Tiêu chuẩn kép hay tâm lý nhược tiểu?

Hồ Công Thiết

23/05/2022 15:41

Theo dõi trên

Kể như vậy để khẳng định ông Phạm Thanh Hùng là nhà tài trợ cho bóng đá nữ Việt Nam chứ không thuộc thành phần “ăn chính đá phụ”, hưởng “sái” của các cô gái đá bóng nước nhà.

chung-ket-nu-viet-thai-5-1653295059.jpg
 

 

Ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có ông Phạm Thanh Hùng, Trưởng Ban bóng đá nữ kiêm Trưởng đoàn Bóng đá nữ Việt Nam.

Trên sân Cẩm Phả, khi đội nữ Việt Nam vượt qua Thái Lan, đoạt Huy chương Vàng Bóng đá nữ SEA Games 31, ông Hùng nâng ảnh Cụ Hồ nhân ngày sinh (19/5), xuống sân chung vui với các cầu thủ và còn đứng trên bục chiến thắng cùng các tuyển thủ nữ.

Ngay lập tức có một vị hàm kỹ sư và cả một vị hàm giảng viên đại học post ảnh ông này đang chung vui với đội bóng nữ lên facebook, cùng với tấm ảnh vị trọng tài rút chiếc băng vệ sinh cá nhân (loại có cánh) để phạt ông này vì tội dám đứng cùng đội bóng đá nữ trên bục nhận huy chương với lời chú : “Kết cục tất yếu của bọn ăn chính đá phụ”.

Trong các cmt, tác giả giải thích : “…ông này bắng nhắng loi choi. Ông loi choi vào chỗ nhận huy chương rất vô duyên… Ông này không được nhận huy chương mà vẫn lên để nhận, rất phản cảm trong mắt người dân và bạn bè quốc tế lắm ru”. Tác giả stt còn chốt lại: “Có lẽ phải cho các quan chức thể thao học lại nghi lễ để khỏi làm xấu đi hình ảnh quốc gia”.

Nỗi bức xúc này có lẽ thường tình khi trước đấy, hồi đội U23 Việt Nam trở về từ Thường Châu – Trung Quốc, có một vị cán bộ Liên đoàn ra đón, đúng là có “loi choi”, leo lên đứng đầu xe chở đội U23 trong suốt hành trình từ Nội Bài về Ba Đình, cứ như mình mới là nhân vật chính.

Hành động này để lại tiếng chê cười trong cộng đồng và cũng là sự cảnh tỉnh cho những hành động “ăn theo – nói leo” đội tuyển khi ca khúc khải hoàn.

Nhưng riêng hành động của ông Phạm Thanh Hùng trên sân Cẩm Phả ngày 21/5/2022 lại khác.

Ông Hùng là người phụ trách cao nhất của đội bóng đá nữ Việt Nam. Cương vị của ông buộc ông phải xuất hiện trong các hoạt động đối nội và đối ngoại của đội bóng đá nữ. Ông thay mặt Liên đoàn, chăm lo mọi việc cho tập thể đội bóng.

HLV Mai Đức Chung thán phục : “Mọi việc ở đội bóng đá nữ (trừ chuyên môn), anh Hùng lo tất. Họp các trưởng đoàn, bố trí nơi ăn ở, nơi tập luyện, đối tác tập luyện, hỗ trợ hậu cần, điều phối hoạt động, xây dựng kế hoạch tập huấn và thi đấu, anh Hùng đều tham gia với nhiệt tình cá nhân và cả trách nhiệm được VFF giao”.

chung-ket-nu-viet-thai-6-1653295059.jpg
 

Ông Phạm Thanh Hùng là Đại gia vùng mỏ.

Cơ duyên đến với bóng đá nữ là một lần ông Hùng xem đội bóng đá nữ Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Thấy đội nhà chiến thắng, ông xuống sân, thưởng nóng cho các cầu thủ nữ 10.000 USD.

SEA Games 30 ông được giao làm Trưởng đoàn Bóng đá nữ. Ông đã “vác tiền nhà”, thưởng cho đội nữ Việt Nam hơn 4 tỷ VND và vận động các nhà hảo tâm tặng đội bóng đá nữ số tiền lên tới hơn 20 tỷ.

Kể như vậy để khẳng định ông Phạm Thanh Hùng là nhà tài trợ cho bóng đá nữ Việt Nam chứ không thuộc thành phần “ăn chính đá phụ”, hưởng “sái” của các cô gái đá bóng nước nhà.

Ngày hôm qua khi đội U23 Thái Lan lên bục nhận Huy chương Bạc, người ta thấy Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan cũng lên nhận huy chương và các linh vật SEA Games 31. Madame Pang cười rất tươi và tuyệt nhiên không có fan hâm mộ nào của Việt Nam và Thái Lan chê trách hành động đứng cùng đội tuyển nước nhà của bà Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan.

Phải chăng những việc này ở “Tây” thì được còn Việt Nam thì không, hay tâm lý nhược tiểu của Việt Nam, không cho phép những người có trách nhiệm với bóng đá nước nhà tỏ ra quá phấn khích trước thắng lợi của đội nhà ?

………….

Hình minh họa lấy từ stt của người chê và cả hình madame Pang lên bục nhận huy chương.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Tiêu chuẩn kép hay tâm lý nhược tiểu?" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn