Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 1)

09/09/2022 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành

cvl4ab-1662638515.jpg
Thủy hải chiến Việt Nam.

 

I.THỦY CHIẾN BẠCH ĐẰNG GIANG NĂM 938

Kỳ 1.

1.       Canh ba đêm đó, Ngô Quyền cùng phu nhân là Dương Thị Như Ngọc, các con cùng các vệ sĩ hộ vệ mới về tới thành Đại La sau cuộc hành trình dài 300 dặm từ Ái Châu trở về. Sau khi tắm rửa và ăn cơm, các con và Dương phu nhân đã đi nghỉ sau một ngày mệt nhọc về quê lo giỗ đầu của thân phụ nàng cũng là nhạc phụ của Ngô Quyền là Dương Đình Nghệ ở Đông Sơn Ái Châu. Đêm mùa đông thành Đại La yên tĩnh bị màn đêm phủ dầy đặc, từng làn gió lạnh thổi tê tái. Trống trên lầu thành đã điểm canh tư. Đêm khuya rồi mà Ngô Quyền vẫn chưa ngủ được. Ngọn đèn dầu lạc cháy leo lét tỏa ánh sáng vàng vọt trong căn phòng. Ngô Quyền ngồi tựa lưng vào ghế, trước mặt ngài là án thư, trên án thư một ấm trà Thái Nguyên tỏa mùi thơm phảng phất. Ngô Quyền đã uống gần cạn ấm trà. Có lẽ đêm nay ngài không ngủ được. Ngài nhớ lại và suy nghĩ, đất nước trong mấy năm gần đây có biết bao nhiêu sự biến to lớn xẩy ra trên con đường mưu giành độc lập, thoát khỏi sự thống trị của phong kiến Trung Quốc đã áp đặt suốt hơn 1000 năm nay...

          Năm 906, trong sự đổ nát của nhà Đường, một hào trưởng người đất Hồng Châu là Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết Độ sứ, chức quan đứng đầu An Nam đô hộ phủ. Năm 907 nhà Đường phải thừa nhận chức vụ này của họ Khúc. Họ Khúc thực sự là người khai sinh ra nền tự chủ cho nước nhà. Khúc Thừa Dụ mất, con là khúc Hạo nối nghiệp cha, rồi Khúc Thừa Mỹ là cháu nối nghiệp ông. Nhưng năm 923, Khúc Thừa Mỹ bị tướng Lý Khắc Chung của nhà Nam Hán tiến đánh. Khúc Thừa Mỹ Thất bại và bị bắt. Nhà Nam Hán thống trị nước ta. Năm 931 Dương Đình Nghệ, một tùy tướng của dòng họ Khúc đã đánh bại quân Nam Hán, giành lại quyền tự chủ. Nhưng năm 937 Dương Đình Nghệ bị một tùy tướng thân cận là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ và nay mùa đông năm 938 là ngày giỗ đầu của Dương Đình Nghệ.

          Trong ánh sáng của ngọn đèn dầu vàng vọt, trong hơi lạnh của căn phòng đêm đông tĩnh mịch, trong hơi nóng của chén trà Thái Nguyên đậm đặc, Ngô Quyền nhớ lại 10 năm về trước cũng trong một ngày mùa đông, từ Bất Bạt Ba vì Sơn Tây, Ngô Quyền cùng cha vào Ái Châu theo Dương Đình Nghệ là người thân thiết với cha, cũng là người nổi tiếng đang chiêu hiền đãi sĩ để mưu đồ việc lớn, giúp họ Khúc củng cố vững chắc nền tự chủ để vươn tới nền độc lập cho nước nhà. Cha đã gửi gắm Ngô Quyền, đứa con duy nhất cho Dương Đình Nghệ. Không lâu sau đó cha đã qua đời.

          Có lẽ do thân tình với cha, có lẽ do Ngô Quyền tài kiêm văn võ tráng kiện tuấn tú mà được Dương Đình Nghệ coi như thân thiết trong nhà, tin cậy giao cho nhiều trọng trách. Cũng do tài năng và khôi ngô tuấn tú nên Ngô Quyền được Dương Thị Như Ngọc, kiều nữ xinh đẹp của Dương Đình Nghệ để mắt tới, đem lòng yêu thương. Chẳng bao lâu Dương Đình Nghệ đồng ý cho Ngô Quyền làm con rể và được phong trấn thủ Ái Châu. Đối với Ngô Quyền Dương Đình Nghệ là người cha thực sự. Đối với đất nước Dương Đình Nghệ là người kiên quyết đấu tranh giành quyền tự chủ độc lập. Ông là một hào trưởng nổi danh trọng nghĩa, trọng hiền tài, vậy mà ông lại bị chết trong tay một kẻ tiểu nhân bất nhân bất nghĩa như Kiều Công Tiễn.

          Kiều Công Tiễn quê ở Phong châu. Tiễn đến Ái Châu với Dương Đình Nghệ sớm hơn cả Ngô Quyền. Do tài ranh mãnh và khéo léo hắn đã được Dương Đình Nghệ tin dùng và nhận làm con nuôi, ra vào trong nhà họ Dương như con đẻ. Có lẽ hắn cũng sớm say mê Dương Thị Như Ngọc. Nhưng khuôn mặt gian manh của hắn không gây được cảm tình với kiều nữ họ Dương. Khi Ngô Quyền có mặt trong nhà họ Dương, kiều Công Tiễn tỏ ra ganh ghét. Đặc biệt khi Ngô Quyền trở thành phu quân của Dương tiểu thư  thì Kiều Công Tiễn  trở nên căm thù Ngô Quyền và căm ghét cả Dương Đình Nghệ. Kiều Công Tiễn cố che dấu điều đó nhưng đôi khi Ngô Quyền bắt gặp cái nhìn của hắn tóe ra những tia lửa hận thù. Ngô Quyền thầm nghĩ kiều Công Tiễn sẽ là người gây tai họa cho dòng họ Dương nhưng ông cho rằng không nên nói với Dương Đình Nghệ. Vả lại Ngô Quyền cho rằng kiều Công Tiễn không dám giết Dương Đình nghệ mà chỉ bất mãn với ông khi không lấy được Dương Thị như Ngọc. Chính cách suy nghĩ kiểu quân tử này đã dày vò Ngô Quyền suốt đời vì cái chết của Dương Đình Nghệ. Ông ân hận vì không có biện pháp ngăn chặn tai họa mà ông đã lường trước...

          Sau khi đánh bại Nam Hán, trở thành Tiết độ sứ, Dương Đình Nghệ chủ yếu ở thành Đại La. Kiều Công Tiễn được phong làm Thứ sử Phong Châu, vơ vét của dân tàn bạo, gây dựng thế lực mưu phản. Ngô Quyền phải ở lại trấn thủ Ái châu, một trọng trấn của nước nhà và của dòng họ Dương khi đó. Một đêm, nhân Dương Tam Kha, người trấn thủ Đại La về Ái Châu, tạo cơ hội cho Kiều Công Tiễn thực hiện dã tâm của hắn. Hắn đã cùng bọn tay chân về Đại La, giết chết Dương Đình Nghệ, đoạt chức Tiết độ sứ và cầu cứu quân Nam Hán đem quân vào đất Việt để bảo vệ địa vị của hắn. Sự bất nhân bất nghĩa và phản bội bán nước vô liêm sĩ của kiều Công Tiễn đã lên đến cực độ làm cho các sứ quân, binh lính và nhân dân cực kỳ căm phẫn. Họ đã theo lời hiệu triệu của Ngô Quyền kéo ra Đại La bắt tên phản chủ, phản quốc và xử lăng trì vào tháng 10 năm 938.

          Dù đã tiêu diệt được kẻ thù của dòng họ Dương, kẻ thù của dân tộc nhưng Ngô Quyền vẫn ân hận dày vò day dứt. Ông tự dằn vặt mình tại sao lại không hành động quyết liệt để sớm ngăn chặn bàn tay vấy máu của Kiều Công Tiễn, để cây cột trụ của đất nước là Dương Công bị hại. Ngô Quyền đứng lên đi đi lại lại trong phòng. Trống trường thành đã điểm canh năm. Ông biết một ngày mới đã bắt đầu với biết bao công việc hệ trọng liên quân đến sự tồn vong của quốc gia. Giặc Nam Hán đang sắp tiến vào bờ cõi. Ông đã ra lệnh cho các sứ quân đem quân ra miền đông bắc chờ hiệu lệnh của ông. Ngô Quyền cũng đã ra lệnh cho nhân dân và quân đội lấy gỗ lim sến vót nhọn cắm xuống cửa sông Đạch Đằng chuẩn bị đối phó với thủy binh giặc.

2. Mãi đến canh ba Ngô Quyền mới cùng với quân sĩ và các tướng lĩnh về đến Tổng hành dinh bờ nam sông Bạch Đằng, đoạn sông có bến phà Rừng. Các lều trại quân bản bộ của Ngô Quyền rải dọc bờ sông san sát  chìm trong đêm đông và gió lạnh với những ánh lửa bập bùng. Đó là ánh sáng của những ngọn đuốc của lính tuần tra. Ba quân đã chìm vào giấc ngủ say. Giữa các lều trại bé, nổi lên một chiếc lều màu vàng cao rộng nhô lên, trên đỉnh nóc lều vàng tung bay lá cờ đỏ với chữ Soái màu vàng. Đó là nơi làm việc của Ngô Quyền, là đầu não, là Tổng hành dinh của cuộc kháng chiến. Dòng sông Bạch Đằng trong đêm im lìm đen thẳm, mênh mông, những dãy cù lao núi đá, những rừng cây dại mọc hai bên bờ sông như một bức tranh huyền bí, gió khua xào xạc.

          Sau một ngày đi kiểm tra về đến Tổng hành dinh, ăn vội bữa tối, Ngô Quyền đã lại ngồi vào bàn ra soát lại toàn bộ trận tuyến Bạch và việc bố trí triển khai quân đội chuẩn bị kháng chiến. Hai đạo quân của hai sứ quân do tướng Lê Minh Trang và Nguyễn Khoan đã tập kết lên miền Lạng Giang chặn đánh bộ binh quân Nam Hán tràn xuống Đại La. Hai đạo quân của hai sứ quân Nguyễn Siêu, Lê Hương, Đinh Công Trứ và Đinh Bộ Lĩnh đã lên mạn Đông Bắc chặn bộ binh địch từ đông bắc tràn xuống bắc sông Bạch Đằng hỗ trợ cho thủy quân. Ngô Quyền trực tiếp chỉ huy trận thủy chiến Bạch Đằng. Tham gia gồm các tướng Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, nữ tướng Dương Phương Lan, sau này còn được bổ sung thêm tướng Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ, Ngô Xương Nghập, Trận địa đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng cũng đã hoàn thành đúng thời hạn. Ông khâm phục tinh thần của quân đội và nhân dân chịu đựng gian khổ suốt hai tháng ròng, dầm mưa dải nắng, dầm mình trong nước, lặn xuống đáy sông trong giá rét để xây dựng trận địa cọc. Ông đã quan sát từ sáng cho đến trưa khi nước thủy triều rút, bãi cọc nhô lên nhọn hoắt, nghiêng về phía trong sông vững chắc, sẵn sàng đâm thủng thuyền địch, chiều và tối khi nước thủy triều rút xuống, cọc nhọn nhô lên như vạn bàn chông sắt thì thuyền địch không thể thoát ra ngoài được. Trong các dãy núi cù lao đá vôi, rừng cây ven dòng sông Bạch Đằng khoảng 4 dặm, Ngô Quyền đã cho thủy binh và bộ binh mai phục sẵn sàng xông ra tấn công đạo thủy binh của địch.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn