Thượng tướng Đào Đình Luyện – Người “anh cả” của phi công tiêm kích Việt Nam (Kỳ 2): SỰ THẬT VỀ CHIẾN DỊCH “SẤM RỀN” VÀ CUỘC ĐỐI ĐẤU TRỰC TIẾP TRÊN KHÔNG

Đặng Vương Hưng

02/12/2021 10:47

Theo dõi trên

Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Không quân Mỹ tại miền Bắc nước ta mang tên “Sấm Rền” (Operation Rolling Thunder), kéo dài từ ngày 2 tháng 3 năm 1965 đến ngày 1 tháng 11 năm 1968. Đó là những âm mưu và đối thủ trực tiếp mà Đào Đình Luyện - người chỉ huy Lực lượng Không quân tiêm kích non trẻ của Việt Nam phải trực tiếp đối đầu.

chuy-tr1a-1638416418.jpg
Tư lệnh Đào Đình Luyện cùng cán bộ chiến sĩ đón Bác Hồ đến thăm bộ đội Không quân...Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Các mục tiêu của chiến dịch “Sấm Rền” do các chuyên gia quân sự Mỹ vạch ra là: Cứu vãn tinh thần đang sa sút của chính quyền Sài Gòn; ép Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngừng hỗ trợ cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở miền Nam; Phá hủy hệ thống giao thông, các cơ sở công nghiệp, các lực lượng phòng không của miền Bắc Việt Nam và ngăn chặn dòng quân và hàng hóa chảy từ miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Chiến dịch “Sấm Rền” được cho là trận chiến khó khăn nhất mà Không quân Mỹ đã thực hiện kể từ thời ném bom phát xít Đức trong Thế chiến lần thứ 2. Người Mỹ cho rằng: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhờ sự chi viện của các đồng minh Liên Xô và Trung Quốc và tự sáng tạo các chiến thuật mới, nên đã tự vệ bằng một hỗn hợp hùng mạnh của các vũ khí không-đối-không và đất-đối-không tinh vi, nhiều tầng nhiều lớp đan xen, tạo nên một trong những khu vực phòng không hữu hiệu nhất mà các phi công quân sự Mỹ từng đối mặt trong các cuộc chiến.

chuy-tr2a-1638416592.jpg
Tư lệnh Đào Đình Luyện tại Sở chỉ huy một trận đánh đối đầu với Không quân Mỹ. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Một số nghiên cứu của Mỹ đã xem chiến dịch này như là một công thức cho thất bại. Sau một trong những chiến dịch trên không dài nhất trong lịch sử của bất cứ quốc gia nào, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ đã kết luận rằng chiến dịch “Sấm Rền” là một thất bại do nó không đạt được một mục tiêu nào trong các mục tiêu đã đặt ra.

Lúc đầu, Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ đã liệt kê một danh sách 94 mục tiêu cần phá hủy, một phần của chiến dịch không kích hiệp đồng dài 8 tuần để đánh phá mạng lưới giao thông tại miền Bắc Việt Nam: Cầu, ga xe lửa, bến cảng, doanh trại, và các kho hàng đều được lấy làm mục tiêu. Tuy nhiên, Johnson sợ rằng một chiến dịch như vậy có thể làm ngòi nổ cho một sự can thiệp trực tiếp với Trung Quốc hay Liên Xô, điều mà đến lượt nó có thể biến thành một cuộc chiến tranh thế giới. Với sự ủng hộ của McNamara, ông ta từ chối cho phép một chiến dịch ném bom không hạn chế như vậy.

chuy-tr3a-1638416811.jpg
Tư lệnh Đào Đình Luyện chủ trì một buổi làm việc tại đơn vị. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thay vào đó, Mỹ thực hiện các cuộc không kích "ăn miếng trả miếng" để trả đũa cho một cuộc tấn công của Quân giải phóng miền Nam ngày 7 tháng 2 năm 1965 vào Pleiku (Chiến dịch Flaming Dart) và một vụ đánh bom tại nơi trú quân của Mỹ tại Quy Nhơn ngày 10 (Chiến dịch Flaming Dart II). Các chiến dịch nhỏ được thực hiện chống lại khu vực phía Bắc giới tuyến, nơi đóng quân của một lực lượng lớn Quân đội Nhân dân Việt Nam và tập trung nhiều kho hàng quân dụng.

Chịu thua áp lực của Hội đồng tham mưu liên quân và đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Johnson chính thức cho phép một chương trình ném bom kéo dài với mật danh Rolling Thunder (“Sấm Rền”), chương trình không bị ràng buộc với các hành động công khai của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Sấm Rền” được lập kế hoạch là một chiến dịch không kích dài 8 tuần, tuân theo các hạn chế mà Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara đã đặt ra. Nếu phong trào nổi dậy ở miền Nam vẫn tiếp diễn, thì các cuộc không kích chống miền Bắc sẽ được kéo dài với các mục tiêu phía bắc vĩ tuyến 19.

Phi vụ đầu tiên của chiến dịch “Sấm Rền” được thực hiện vào ngày 2 tháng 3 với mục tiêu là một khu vực kho vũ khí gần “Xom Bang”. Cùng ngày, 19 máy bay A-1 Skyraider của Không lực Việt Nam Cộng hòa đánh phá căn cứ hải quân Quảng Khê. Người Mỹ đã bị sốc khi 6 máy bay của họ bị bắn hạ, 5 trong số các phi công bị bắn rơi đã được cứu thoát. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho những tệ hại sắp tới. Để tiếp tục với khái niệm "từng bước", mà trong đó việc đe dọa tàn phá sẽ là một tín hiệu mạnh về quyết tâm của Mỹ, mạnh hơn chính sự tàn phá đó, việc nên làm là ném bom các mục tiêu không quan trọng để giữ các mục tiêu quan trọng trong tầm "đe dọa".

Từ đầu chiến dịch “Sấm Rền”, Washington chỉ thị rõ những mục tiêu nào sẽ bị đánh, ngày giờ của cuộc tấn công, số lượng và chủng loại máy bay, khối lượng và chủng loại bom đạn sử dụng, và đôi khi thậm chí cả hướng tấn công. Các cuộc không kích bị cấm trong phạm vi 60 km quanh Hà Nội và trong phạm vi 19 km cảng Hải Phòng… Theo sử gia không quân Mỹ Earl Tilford: Việc đặt các mục tiêu rất khác với thực tế ở chỗ chuỗi các cuộc tấn công không hiệp đồng với nhau và các mục tiêu được duyệt một cách ngẫu nhiên - thậm chí phi lôgic. Các sân bay của miền Bắc, cái mà đáng ra phải được đánh đầu tiên theo bất cứ một chiến lược hợp lí nào, lại cũng nằm ngoài phạm vi cho phép.

Tuy một vài trong các hạn chế này sau đó đã được nới lỏng hoặc hủy bỏ, Tổng thống Mỹ Johnson (với sự ủng hộ của McNamara) kiểm soát chặt chẽ chiến dịch, điều này liên tục gây tức giận đối với các chỉ huy quân sự Mỹ, các thành viên cánh hữu trong Hạ viện Mỹ, và thậm chí cả một số người trong chính phủ. Một trong các mục đích chính yếu của chiến dịch, ít nhất là đối với giới quân sự, đáng ra phải là phong tỏa cảng Hải Phòng và các cảng biển khác bằng việc thả thủy lôi từ trên không, từ đó làm giảm hoặc ngừng dòng hàng viện trợ đường biển vào miền Bắc. Tuy nhiên, Tổng thống Johnson từ chối thực hiện một hành động khiêu khích như vậy, và đến năm 1972, việc phong tỏa này mới được thực hiện.

Đa số các cuộc không kích trong chiến dịch “Sấm Rền” đã xuất phát từ 4 căn cứ không quân tại Thái Lan: Korat, Takhli, Udon Thani, và Ubon. Sau khi tấn công các mục tiêu (thường bằng cách bổ nhào cắt bom), các máy bay sẽ hoặc bay thẳng về Thái Lan hoặc thoát ra ngoài vùng biển tương đối an toàn tại vịnh Bắc Bộ. Người ta đã nhanh chóng quyết định rằng, để hạn chế xung đột vùng trời giữa các lực lượng không kích của Không quân và Hải quân, miền Bắc Việt Nam được chia thành 6 vùng mục tiêu "Route Package", mỗi vùng được giao cho một trong hai lực lượng Không quân hoặc Hải quân, và lực lượng này không được xâm phạm vào vùng của lực lượng kia.

Các cuộc không kích của Hải quân Mỹ xuất phát từ các tàu sân bay của Lực lượng đặc nhiệm 77 tuần tiễu ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Các máy bay của hải quân, với tầm bay ngắn hơn và sức mang bom nhẹ hơn máy bay của Không quân, chủ yếu đánh phá các mục tiêu ven bờ biển.

Ngày 3 tháng 4, Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ thuyết phục được Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Tổng thống Johnson cho tổ chức một cuộc tấn công dài 4 tuần để phá các đường giao thông ở Miền Bắc Việt Nam, nhằm cô lập Hà Nội với các nguồn hậu cần đường bộ từ Trung Quốc và Liên Xô. Các chuyên gia quân sự Mỹ ước tính: Khoảng 1/3 lượng hàng nhập khẩu của miền Bắc đi qua tuyến đường sắt từ Trung Quốc, trong khi 2/3 còn lại đến từ đường biển qua Hải Phòng và các cảng khác. Lần đầu tiên trong chiến dịch, các mục tiêu được chọn vì lí do quân sự thay vì tầm quan trọng tâm lý của chúng. Trong 4 tuần đó, 26 cây cầu, 7 chiếc phà bị phá hủy. Các mục tiêu khác bao gồm các hệ thống radar, doanh trại, và kho đạn.

Tuy nhiên, vùng cán xoong miền Trung vẫn là trọng tâm chính yếu của chiến dịch, tổng số lượt đánh phá tại đây tăng từ 3.600 trong tháng 4 lên 4.000 trong tháng 5. Chuyển dần từ việc phá hủy các mục tiêu cố định, chính phủ Mỹ đã cho phép thực hiện các phi vụ "trinh sát có vũ khí" mà trong đó các đội hình máy bay nhỏ tuần tiễu các đường quốc lộ, đường sắt, sông ngòi... để tìm kiếm cơ hội và mục tiêu. Đến cuối năm 1965, các phi vụ này đã tăng từ 2 lên 200 lượt mỗi tuần. Cuối cùng, các phi vụ trinh sát có vũ khí đã chiếm tới 75% tổng nỗ lực ném bom, một phần vì quy trình của việc yêu cầu, chọn, và duyệt đối với các mục tiêu cố định quá phức tạp và nặng nề.

Màu sắc cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thay đổi vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, khi 3.500 lính Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng, với mục tiêu bề ngoài là để bảo vệ các sân bay ở phía Nam dùng cho việc thực thi chiến dịch “Sấm Rền”. Nhiệm vụ của lực lượng trên bộ đã được mở rộng thành các hoạt động chiến trận, và từ đó trở đi chiến dịch trên không trở thành hoạt động thứ yếu, nó bị che khuất dần bởi các cuộc triển khai quân và leo thang trong các chiến dịch trên bộ tại Nam Việt Nam. Cho đến tuần thứ 3 của tháng 4, “Sấm Rền” vẫn được vị thế ngang hàng với các phi vụ không kích tại miền Nam. Sau đó, các cuộc không kích ảnh hưởng đến yêu cầu của chiến trường miền Nam đã bị cắt giảm hoặc hủy bỏ.

Tính đến 24 tháng 12 năm 1965, Mỹ đã mất 170 máy bay trong chiến dịch (85 máy bay của Không quân, 94 của Hải quân, và 1 của Thủy quân lục chiến). Không lực của quân đội Sài Gòn cũng mất 8 máy bay. Các phi đội của Không quân Mỹ đã bay 25.971 lượt, thả 32.063 tấn bom. Hải quân bay 28.168 lượt và thả 11.144 tấn bom…

Các chuyên gia quân sự Mỹ nhận định: Các máy bay tiêm kích của Không quân Nhân dân Việt Nam, lực lượng mà ban đầu chỉ có 53 máy bay MiG-15 và MiG-17 Fresco. Tuy bị người Mỹ coi là quá cổ lỗ khi so sánh với các máy bay phản lực siêu thanh của họ, nhưng các phi công miền Bắc đã sử dụng các chiến thuật hợp lý để biến các điểm yếu của máy bay họ thành các thế mạnh. Các máy bay này có tốc độ đủ cao cho các hoạt động phục kích "đánh và chạy", và cũng cơ động đủ để gây sốc cho cộng đồng phi công chiến đấu Mỹ khi bắn hạ các máy bay F-8 Crusader và F-105 Thần sấm cao cấp hơn nhiều. Phi công Mỹ sau đó đã phải nhanh chóng phát triển chiến thuật mới. Máy bay F-4 Con ma trang bị tên lửa trở thành cơ sở chiến đấu chính của Mỹ.

Chỉ riêng sự xuất hiện của máy bay MiG thường cũng đủ hoàn thành nhiệm vụ của họ bằng cách buộc các phi công Mỹ phải vứt bom xuống biển cho nhẹ để còn tự bảo vệ. Năm 1966, loại MiG-21 Fishbed hiện đại hơn do Liên Xô chế tạo, loại có thể chiến đấu ngang sức hơn đối với máy bay Mỹ, đã tham gia cùng MiG-17 và MiG-19. Đến năm 1967, Không quân Nhân dân Việt Nam đã có một lực lượng gồm hàng trăm máy bay, nhiều chiếc trong số đó đặt tại các sân bay dã chiến bí mật, rất khó khăn cho các cuộc không kích của Mỹ.

Tuy hỏa lực phòng không tiếp tục gây ra đa số thiệt hại về máy bay của Mỹ, các máy bay F-105 của Không quân và A-4 của Hải quân Mỹ ngày càng chạm trán nhiều hơn với SAM và MiG. Các phi công chiến đấu của Việt Nam cũng đã trở thành một vấn đề vì Mỹ không có thông tin radar tại vùng đồng bằng sông Hồng, điều này cho phép các máy bay MiG gây bất ngờ đối với lực lượng đánh phá. Máy bay trang bị hệ thống cảnh báo sớm gặp khó khăn khi phát hiện các máy bay tiêm kích ở độ cao thấp và khó có thể nhìn thấy các máy bay này bằng mắt.

Giai đoạn cuối của chiến dịch “Sấm Rền”, hầu như tất cả các mục tiêu trong danh sách của Hội đồng Tham mưu liên quân đã được duyệt để tấn công, trong đó có cả các sân bay trước đó đã được coi là ngoài giới hạn. Chỉ có khu trung tâm Hà Nội, Hải Phòng và vùng biên giới với Trung Quốc là vẫn bị cấm đánh phá. Nỗ lực chủ yếu được thực hiện để cô lập các khu đô thị bằng cách đánh sập cầu và tấn công các hệ thống thông tin liên lạc. Các mục tiêu bị đánh phá còn có nhà máy gang thép Thái Nguyên, các nhà máy điện, các xưởng sửa chữa tàu biển và xe lửa, các kho tàng. Một lực lượng lớn máy bay MiG tham gia chiến đấu khi thủ đô Hà Nội bị đe dọa, tỉ lệ diệt theo Mỹ là 1 máy bay Mỹ cho 2 MiG. Tuy nhiên theo Hà Nội, tỉ lệ này là 1 đổi 1,8 nghiêng về phía họ. Trong năm 1968, MiG là nguyên nhân của 22% trong tổng số 184 máy bay Mĩ rơi trên miền Bắc (75 Không quân, 59 Hải quân, và 5 Thủy quân lục chiến. Do kết quả này, các cuộc đánh phá các sân bay cuối cùng của Việt Nam, mà trước đây nằm ngoài phạm vi đã được cho phép.

Trong các tình huống hành quân hay chiến đấu, 526 máy bay của Không lực Mỹ, 397 của Hải quân, và 19 của Thủy quân lục chiến đã bị rơi trên miền Bắc Việt Nam hay gần đó, chưa kể số trúng đạn hư hỏng nhưng rơi ngoài biển hay lết về được căn cứ. Trong chiến dịch, trong số 745 phi công bị bắn rơi, Không lực Mỹ ghi nhận 145 người được cứu thoát, 255 bị chết, 222 bị bắt (23 người trong số đó đã chết trong khi bị giam giữ do bị thương nặng hoặc vì bom của Mỹ), và 123 mất tích. Con số thương vong của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ khó tìm hơn. Trong 44 tháng, 454 phi công thuộc lực lượng Hải quân Mỹ bị chết, bị bắt, hoặc mất tích trong các chiến dịch kết hợp trên vùng trời miền Bắc Việt Nam và Lào.

Càng về cuối cuộc chiến, các phi công của MiG càng khiến cho phía Mỹ kính nể. Thời gian không chiến ác liệt nhất, các phi công Mỹ thường lưu truyền về một phi công MiG-17 được họ gọi bằng biệt hiệu “Đại tá Toon” (hay Tomb) với số lần bắn hạ đối phương là 13 lần, nhưng về sau bị một “Át” của Hải quân Hoa Kỳ là Đại úy Randy "Duke" Cunningham bắn rơi. Một số người cho rằng đây là phi công Đinh Tôn. Tuy nhiên, Đinh Tôn lại lái chiếc MiG-21 và không được xếp vào nhóm “Át”. Trên thực tế, trong chiến tranh chống Mỹ, phía Việt Nam không đưa các phi công có cấp bậc Thiếu tá trở lên để tham gia không chiến. Sau này, “Đại tá Toon” được xác nhận là một nhân vật tưởng tượng của các phi công Mỹ và thường xuyên được họ đưa ra làm đề tài chuyện phiếm, như là một thiện ý kính nể của các phi công Mỹ dành cho các phi công Việt Nam. “Đại tá Toon” là một sự tổng hợp của các phi công giỏi của Việt Nam, giống như những phi công Mỹ ném bom đơn độc ban đêm trong Thế chiến thứ hai được gọi một cách lãng mạn là "Nghệ sỹ sôlô" vậy.

Chiến dịch “Sấm Rền” đã khởi đầu là một chiến dịch mang tính chất chiến lược và tâm lý, nhưng nó đã nhanh chóng chuyển thành hoạt động ngăn chặn - một nhiệm vụ chiến lược và sự thất bại chung cuộc. Năng lực biến các điểm yếu thành thế mạnh, sức chịu đựng kiên cường của nhân dân cùng với sự hi sinh cá nhân cho tập thể, và quyết tâm thép của Chính phủ Hà Nội đã biến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành một địch thủ ghê gớm đối với Mỹ.

Cho đến nay, lịch sử chiến tranh thế giới ghi nhận vẫn chỉ duy nhất lực lượng Phòng không và Không quân Việt Nam là dám đối đầu và đã chiến thắng Không quân Mỹ.

TỪ “NGƯỜI ANH CẢ” CỦA PHI CÔNG TIÊM KÍCH ĐẾN TƯ LỆNH KIÊM CHÍNH UỶ BINH CHỦNG KHÔNG QUÂN

Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện thấu hiểu trách nhiệm nặng nề và vinh dự của đơn vị 921 khi bước vào cuộc chiến đấu với không quân nhà nghề Mỹ, không quân Việt Nam chỉ có một số lượng ít ỏi máy bay MiG-17, vũ khí trang bị và kỹ thuật hạn chế, kinh nghiệm lại chưa có. Nhiệm vụ của Không quân ta lúc này là sẵn sàng chiến đấu “mở mặt trận trên không thắng lợi". Phải bằng mọi cách đánh thắng trận đầu. Chủ trương của ta là: Lấy đánh nhỏ để tiêu diệt địch và rèn luyện bộ đội.

Với quyết tâm cao, ngay trong trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 921, do Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện trực tiếp chỉ huy, diễn ra vào ngày ngày 3 tháng 4 tháng 1965, Biên đội MiG-17 đầu tiên của “bộ tứ” với các phi công: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương đã bắn rơi 2 chiếc máy bay F8 của Không quân Hải quân Mỹ trên vùng trời Đò Lèn - Thanh Hóa. Và ngày 3 tháng 4 đáng nhớ đó đã trở thành ngày truyền thống của bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam!

Ngay hôm sau, 4 tháng 4, mặc dù địch đông hơn ta gấp bội, nhưng với ý chí quyết thắng và tinh thần dũng cảm ngoan cường, 4 máy bay MiG-17 của ta lại xuất kích và đã bắn rơi thêm 2 máy bay F-105 (thần sấm) của không quân Mỹ. Điều này hết sức quan trọng, bởi yếu tố bất ngờ về việc MiG tham chiến ở Việt Nam không còn nữa. Nó chứng minh chúng ta không chỉ nhờ “may mắn” bắn rơi kẻ địch, mà khẳng định khả năng chiến thắng thật sự của các phi công tiêm kích Việt Nam.

Ngày 5 tháng 4, trên sân bay, toàn Trung đoàn 921 xúc động lắng nghe từng lời động viên trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bộ đội Không quân: “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu “đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta…”.

Vâng lời dạy của Bác Hồ, chỉ trong khoảng một năm (từ tháng 4-1965 đến tháng 6-1966), không quân ta đã xuất kích chiến đấu 24 trận, bắn rơi 26 máy bay các loại của Mỹ.

Lịch sử Trung đoàn tiêm kích đầu tiên của Không quân ta hiện đang lưu giữ tên tuổi của 14 vị anh hùng đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, 33 liệt sỹ dũng cảm hy sinh để bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Đặc biệt hơn, những anh hùng này đều đạt được thành tích hiếm có như Anh hùng Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc máy bay địch (người bắn rơi nhiều máy bay địch nhất Việt Nam)... Cả trung đoàn tiêu diệt 137 máy bay chiến đấu hiện đại của kẻ thù...

Trong hơn 10 năm (1966 - 1977) từ Trung đoàn trưởng, Đào Đình Luyện được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Binh chủng Không quân thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân. Ông đã trực tiếp chỉ huy hàng trăm trận không chiến ác liệt giữa lực lượng Không quân non trẻ của Việt Nam với Không quân Mỹ - đối thủ dày dạn kinh nghiệm tác chiến, có số lượng đông, được huấn luyện bài bản, có trang bị kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới hồi bấy giờ.

Những năm 1967-1968, Không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc một cách toàn diện, quy mô lớn, liên tục và ác liệt hơn. Cuộc chiến đấu của bộ đội Không quân Việt Nam ngày càng khẩn trương, quyết liệt, vừa phải tập trung lực lượng không chiến bảo vệ bầu trời; vừa phải nỗ lực nhanh chóng nâng cao chất lượng bộ đội để đáp ứng yêu cầu phái triển về tổ chức và trang bị mới, để giành thắng lợi lớn hơn.

Thời kỳ sau này, khi Không quân Việt Nam đã được trang bị máy bay tiêm kích MiG-21 hiện đại hơn, lực lượng được bổ sung dồi dào hơn; ta đã mở rộng phạm vi hoại động, đánh địch từ xa, trên nhiều hướng, càng ngày càng phát huy được tính năng và sở trường của từng loại máy bay. MiG-21 đánh xa (ngoài phạm vi của hoả lực phòng không) với các phương pháp dẫn đường thích hợp dùng tốp nhỏ, chiếc lẻ tiến công vào đội hình lớn của địch. Từ đó phát triển thành chiến thuật "đánh nhanh thọc sâu”. MiG-17 được chỉ đạo đánh gần, độ cao thấp, kết hợp cơ động mặt bằng với động cơ thẳng đứng. Cơ động mặt bằng nhanh phải thay đổi tâm lượn, tạo được yếu tố bất ngờ, đánh nhanh, rút nhanh, không ham quần lâu với địch. Trong mọi trường hợp phải giữ tốt đội hình cảnh giới, đánh có công kích, có yểm hộ, rút khỏi chiến đấu đúng lúc, đúng thời cơ, chú trọng cơ động độ cao thấp, lợi dụng hoả lực cao xạ yểm trợ để về căn cứ an toàn.

Là người trực tiếp chỉ huy các trận không chiến, Đào Đình Luyện đã nhiều lần ngồi lên buồng lái cất cánh bay thực tế, rồi cùng các phi công trăn trở tìm tòi và nghiên cứu rất kỹ những điểm hạn chế về kỹ thuật, vũ khí, trang bị của máy bay ta; những ưu thế kỹ thuật, vũ khí và chiến thuật của các loại máy bay Mỹ.

Nhiều phi công Việt Nam sau này cũng cho biết: Trên thực tế chiến trường, các phi công của ta đã không thể sử dụng các chiến thuật được huấn luyện tại Trung Quốc để chống lại Không quân Mỹ. Chương trình huấn luyện của Trung Quốc dựa vào kinh nghiệm từ Chiến tranh Triều Tiên. Những tổn thất trong giai đoạn đầu là do phi công học theo cách đánh của Trung Quốc; nhưng rồi khi các phi công Việt Nam bắt đầu sáng tạo ra cách đánh mới và sử dụng chiến thuật của chính mình, thì tình hình đã đổi khác…

Đào Đình Luyện đã đề xuất với cấp trên những cách đánh độc đáo mà chỉ ở Việt Nam mới có: “Cất cánh bằng đường lăn”, “không chiến du kích”, cách đánh hiệp đồng hai loại MiG-17 và MiG-21 đã hỗ trợ chi viện cho nhau cả về chiến thuật và hoả lực; phương án hiệp đồng với lực lượng tên lửa tầm cao và lưới lửa phòng không tầm thấp...

Ví dụ, trận đánh hiệp đồng ngày 23 tháng 8 năm 1967 tại Tuyên Quang, Thanh Sơn (Vĩnh Phú). Ta đã dùng một biên đội 2 máy bay MiG-21 và biên đội 4 máy bay MiG-17, hiệp đồng chiến đấu bắn rơi 4 máy bay Mỹ (2 máy bay F-4 và 2 máy bay F-105).

Hoặc ví dụ trong trận đánh máy bay cường kích Mỹ ngày 18 tháng 11 năm 1967 tại Thanh Sơn - Hạ Hoà (Phú Thọ): Ta đã dùng biên đội 2 máy bay MiG-21, trang bị tên lửa K-13 bắn rơi tại chỗ 2 máy bay F-105 của địch. Trong trận đánh máy bay gây nhiễu điện tử EB-66, ngày 19 tháng 11 năm 1967 tại Lang Chánh - Hồi Xuân (Thanh Hoá): Ta đã dùng biên đội 2 chiếc MiG-21 trang bị tên lửa K-13 (mỗi máy bay 2 quả) đã bắn rơi tại chỗ chiếc EB-66 của Mỹ, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa và pháo cao xạ thắng lớn, bắn rơi 8 máy bay vừa cường kích và tiêm kích của địch, bẻ gãy một đợt tấn công quy mô lớn của chúng vào Hà Nội.

Tuy nhiên, những trận không chiến ngày một diễn ra ác liệt. Yếu tố bí mật, bất ngờ của MIG trong những ngày đầu không còn nữa. Trước một đối phương chiếm ưu thế tuyệt đối cả về số lượng lẫn chất lượng, với hàng ngàn máy bay và hàng trăm phi công có trên 1.000 giờ bay trên nhiều loại máy bay khác nhau. Với kinh nghiệm nhà nghề và luôn được trang bị những loại máy bay hiện đại nhất thế giới, Không quân Mỹ luôn chiếm ưu thế với Không quân ta về số lượng máy bay và trang bị vũ khí. Họ cũng liên tục thay đổi chiến thuật, khiến cho cuộc chiến ngày càng ác liệt. Nhất là khi Không quân Mỹ tập trung bom đạn đánh phá các sân bay của ta, thì sự tổn thất máy bay, mất mát và hi sinh của lực lượng các phi công tiêm kích non trẻ của Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Phía Mỹ công bố trong thời gian từ 1965 đến 1973, họ đã có 194 phi công, trong đó có 143 là phi công F-4, đã bắn hạ được MiG. Một tài liệu khác của Hải quân Mỹ cũng cho biết: Trong thời gian từ ngày 7 tháng 6 năm 1965 đến 12 tháng 1 năm 1973, các phi công Hải quân Mỹ đã hạ 60 chiếc MiG. Đặc biệt với chiến dịch Bolo năm 1967 và chiến dịch Top Gun năm 1972 của người Mỹ đã làm không quân Việt Nam thiệt hại hàng chục máy bay. Đây là tỷ lệ mất mát rất lớn khi mà số lượng vào lúc cao điểm Không quân Việt Nam thường chỉ có không có quá 100 máy bay MiG các loại với chưa đến 100 phi công… Đã có những ngày cả đơn vị của ta chỉ còn một máy bay, nhưng phi công MiG vẫn luôn sẵn sàng cất cánh để bảo vệ bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc...

Có thể nói, trong thời gian ác liệt nhất của Chiến dịch Sấm Rền, sự lạc hậu của trang bị vũ khí và do thiếu kinh nghiệm không chiến cũng làm phía Việt Nam mất nhiều phi công trẻ và máy bay. Đã có lúc tưởng chừng như những chiếc MiG bị tê liệt. Tuy nhiên, các phi công tiêm kích Việt Nam đã biết chấp nhận thử thách, thể hiện sự dũng cảm và sáng tạo của họ trong cả hai phương diện chiến thuật và kỹ thuật, làm kinh ngạc đối phương.

Sau này, người ta đã tổng kết lại: Trong suốt các cuộc không chiến giữa không quân Việt Nam với quân đội Mỹ, phía Việt Nam có tới 16 phi công đạt đẳng cấp “Át” (tức đã bắn hạ được từ 5 máy bay đối phương trở lên), gồm 14 phi công MiG-21 và 2 phi công lái MiG-17. Trong đó người cao nhất là phi công MiG-21 Nguyễn Văn Cốc đã bắn hạ 9 máy bay Mỹ. Một phi công huyền thoại khác là Nguyễn Văn Bảy (Bảy A) đã bắn hạ 7 máy bay Mỹ (cao nhất trong các phi công lái MiG-17). Trong khi đó, chỉ có 3 nhóm phi công Mỹ đạt đẳng cấp “Át” (đều là phi công lái F-4) và người cao nhất là Hoa tiêu, Đại úy Không quân Chuck E. DeBellevue đã bắn hạ được 6 máy bay. Hai tổ lái còn lại là tổ lái của Steve Ritchie (phi công) và Feinstein Jeffrey S. (hoa tiêu) của Không quân và tổ lái Cunningham Randolph (phi công) và Driscoll William (hoa tiêu) của Hải quân, mỗi tổ lái hạ 5 chiếc… (Một số liệu thống kê khác của website clbmohinh.com lại khẳng định: Trong chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ chỉ có hai Phi công trở thành “Át”, là Randy "Duke" Cunningham (thuộc lực lượng Hải quân) và Steve Ritchie thuộc lực lượng Không quân).

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Theo Trái tim người lính