
Nhà thơ Nguyễn Thiện, tên thật là Nguyễn Thanh Thiện, sinh năm Đinh Dậu 1957 tại xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Năm 1975 khi vừa tròn 18 tuổi, anh nhập ngũ và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Sau đó anh tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, và sau đó là tham gia cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc năm 1979.
Trong quá trình ở trong quân ngũ, Nguyễn Thiện mang quân hàm Đại tá, khi rời quân ngũ, anh có nhiều thời gian dành cho gia đình, anh làm thơ và viết nhạc. Thơ và nhạc của anh nhanh chóng được nhiều người biết đến với hình ảnh một cây bút nổi trội cùng với nhiều thành công đáng ghi nhận.
Sau khi rời quân ngũ, bên cạnh việc dành thời gian cho gia đình, ông làm thơ và viết nhạc. Trong làng văn nghệ sĩ, nhà thơ Nguyễn Thiện được biết đến với hình ảnh một cây bút nổi trội cùng với nhiều thành công đáng ghi nhận, chủ nhân của hai tập thơ đã xuất bản “Vầng trăng thức” và “Thổn thức”. Trong đó, rất nhiều tác phẩm đã được phổ lại thành nhạc.
Gác lại vũ khí chiến đấu, hòa vào thời bình, người lính cụ Hồ Nguyễn Thiện đã đem tất cả tâm tư, tình cảm của mình viết thành những áng thơ lãng mạn chan chứa cái đẹp, cái tình, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ tiếp nối sau này.
Đến thăm ông vào buổi sáng đầu tháng 4 vẫn còn se lạnh, nhìn vẻ ngoài của người lính đã từng trải qua cuộc chiến khốc liệt giờ đây đã có tuổi mà có chút bồi hồi. Khuôn mặt có phần nghiêm nghị ấy, nhưng đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình và hiền hòa như con cháu trong nhà.
Vốn nghĩ rằng người lính cụ Hồ ấy sẽ trông rất cứng nhắc, khô khan với bộ quân phục xanh rờn. Thế nhưng, trò chuyện tiếp xúc hồi lâu mới nhận ra rằng người lính cũng có nhiều cái lãng mạn của riêng mình. Đó là nhà thơ Nguyễn Thiện khi gác lại vũ khí, hòa vào thời bình.
Một người lính vẻ ngoài có chất thép, bên trong tâm hồn lại mang đậm chất thơ, một thứ lãng mạn mà tình đến thế. Ẩn sâu trong đó là sự thổn thức, nặng lòng về quê hương, đất nước, về tình đồng chí, đồng đội, về tình yêu đôi lứa...
Với ông, thơ ca như một phần không thể thiếu, là tình cảm khôn nguôi, thôi thúc con người hướng tới sự chân - thiện - mỹ. Mỗi vần thơ, mỗi câu thơ của ông đều có chất thép, chất nhạc, vừa có tính chiến đấu, vừa gợi cảm xúc trữ tình. Để từ đó, người đọc thơ của ông sẽ thấy phấn chấn, thêm yêu quê hương, đất nước, thêm yêu cuộc đời.

“Đêm nay Sê San đợi anh
Đêm nay dòng sông thao thức
Đêm nay ước gì có được
Bờ vai vạm vỡ Đam San
Đêm nay điệp trùng Tây Nguyên
Rượu cần ngả nghiêng ai vít
Đêm nay dao câu ánh mắt
Thổi bùng ngọn lửa cao nguyên …”
(Cao nguyên đêm nay)

Hầu hết các bài thơ của nhà thơ Nguyễn Thiện được in trong 2 tập thơ “Vầng trăng thức” và “Thổn thức” đều đã được phổ thành nhạc. Các ca sỹ hát ca khúc của nhà thơ Nguyễn Thiện gồm các nghệ sỹ, ca sỹ như NSND Vi Hoa, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Bùi Thu Hiền, NSƯT Minh Thành, NSƯT Diệu Hương, NSƯT Lê Anh Dũng, NSƯT Vành Khuyên, NSƯT Lương Huy, NSƯT Ploog Thiết...
Các ca sỹ như Trọng Tấn, Thanh Tài, Hoàng Viết Danh, Văn Tuấn, Xuân Hào, Cẩm Tú, Lê Tuân, Lê Nhưng, Mai Chi, Mai Hương, Duy Hải, Hồng Ngát, Nam Giang, Tố Nga, Thu Quỳnh, Hạnh Nguyễn, Quỳnh Sen, Thế Quỳnh, Khánh Huyền, Mạnh Kiên, Mạnh Dũng, Nguyễn Luyến, Quang Luyến, Bùi Thúy, và tốp ca đoàn CAND…
Thơ và nhạc dưới ngòi bút của nhà thơ Nguyễn Thiện cũng khiến lòng ta xúc động. Để khiến người đọc phải thiết tha, thổn thức, trăn trở với nhà thơ đó chính là chất tình trong thơ, sự bình dị trong tâm hồn người lính nặng lòng với thơ. Với nhà thơ Nguyễn Thiện, nếu những bài thơ chỉ khô khan về mặt cảm xúc chắc chắn khó mà đi được vào lòng người đọc.
Tác phẩm mới nhất của nhà thơ Nguyễn Thiện là cuốn Thơ và Nhạc, sách do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành cuối năm 2024. Nhiều bài hát được phổ nhạc của nhà thơ Nguyễn thiện đã được phát trên đài phát thanh và truyền hình như Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nội, chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân, VOV, Đài VOV6, VOV3 âm nhạc với cuộc sống.