Kỳ 32.
Thủy quân trong cuộc kháng chiến chống nguyên mông
Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã
Nguyễn Trãi- Bình Ngô đại cáo
Đầu thế kỷ thứ 13 khi Vương triều Trần thay Vương triều Lý và đang ra sức xây dựng đất nước thì chính là lúc những đạo quân viễn chinh khét tiếng tàn bạo của Thành Cát Tư Hãn và vua chúa Mông Cổ đang tung hoành trên khắp lục địa Á, Âu, gây rất nhiều đau thương tàn phá cho nhiều dân tộc.
Với ưu thế kỵ binh thiện chiến và tinh thần cương nghị phi thường của những người vốn quen sống cuộc đời du mục trên những thảo nguyên, sa mạc bao la, quân Mông Cổ thường áp dụng chiến lược tấn công ào ạt chớp nhoáng và đi đến đâu giết chóc, cướp bóc tàn phá tan hoang đến đó. Dưới vó ngựa của quân xâm lược cường bạo, biết bao quốc gia dân tộc từ Á sang Âu đã phải làm nô lệ, bị xóa tên trên bản đồ thế giới; biết bao kinh thành cổ kính, làng mạc yên lành bị tiêu hủy tang thương. Trong vòng nửa thế kỷ chinh phục, bọn vua chúa Mông Cổ đã lôi thế giới vào cuộc chiến tranh tàn khốc và lập thành một đế quốc rộng lớn nằm vắt ngang từ bờ Thái Bình Dương đến tận bờ biển Hắc hải. Toàn Châu Á, Châu Âu bị chấn động bởi họa xâm lăng của đế quốc Mông Cổ. Cũng như các nước ở Châu Á, Châu Âu lúc đó, nền độc lập của dân tộc ta bị đe dọa nghiêm trọng trước sự bành trướng của đế quốc Mông Cổ. Năm 1252, chúa Mông Cổ là Mông Kha (Mông Ke) sai em là Hốt Tất Liệt (Khu Bi Lai) và tướng Ngột Lương Hợp Thai (URiang khai đai) đánh chiếm nước Đại Lý của người Thái (nay thuộc Vân Nam, Trung Quốc). Lãnh thổ đế quốc Mông Cổ đã mở rộng sát biên giới nước ta ở miền Tây Bắc. Bóng đen chiến tranh xâm lược đã xuất hiện trên bầu trời tổ quốc.
Và đế quốc Mông Cổ đã đẩy bóng đen chiến tranh xâm lược tàn khốc vào lãnh thổ nước ta. Năm 1258, 3 vạn quân xâm lược do tướng Ngột Lương Hợp Thai kéo vào đánh chiếm nước ta mở rộng lãnh thổ và để làm bàn đạp, tạo thế gọng kìm từ phía Nam tiêu diệt nhà Nam Tống. Với tinh thần độc lập mạnh mẽ được rèn đúc hàng nghìn năm, với ý chí kiên cường bất khuất, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của triều đình nhà Trần đã đập tan cuộc xâm lược lần thứ nhất. Cuối tháng 1 năm 1285, 50 vạn quân Nguyên-Mông do Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt làm tổng chỉ huy vượt biên giới ào ạt tiến sang xâm lược lần thứ hai. Phát huy khí phách anh hùng và kinh nghiệm lần chiến tranh trước, với cuộc chiến tranh toàn dân lấy lực lượng quân đội triều đình làm nòng cốt, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đánh cho 50 vạn quân Nguyên-Mông tơi tả. Trong hai lần kháng chiến này, thủy quân ta đã cùng với lục quân tác chiến, góp phần hoàn thành nhiều kế hoạch quân sự quan trọng của bộ tổng chỉ huy trong việc rút lui chiến lược, ngăn chặn quân địch và tiêu hao sinh lực địch, trong việc tham gia phản công địch giải phóng đất nước.
Hai lần xâm lược thất bại làm cho Hốt Tất Liệt, tên chúa Mông Cổ hống hách hiếu chiến tức giận, ông ta điên cuồng chuẩn bị chiến tranh xâm lược lần thứ ba với một lực lượng và quy mô lớn. Hốt Tất Liệt hạ lệnh bãi bỏ kế hoạch xâm lược Nhật Bản đã chuẩn bị từ trước để dồn sức mạnh xâm lược Đại Việt. 50 vạn quân viễn chinh được gấp rút điều động. Do kinh nghiệm thất bại hai lần trước, lần này ngoài bộ binh, kỵ binh, triều đình Nguyên-Mông còn chuẩn bị một đạo thủy binh hùng mạnh và tổ chức một đoàn thuyền vận tải 70 vạn hộc lương thực. Lần chuẩn bị này thật là chu đáo, sở trường thiện chiến, sức mạnh tấn công thần tốc ào ạt của quân đội viễn chinh Mông Cổ đã từng khuất phục được nhiều quốc gia cũng không làm cho Hốt Tất Liệt vững tâm khi binh lực đó tiến vào chiến trường Đại Việt. Việc Hốt Tất Liệt chuẩn bị thêm một đạo thủy quân chứng tỏ hắn đã nhìn thấy sự lợi hại của chiến thuyền trên chiến trường Đại Việt là một đất nước có nhiều sông biển. Với việc chuẩn bị đoàn thuyền lương, Hốt Tất Liệt mong khắc phục được sự khó khăn về lương thực cho đoàn quân viễn chinh khi phải tác chiến cách xa hậu phương. Tất cả những sự chuẩn bị kỹ càng đó nói lên quyết tâm xâm lược của nhà Nguyên-Mông đối với nước ta. Cuộc xâm lược lần thứ ba này ngoài mục đích cướp nước ta, tiếp tục bành trướng thế lực của đế quốc Mông Cổ xuống Đông Nam Á còn mang tính chất phục thù của một tên chúa phong kiến hiếu chiến. Thoát Hoan lại được cử làm tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh vừa để lập công chuộc tội, vừa để rửa nhục cho vua Nguyên-Mông.
Tháng 12 năm 1287, cuộc viễn chinh với quy mô lớn và ác liệt bắt đầu, quân Nguyên chia làm ba đạo tiến vào đánh phá nước ta. Đạo quân chủ lực do Thoát Hoan thống lĩnh tiến theo đường Lạng Sơn, một đạo do Ái Lỗ (A Rúc) chỉ huy từ Vân Nam tiến theo đường sông Hồng, đạo thủy quân do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp cùng với đoàn thuyền lương do Trương Văn Hổ chỉ huy từ cửa biển Khâm Châu vượt biển tiến vào sông Bạch Đằng để vào nội địa nước ta. Tạo thêm một mũi tiến công bằng đường thủy là đặc điểm quan trọng của cuộc hành binh xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên-Mông. Lịch sử chiến tranh bảo vệ tổ quốc lại một lần nữa đặt trách nhiệm nặng nề cho thủy quân ta là phải tiêu diệt bằng được thủy quân của địch. Kế hoạch của bộ chỉ huy quân đội Nguyên-Mông vẫn như hai lần trước là dựa vào ưu thế binh lực để tốc chiến tốc thắng, mục tiêu tác chiến là phải đánh tan và tiêu diệt được quân chủ lực của ta, bắt bằng được triều đình Trần và bộ tham mưu lãnh đạo kháng chiến.
Quân và dân ta gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Với tinh thần đoàn kết nhất trí của hội nghị Diên Hồng, với tinh thần "Sát Thát" sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, với kinh nghiệm phong phú của hai lần kháng chiến trước, triều đình và quân dân ta bước vào cuộc chiến đấu với tư thế chủ động đường hoàng và niềm tự tin cao độ. Điều đó thể hiện ở sự đánh giá phân tích tương quan lực lượng, trên cơ sở đó nắm được kết cục tất yếu của cuộc chiến tranh của vị tướng tổng chỉ huy quân đội. Khi được tin quân Nguyên-Mông lại sang xâm lược, vua Trần Nhân Tông hỏi Trần Hưng Đạo: "Thế giặc năm nay thế nào?" Vị tướng thiên tài nhận định: "Nếu quân giặc lại sang thì quân ta đã quen đánh trận mà chúng thì sợ đi xa, lại bị thất bại của Hằng Quán đe dọa, không có chí khí chiến đấu. Cứ ý thần xem thì tất thế nào ta cũng phá được chúng"[1]. Khi quân Nguyên-Mông đã tràn vào biên giới, nắm chắc được kế hoạch của quân địch, Trần Hưng Đạo khẳng định dứt khoát: "Năm nay giặc đến dễ phá"[2].
(Còn nữa)
CVL
-------------------
[1] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư tập II trang 59. LSVN tập I, trang 207.
[2] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư tập II trang 59. LSVN tập I, trang 207.