Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 30)

PGS TS Cao Văn Liên

08/10/2022 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ30.

Là một nhà chiến lược sáng suốt nắm rõ đặc điểm, tính chất của chiến dịch, Lý Thường Kiệt biết đó là  một chiến dịch tập kích vào đất địch, do đó việc hành quân đòi hỏi phải hết sức nhanh chóng, bí mật, bất ngờ, nếu không nhà Tống sẽ kịp phòng bị thì không bảo đảm cho chiến dịch chắc thắng. Để hành quân được nhanh chóng, ở đạo quân bộ Lý Thường Kiệt lấy những đạo quân dân tộc thiểu số có sẵn ở biên giới, giảm được thời gian điều quân từ nội địa lên. Còn đạo quân chủ lực để bảo đảm tốc độ hành quân, Lý Thường Kiệt đã dùng thủy quân đổ bộ. Như vậy thủy quân trong chiến dịch này đã có một vai trò không kém phần quan trọng là nhanh chóng đưa quân lính đến chiến trường tác chiến, khả năng cơ động của thủy quân trong chiến dịch này quả là lợi hại. Thực tế chiến đấu đã cho ta thấy sức mạnh cơ động của thủy quân. Sau khi đổ bộ đánh phá cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu rồi tiến đến đánh thành Ung Châu. Với một sức tiến công nhanh chóng, mãnh liệt, bất ngờ đã khiến triều đình Tống không kịp trở tay. Mãi tới khi quân ta đã hạ xong thành Ung Châu, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của chiến dịch, rút quân về nước, triều đình Tống hãy còn đang họp bàn cách đối phó và không kịp cử quân cứu viện. Một tác dụng lớn của thủy quân trong chiến dịch là bảo đảm tốc độ hành quân cho quân đội; một nhân tố quan trọng bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi.

dt1ltk2-1665144154.jpg
Nhà Lý đã chủ động đối phó với âm mưu xâm lược của nhà Tống bằng biện pháp: “Ngồi im đợi giặc không bằng đem quân ra đánh trước chặn thế mạnh của giặc” (tức Tiên phát chế nhân). Đó là biện pháp phòng ngự tích cực nhất do Lý Thường Kiệt đề xuất và được nhà Lý tán thành. Nguồn: Internet

 

Về chiến thuật tác chiến, do đặc điểm của chiến dịch này là tiến công các căn cứ trên đất liền của quân địch cho nên thủy quân ta không đơn thuần là chiến đấu trên mặt biển mà đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện tác chiến mới. Sau khi vượt biển, thủy quân ta tập kích đánh cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu rồi nhanh chóng vận động chiến tiến lên phối hợp với bộ binh công phá thành Ung Châu. Trong chiến dịch này thủy quân ta đã áp dụng chiến thuật tập kích, vận động chiến, công kiên chiến. Điều đó chứng tỏ thủy quân ta không những giỏi chiến đấu trên mặt trận sông biển mà còn giỏi cả đánh bộ nữa, không những giỏi đánh với chiến thuyền mà còn giỏi cả tập kích, vận động chiến và cả công thành nữa. Điều đó không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của một đất nước mà con người giỏi đánh bộ và giỏi cả đánh thủy do điều kiện tác chiến ở đất nước ta quyết định. Đó là kế thừa và phát huy truyền thống lâu đời của thủy quân ta từ trước.

Sau thất bại ở Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu, phe chủ chiến triều đình nhà Tống dốc sức chuẩn bị cuộc xâm lược báo thù. Trong cuộc xâm lược này nhà Tống huy động 20 vạn bộ binh, 1 vạn kỵ binh, 20 vạn dân phu được điều động và chuyển xuống phía Nam. Ngoài ra nhà Tống còn tổ chức một đạo thủy binh để phối hợp với bộ binh và kỵ binh. Toàn bộ lực lượng viễn chinh đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Chánh tướng Quách Quỳ, Phó tướng Triệu Tiết là những danh tướng lỗi lạc của triều đình Tống. Thành Ung Châu và các trại xung quanh được xây dựng lại một cách vội vã, tích trữ lương thực và đạo quân viễn chinh tập kết tại đó chờ ngày xuất phát.

Bằng các thám tử hoạt động, Lý Thường Kiệt theo dõi chặt chẽ âm mưu và các hoạt động quân sự của nhà Tống. Nắm chắc kế hoạch và đường tiến quân của địch, trên các con đường qua Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh Lý Thường Kiệt dùng quân lính các dân tộc thiểu số do các tù trưởng chỉ huy chặn đánh kiềm chế tiêu hao sinh lực địch. Phòng tuyến chủ yếu của quân ta là phòng tuyến bên bờ Nam sông Cầu kéo dài từ chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu. Vì tất cả các đường bộ từ Đông Bắc tiến về Thăng Long đều phải vượt qua sông Cầu nên dòng sông Cầu được lợi dụng như một chiến hào thiên nhiên rất lợi hại. Tiếp theo là một chiến lũy đắp bằng đất cao mấy thước chạy dọc bờ sông sừng sững như bức tường thành. Phía ngoài chiến lũy quân ta đóng tre và dậu đến mấy tầng tạo thành bãi chướng ngại dày đặc. Sông sâu, thành cao, giậu dầy, tất cả kết thành một phòng tuyến phòng ngự rất kiên cố. Phòng tuyến sông Cầu có một tầm quan trọng đặc biệt, nó là phên giậu chặn ngang bước tiến của quân thù, bịt kín các ngả đường tiến về Thăng Long để bảo vệ an toàn cho kinh thành và cả một vùng châu thổ giàu có đông dân rộng lớn. Phòng tuyến sông Cầu là một kỳ công, một công trình quân sự to lớn của quân dân ta thời Lý. Chính vì tầm quan trọng của nó cho nên trong cuộc chiến tranh chống Tống lần này, tiêu diệt quân địch, bảo vệ phòng tuyến, không cho địch phá vỡ và vượt qua phòng tuyến là nhiệm vụ chủ yếu của quân ta. Ngăn chặn được quân địch tại phòng tuyến này là làm cho kế hoạch tốc chiến tốc thắng của địch bị thất bại, làm cho địch suy yếu về lực lượng và quân ta sẽ chớp thời cơ phản công chiến lược giải phóng đất nước.

Để bảo vệ cho phòng tuyến quan trọng đó, trên các chiến lũy, Lý Thường Kiệt cho một bộ phận binh lực bố trí thành từng trại quân. Phía sau chiến lũy đại quân do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy bố trí tập trung tại những địa điểm trọng yếu, sẵn sàng chi viện cho các hướng bị uy hiếp và phản kích đánh bại mọi mũi đột nhập của quân Tống. Trên mặt trận sông biển, Lý Thường Kiệt cho một đạo thủy quân do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy làm nhiệm vụ trấn giữ miền biển Đông Bắc, ngăn chặn không cho thủy quân Tống tiến vào nội địa phối hợp với bộ binh và kỵ binh. Đại bộ phận thủy quân ta do Hoàng tử Chiêu Văn và Hoàng tử Hoằng Chân đóng ở hồ Vạn Xuân (Hà Bắc) sẵn sàng cơ động tiếp ứng cho mọi mặt thủy bộ.

Giai đoạn thứ hai của cuộc chiến tranh Đại Việt- Tống bắt đầu. Cuối năm 1076 bộ binh và kỵ binh Tống theo nhiều đường vượt biên giới ào ạt đánh vào nước ta. Thủy quân địch cũng vượt biển định tiến vào sông Bạch Đằng rồi vào sông Cầu giúp cho bộ binh, kỵ binh vượt sông đánh phá phòng tuyến bờ Nam của quân ta. Quân ta bố trí ở các miền thượng du chặn đánh địch nhưng không chặn nổi; các mũi tiến công của địch nhanh chóng tràn xuống bờ Bắc sông Cầu, tập kết thành một trận tuyến dài 30km từ bến đò Như Nguyệt đến núi Nham Biền. Đúng như dự tính của Lý Thường Kiệt, quân địch đến đây bị chặn đứng lại trước dòng sông Cầu và phòng tuyến kiên cố của quân ta. Một vấn đề có ý nghĩa sống còn được đặt ra đối với Quách Quỳ và Triệu Tiết là muốn hoàn thành chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, muốn chiến tranh kết thúc thắng lợi, muốn hoàn thành được việc xâm lược Đại Việt thì phải vượt sông Cầu và phá vỡ phòng tuyến bờ Nam của đối phương. Kế hoạch tài tình của Lý Thường Kiệt đã biến phòng tuyến sông Cầu thành quyết chiến điểm chiến lược, quyết định số phận của quân đội viễn chinh.

Khó khăn lớn đối với Quách Quỳ và Triệu Tiết là muốn vượt sông Cầu để tấn công vào phòng tuyến phải có chiến thuyền nhưng thủy binh Tống mãi vẫn không thấy tăm hơi theo như kế hoạch đã định. Liều mạng, Quách Quỳ tổ chức hai lần tấn công nhưng cả hai lần đều bị quân ta tiêu diệt. Hai lần tấn công thất bại thảm hại, quân địch hầu như bất lực không còn hy vọng gì tấn công được nữa. Quách Quỳ ra lệnh: "Ai bàn đến đánh sẽ bị chém!"[1]. Như vậy quân địch chuyển từ thế tấn công sang thế phòng ngự, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh bước đầu đã thất bại. Chiến tranh kéo dài là một nguy cơ nghiêm trọng đối với quân đội xâm lược Tống, hãm đội quân viễn chinh vào một tình thế khốn đốn mà ghê sợ nhất là chiến tranh du kích của quân dân ta tiêu mòn sinh lực địch, là cách xa hậu phương hàng trăm ki lô mét dẫn đến thiếu thốn lương thực, lại bị quân ta đột kích tiêu diệt. Sau ba tháng chiến tranh quân sĩ, phu phen địch chết quá nửa, số còn lại đau ốm mỏi mệt, tinh thần suy sụp nghiêm trọng, quân đội viễn chinh có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Quách Quỳ ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nắm cơ hội đó, Lý Thường Kiệt chủ động đặt vấn đề điều đình mở lối thoát cho giặc, nhằm sớm chấm dứt chiến tranh trong điều kiện có lợi nhất cho dân tộc. Quách Quỳ nhận giảng hòa và vội vã rút quân về nước. Quân ta hoàn toàn giải phóng đất đai đã bị giặc chiếm. Tháng 3 năm 1077, cuộc kháng chiến chống Tống kết thúc thắng lợi vẻ vang.

(Còn nữa)

CVL

---------------------

[1] Tôn Thăng, Đàm Phố: Xem Hoàng Xuân Hãn. Lý Thường Kiệt nhà xuất bản Sông Nhị 1950 trang 289 dẫn theo LSVN tập I trang 177.

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 30)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn