên khi “nhập vai” chứ không có đào tạo theo các diễn viên trên sân khấu.

Người càng sát căn bao nhiêu thì họ càng chuẩn chỉ bấy nhiêu. Ngay cả biểu cảm của họ cũng sát với diễn biến trạng thái tâm lí của nhân vật. Đặc biệt, các anh cứ chú ý tới sắc diện thì biết rõ. Sắc diện của họ lập tức thay đổi đúng trạng thái tâm lí, thì đấy là đồng nhân đáng quý. Chẳng hạn, giá Hoàng, gương mặt đồng bỗng dưng bừng sáng, toát ra vẻ hào hoa phong nhã. Khi sang giá Cô Bơ thì nét đẹp quý tộc lại phảng phất nỗi buồn. Còn giá Quan Tuần Tranh thì sắc mặt đanh lại như đang chịu một nỗi uất nghẹn, không giải nổi...

Phóng viên: Cảm ơn chị!