Thời gian và địa điểm: Năm Ất Sửu (1805). Tại kinh đô Huế.
Bối cảnh: Nguyễn Du được vua Gia Long thăng chức Đông các Học sĩ, tước Du Đức hầu, đến kinh thành Huế nhậm chức. Năm đó, Đặng Nhân Cẩm khoảng hơn 60 tuổi, Nguyễn Du tròn 40 tuổi.
Ảnh đính kèm chỉ mang tính minh hoạ: Hình tượng Đại thi hào Nguyễn Du trên sâu khấu.
*
Đặng Nhân Cẩm: Chào Du Đức hầu Nguyễn Du! Ta nghe nói có người cùng quê, vừa được thăng chức Đông các Học sĩ, vào kinh nhậm chức, rất mừng, nên tìm đến chia vui… Không ngờ lại chính là con trai của Xuân Quận công, Tể tướng Nguyễn Nghiễm khả kính!
Nguyễn Du: Xin kính chào Thuỷ sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm! Sinh thời, hạ quan từng nhiều lần nghe thân phụ và mẹ già Đặng Thị Dương (người đã sinh ra anh trai Nguyễn Khản của hạ quan) kể về mẹ già Đặng Thị Tuyết (người đã sinh ra anh trai Nguyễn Điều của hạ quan). Các mẹ đều là cô ruột của ngài, họ thường nhắc đến Đặng Nhân Cẩm và Đặng Nhân Cầm. Mẹ của hạ quan chỉ là thứ thất, lại không may mất sớm. Hạ quan lớn lên, trưởng thành cũng là nhờ mẹ già chính thất họ Đặng đã nuôi nấng, chăm lo nên không bao giờ dám quên ơn ạ!
Đặng Nhân Cẩm: Tuổi trẻ học rộng tài cao! Người đầy trí nhớ, lại sống có tình như tân Đông các Học sĩ Nguyễn Du thật là hiếm có!
Nguyễn Du: Được biết, ngài có ông nội là Liêu Quận Công Đặng Sĩ Vinh, con thứ 4 của Tăng Quận Công Đặng Nhân Ngôn, cháu đời thứ 10 của Quốc công Đặng Tất… Thân sinh của ngài là cụ Đặng Sĩ Quán, từng làm Chánh sứ Lạng Sơn… Thật đáng tự hào, bởi bá tánh có câu “Tiên Điền họ Nguyễn - Uy Viễn họ Đặng”. Đó là hai dòng họ lớn “môn đăng hộ đối” có nhiều người học rộng, đỗ đạt làm quan, lại kết thông gia với nhau!
Đặng Nhân Cẩm: Thật đáng tự hào, vì “Tiên Điền họ Nguyễn - Uy Viễn họ Đặng”! Ta nghe nói mùa đông năm Bính Thìn (1796), Du Đức hầu đã muốn trốn vào Gia Định theo Chúa Nguyễn, nhưng lại bị bọn Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. Sau khi được tha thì về sống ở Tiên Điền?
Nguyễn Du: Là do hạ quan tài hèn, sức mọn, lại chẳng được thế và không gặp thời. Nhưng Thuỷ sư Đô đốc đừng làm vạn bối tổn thọ. Xét về tuổi tác, ngài là bậc cha chú, là tiền bối. Xét về chức vụ, công lao, ngài là bậc khai quốc, đại thần của triều đình, với bao chiến công hiển hách. Khi ngài cùng người em trai Đặng Nhân Cầmđỗ Tam Trường, rời quê Uy Viễn, tổng Phan Xá, để vượt biển vào Nam tìm minh chủ, thì vạn bối còn nhỏ bé quá, chưa biết gì…
Đặng Nhân Cẩm: Ta rất nhớ những ngày cùng binh lính cuỡi sóng vượt biển Đông. Rồi kỷ niệm hàng năm cử các đội Hùng binh Hoàng Sa – Trường sa kiêm quản đội Bắc Hải ra hai quần đảo khai thác các tài nguyên sản vật trên biển và thu lượm hàng hóa trên các tàu bị đắm; đo đạc vẽ bản đồ; dựng bia lập miếu, trồng cây; cứu trợ tàu thuyền nước ngoài gặp nạn…
Nhưng nay ta cũng già rồi, nên đã xin Hoàng thượng cáo lão về lại vùng đất Phương Nam, khai khẩn đất hoang, trồng lúa, đánh cá qua ngày làm vui… Được biết Đông các Học sĩ Nguyễn Du là người rất giỏi thơ văn, lâu nay có sáng tác được nhiều không?
Nguyễn Du: Xin đa tạ Thuỷ sư Đô đốc đã quan tâm động viên! Chẳng dám giấu ngài: Tại hạ đang ấp ủ sáng tác ngàn câu thơ theo thể lục bát “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều). Đó là “Tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột”, sau cả chục năm “giang hồ gió bụi”, bôn ba thiên hạ, để thấu hiểu lẽ đời. Nhưng vẫn còn lo “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”?
Đặng Nhân Cẩm: Đáng tiếc, ta chỉ là một lão tướng võ biền, suốt đời cùng quân sĩ lênh đênh chiến thuyền, vượt sóng đánh giặc… mà chẳng hiểu gì về thơ văn. Nhưng xin chúc Đông các Học sĩ Nguyễn Du với ngàn câu thơ lục bát “Đoạn trường tân thanh” sẽ còn đến muôn đời!
Nguyễn Du: Xin kính chúc Thuỷ sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm còn mãi với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà! Hạnh phúc trong lòng bá tánh Phương Nam và luôn là niềm tự hào của Họ Đặng Việt Nam!
(Tiếng chiêng trống vang lừng, ngân dài và màn múa hát lễ hội… kết thúc tiểu hoạt cảnh).
Hà Nội, Xuân Quý Mão – 2023
Đ.V.H
Trái tim người lính