Bác Tư hỏi có xem ngày giờ tẫn liệm, chôn cất hay chưa. Nếu chưa thì gia đình nên đi coi xong rồi tính. Thời đó trong xóm đi coi ngày giờ cưới gả, tang chế đều lên chùa thầy Chín. Chùa thầy Chín nằm trong hẻm xéo ngôi trường đại học của Hoa Kiều sau 75 là trường Đảng Nguyễn Văn Cừ cơ sở 2 nay hình như là trường trung học dạy nghề Phú Lâm. Nói là chùa, cũng không phải chùa, mà am thì cũng hổng phải am, có lẽ là nhà thì đúng hơn.
Thầy Chín chuyên coi sách, nhiều người nói ổng hay và giỏi, coi xong muốn để tiền tổ bao nhiêu cũng được không thành vấn đề, mà cũng không nặng về vấn đề tiền bạc như thầy bà thời bây giờ, mỗi khi đụng tới là giá cả phải chăng, sòng phẳng, ngay như tụng vãng sanh cho người chết cũng tính bằng ngọ. Sau khi biết ngày giờ tẫn liệm, bác Tư mới ra ngã tư Phú Định, liên hệ trại hòm Tân Phước, hoặc qua cầu Ông Buông Phú Lâm, để liên hệ trại hòm Huỳnh Tấn, đường Bà Hom thì có Mỹ Tân, so đo giá cả để mua hòm. Nghe nói thời đó hòm Huỳnh Tấn rẻ hơn, Huỳnh Tấn là tên của ông chủ Huỳnh Văn Tấn. Khoảng năm 1968 ông là phường trưởng phường Bình Tiên Q6. Ngoài trại hòm, thì ông còn làm chủ một cây xăng trên đường Hậu Giang, nằm giữa ngã tư Lê Quang Hiền và Mai Xuân Thưởng nay là P6, Q6.
Thời đó xóm tôi khi có tang chế thì người nhà chỉ bỏ tiền ra mua hòm rương. Còn việc tẫn liệm bác Tư Bộn và một số em út sẽ làm dùm miễn phí 100%, không có bồi dưỡng cà phê gì cả, dù chỉ là 1 đồng tượng trưng. Năm 1979 ông Nội tôi qua đời. Hòm rương mua không có, nhờ người quen chỉ xuống thánh thất cao đài Tân Kiên, mua một cái hòm bằng ciment cốt sắt về nhờ bác Tư Bộn tẫn liệm. Khi di quan về quê nhà Bà Thoại phải chở quan tài ông Nội tôi trên xe cam nhông Desoto. Tội nghiệp mấy anh em hội âm công đình Phú Định, đi theo khiêng quan tài ciment nặng thí mồ, mà còn phải băng qua mương, lội qua mấy đám ruộng sình lầy, mới tới nơi làm mộ trên ruộng nhà, vì ông nội tôi mất cuối tháng 06 AL mưa tầm tã. Còn trai tráng trong xóm thì sẽ lên đình Phú Định, hay miếu Âm công khiêng về bàn, ghế cây cột, bạt, tole để che dựng rạp cho khách ngồi.
Ngày đi chôn hội âm công trong xóm sẽ đảm nhiệm. Hưởng tiền bồi dưỡng từ gia chủ đặt lên nắp quan tài, dưới ly rượu đế, theo phong tục xưa giờ. Ly rượu để thử tài hội âm công, khiêng sao không cho không bị giằng, sốc đổ rượu mới gọi là hay giỏi. Sau khi chôn cất xong, anh em trong hội âm công, về dùng bữa cơm, uống vài chun rượu thân mật với gia đình gọi là tạ lễ. Tàn bữa cơm, tiệc rượu, dù đã hơi say chếch choáng. Nhưng nhiệm vụ vẫn phải làm, là dỡ rạp và khiêng trả đồ đạc bàn ghế về lại cho hội đình đàng hoàng, đầy đủ.
Bác Tư tuổi già sức yếu qua đời cũng đã khá lâu . Đình Phú Định thì nay đã di dời đi chổ khác, bởi dự án đại lộ Đông Tây. Còn các anh em chú bác, từng góp mặt trong hội âm công đình Phú Định ngày xưa, thì nay đã tan đàn xẻ nghé. Lớp mãn phần, lớp tha hương cầu thực tứ xứ, vì nhiều dự án giải toả chồng chéo lẫn nhau trên mãnh đất... đất rộng, nhà thưa. Nhưng nó dễ sinh ra nhiều lợi nhuận kếch sù từ những đường gạch đỏ xanh trên tấm bản đồ qui hoạch 1/500, mà trong đó có những người mặc áo nhà quan tiếp tay bọn tư sản đỏ làm giàu trên những thuở ruộng, mảnh vườn mồ hôi nước mắt của ông bà tạo dựng từ thuở hoang sơ... Giờ muốn tìm lại dư vị của ngày xưa, chắc phải đi tìm xa lắm...
Sài Gòn 2020, chỉnh sửa 12/2021
Theo Chuyện quê