Ông bà ngoại mình có bảy người con, bốn gái và ba trai. Cậu thứ năm và cậu út nhập ngũ vào thời điểm cuộc chiến đấu chống Mỹ đang vô cùng khốc liệt. Cậu út hơn mình đúng một giáp, cậu hy sinh khi vừa qua tuổI 21, vài năm sau gia đình mới nhận được giấy báo tử. Cậu cao lớn, đẹp trai, phóng khoáng, lãng tử, đúng chất trai Hà Nội, tuổi lên 3, 4 của mình giữ nhiều kỷ niệm về cậu, được cậu chiều chuộng, bế bồng nhưng cũng hay bị cậu trêu chọc ăn dỗ, xin miếng bánh mà ngoạm hết già nửa để cháu khóc thét rồi cười ha hả…
Cậu đi thì nhà im ắng, về là oang oang mấy câu hát “rừng ơi ta đã về đây…”. Ngày dự lễ báo tử cậu ở khu phố, cháu hơn 10 tuổi đủ để cảm nhận nỗi đau xót xa mất người thân, một thanh niên trai tráng trẻ trung yêu đời. Thời gian ấy đất nước khó khăn gia đình chưa có điều kiện đi tìm mộ cậu. Sau khi bà ngoại mất năm 1990, cậu thứ năm đã sắp xếp lại tư trang của bà, thấy mặt sau một tờ lịch bà ghi lại thông tin bạn cậu ghé nhà cho biết một ngày năm 1969 đơn vị đang trên đường hành quân vào phía nam thì gặp trận càn lớn của địch ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi nên tham gia chống càn và cậu hi sinh tại đó, trên tay còn ôm khẩu B40. Bạn cậu còn cho biết hôm đó ngoài cậu út còn có một anh bạn làm cùng cơ quan với cậu ở Hà Nội cũng hi sinh.
Năm 2010, gia đình tổ chức đi tìm mộ cậu út. Trước khi đi, gia đình có tìm đến bà Nguyện ở Phương Mai Hà Nội là nhà ngoại cảm, bà cho biết là mộ cậu đã được qui tập về nghĩa trang liệt sĩ. Ông chỉ huy việc chôn cất liệt sĩ có tên là Bôn hay Đôn gì đó. Theo chỉ dẫn qua điện thoại bà mô tả địa điểm để gđ tới nghĩa trang chôn cất cậu. Khi gia đình đến UBND xã gặp chị phó chủ tịch hỏi thăm thời gian đó có ai chỉ huy du kích xã tên như thế không, thì ra là bố của chị đó tên là Trần Đức Thái, nhưng thường gọi là Bốn Thế. Như vậy đã có một chi tiết trùng.
Gia đình tìm đến nhà ông Bốn Thế được nghe ông kể lại: khoảng đầu năm 1969, chính ông đã chỉ huy việc chôn cất 2 liệt sĩ, trong đó có 1 đồng chí ôm khẩu B40 đã hỏng nên chôn khẩu súng theo luôn để khỏi bị địch phát hiện, có tới 3 chi tiết trùng: năm, 2 liệt sĩ, ôm B40 (những chi tiết này chỉ gia đình biết).
Sau đó ông còn dẫn mọi người ra nơi đã chôn cất cậu và người đồng đội. Anh trai mình có tham gia trong đoàn kể lại “anh ngắm cái vị trí đó gần giống với mô tả của bà Nguyện, gần một cái lạch nhỏ, ngày xưa chắc là bìa rừng, nay nó là cái rẫy”, đó là chi tiết trùng thứ 5.
Ông Bốn nói sau này BCH quân sự tỉnh đã tổ chức cất bốc đưa hài cốt cậu vào nghĩa trang liệt sĩ xã Tịnh Đông, nhưng lâu ngày ông không còn nhớ chính xác vị trí ngôi mộ. Như vậy đây đúng là nghĩa trang mà bà Nguyện mô tả cách đi, quang cảnh xung quanh để gđ tìm đến, chi tiết trùng thứ 6.
Theo chỉ dẫn của bà Nguyện, gia đình đã tìm hàng và số thứ tự mộ, bà ấy nói nếu đặt quả trứng lên chiếc đũa cắm trước mộ mà quả trứng đứng thì chắc chắn đúng. Một vài người đi trong đoàn đặt không được, khi đó có người ở một đoàn khác đi tìm mộ nhắc hãy đặt tiền dương lên và phải đích thân người trong họ nội đặt, thế là đứa em trai, cháu đích tôn của ông bà ngoại mình đặt quả trứng được ngay lần đầu. Cậu thứ năm run rẩy bật khóc, mấy đứa cháu trai ruột nói lúc đó như có một luồng gió lạnh trong người, tất cả rùng mình. Lạ là quả trứng nằm vững chãi cả đêm mưa gió, hôm sau gia đình sắm lễ cúng tại nghĩa trang vẫn thấy quả trứng đứng như thế. Yếu tố tâm linh như để thêm phần khẳng định.
Anh trai mình còn kể: “sáng hôm sau anh mượn xe máy của cô em họ ra ga mua vé vào Nha Trang, lúc về, trên phố đường vắng, đang đi thì cổ xe cứng ngắc, rồi ngã vật ra. Lúc đứng lên dựng xe, lắc đầu xe thấy không sao cả, lên xe đi hoàn toàn bình thường, về trả xe không vấn đề gì. Anh nghi là cậu đùa, giống cái kiểu ngày xưa”.
Tháng 1/2011 gia đình đã đưa cậu út về nằm cạnh mộ ông bà ngoại mình ở quê hương Hà Nội, vì khi gọi vong cậu nói muốn ở bên ba mẹ chứ không vào nghĩa trang liệt sĩ thành phố và 27-7 hàng năm xin nhà mâm cơm mời đồng đội, nên năm nào mợ mình là chị dâu thứ 2 của cậu út cũng làm mâm cơm cúng cậu dịp này, ngôi mộ gió của cậu vẫn còn ở vị trí cũ tại nghĩa trang xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
Nhớ cậu khôn nguôi, nhớ trước lúc đi B cậu viết cho anh em cháu một lá thư dặn dò và tạm biệt các cháu rất thân thương. Cháu muốn viết lại câu chuyện này để thế hệ con cháu trong gia đình hãy nhớ mãi điều đầu tiên làm người là lòng biết ơn, hãy sống xứng đáng với những người ngã xuống vì sự bình yên hôm nay.
Trái tim người lính