Có một loài hoa có cái tên rất mộc mạc, gắn liền tuổi thơ của những đứa bé sinh ra và lớn lên ở thôn quê như tôi. Đó là hoa xoan. Hằng năm vào đầu tháng 3 dương lịch là nhiều con đường làng, ngõ xóm quê tôi lại tràn ngập hoa xoan nở. Hoa xoan có vẻ đẹp rất khiêm nhường, khó nhận ra từ xa vì nó rất nhỏ bé mà lại ở trên cành cao. Mỗi bông hoa xoan nhỏ bé, xinh xắn có 4 hoặc 5 cánh màu trắng tinh khiết và nhụy hoa màu tím sẫm ở giữa. Hoa xoan khi nở có mùi thơm ngọt nhưng có thêm cảm giác có vị đắng.
Trong sách “Tập đọc” Lớp 3 của tôi ngày xưa có bài thơ “Hoa xoan”, không đề tên tác giả nhưng tôi vẫn thuộc lòng bài thơ đó đến tận bây giờ. Trong đó có những câu mà tôi rất thích:
“Ngày vui chim đến tìm mồi
Đêm từng đám lá trăng ngời nhô lên”
và
“Hoa xoan nở tím ngọt ngào
Gió đưa từng cánh đậu vào sách em”
Hoa xoan gắn liền với những tháng năm ấu thơ của tôi. Ngày ấy, mỗi độ xuân về, làng quê tôi hoa xoan lại nở rộ khắp mọi ngõ ngách trong làng. Những chùm hoa xoan tim tím, đung đưa nhè nhẹ trong gió xuân. Những trận mưa phùn lất phất bay trong gió nhẹ làm rung rinh, xao động những cánh hoa xoan đang e ấp, khiêm nhường với vẻ đẹp nhỏ bé, dung dị trong màn mưa xuân hư ảo, giăng mờ cả không gian của vùng thôn quê.
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy ...”
Đó là hoa xoan trong thơ của cố thi sỹ Nguyễn Bính, gắn liền với hội làng và tình yêu đôi lứa ở thôn quê. Thật xót xa vì tình yêu giữa cô gái và chàng trai đã có ước hẹn từ hội làng năm ngoái đã không thành vì chàng trai không đến gặp cô gái trong đêm hội hò hẹn mùa xuân năm ấy nữa!
"Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!"
Bài thơ kết thúc bằng khổ thơ cuối như là lời tâm sự trách móc, day dứt và xót xa của cô gái trẻ đã lỡ mối tình duyên (hình như là mối tình đầu!). Em liều lĩnh dối mẹ đi xem hát chèo ở hội làng nhưng mục đích là đi tìm anh thôi. Thực ra, em có xem gì đâu mà biết hội chèo hát “tích” gì để về kể cho mẹ nghe.
"Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng hát tối nay?"
…Ngày xưa, mỗi độ hoa xoan nở bà nội tôi lại bảo “Mùa hoa xoan nở là có nhiều muỗi lắm đây!”. Mùa Xuân ấm áp là mùa sinh sôi của rất nhiều loài côn trùng như ruồi, muỗi sau những tháng ngày đông lạnh giá.
Theo quy luật phát triển của cây cối thiên nhiên: tàn mùa hoa xoan lại đến mùa quả xoan hình thành. Quả xoan lúc chưa chín có màu xanh lục nhẵn bóng, nhỏ bằng đốt tay út trẻ con, khi chín rụng chuyển sang màu vàng nhìn rất đẹp. Quả xoan nhà rất đắng và độc, không thể ăn được nhưng quả của giống xoan mọc trên rừng lại ăn được, thường được bày bán ở các chợ thôn quê.
Quả xoan còn là tiêu chí đánh giá hình dáng của khuôn mặt đẹp của phụ nữ thời xưa. Các cụ xưa thường ví người con gái có khuôn mặt đẹp dong dỏng là “mặt trái xoan” là vì thế. Nhưng trong "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du đưa ra tiêu chuẩn "khuôn trăng đầy đặn" thì lại hoàn toàn khác. Dù sao, tôi vẫn thích khuôn mặt “trái xoan” hơn là “khuôn trăng đầy đặn” của Đại thi hào xứ Nghệ ngày xa xưa.
Đối với bọn trẻ trai ngày xưa ấy, quả xoan còn gắn liền với một trò chơi yêu thích của trẻ con. Đó là trò chơi bắn súng "phốc" bằng quả xoan. Lũ trẻ thời đó cắt một ống tre nhỏ dài hơn một gang tay, đường kính khoảng một ngón tay. Cưa bỏ 2 mắt gỗ ở hai đầu. Lấy trộm 1 chiếc đũa ăn cơm của nhà, cắm một đầu tre có mắt vào một đầu đũa. Khi chơi bắn nhau chỉ cần cho một quả xoan vào một đầu và một quả vào đầu bên kia. Khi đẩy que đũa đẩy vào đầu bên này tạo thành lực nén đẩy viên đạn quả xoan đầu bên kia bắn ra ngoài thành tiếng nổ “đốp” rất vui tai. Lũ trẻ chúng tôi dùng súng "phốc" để đuổi theo bắn nhau vui lắm, không gây nguy hiểm vì lực bắn ra rất nhẹ. Khi mùa xoan hết đi, không còn quả xoan để liều lĩnh trèo lên cây lấy nữa thì có thể thay thế bằng quả cây rau đay hoặc phải thay bằng 02 cục giấy thấm nước nhưng tiếng nổ sẽ không nghe giòn như quả xoan nữa.
Tôi vẫn còn nhớ bà nội tôi thường hái lá xoan phủ lên nải chuối ở trong chum vại hay thúng để dấm cho chuối mau chín hoặc dùng lá xoan cùng nhiều loại lá cây khác cho vào nấu nước tắm cho anh chị em tôi khi bị ghẻ hay rôm sảy gây ngứa ngáy, khó chịu vào mùa hè. Vỏ và gỗ cây xoan xốp nhẹ, có vị đắng độc nên mối mọt không bao giờ đục ăn nên gỗ xoan hay được dùng để đóng đồ dùng trong nhà như giường, bàn ghế. Ngày xưa khi tôi còn bé người ta cũng dùng gỗ xoan để làm nhà vì thời đó không có nhiều gạch, xi măng, sắt thép bán rộng rãi mà chỉ được phân phối để xây nhà cho cơ quan nhà nước. Để chuẩn bị làm nhà người ta phải trồng trước một vườn xoan trước mấy năm liền. Xoan khi đủ già người ta đốn hạ, bóc hoặc để nguyên vỏ và ngâm ngập nước dưới ao bùn. Ngâm càng lâu, càng tốt. Khi cần làm nhà người ta vớt lên phơi khô thì khi làm không bị nứt gỗ.
Giờ đây hình ảnh những con đường trồng xoan hai bên đường thẳng tắp, những ngõ xóm trồng xoan và vườn xoan rất hiếm gặp. Tôi vẫn thích đi chầm chậm dưới những hàng xoan trồng trên đường làng, thỉnh thoảng dừng lại để lắng nghe tiếng chim hót ríu rít trên cây. Những chùm hoa xoan cuối mùa khi gặp làn gió xuân khẽ lay là rơi lả tả, phủ đầy lối đi, vương trên tóc người đi đường. Mưa xuân thì vẫn còn lất phất bay nhưng giảm dần đi. Những con đường quê trồng xoan, rụng đầy những cánh hoa xoan xinh xinh như một tấm thảm dệt bằng hoa màu tím nhạt. Hoa xoan khi lìa cành xuống đất vẫn phải oằn mình xót xa khi bị những những bước chân của người đi qua vô tình giày xéo khiến tâm hồn thi sĩ cũng xót xa:
"Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày".
Không biết thi sĩ xót xa cho một đời hoa xoan bị giày xéo hay thương cảm cho sự lỡ làng duyên tình của cô gái thôn quê Bắc bộ! Chỉ biết rằng “mùa xuân đã cạn ngày” rồi! Liệu hội làng năm sau họ có còn gặp lại nhau không? Mùa xuân phơi phới những điều vui tươi tốt đẹp nhưng vẫn còn có một một dấu lặng buồn trong lòng người thiếu nữ thất tình. Mùa xuân cũng không thể trả lời…
...Nếu tiếng Việt mà xét theo phạm trù về giống của ngôn ngữ một số nước như tiếng Nga và tiếng Pháp thì từ "xoan" là chắc chắn là danh từ giống cái vì nó thường được dùng để đặt tên cho con gái. Ở nông thôn những cô gái có những cái tên mộc mạc lấy từ các loài cây cối như xoan, mận, hồng, na, bưởi, ... v.v, thường là những cô gái thùy mị, nết na, chung thủy, chăm làm và đảm đang. Đó cũng là chuẩn mực làm vợ chung của các cô gái nông thôn phải đáp ứng. Nếu ai không có những đức tính trên thì sẽ được bà và mẹ dạy cho hoặc phải học hỏi theo bạn bè.
Tôi biết một em gái hàng xóm tên Xoan, nhà em cách nhà tôi mấy nhà. Tôi rất mến em vì em rất xinh, ngoan hiền, kém tôi 5 tuổi. Từ khi em còn bé, một nhà trong xóm rất thích em và có ý là "dấm" em để sau này lớn lên hỏi làm vợ cho con trai. Lớn lên, tôi đi học đại học rồi ra trường đi làm xa nhà. Lâu mới về nhà nhưng không thấy mẹ tôi nói gì về chuyện em Xoan nữa. Một năm, Tết về thăm nhà, tôi hỏi về Xoan thì mẹ tôi bảo rằng Xoan đã lấy chồng trên phố huyện rồi. Bây giờ em làm bà chủ, sung sướng lắm, không phải chịu cảnh "chân lấm, tay bùn" như các thôn nữ khác. Mẹ tôi còn nói thêm rằng em bây giờ đổi tên thành Diễm Hương rồi. Tôi thấy mừng cho Xoan vì em là một thôn nữ may mắn mới có cuộc sống tốt như vậy. Mong cho em hạnh phúc trong cuộc sống. Bây giờ, quê tôi rất khó tìm thấy những cái tên mộc mạc như Xoan, Mận, Hồng, Na, Bưởi, … nữa rồi!
Tuổi thơ của đứa trẻ quê như tôi đã bình lặng trôi qua như “những đám mây bay về cuối trời” xa mãi, xa mãi với rất nhiều hình ảnh đáng nhớ, trong đó có cánh hoa xoan nhỏ bé, tim tím, xinh xinh và giản dị như hình ảnh các thiếu nữ thôn quê ngày ấy. Hôm nay, trên đường đi làm về, chợt nhìn thấy bên đường chỉ còn duy nhất sót lại một cây xoan nở hoa, tôi dừng lại ngước nhìn. Kỷ niệm ấu thơ gắn liền với hoa xoan lại ùa về miên man trong tâm trí tôi. Tôi yêu hoa xoan vì đó là loài hoa kỷ niệm của thời thơ ấu ở thôn quê của tôi.
Theo Chuyện Làng quê