Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 52)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 52.

Chỉ huy con tàu chúng tôi là một đại úy - thuyền trưởng, thuyền phó quân hàm thượng úy và một đại úy chính trị viên. Cả hai đều đã trải qua chiến đấu và tốt nghiệp trường sĩ quan hải quân. Biên chế toàn tàu được coi như một đại đội, các tổ tương đương như một trung đội, như tổ máy, tổ pháo thủ, tổ cơ yếu, báo vụ, hàng hải. Mỗi tổ do một thiếu úy, chuẩn úy hay một thượng sĩ chỉ huy. Cơ yếu làm nhiệm vụ dịch mật mã từ đất liền đánh tới thành lời cho thuyền trưởng hoặc biến nội dung truyền đạt của con tàu về căn cứ thành mật mã. Báo vụ có nhiệm vụ phát những tín hiệu mật mã đó lên không trung chuyển về căn cứ, hoặc thu tín hiệu từ căn cứ đánh tới và chuyển cho cơ yếu dịch, báo vụ biết gõ “ma níp” của máy vô tuyến để thu và phát tín hiệu thì không biết chìa khóa mật mã, ngược lại cơ yếu biết mở khóa mật mã lại hoàn toàn không biết phát tín hiệu lên không trung. Cơ cấu như vậy để đảm bảo an toàn cho con tàu, đề phòng sự phản trắc.

ddt1-tau-kdmi-1667030025.jpg
Hình ảnh một đoàn tàu không số của Đoàn 759 hoạt động trên biển khi chở vũ khí cho miền Nam, giai đoạn 1961 - 1975 (Ảnh tư liệu)

 

Tôi ở tổ pháo thủ: Nhiệm vụ của chúng tôi là chăm lo mấy khẩu mười bốn li năm luôn đen bóng và sẵn sàng nhả đạn. Khi tàu ra vào quân cảng, chúng tôi phải mở hoặc buộc dây cáp cột tàu vào cảng cho chắc chắn. Khi giữa sông, biển mà tàu muốn đậu lại, chúng tôi phải thả dây xích neo dài hai, ba chục mét. Ngoài ra, khi đi biển xa, chúng tôi giúp hàng hải thay nhau trực lái tàu theo hướng thuyền trưởng đã xác định bằng kinh, vĩ độ trên la bàn.

Lại nói tàu chúng tôi trong một đêm giá lạnh, rời căn cứ tiến ra biển. Khi đó gió mùa đông bắc rất dữ dội. Từng đợt sóng lừng với sức mạnh ghê rợn đập vào con tàu làm nó lắc mạnh. Tôi nhìn chiếc đồng hồ đo biên độ lắc, kim của nó chỉ từ ba mươi đến bốn mươi độ. Tôi cảm thấy người nôn nao khó chịu. Lạ thật, có lẽ tôi say sóng? Tôi đã đi thuyền từ Nam ra Bắc không say, nay có lẽ nào? Hay là tôi bị ốm? Tôi nhớ lại có lần trò chuyện, bác tôi nói rằng người đi biển bằng thuyền có khi không say vì biên độ lắc của thuyền bé, hơn nữa không khí thoáng và trong lành. Cũng người đó, đi tàu có thể say sóng vì biên độ lắc quá lớn, vì tiếng động cơ rung động, mùi dầu mỡ, phòng đóng kín ngột ngạt. Bây giờ tôi thấy bác tôi nói đúng. Con tàu rung lên dữ dội bởi tiếng động cơ, mùi dầu bị đốt bay khét lẹt, phòng thủy thủ cửa đóng kín mít để nước biển không tràn vào làm tôi thêm ngột ngạt, khó chịu vô cùng. Thế rồi tôi thấy có một sức mạnh nào đó chen ngang cổ họng, bóp cồn cào dưới bụng. Trong một đợt sóng lắc mạnh con tàu, tôi  buồn nôn. Tôi cúi xuống chiếc xô để sẵn và nôn thốc nôn tháo cơm canh, sau đó thì đến nước màu xanh lét vị đắng. Tôi hiểu là tôi đã nôn đến cả dịch vị của dạ dày. Ruột gan tôi như có móng vuốt cấu xé. Tôi nằm xuống giường và thiếp đi, người lắc ngang lắc dọc theo nhịp lắc của con tàu. Cơ thể tôi như có một sức mạnh vô hình đùa giỡn. Bấy giờ tôi càng thấy sức mạnh của biển cả, của thiên nhiên thật là khủng khiếp. Thì ra biển cả không phải lúc nào cũng hiền dịu, trong xanh và chan hòa ánh nắng, thơ và nhạc. Trong tàu của tôi hầu hết các thủy thủ đều nôn mửa. Duy có thủy thủ trưởng và anh hạ sĩ báo vụ là không hề suy suyển. Hai anh vẫn hút thuốc, đi lại, ngó tôi và cười:

- Ồ, lính đã vượt biển bằng thuyền cũng say à? Có muốn ăn gì không?

Anh báo vụ vào bếp, lôi ra nửa con gà luộc đem lại. Tôi biết mỗi lần đi biển là ở bếp có rất nhiều thức ăn, ai muốn ăn bao nhiêu, thứ gì tùy thích. Bụng tôi đói cồn cào nhưng hoàn toàn không muốn ăn một thứ gì. Tôi ngửi mùi gì cũng buồn nôn. Hai anh xé thịt gà và bóc trứng ăn ngon lành. Thủy thủ trưởng nói:

- Phải ăn để có cái mà nôn, nếu không sẽ rất mệt. Hôm nay sóng to quá.

Có lẽ đó là lời khuyên chí lí. Tôi không nằm bẹp nữa, cố ăn một ít. Sau lần đó tôi quen dần với sóng, vẫn say mửa nhưng không sợ như ban đầu. Bốn giờ sáng đến ca tôi lái tàu. Tôi vào buống lái, ngồi vào ghế, nắm lấy vô lăng và cố điều chỉnh, giữ thăng bằng sao cho vạch đỏ của la bàn trùng khít với con số 180 độ. Tôi hiểu rằng tàu đang chạy chính hướng Nam. Lúc này tất cả những người trên tàu đã ngủ say. Dưới buồng máy có một người thợ trực máy, trên cabin tôi - người lái là hai người quyết định toàn bộ số phận của con tàu. Con tàu vẫn nhẹ nhàng lướt tới, tiếng động cơ rung đều đều. Biển mờ ảo xanh xám do sóng lừng và gió mùa đông bắc lạnh như cắt. Tôi vẫn chăm chú nhìn qua kính buồng lái và điều chỉnh vô lăng. Bỗng từ xa tôi thấy có một vật gì đó dập dềnh trôi lại mũi tàu. Tôi bật đèn pha, hai luồng ánh sáng cực mạnh từ cabin soi sáng trắng một vùng biển trước tàu. Tôi bàng hoàng, vật mà tôi thấy là thủy lôi Mĩ có nguy cơ chạm vào tàu, con tàu có thể nổ tung thành sắt vụn.

Tôi phát lệnh báo động khẩn cấp, tiếng chuông điện ré điếc tai. Thủy thủ đang ngủ bật dậy rầm rập. Thuyền trưởng là người xuất hiện ở cabin đầu tiên, thấy quả thủy lôi qua ánh sáng đèn pha, ông đã hiểu tình thế vô cùng nguy nan của con tàu. Ngay lập tức ông đã ở đài chỉ huy và phát lệnh cứu con tàu:

- Máy lùi hết tốc độ!

Dưới khoang máy có tiếng đáp vọng lại vào micrô :

- Rõ, lùi hết tốc độ.

Con tàu bỗng nhiên đứng sững lại và nó lùi với một tốc độ chóng mặt.

- Ngừng máy!

- Rõ, ngừng máy.

- Tiến ba, rẽ trái 900!

- Rõ, tiến ba, rẽ trái 900.

Tôi vặn mình bẻ vô lăng cho tới khi vạch đỏ trên la bàn chạm con số 900.

- Máy tiến hết tốc lực

Tàu chúng tôi đã vòng được ra phía trái qủa thủy lôi, tránh được hướng đang trôi tới của nó. Có lẽ bây giờ điểm chạm của nó đã vào đúng vị trí mà lúc này tàu chúng tôi ở đó. Khi tàu bỏ lại nó hàng trăm mét, không biết chạm vật gì, quả thủy lôi bùng nổ. Cột nước dựng cao như trái núi, sóng bị áp lực xô đẩy ập vào mạn tàu làm tàu nghiêng ngửa. Con tàu đã được cứu thoát. Tôi lại nghe thấy mệnh lệnh của thuyền trưởng:

- Máy tiến hai!

- Rõ, máy tiến hai.

- Rẽ phải, hướng 1800!

- Rõ, rẽ phải, hướng 1800.

Thuyền trưởng phát lệnh báo yên. Tàu chúng tôi tiếp tục hành trình ra hải phận quốc tế. Khi đó cũng vừa hết ca trực lái của tôi, thuyền trưởng đợi ở cabin và nắm chặt tay tôi:

- Cám ơn em!

- Ồ không, ngược lại chúng tôi phải cảm ơn thuyền trưởng đã cứu con tàu.

Tôi và ông cùng mỉm cười. Trời và biển đang dần dần sáng trắng, một ngày mới bắt đầu.

Thấm thoát, tàu chúng tôi hành trình trên biển đã gần nửa tháng. Việc biết chính xác con tàu bây giờ đang ở đâu, vĩ độ, kinh độ bao nhiêu là việc của thuyền trưởng, đó là điều bí mật, chỉ riêng ông được biết. Còn chúng tôi căn cứ vào thời gian hành trình, nhiệt độ ấm dần lên và gió mùa đông bắc ngớt dần, chúng tôi đoán tàu chúng tôi đã vào đến biển miền Nam.

Một buổi trưa, khi chúng tôi còn ở phòng thủy thủ thì tín hiệu báo động chiến đấu rung lên. Tín hiệu này chỉ được phát khi gặp tàu địch. Tất cả chúng tôi về vị trí chiến đấu theo phương án đã định. Tôi biết lúc này trên đài chỉ huy chỉ có thuyền trưởng và người báo vụ đánh tín hiệu bằng cờ đề phòng phải trả lời khi địch phát tín hiệu hỏi. Còn tất cả chúng tôi cầm sẵn B.40, B.41, AK nằm trong phòng thủy thủ chờ đợi. Tôi biết giờ này thuyền phó cũng đã đứng dưới máy, nơi bí mật nhất của con tàu - chỉ có ông, thuyền trưởng, máy trưởng, bí thư chi bộ được biết - nơi chập mạch điện làm nổ 300 kilôgam thuốc nổ để tiêu hủy con tàu khi cần thiết. Tất cả im lặng, chỉ có tiếng động cơ con tàu rung lên, nhưng tàu nằm tại chỗ chờ đợi.

Tôi nhìn qua ô kính cửa sổ, thấy một chiến hạm của hải quân Sài Gòn đang tới gần mạn trái, một chiếc nữa đang tới gần mạn phải tàu chúng tôi; chúng phát tín hiệu hỏi tàu nước nào. Không một tiếng bằng ngôn ngữ Việt Nam được trả lời. Báo vụ viên chỉ dùng tín hiệu trả lời theo lệnh của thuyền trưởng. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi thường trả lời là tàu đánh cá của Hồng Kông , Đài Loan gì đó... tùy sắc phục mà thuyền trưởng đang mặc. Hai chiếc tàu của hải quân ngụy đã áp sát hai mạn tàu chúng tôi, tiếng động cơ vang rền, tiếng đệm va cao su rít lên bởi sự cọ xát của hai thân con tàu. Tiếng tên chỉ huy tàu Sài Gòn quát trong micrô the thé, tiếng lên đạn của các cỡ súng lách cách. Hải quân Sài Gòn quân phục dù loang lổ đứng nằm ở các vị trí sẵn sàng nhả đạn. Tàu chúng tôi vẫn im lặng. Nhưng tôi biết rằng chỉ cần quân Sài Gòn bước xuống tàu chúng tôi thì ngay lập tức gần một trăm tấn đạn dược, thuốc nổ sẽ nổ tung, tàu chúng tôi sẽ thành một quả mìn khổng lồ biến cả hai chiếc tàu tuần dương của hải quân Sài Gòn thành sắt vụn. Trước giờ phút cái chết đến gần, chúng tôi vẫn thanh thản và bình tĩnh một cách lạ lùng. Đó là tính cách của lính Hải đoàn cảm tử.

Sự im lặng của con tàu chúng tôi có lẽ khiến hải quân Sài Gòn sợ hãi. Chúng linh cảm thấy rằng có điều gì khủng khiếp đang chờ đợi chúng. Tôi quan sát thấy tên hạm trưởng nghiêng sang tàu chúng tôi nhưng không hạ lệnh khám xét, cũng không hạ lệnh nổ súng. Đột nhiên hắn ra lệnh cho tàu của chúng rút lui; sau khi chửi thề một vài câu và khẳng định đây chỉ là tàu đánh cá. Tiếng động cơ và bóng dáng hai tuần dương hạm của hải quân Sài Gòn xa dần và mất hẳn. Thuyền trưởng phát lệnh báo yên. Chúng tôi không thể nào cắt nghĩa được tại sao tên hạm trưởng quân đội Sài Gòn lại có được quyết định khôn ngoan như vậy. Người thì bảo rằng chúng biết tàu ta là loại tàu gì và sợ chết. Rút lui là hành động khôn ngoan và phổ biến của hải quân Sài Gòn khi chạm trán với tàu của Hải đoàn cảm tử.

Tàu chúng tôi luôn tìm cách luồn lách vào vùng biển miền Nam Việt Nam chờ thời cơ thuận tiện tiếp cận căn cứ để “giao hàng”. Thế rồi trong một đêm đài đưa tin có áp thấp nhiệt đời, vùng biển miền Nam bị ảnh hưởng, có sóng to gió lớn và mưa, thuyền trưởng hạ lệnh tiếp cận căn cứ. Đêm đó tàu chúng tôi như con cá voi lớn, quằn quại trong dông, gió và mưa túc trực sẵn sàng chiến đấu. Ba giờ đồng hồ sau, chúng tôi đã trông thấy một dải bờ biển, làng mạc uốn lượn đen mờ chìm trong mưa. Tôi kêu lên nghẹn ngào: Ôi! miền Nam quê hương tôi! Tôi muốn nhào xuống nước, nằm áp mặt xuống đất, đi lang thang dưới rặng dừa cho bõ những ngày thương nhớ. Tàu lao sâu vào một cửa lạch và nhờ những rặng trâm bầu rậm rạp che chở, tắt máy, lặng lẽ thả neo. Tất cả nắp hầm tàu được mở ra. Từ trong những con lạch khác, khoảng ba mươi người lặng lẽ bơi lên tàu vác những những kiện “hàng” bọc áo mưa rất cẩn thận ném xuống nước. Giải phóng cho tàu nhanh chóng rút lui là nhiệm vụ cấp bách. Việc khuân chuyển, cất giấu vũ khí, thuốc nổ, đạn dược là nhiệm vụ của bộ phận căn cứ. Nếu không nhanh chóng, tàu tuần tiễu của địch có thể tới bất cứ lúc nào, công lao của chúng tôi nửa tháng trời trên biển và bao nhiêu vũ khí đạn dược sẽ thành con số không. Mọi người thầm hiểu điều đó nên dưới mưa to sóng gió dữ dội chỉ lầm lũi làm việc với một cường độ phi thường, quên gian khổ, mệt nhọc.

Vừa giải phóng xong kiện hàng cuối cùng, thuyền trưởng đã hạ lệnh đóng nắp khoang tàu, nhổ neo ra khơi. Những người của căn cứ giơ những cánh tay vẫy chào chúng tôi trong đêm. Chúng tôi âm thầm vẫy tay đáp lại. Con tàu mở hết tốc lực chạy ra hải phận quốc tế trong sóng gió hung hãn của áp thấp nhiệt đới. Tàu chúng tôi có thể gặp bão, nhưng không sao, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đó là niềm vui sướng mang lại sức mạnh lớn lao để chúng tôi đưa con tàu vượt qua dông bão đại dương.

(Còn nữa)

CLV