Kỳ 51
BÃO TÁP
Chúng tôi đã lênh đênh trên đại dương bao lâu rồi, không nhớ rõ nữa, có lẽ đã năm sáu tháng gì đó. Con thuyền đã bạc phếch, rệu rã hơn nhiều. Hai cánh buồm ngày đầu xuất phát lành lặn bây giờ rách bươm xơ mướp, dù ông già gắng nấn ná tận dụng mà vẫn phải thay hai chiếc mới. Hai chiếc mới thay này cũng đã bạc màu nắng gió. Chúng tôi hầu như quên mất mùi cơm. Chỉ ăn rặt trứng, cua đá, cá, thịt chim biển, đến bây giờ cứ ngửi thấy mùi những thứ gì đó tôi đã thấy nôn nao khó chịu. Da thịt chúng tôi đen cóc cáy, sạm nắng và gió, râu tóc tua tủa như những người nguyên thủy quái dị. Sức lực chúng tôi cạn kiệt dần. Thiếu rau và tinh bột, bệnh đường ruột, đại tràng đã có dấu hiệu xuất hiện, hành ông già và cả tôi nữa. Điều nguy hiểm nhất là thời tiết biển đã hết mùa bình lặng, bước sang mùa dông bão. Những đám mây đen, sấm chớp, mưa dữ dội đã thường xuất hiện hoành hành.
Thế rồi nỗi lo lắng bão gió của chúng tôi đã thành sự thật. Cơn bão biển ập đến vào lúc gần sáng, toàn bộ gầm trời đen kịt, mây trôi vun vút, mưa như xối nước, gió hun hút, sóng cuộn như núi đá quăng mình làm biển nghiêng ngửa. Trời biển trổ hết sức mạnh hung hãn của chúng. Thuyền chúng tôi bị hất tung lên rồi lại bị nhấn xuống. Bác tôi và tôi cố gắng chèo chống lựa chiều để giữ cho thuyền khỏi bị lật úp. Song chiếc thuyền mục ải đó chịu đựng không được bao lâu, nó bị thủng một mảng lớn, nước tràn vào và sau một đợt sóng mạnh của nhiều con sóng, nó bị đánh vỡ tan tành từng mảnh. Tôi và bác mỗi người cố ôm chặt một miếng ván cho khỏi bị chìm, phó mặc hoàn toàn cho sóng gió nhấn xuống hất lên. Toàn thân tôi rét cóng, mưa buốt như kim châm vào người. Tôi mơ màng và thiếp dần đi, cảm thấy đang chơi vơi và đang chìm xuống. Tôi đang trút những hơi thở cuối cùng để giã từ cuộc sống này. Tôi thấy như đất trời bừng sáng. Cơn mơ màng của tôi không biết bao lâu, hình như gió bão đã ngớt, tôi đã thấy có một con đại bàng khổng lồ xé gió thò đôi móng nhọn móc vào tay tôi và lôi tôi lên không trung. Trong một vài giây bừng mở mắt, tôi nhận ra tôi đang được một chiếc trực thăng cứu nạn nhấc bổng lên trời, cách mặt biển vài mét. Tôi cố nhìn rõ xem đó là trực thăng của quốc gia nào, nhưng tôi không biết gì thêm được. Một màn đen tối bao trùm đầu óc tôi. Tôi không còn hay biết gì nữa...
Khi mở mắt hồi tỉnh lại tôi thấy tôi đang nằm trên một chiếc giường mút, trải gara trắng tinh, trong một căn phòng quét vôi trắng tràn ngập ánh điện ấm áp. Một lát sau, cửa phòng bật mở, tôi nhìn thấy hai thiếu nữ xinh đẹp cũng mặc quần áo dài trắng tinh, đầu đội mũ trắng có in dấu chữ thập đỏ. Họ nói với nhau bằng tiếng Trung Quốc, nét mặt họ rạng rỡ vui mừng khi thấy tôi đã tỉnh, đã mở mắt ra và đăm đăm nhìn họ. Bây giờ thì tôi hiểu rằng tôi đang nằm trong bệnh viện của người Trung Quốc. Nhưng đây là đâu? Trung Quốc nào? Trung Quốc lục địa hay đảo Đài Loan? Và còn bác của tôi không biết có được cứu sống hay đã chết trong cơn bão biển khủng khiếp? Nghĩ đến điều đó, ruột gan tôi như lửa đốt. Tôi hơi nhúc nhắc cánh tay. Tôi đã được người ta mặc cho một bộ quần áo bệnh viện trắng tinh, sạch sẽ. Tôi muốn ngồi dậy nhưng sức còn quá yếu, như đang trải qua trận ốm nặng. Tôi muốn hỏi nhưng ngôn ngữ bất đồng, đành mở mắt nằm im. Người nữ bác sĩ đem sữa cho tôi uống. Tôi đã ăn được ít cơm, một quả táo. Tôi vẫn nghĩ miên man về người bác. Tôi thương bác tôi, người suốt đời chỉ dành trái tim cho Tổ quốc, cho làng xóm quê hương, cho đồng bào ruột thịt. Con người dũng cảm đó mà chết thì không thể tưởng tượng nổi. Tôi lại giận mình bất lực, không cứu được bác tôi, không hoàn thành nhiệm vụ. Sao tôi lại không chìm xuống đáy biển mà chết đi có phải thanh thảnh biết bao nhiêu. Thương bác và tủi hổ vì bất lực, nước mắt tôi giàn giụa, sợ những bác sĩ Trung Quốc nhìn thấy mình khóc, tôi vùi đầu vào chăn cho nước mắt tuôn trào.
Dù sao tất cả vẫn chưa được giải đáp, chưa rõ ràng. Tôi vẫn cần phải khỏe mạnh để hiểu hết những điều tôi cần biết, sau đó sẽ tùy cơ ứng biến. Nghĩ thế tôi thực hiện nghiêm ngặt tất cả các chế độ ăn uống và điều trị của bệnh viện. Do đó tôi rất nhanh bình phục. Phải thừa nhận rằng chế độ thuốc men, ăn uống của bệnh viện rất tốt, ngoài sức tưởng tượng của một bệnh nhân như tôi.
Tôi đã đi được ra ngoài phòng để dạo chơi. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng tôi đang ở trên mảnh đất của một hòn đảo cực lớn, nói đúng hơn là một căn cứ hải quân lớn trên một hòn đảo. Căn cứ rất rộng, chiều dài khoảng một kilômét, chiều rộng khoảng nửa kilômét, ba bên dính liền với đảo lớn đều xây tường bê tông cốt sắt kiên cố, căn cứ được thông với đảo bằng một chiếc cổng có cánh cửa sắt, có hai lính hải quân Trung Quốc cầm súng đứng canh. Họ mặc quân phục màu ghi, quân hiệu chỉ có hai miếng nỉ đỏ hình bình hành đính trên ve cổ áo. Mặt kia của căn cứ thông ra biển cả, đó là hải cảng, tàu bè đậu san sát, cờ, phù hiệu và sắc phục của binh sĩ hải quân giúp tôi hiểu được tôi đang ở lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đồng minh của miền Bắc Việt Nam. Tôi yên tâm hơn nhiều. Song, tôi không biết là tôi đang ở đảo nào của Trung Quốc. Ruột gan tôi càng như lửa đốt khi nghĩ tới bác tôi, nghĩ tới mục đích của chuyến đi. Tôi chán ngấy cảnh ăn rồi an nhàn đi dạo quanh khu nhà ở của căn cứ. Nhưng ý muốn chủ quan bao giờ cũng bị những điều kiện khắc nghiệt của khách quan trôi tuột. Tôi cảm thấy thời gian trôi chậm chạp vô cùng.
Một buổi tối, tôi đang ngồi rầu rĩ trong phòng một mình thì có tiếng gõ cửa. Cửa mở, tôi không tin vào mắt mình, đó là bác tôi, hồng hào, khỏe mạnh đi vào, theo sau là một lính hải quân Trung Quốc. Tôi và bác tôi mừng rỡ, ôm chầm lấy nhau, lát sau bác tôi quay lại nói tiếng Trung Quốc với người lính, người lính đi ra, còn lại hai bác cháu. Khi ấy, bác tôi mới kể lại mọi chuyện.
Thì ra, sau khi thuyền bị đánh tan, bác tôi cũng được trực thăng của hạm đội Nam Hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cứu hộ và cũng như tôi được đem về điều trị tại chính bệnh viện của hạm đội đó. Vì biết tiếng Trung Quốc nên bác tôi ra sức hỏi thăm về tôi. Nhờ thông tin của hải quân Trung Quốc tại bệnh viện nên bác cháu tôi lại gặp nhau. Sớm mai tàu của hạm đội Nam Hải sẽ đem hai bác cháu tôi giao lại cho phía Việt Nam. Hôm đó, tôi và bác tôi cùng ăn bữa cơm chiều ngon lành và cùng ngủ chung một phòng. Nhưng đêm đó bác tôi và tôi thao thức không ngủ được. Năm giờ sáng hôm sau, chúng tôi xuống tàu của hạm đội Nam Hải. Tàu chạy một mạch, đến chiều đã đến biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ. Ở đó đã có một tàu của hải quân Việt Nam chờ sẵn. Hai tàu cặp sát vào nhau. Sau sự trao đổi của hai thuyền trưởng qua người phiên dịch, chúng tôi được đưa sang tàu Việt Nam. Đầu tiên là ông thuyền trưởng và sau đó là lần lượt các sĩ quan, hạ sĩ quan, các thủy thủ bắt tay và ôm chầm lấy bác cháu tôi, ứa nước mắt. Chúng tôi cũng bắt tay và lưu luyến chào những chiến sĩ của hải quân Trung Quốc đã cứu giúp chúng tôi. Tàu đưa chúng tôi về Bộ Tư lệnh hải quân ở thành phố Hải Phòng. Sau mấy ngày nghỉ ngơi, chúng tôi lại được xe đưa về Hà Nội. Một buổi sáng có lệnh cấp trên mời bác tôi lên làm việc. Tôi ở nhà hồi hộp chờ đợi. Mãi trưa bác tôi mới về. Ông thuật lại cuộc gặp gỡ với cấp trên. Tại đó ông đã thay mặt những người lãnh đạo cách mạng miền Nam trình bày rằng: Tại miền Nam, quân thù đã dùng vũ lực đàn áp cách mạng, phá bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam, cách mạng miền Nam chịu nhiều tổn thất. Bấy giờ phải chuyển sang dùng vũ lực cách mạng để chống lại vũ lực phản cách mạng của chế độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mĩ. Ngặt vì không có vũ khí và mọi phương tiện chiến tranh khác. Những người lãnh đạo cách mạng miền Nam đề nghị lập một đơn vị vận tải đường biển, bí mật chuyên chở vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến tranh từ miền Bắc vào miền Nam, vì đường biển hiện nay là đường địch sơ hở nhất.
Cấp trên đánh giá rất cao chuyến vượt biển ra Bắc của bác cháu tôi. Chuyến đi cực kì dũng cảm và táo bạo đó đã mở ra một con đường nối liền Nam - Bắc, trong khi các tuyến đường bộ đã hoàn toàn bị cắt đứt. Cuộc thử nghiệm thành công minh chứng rằng hoàn toàn có thể vận tải vũ khí vào Nam bằng tàu thủy. Đó là một khả năng hiện thực và bác cháu tôi đã chứng minh bằng chính chuyến đi của mình, chứ không phải là chuyện viễn tưởng, phiêu lưu.
CHUYẾN ĐI THẮNG LỢI
Sau một thời gian nghiên cứu, cuối cùng cấp trên giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập một trung đoàn tàu vận tải bí mật vào Nam theo đường biển. Trung đoàn cảm tử này mang số hiệu 125.
Khi đó hải quân Việt Nam tàu còn ít, thô sơ, nhỏ bé. Ban đầu Hải đoàn chỉ có vài chiếc tàu trọng tải không quá một trăm năm mươi tấn. Khi hành trình vào Nam, về hình thức bên ngoài, các tàu của Hải đoàn đều phải giả dạng tàu đánh cá, tàu chở dầu. Nhưng ở dưới khoang tàu chất đầy súng đạn, chất nổ. Những chiến sĩ đi trên những con tàu này chỉ mang thường phục, gặp địch không được tác chiến, cố tránh tàu địch để đi thoát, ném được hàng vào bờ biển gần căn cứ quy định là hoàn thành nhiệm vụ. Bốc vác, di chuyển, cất giấu là nhiệm vụ của các bộ phận ở căn cứ. Trường hợp bất đắc dĩ bị tàu địch vây ép, tràn xuống khám xét thì bấm nút điện cho nổ hàng chục kilôgam thuốc nổ cài sẵn, tiêu hủy vài chục tấn thuốc nổ, đạn dược và tiêu diệt luôn tàu địch. Cho nên Hải đoàn của chúng tôi thực chất là một Hải đoàn cảm tử trong chiến tranh chống Mĩ và chống ngụy Sài Gòn.
Lúc đầu, cấp trên định cử tôi đi học văn hóa, sau đó sẽ đào tạo thành sĩ quan hải quân. Song tôi xin vào Hải đoàn cảm tử và được chấp nhận nhờ có ý kiến của bác tôi. Bác tôi là người cùng đi với chuyến tàu đầu tiên của hải đoàn vận tải súng đạn vào cực Nam. Theo kế hoạch, bác tôi không quay ra nữa mà ở lại xây dựng mạng lưới hậu cứ trên dọc bờ biển cực Nam để đón nhận vũ khí do Hải đoàn chuyển vào. Chuyến đi đó đã tới đích, đã đem lại niềm tin cho cả đoàn.
Tháng 12 năm 1961, tôi và các chiến hữu được xe bịt kín đưa xuống con tàu mang số hiệu 655. Ngay đêm đó, tàu chúng tôi được lệnh nhổ neo ra biển.
So với tất cả các tàu của các quốc gia trên thế giới, có lẽ tàu của chúng tôi là loại tàu bé nhất, thô sơ nhất mà lại phải cáng đáng một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và cực kì nguy hiểm trên đại dương. Con tàu dài khoảng mười mét, nơi rộng nhất chừng bốn mét. Toàn bộ khoang mui chứa nước ngọt, lương thực, thực phẩm. Khoang giữa chứa được gần một trăm tấn vũ khí, đạn dược, khoang phía đuôi đặt toàn bộ máy móc, với động cơ mạnh 450 mã lực. Đây là trái tim bảo đảm cho sự sống hoạt động của con tàu. Tầng trên của khoảng máy là khoang bếp núc, liền đó là khoang buồng ngủ của thủy thủ, trong đó có hai tầng giường, mỗi chiếc giường bé chỉ vừa đủ chiều dài và chiều to của một con người. Khoang ngủ thông với các khoang bằng ba cửa lớn: Một cửa ra bếp, một cửa boong trước của con tàu, một lối thông lên buồng lái và đài chỉ huy có cầu thang sắt. Khoang ngủ thông với không khí trời biển bên ngoài bằng các cửa sổ tròn, mỗi chiếc to bằng chiếc đĩa, có cánh cửa kính và doăng cao su. Khi tàu ra biển, chúng tôi đóng cửa kính và xiết ốc lại là nước biển không tràn vào khoang được. Trên phòng ngủ của thủy thủ là buồng lái, có chiếc la bàn to bằng miệng bát to, có chiếc vô lăng to bằng vành xe đạp lực chuyển từ vô lăng xuống bánh lái của con tàu là dây xích, có nghĩa là hoàn toàn bằng sức của con người nên rất nặng. Trên buồng lái là đài chỉ huy có thể quan sát được toàn bộ một vùng rộng lớn của biển mà con tàu đang hoạt động. Trong đài chỉ huy có bản đồ hàng hải chỉ dẫn đường đi trên biển cho các con tàu. Từ đài chỉ huy có thể phát lệnh và trả lời, nghe trả lời ở khoang máy, ở buồng lái và ở phòng ngủ của các thủy thủ. Tất cả đều phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy một cách tuyệt đối, nhanh chóng và chính xác. Boong sau, boong trước của tàu còn đặt mấy khẩu mười bốn li nằm ở mạn phải và mạn trái. Mấy khẩu súng này được phủ bạt và lưới để che giấu. Trên bong tàu tràn ngập lưới đánh cá, vì tàu chúng tôi bề ngoài là tàu đánh cá, không mang quốc kì nước nào cố định, mà tùy theo tình huống và hoàn cảnh cụ thể để đối phó với quân thù.
(Còn nữa)
CVL