Thương lắm đóa cúc quỳ

Nguyễn Sinh (Tình Biển)

12/09/2022 16:53

Theo dõi trên

    Đêm đó trăng rằm bàng bạc soi xuống khoảng sân trạm xá nằm trong khuôn viên ngan ngát cây xanh. Trong căn phòng chờ sinh có hai phụ nữ trạc hai lăm, hai sáu. Một người trắng trẻo dáng dấp ăn vận kiểu thị xã, người kia nhìn cách ăn vận và nước da bánh mật cho thấy chị là người quanh năm gắn với đồng áng.

293411568-143282878314337-2455400322085491117-n-1662823038.jpg

Hai người hỏi tên thì biết, người phụ nữ da trắng tên là Hồng, còn chị có nước da bánh mật tên là Na. Hai người trò chuyện với nhau xen lẫn với những với cơn đau trở dạ bất chợt nên cũng không muốn hỏi thêm về làng xã, quê quán. Chỉ biết chồng chị Hồng đi công tác ở mạn ngoài, chồng chị Na đi bộ đội mạn Tây Bắc. Khoảng chiều tối chị Na vào phòng sinh, ít giờ sau đó chị bước ra với đứa nhỏ trên tay, chị nói với chị Hồng:

- Cháu là con gái chị ạ.

Chị Hồng vội đáp:

- Thế thì chúc mừng chị, chị nằm xuống đây nghỉ ngơi đi... Tôi đem nhiều đồ sơ sinh, tôi tặng cháu tấm mền hoa này chị đắp thêm cho cháu, chứ mảnh vải xô đó mỏng, sợ cháu lạnh.

 Chị Na cảm động:

- Cảm ơn chị!

Chị Hồng lại nói tiếp:

 - Chị buồn gì nữa... Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng...

Ngay lúc ấy, cơn đau đẻ quặn lên khiến chị Hồng mặt mày tái nhợt, ôm bụng chạy vội vào phòng sinh. Chị đã sinh hạ một bé trai kháu khỉnh, trắng trẻo, mập mạp. Vừa đau, vừa mệt, cảnh chồng công tác xa nhà không ai bên cạnh giúp đỡ nên chị một mình lo toan tất cả, chị vắt sữa non cho con bú rồi mệt mỏi ngả lưng xuống chiếc giường gỗ ọp ẹp thiếp đi. Giường bên kia mẹ con chị Na đang ngủ ngon lành. Trong đêm khuya, bệnh viện chìm trong cảnh im ắng, thi thoảng tiếng máy bay B52 Mỹ từ biển lao vào rèn rẹt rồi lại lao ra biển. Bỗng chị nghe tiếng gì như tiếng con mèo hen kêu đâu đó rất gần. Nhìn sang giường bên cạnh, thấy chị Na vẫn đang ngủ, nhưng bỗng tim chị đập rộn lên từng hồi rồi chị lắng nghe xem có phải lũ mèo hoang gọi đực không? Không phải, tiếng mèo hoang gọi đực chúng phải gào rú dai dẳng meo...meo... meo...eo...eo... thê thảm kia. Tiếng kêu này bé nhỏ và thương thiết lắm nghe như tiếng của con nghé non hay tiếng con dế: é...é...é...

Chị bật dậy, đẩy cửa bước ra ngoài. Trăng vào rằm về khuya bắt đầu sáng lạnh, in từng bóng cây như hình những con người đứng bất động nhìn xoáy vào chị. Chị rùng mình và ớn lạnh sống lưng. Lo cho con nằm một mình, chị lại chạy vào phòng vặn to cây đèn dầu, thấy thằng bé no sữa vẫn đang ngủ yên trong tấm chăn hoa xanh, màu má nó hồng hồng, cái mồm chép chép sữa mẹ trong mơ. Chị lại ngủ tiếp, nhưng trong phòng lại phát ra tiếng kêu khọt khẹt lúc này như con chuột sặc nước.

Chị ngồi bật dậy vặn to ngọn đèn rồi lay chị Na dậy. Nhưng... một lần nữa, sống lưng chị lại ớn lạnh, mồ hôi túa ra... Người chị Na lạnh ngắt và dưới gầm giường có đám máu loang rộng, bên cạnh có con gì đang ngọ ngoạy, nó kêu lên khe khé,... khèn khẹt. Nhưng ớn lạnh hơn là chị nhận ra tấm chăn màu hoa cà chị cho đứa trẻ ấy, sao bây giờ lại nằm dưới gầm giường? Chị bật ngửa người, ngồi thụp xuống, trời ơi, đứa trẻ... Chị chọc tay vào đám chăn và nâng nó lên, nhưng ngay sau đó đàn kiến đông nhung nhúc bu đỏ tay chị, chúng đốt vào hai tay chị rồi bò nhanh lên nách, chúng cắn đốt điên cuồng vì vừa bị mất miếng mồi ngon. Chị la lên:

- Cứu...cứu... các bác sĩ ơi... cứu. Chị ôm đứa trẻ vừa chạy vừa la, vừa đập cửa phòng trực, mọi người xôn xao thức dậy, thằng con chị giật mình khóc thét. Đứa trẻ được trao vào tay các y bác sĩ. Còn chị ngồi lui ra ngoài khóc nức nở bên cạnh thi thể chị Na. Đến lúc này thì chị biết rằng, chị Na đã chết vì bị băng huyết nên đứa trẻ cựa quậy đòi bú, chẳng may rơi xuống gầm giường. Chị Hồng than, sao cũng một kiếp con người mà mẹ con chị Na lại chia lìa nhau thế này?

Đêm đó máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời rồi chúng cắt bom ở đâu đó rất gần trạm xá. Chị Hồng phải ôm chặt lấy con rồi cố nhét cái đầu vú vào mồm cho nó đỡ hoảng sợ. Đứa trẻ con chị Na được các y bác sĩ cấp cứu sốc nhiễm độc và giảm đau từ những vết sưng đỏ tấy khắp người do đàn kiến hung hãn cắn, đốt. Sau đó, chị Hồng liên tục cho bé gái bú cùng với con trai mình.

Ngày hôm sau, các y bác sĩ tìm giấy tờ tùy thân trên người chị Na không có gì, họ chờ thêm một ngày không có người nhà đến rồi quyết định đưa chị đi mai táng. Vì đứa trẻ mất mẹ khi còn quá bé mà chị Hồng phải ở lại trạm xá tới 5 ngày. Đêm đêm, nách bên trái chị ôm con trai, nách bên phải chị ôm đứa bé bị bỏ rơi rồi chị suy nghĩ, nếu chị không nuôi đứa bé này thì sẽ ra sao đây? Các y bác sĩ ở đây không có ai nuôi con nhỏ thì làm sao có sữa để bú. Suy nghĩ mãi rồi cuối cùng chị quyết định xin nuôi đứa bé. Ngày ra viện, chị đi bộ 3 cây số, hai nách cắp hai đứa trẻ về nhà, trên đường đi hoa cúc quỳ nở vàng với một màu vàng tươi mát, chị vui mừng đặt tên cho đứa trẻ ấy là Cúc, còn con trai chị là Tường.

                    *****

Trong căn phòng xập xệ quây bằng ván ép của cửa hàng muối. Chị Hồng gọi điện cho chồng đi công tác xa phải về ngay để mừng sinh con trai và để chị động viên anh cho chị nuôi thêm đứa bé gái bị người ta bỏ rơi, âu cũng là cái duyên trời định, rất may, chồng chị vui vẻ chấp thuận, anh nói chỉ thương chị vất vả và rồi anh lại đi công tác xa. Ba mẹ con đắp đổi nuôi nhau chừng Cúc được 5 tuổi thì có một gia đình ở xa có hoàn cảnh hiếm muộn con, đến nhà năn nỉ xin chị Hồng được nhận Cúc làm con nuôi. Nghĩ thế nào, chị lại thuận tình tin tưởng và cho người ta đưa Cúc về làm con nuôi. Cúc về nhà cha mẹ nuôi, ban đầu được mọi người quý mến, nhưng nuôi Cúc hơn một năm mà mẹ nuôi vẫn chưa có tín hiệu có thai. Sang năm thứ hai thì bà thất vọng ê chề, khi mọi người đi làm vắng, bà đổ lên đầu Cúc bao nhiêu tội lỗi. Bà chì chiết nuôi Cúc tốn cơm, tốn gạo mà không được tích sự gì. Mỗi đêm, bố nuôi cắp ống điếu thuốc lào sau đít, thủng thẳng đi ra khỏi nhà không ngoái đầu nhìn lại, sáng hôm sau ông mới về, thế là bà lôi Cúc ra đánh bầm giập, bắt Cúc nhốt ở chuồng trâu. Ban ngày bắt làm đủ thứ việc từ hái rau cho lợn, đến chăn trâu, xay lúa, giã gạo. Tết năm sau, bố nuôi dắt về một người đàn bà bụng mang, dạ chửa, nói là bà Hai. Ông ra điều kiện, nếu bà Cả chấp nhận thì ở chung một nhà. Nếu không, ông dựng cho bà một gian nhà tranh, hai chái trên hai sào đất phần trăm cuối làng để bà ở riêng. Bà Cả chấp nhận phương án hai, ra ở riêng. Bố nuôi khuyên bà, ra đó ở một mình buồn thì ông cấp cho bốn thúng thóc, mang theo Cúc ra đó ở cho vui. Cúc vui mừng, hy vọng cảnh mẹ con cô độc, bà sẽ thương Cúc hơn.

                    *****

Những ngày đầu diễn ra êm đềm, bà còn hứa với Cúc sẽ cho Cúc đi học, nhưng những ngày sau đó thông tin cuộc sống hạnh phúc của bố nuôi với mẹ Hai liên tục bay đến gian lều bé nhỏ của hai mẹ con họ. Mẹ Cả khóc lóc cả ngày không tưởng đến làm lụng. Một tay Cúc xáo cỏ, nấu cơm, đi cấy. Tưởng rằng mọi nỗ lực của Cúc sẽ được bình yên trong căn lều đó, nhưng rồi mẹ Cả bắt đầu uống rượu say xỉn cả ngày, trước đây Cúc hay bị mẹ Cả đánh đập vì sự tuyệt vọng của bà, bây giờ Cúc thường xuyên bị bà đánh đập vì bà say xỉn, nhà cửa hoang tàn, lúa gạo dần chạy sang hàng rượu không còn gạo để nấu cơm. Xóm giềng cho vay sắp lượt rồi họ cũng chán. Một buổi trưa đói quá, ngồi mãi với con mèo già rồi trí nhớ đưa Cúc lửng thững đi lên đường quốc lộ, Cúc vừa đi vừa gặm hai cái dái mít chát sệt, nhưng cũng khiến cái dạ dày đỡ sôi lục cục. Đi miên man trên đường, Cúc nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc mình được ở với mẹ Hồng. Trong trí nhớ của Cúc, thằng Tường hay tranh ăn, tranh đồ chơi với Cúc, nhưng dù sao đó cũng là những tháng ngày hạnh phúc nhất. Đi mãi đến rời rã đôi chân, có lúc Cúc phải ngồi xuống vệ cỏ mà nghỉ ngơi rồi lại đi tiếp. Từ nhà Cúc lên thị xã phải hơn 10 cây số. Đi mãi rồi Cúc cũng tìm được đến con phố có nhà mẹ Hồng. Đến nơi, Cúc gõ cửa, chủ nhà bước ra nói Bà Hồng đã bán lại căn nhà này để đi Miền Nam cả gia đình. Nghe xong Cúc quỵ xuống ngất luôn, khi tỉnh dậy, chủ nhà đổ nước đường cho Cúc, mua cho Cúc bát cháo rồi hỏi sự tình, Cúc kể lại đầu đuôi câu chuyện. Họ rất thương Cúc nhưng không thể nuôi Cúc, họ cho Cúc 5 đồng bạc rồi bà chủ nhà lấy xe đạp đèo Cúc qua đường quốc lộ, chỉ cho Cúc đường về nhà gần nhất. Bà ấy còn xui Cúc nếu mẹ Cả ác thế thì không ở với mẹ Cả mà nên về ở với mẹ Hai xem sao. Nghe lời chỉ dẫn, Cúc đi thẳng về nhà mẹ Hai, Cúc gõ cửa bước vào gặp mẹ Hai đang bế đứa con trai trên tay. Cúc nói ráo hoảnh:

- Mẹ Cả đánh con, con xin về ở với mẹ.

     Bà Hai nghe Cúc nói vậy, nhíu mày rồi gọi vóng vào trong:

- Anh ơi, cái Cúc nó không chịu được chị Cả suốt ngày say rượu, nó xin về ở nhà ta anh ạ.

Người bố nuôi nghe bà Hai nói vậy, bèn đáp:

- Nếu cho nó ở thì giao cho nó nấu cơm, bế em, chăn lợn, giặt giũ...

Từ đó, Cúc ở lại trong nhà mẹ Hai cho đến năm 17 tuổi, tuy không được học hành, nhưng bù lại, đức tính siêng năng của Cúc khiến mẹ Hai rất hài lòng. Cúc không được ăn uống đầy đủ như con nhà người ta, lại mặc cảm con nuôi, đứa ở, nên ít giao tiếp bên ngoài. Suốt ngày làm việc không biết đến mình đã lớn và đã trở thành thiếu nữ...

                    *****

Cho đến một lần, đêm đó trăng thu sáng bảng lảng trên cánh đồng mênh mông cuống rạ. Sương đêm mát rượi, Cúc tranh thủ thả trâu ban đêm cho nó ăn ở cánh đồng gốc rạ mới mọc lúa chét xanh trổ bông có nhiều sữa non để bồi dưỡng cho con trâu béo tốt để phục vụ mùa cày tới. Ngồi trên lưng trâu, Cúc nghe tiếng vạc khắc khoải gọi nhau, lòng thêm cô độc. Con trâu làm bạn với Cúc từ nhiều năm nay, tiếng cạp thức ăn của nó khiến không gian đỡ hoang vắng. Cúc nhìn trăng khe khẽ hát ru lại lời bài ru ngày xưa mà mẹ Hồng đã ru Cúc và Tường ngủ:

À...ơi...

Đêm qua tát nước sau đình. Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen...

Em có được thì cho anh xin.

Hay là em để làm tin trong nhà...

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu...

À...ơi...

Hát đến đây, nước mắt Cúc hai hàng lênh láng. Cúc nghĩ, vì sao trên đời có người con trai dễ thương như thế? Giá mình có một ai đó nói với mình những câu như thế... Nhưng phận đi ở, mù chữ, ai thèm ngó ngàng đến mình...

Bạn cùng trang lứa chúng đã lấy chồng, có con. Còn Cúc quanh năm vẫn vò võ, đầu tắt mặt tối, đơn côi một mình. Nước mắt rơi thánh thót, Cúc để nó tự lăn xuống hai gò má rồi cứ nhìn lên bầu trời đầy sao găm lắc rắc cùng những đám mây bồng bềnh trôi mà nấc lên từng hồi. Con trâu đã ăn no nê nên quay đầu vọt lên con đê chạy dài bên dòng sông Lĩnh. Gió miên man thổi, con trâu đang thủng thẳng đi, bỗng nó hộc lên một tiếng thật to rồi bốn chân nó choãi ra, không chịu đi nữa. Nó cất cái cổ to đùng lên cao rồi rống lên từng hồi: "Tru...Tru...Tru", liền sau đó nó gò lưng hất hất Cúc xuống. Cúc vội nhảy xuống xem chân nó vướng cái gì, hay là đinh đóng đê làm nó bị thương? Trời ơi ! Một xác người đàn ông mặc quần áo quân nhân nhầu nhĩ... Là anh Khùng xóm trên. Vợ anh ta mới chết đuối năm ngoái sao hôm nay lại ra nông nỗi này? Cúc đặt tay lên ngực anh ta, thấy tim còn đập. Cúc dắt vội con trâu buộc vào bụi cây rồi chạy vụt về làng la lối:

- Có người chết ngoài đê... Bớ làng nước ơi...

Rầm rập khắp làng trên xóm dưới, ai có đèn đem theo đèn, ai có đuốc đem theo đuốc, rầm rập chạy theo chân Cúc. Đến nơi, ai nấy té ngửa, có người kêu thét lên:

- Lại là gã Khùng, khênh anh ta về làng kẻo anh ta chết mất bà con ơi... Mộng du đi lang thang trong đêm, may mà cô Cúc phát hiện chứ không mò mẫm xuống sông thì toi rồi. Khổ thân anh ta quá... Trời ơi là trời!

Một đám thanh niên huỳnh huỵch khênh anh Khùng về nhà. Bước vào nhà, Cúc thấy bát hương vợ anh tàn lạnh trên tường, cửa nhà mốc thếch, thằng Tâm con trai anh ta mặt mũi xanh xao đứng nép góc nhà, hai tay bíu vào nhau khóc thút thít.

                    *****

Từ hôm đó, hình ảnh anh Khùng cứ như cái móc treo tường đóng đinh vào đầu Cúc. Cúc luôn nghĩ trưa nay bố con anh ai nấu cho mà ăn, tối nay chẳng may anh lên cơn đầu thì sao, anh có còn bỏ nhà, bỏ con mà đi lang thang nữa không? Nhiều hôm Cúc đi chợ, Cúc ăn bớt tiền, mua cho bố con anh ít cá tươi đem vào nhà rắc muối, kho vội cho bố con anh rồi vội vã về nhà. Những lúc cô lui cui dưới bếp, trên nhà anh hát nghêu ngao trong hoang tưởng:

"Gặp em... Trên cao lộng gió... Đường Trường Sơn ào ào lá đỏ... Chào em... Em gái Trường Sơn, ơi em gái Trường Sơn, hẹn gặp nhé... Giữa Sài Gòn...".

Việc Cúc thường xuyên trốn nhà ban trưa khi bố mẹ nuôi đã ngủ, hay ban tối khi mọi người đang say giấc nồng để đến dọn dẹp cho bố con anh Khùng rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Để nhân việc làm của Cúc, mẹ Cả lấy cớ đến nhà mẹ Hai để một mũi tên bắn hai mục đích, vừa hả hê việc Cúc bỏ mình về ở với mẹ Hai, vừa hả hê trả mối thù bà Hai lâu nay làm bà bầm gan tím ruột. Bà đứng giữa sân giẫm chân bành bạch, bà hét lên the thé:

 - Bớ ông Toàn, gia thế nhà ông đẹp mặt thiên hạ lắm rồi nên ông rước một con điếm về làm vợ, nay lại nuôi ong tay áo, để con Cúc trốn nhà đi ở nhà thằng Khùng mà sao ông không thấy xấu hổ...

Trước lời đay nghiến của bà Cả, ông Toàn vớ lấy cái đòn gánh phang vào người Cúc. Bị đau, Cúc chạy ra ngõ, đúng lúc đó, anh Khùng đi vác thuốc lào ở xóm dưới về qua, thấy cảnh ồn ào, hò hét, khóc lóc, chửi bới om sòm, anh dừng lại, thấy Cúc đang quằn quại trong tay ông bố nuôi, anh lao vào xô ông Toàn ra, anh nói:

- Ông cũng là con người, cô ấy là người ăn kẻ ở trong nhà, sao ông nỡ ra tay như vậy?

Ông Toàn nghe anh Khùng nói vậy, bèn nỗi khùng lên:

- Á, tưởng ai, hóa ra thằng Khùng. Mày đã quên những lúc lên cơn điên hò hét, xung phong khắp làng. Mày chết đi, sống lại mấy lần, mê mê, tỉnh tỉnh, thế mà mày dám dạy đời ông sao? Hỡ thằng Khùng?

Vừa nói, ông Toàn vừa trở đòn gánh định phang vào người anh Khùng, nhưng anh Khùng nhanh tay gạt mạnh, chiếc đòn gánh văng xuống đất. Ông Toàn vờ ôm bụng la:

- Ối làng nước ơi, thằng Khùng nó dám đánh vào bụng tôi có khi vỡ gan rồi bà con ơi... Thằng giết người, thằng điên!

Ông chú anh Khùng cũng có mặt, ông xô anh Khùng ra rồi lật áo ông Toàn lên, ông cười:

   - Không hề hấn gì ông Toàn nhá, ông đừng có vu oan giá họa, nhà tôi nghèo, nhưng giấy rách không bị mất lề, cháu tôi có là thằng Khùng cũng hơn chán vạn thằng đàn ông ở cái xóm này. Cô Cúc có yêu thương nó là quyền con người, không ai có quyền ngăn cản, xỉ vả.

Ông Toàn nghe ông chú ruột của anh Khùng nói thế, bè chỉ tay vào Cúc:

- Á... Á... Thế là rõ rồi nhé, tao truyền hồn cho con Cúc, từ giờ phút này mày mà dám bước chân vào nhà tao, tao lót lá đuổi ra khỏi nhà.

Ông Toàn nói rồi đóng sầm cửa ngõ lại. Bà con chòm xóm ai cũng về nhà nấy. Cúc đứng bơ vơ ngoài đường, ông chú anh Khùng gọi Cúc và anh Khùng về nhà ông, ông hỏi anh Khùng có ưng Cúc về làm vợ không? Anh Khùng băn khoăn lo lắng:

- Con thương tật thế này, lại có con riêng, không biết cô ấy có ưng không?

  Ông chú lại hỏi Cúc:

- Cháu có muốn lấy Khùng làm chồng không?

Cúc bẽn lẽn:

- Hoàn cảnh cháu đi ở, mù chữ, không biết anh Khùng có ưng không?

Nghe Cúc nói thế, ông chú ruột anh Khùng hạ một câu xanh rờn:

- Bố mẹ anh mất đi, lòng tôi đau lắm, hàng ngày thấy cảnh anh gà trống nuôi con chúng tôi ruột xót như dưa. Nay trời thương cho anh chị gặp nhau trong hoàn cảnh này, âu cũng là duyên trời định. Tôi sẽ triệu tập họ hàng lại để lo đám cưới cho anh chị.

Anh Khùng nói:

- Chú ơi! Con cảm ơn và xin ghi nhận tấm lòng của chú, nhưng con trong tay không có đồng nào...

Cúc cũng nói theo:

  - Nhưng cháu chẳng có hồi môn gì, quần áo cũng không được cầm đi.

Ông chú anh Khùng nghe hai người nói thế, ông vội nói:

- Tôi chỉ cần anh chị có tấm lòng tốt và tình thương với nhau, với thằng Tâm là đủ.

                    *****

Thế là một cuộc họp họ hàng đã diễn ra ngay trong đêm, mỗi người một ý kiến, cuối cùng ai cũng được giao nhiệm vụ. Ngay đêm nay, Cúc đem nải chuối ông hạ ngoài vườn về nhà anh Khùng, lau chùi bát hương, dâng nước, dâng hoa để anh Khùng và Cúc xin cha mẹ, chị Cả để hai người được chung sống với nhau. Sáng sớm mai hai người lên xã xin đăng ký kết hôn rồi về dọn dẹp nhà cửa. Ông sẽ góp 3 con gà, rau ria trong vườn, chú Ba góp mười bò nếp, một yến cá dưới ao, cô Tư, cô Năm lo cho Cúc hai bộ quần áo mới, cái nón mới và thêm mỗi nhà một con ngan. Lệnh ông đã ban ra, cứ thế thực hiện. Năm mâm cỗ, trong họ ba mâm, hai mâm mời làng xóm thân cận, thế là xong.

Mọi chuyện đến với anh Khùng và Cúc quá nhanh, hạnh phúc này như một giấc mơ mà cả hai người không ai lường trước. Sau đám cưới 3 ngày, anh Khùng băn khoăn không biết về đâu để làm lễ tạ ơn lạy mặt bố mẹ vợ. Nghĩ mãi rồi hai người quyết định đến nhà ông chú anh Khùng. Hai người chắp tay lạy ông mà nước mắt cả ba người cứ lăn dài. Đêm hôm đó, làng lại được nghe giọng ru mượt mà của Cúc:

À...ơi...

Hôm qua tát nước sau đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen...

Em có được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà...

Thương lắm em ơi vừa cất tiếng chào đời

Mẹ băng huyết phải xa rời trần thế

Cha mịt mù bóng chim tăm cá

Non nớt hình hài phải chịu cảnh mồ côi

May được tình người ôm ấp dưỡng nuôi

Bú mớm, ru hời, vỗ về, nâng giấc

Tưởng cuộc đời em sẽ đủ đầy trái ngọt

Nhưng mới lên 5 phải làm phận con nuôi

Tưởng cuộc đời sẽ thêm những niềm vui

Nhưng ai ngờ bị phong ba vùi dập

Tuổi thơ em phải đòn roi bầm giập

Cắt cỏ, chăn trâu, trăm việc đổ lên đầu

Thương đóa cúc quỳ chịu gian khổ buồn đau

Bị hành hạ đủ trăm phần cay đắng

Mù chữ, đói ăn tuổi thơ thê thảm

Ôi phận người sao hóa đến thê lương

Nhưng tình đời vẫn muôn nỗi yêu thương

Bù đắp cho em những thiệt thòi đau khổ

Hạnh phúc đến với tình yêu rạng rỡ

Với một thương binh thế cũng đã vui rồi

Anh chúc em sống thật đẹp với đời

Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả

Không hề chi hạnh phúc là tất cả

Chúc em ngàn lần tươi thắm nhé Cúc ơi!

(Câu chuyện lấy bối cảnh thời bao cấp và những năm chiến tranh chống Mỹ. Viết sau chuyến biển dài ngày trở về).

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Thương lắm đóa cúc quỳ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn