Tiếng leng keng đầu xóm

Những cây cà rem ngày ấy sao mà ngon đến vậy. Nhớ cái cảm giác chờ đợi anh ấy mở nắp thùng xốp, hơi lạnh bay lên, mát ơi là mát. Hôm nào được kha khá, tôi cũng tự thưởng cho mình Và mỗi đứa em một cây cà rem. Trời nắng gắt, cắn miếng cà rem mát lạnh tan chảy xuống tận dạ dày mà thích thú quá. Một cây chưa đã cơn thèm, nhưng chúng tôi không đứa nào dám ăn đến cây thứ hai vì còn để  lấy tiền dành dụm.
kem-que-1644850766.jpg
 

 

- Leng.... keng ... leng  k...e...n...g.

Nghe tiếng lenh keng của anh bán cà rem, tôi chạy ù ra góc hiên sau nhà, nghiêng người thò tay sau đống chum, vại sứt mẻ của bà xách chiếc bì nặng khoảng hai, ba kg chạy bay tóc. Ra đến ngõ nhà, dưới tán lá hàng bời lời sum suê, chiếc xe đạp có thùng cà rem của anh ấy đã đợi sẵn. Bọn trẻ xóm tôi reo vang đứa nào đứa nấy miệng cười toẹt tới mang tai.

Anh bán cà rem tươi cười không kém vì đám nhóc đứa nào cũng có "hàng"chuẩn bị cho anh. Đó là bì phế liệu mà chúng tôi tích trữ sẵn. Khoảng hai tuần hay hơn, anh đến xóm tôi để đổi một lần. Mỗi đứa một bì háo hức chờ anh lần lượt định giá.

- Nè. Của em 1 kg nè. Lấy tiền hay có ăn cà rem không?

- Của em hôm nay 3kg nè, giỏi quá. Lấy hết tiền hả em? Hôm sau lượm được để dành anh nhen.

Anh bán cà rem vui vẻ ngọt ngào đôi tay thì thoăn thoắt. Chỉ vậy mà trẻ con cả thôn tôi đều thích và luôn trữ "hàng" để bán cho anh. Ít khi bán cho người lạ khác, trừ khi cần tiền để làm việc gì đó.

- Ôi sao mầy được nhiều vậy? Lượm chỗ nào rủ tao đi với nhen.

- Anh ơi cho em 1 cây cà rem, còn lại em lấy tiền....

Cứ thế cái "chợ phiên" ban trưa của tụi nhỏ với anh bán cà rem diễn ra rôm rả mà cũng nhanh kết thúc vì anh còn phải sang xóm khác nữa.

hang-kem-rong-1644850766.jpg
 

 Quê tôi, những ngày hè đồng khô cỏ cháy, bọn trẻ chúng tôi thường lùa bò lên mép đường lộ để chúng kiếm ăn. Ở đó dọc chân núi có thêm các loại cây mà bò có thể ăn được: cây duối, tơ hồng, lau sậy...

Đỉnh đèo ngày xưa có đồn lính đóng. Vì vậy mà sau chiến tranh vỏ đạn nhiều lắm. Dọc đường lên đỉnh đèo, vừa chăn bò chúng tôi vừa tranh thủ tìm nhặt tuýt đạn (vỏ đạn). Tuýt đạn đồng nhỏ bằng ngón tay út người lớn, nằm rải rác trên mặt đất hay ẩn trong lớp đất.

Mỗi ngày tôi nhặt một ít rồi đem về đựng trong một bao cát, cất thật kĩ thật sâu để không ai lấy được. "Cái khó ló cái khôn”, lũ trẻ thời đó đã biết tích cóp tằn tiện và tự lực trong mọi công việc. Những phế liệu mà mỗi chúng tôi nhặt được là tài sản riêng bất khả xâm phạm dù có là anh chị em trong nhà. Vì vậy mà "cất giấu kĩ lưỡng" cẩn thận, không cho ai phát hiện.

Gom thật lâu được một hoặc hai kgphế liệu, chờ đến buổi trưa nghe tiếng leng keng của anh bán cà rem hay kẹo kéo nơi đầu ngõ là lũ trẻ cả xóm  đem ra vây lấy anh để đổi. Đứa thì đổi lấy cà rem, kẹo kéo, đứa thì lấy tiền chứ không ăn hàng. Đứa nào đổi được nhiều thì cái mặt cứ vênh lên tận ngọn cây.

Những cây cà rem ngày ấy sao mà ngon đến vậy. Nhớ cái cảm giác chờ đợi anh ấy mở nắp thùng xốp, hơi lạnh bay lên, mát ơi là mát. Hôm nào được kha khá, tôi cũng tự thưởng cho mình Và mỗi đứa em một cây cà rem. Trời nắng gắt, cắn miếng cà rem mát lạnh tan chảy xuống tận dạ dày mà thích thú quá. Một cây chưa đã cơn thèm, nhưng chúng tôi không đứa nào dám ăn đến cây thứ hai vì còn để  lấy tiền dành dụm.

Thi thoảng ngoài mớ tuýt đạn, tôi còn có thêm đôi dép nhựa đã nát bét sau không biết bao nhiêu lần hàn nối. Đó là những buổi trưa tuyệt vời và hạnh phúc của tôi và lũ bạn trong xóm ngày xưa.

..........

Bây giờ từ thành thị đến nông thôn đều có điện. Sữa chua, yaourt nhà nào cũng có. Cây cà rem ngày xưa và chiếc thùng xốp đựng cà rem đèo bên hông chiếc xe đạp, đã lâu rồi không còn nữa. Nhưng tiếng leng keng đầu xóm như vẫn vọng về từ tuổi thơ tôi.

 

Chuyện làng quê

                       

 

Võ Ngọc Liêm

Võ Ngọc Liêm

16:54 22/03/2022

Tuổi thơ dù có kham khổ bao nhiêu cũng vẫn cứ trong veo, nhất là khi nhìn là sau lớp bụi thời gian