Tiếng đàn Chapi sống mãi với rừng Raglai

Vũ Hảo

13/12/2022 12:09

Theo dõi trên

Tiếng đàn Chapi trầm lắng giữa sắc xanh dịu dàng của rừng cây, núi đá, trời mây lãng đãng yên ả. Những thanh âm nhẹ nhàng êm dịu đơn giản ấy cũng đủ khắc họa một góc đời sống của tộc người Raglai -những cuộc đời thong dong, an phận mưu sinh, sống lẻ loi mà thảnh thơi vô cùng.

1-cha-truyen-day-cho-con-1670907928.jpg

Nghệ nhân Chamaléa dạy bảo con biết thêm về cách làm cây đàn Chapi

Dân tộc Raglai là một nhánh của dân tộc Chăm. Người Raglai- Nam sống ở các xã Ma Nới, Phước Hà. Người Raglai- Bắc chiếm số lượng dân cư lớn hơn, tập trung đông đảo ở huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Theo Trung tâm Tư liệu và Dịch vụ Thống kê thuộc Tổng cục Thống kê năm 2019: dân số người Raglai vào năm 2019 là 146.613 người. Họ thường không cư trú nơi thung lũng vì quan niệm đó là lối đi của ma quỷ. Cũng không cư trú trên những quả đồi vì đấy là lối đi của thần linh. Theo họ chỉ nơi lưng chừng núi là không gian thuộc quyền sở hữu của con người. Xã hội truyền thống của người Raglai được cấu trúc theo dòng tộc và khu vực cư trú. Người Raglai quy tụ theo từng tộc họ.

2-nghe-nhan-au-dang-che-tac-dan-chapi-1670907999.jpg

Nghệ nhân Chamaléa chế tác cây đàn quý để tặng bà con chứ không bán

Trong tộc họ, vị trưởng họ có quyền quyết định những công việc lớn. Người ấy điều hành mọi hoạt động, chủ trì các lễ hội, tổ chức đội ngũ phòng chống thú dữ. Người Raglai sống theo chế độ mẫu hệ. Theo tục “con gái bắt chồng”, đàn ông sống trọn đời ở nhà vợ, con cái đều lấy họ mẹ.

3-giac-mo-cha-pi-song-mai-1-1670907998.jpg

Giấc mơ Chapi sống mãi với núi rừng Raglai từ người già truyền sang trẻ thơ

Theo ông Thành Mây- Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Bắc Sơn cho biết: văn hoá Raglai có những trường ca mang giá trị lịch sử, nghệ thuật và có tính giáo dục sâu sắc. Âm nhạc có hình thức hát đối đáp khá phổ biến trong sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Nhạc cụ của người Raglai gồm có đàn bầu, kèn môi, đàn Chapi, mã la, đàn đá, đàn salaken. Cây đàn Chapi là thứ nhạc cụ của ngưởi Raglai muốn tái tạo âm điệu của cái “mã la”. Nó dùng để đệm khi người Raglai hát những khúc tình ca trai gái (Em ở lại anh về), huyền thoại lịch sử (Mẹ, Katê), lao động mùa vụ (Con ếch, con chim). Điển hình âm nhạc dân tộc Raglai thể hiện ngay ở cây đàn Chapi. Cây đàn làm bằng một khúc tre già lấy về từ núi rừng. Đối với người Raglai, một bộ mã la bốn chiếc (một loại cồng chiêng) là nhạc cụ nghi lễ mà các gia đình giàu mới sắm được. Trái lại, cây đàn Chapi nhỏ bé vẫn mô phỏng được thanh âm của bộ mã la để những người nghèo đánh lên vài khúc tiêu dao…

Nghệ nhân Chamaléa hiện sống tại xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận kể chuyện rằng cây đàn Chapi làm bằng tre hay lồ ô đã già. Chọn cây thân không tì vết, đường kính khoảng bảy, tám xentimet, mỗi lóng dài bốn mươi xăngtimet. Đem về để trên chái bếp cho cây thật khô tiếng đàn mới hay. Cưa xong cái ống tre làm đàn nghệ nhân dùng cây mác mũi nhọn khoét vào cật tre bật lên thành tám dây. Mỗi dây cách nhau hai xăngtimet, đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái khoét rảnh, nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu cây đàn dùng dây mấu bện chặt để giữ thật dây đàn thật căng. Sau cùng lấy dùi nung lửa khoét thủng hai mắc tre để tạo âm vang và tiếp tục cân chỉnh âm thanh cho tiếng đàn có hồn.

Bây giờ nhiều người biết làm đàn Chapi đều đã qua đời. Nghệ nhân duy nhất Chamaléa Âu biết làm và đánh đàn chapi, hiện nay sống tại xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Nghệ nhân còn truyền dạy cách thổi kèn bầu, đánh mã la. Một người Raglai thứ 2 hiện nay ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh  Khánh Hoà cũng biết làm đàn Chapi là nghệ nhân Mấu Hồng Thái. Ông Cao Xà Minh, phó ban VHTT xã Thành Sơn, Khánh Sơn, Khánh Hoà cho biết thêm: vì theo chế độ “mẫu hệ”, nên dây đàn Chapi của người Raglai được đặt tên từ lớn đến nhỏ là Mẹ- Cha- Con. Khi đánh đàn cũng bắt đầu từ dây “Mẹ”. Cặp dây “Cha” phát ra âm thanh trầm hùng. Cặp dây “mẹ” mỏng hơn và hai cặp dây “con gái” và “con trai” phát ra âm thanh trong trẻo. Mỗi làn điệu của Chapi đều thảnh thơi, nhàn nhã như cuộc sống của người Raglai. Điệu “Con ếch” đánh lên trong những đêm mưa đầu mùa. Điệu “Con chim” báo cho nhau biết quãng thời gian trong ngày. Điệu “Than thở” hay điệu “Em ở lại anh về” là tiếng nói đôi trai gái đang yêu…

Sống giữa đại ngàn nhưng người Raglai chế tác cây đàn Chapi (các dây, con nêm, thân đàn) hoàn toàn bằng chất liệu từ cây tre hay lô ô, không dùng gỗ, âm thanh phát ra chỉ vừa đủ nghe, nhẹ nàng. Từ khi ca khúc “Cây đàn Chapi” (của nhạc sĩ Trần Tiến) được phổ biến, nhiều người biết đến và yêu Chapi nhiều hơn.

Bạn đang đọc bài viết "Tiếng đàn Chapi sống mãi với rừng Raglai" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn