TỔNG THUẬT HỘI THẢO KHOA HỌC KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH GIÁO SƯ ĐÀO DUY ANH (1904 - 2004)

Cách đây tròn 20 năm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức “Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2004)”.

Hội thảo diễn ra vào sáng ngày 19 tháng 3 năm 2004 đã thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các giáo sư, giảng viên và đại diện sinh viên, cùng đại diện gia đình của giáo sư Đào Duy Anh đã có mặt trong buổi Hội thảo. Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024), xin giới thiệu bài tổng thuật về sự kiện nêu trên.

dao123-1713944049.jpg

Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 1988)

Sau diễn văn khai mạc của PGS, TS Phạm Xuân Hằng, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, là các tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành và đại diện những thế hệ học trò thành danh, những người cộng sự gần gũi với Giáo sư Đào Duy Anh.

1. Mở đầu, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam - đã đọc bản tham luận “Giáo sư Đào Duy Anh - người thầy của những thế hệ sử gia đầu tiên được đào tạo từ nền đại học Việt Nam sau Cách mạng tháng 8.1945”. Tham luận đã nêu lên những nét khái quát về hoạt động cách mạng và khoa học của Giáo sư Đào Duy Anh, đặc biệt nêu cao công lao của thầy trong việc xây dựng ngành lịch sử cổ đại Việt Nam, trong sự nghiệp đào tạo nhiều thế hệ học trò trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tham luận cũng đã nêu bật Giáo sư Đào Duy Anh là một nhà bác học lớn, một học giả uyên thâm trên nhiều lĩnh vực: từ điển, ngôn ngữ, văn học, văn hóa, lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học, địa lý học lịch sử…Ông đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Trong bài tham luận này, GS Phan Huy Lê đã phân tích: “Trước cách mạng tháng Tám, Giáo sư Đào Duy Anh là một trong những trí thức yêu nước và cấp tiến, đã tiếp thu chủ nghĩa Mác và góp phần truyền bá tư tưởng tiên tiến của thời đại vào Việt Nam, nhất là thời gian hoạt động trong Tân Việt Cách mạng đảng (1927) và lập Quan Hải tùng thư (1928 - 1929). Học giả họ Đào cùng với đồng chí Phan Đăng Lưu đã dịch hoặc lược dịch, phỏng dịch và xuất bản những cuốn sách phổ biến chủ nghĩa Mác như: Xã hội luận, Lịch sử nhân loại, Lịch sử các học thuyết kinh tế, Tôn giáo là gì?, Xã hội là gì?, Dân tộc là gì?…Những cuốn sách này đã được tù chính trị tại Hỏa Lò Hà Nội bí mật đưa vào và thay nhau đọc như những tài liệu học tập sơ khai về chủ nghĩa Mác. Cuốn “Hán Việt từ điển” xuất bản năm 1932 cũng nhằm gia định nghĩa, giải thích những thuật ngữ, từ ngữ mới về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, phổ cập những hiểu biết về chủ nghĩa Mác trong nhân dân. Từ đầu những năm 30 học giả họ Đào đã bắt đầu thu thập tư liệu lịch sử và vận dụng chủ nghĩa Mác để nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhất là trong thời gian dạy môn văn hóa Việt Nam, lịch sử và quốc văn tại trường tư thục Thuận Hóa (Huế). Năm 1938, “Việt Nam Văn hóa sử cương”, công trình nghiên cứu đặt nền tảng cho việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam trên quan điểm duy vật lịch sử đã được xuất bản…”.

GS Phan Huy Lê cũng đã nhấn mạnh vai trò và công lao tó lớn của Giáo sư Đào Duy Anh trong việc đào tạo những thế hệ cử nhân sử học đầu tiên được đào tạo từ nền đại học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945. Những lớp cán bộ sử học này đã có mặt trên nhiều lĩnh vực hoạt động từ nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học, các viện, trung tâm ở trương ương và địa phương, công tác trong nhiều ngành như tuyên truyền, báo chí, văn hóa, bảo tồn, bảo tàng…Nhiều người đã đạt học vị PTS, TS, được phong học hàm PGS, GS, có người trở thành chuyên gia đầu ngành, giữ vai trò quan trọng trong nền khoa học Việt Nam.

Cuối bài tham luận với độ dài 07 trang A4, phân tích chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 1988), GS Phan Huy Lê đã đi đến kết luận: “Giáo sư Đào Duy Anh là một trong những nhà sử học Mácxit đầu tiên góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác ở Việt Nam và vận dụng quan điểm biện chứng duy vật trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam, nhất là thời kỳ lịch sử cổ - trung đại, để lại bộ giáo trình và chuyên đề lịch sử mang tính khám phá, đặt nền tảng cho sự ra đời và phát triển của nền sử học hiện đại Việt Nam trên cả hai phương diện đào tạo và nghiên cứu. Chỉ riêng trên lịch vực đào tạo cán bộ sử học, Giáo sư Đào Duy Anh đã là một nhà giáo dục lớn, một nhà sử học uyên bác giữ vị trí một trong những người khai sáng của nền sử học Mácxit, nền sử học hiện đại Việt Nam”.

Bên cạnh bài tham luận trình bày tại Hội thảo như trên, GS Phan Huy Lê cũng đã gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo một bài viết khác với tựa đề “Giáo sư Đào Duy Anh và một số vấn đề lịch sử cổ - trung đại Việt Nam”.   

2. GS Trần Quốc Vượng đã trình bày tham luận “Kỷ niệm Giáo sư Đào Duy Anh tròn 100 tuổi: Tình nghĩa thầy trò”. Trong bài tham luận này Giáo sư Trần Quốc Vượng đã kể lại tình nghĩa thầy trò của ông với Giáo sư Đào Duy Anh, từ một học sinh Trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa (khoảng 1951 - 1952) đến khi tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử Địa (1956) được giữ lại trường làm “tập sự trợ lý” cho Giáo sư Đào Duy Anh và bao kỷ niệm vui buồn gắn bó với thầy Đào Duy Anh đến những ngày tháng cuối đời.

Trong đó, GS Trần Quốc Vượng đã chia sẻ lại câu chuyện, năm 1973, ông vinh dự là một trong những người đầu tiên được đọc bản thảo cuốn Hồi kỳ “Nhớ nghĩ chiều hôm” đầy tâm huyết của Giáo sư Đào Duy Anh, trước đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông tâm sự: “Tôi là một trong số người hiếm hoi sớm được đọc Hồi ký của thầy. Đầy tâm sự! Kết thúc vào năm 1973. Mãi sau này, 1989, khi cụ Đào Duy Anh qua đời được hơn một năm, Nhà xuất bản Trẻ mới ấn hành tập Hồi ký này, nhưng được/bị cắt xén rất nhiều. Đến năm ngoái đây, tháng 7 năm 2003, để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1904 - 2004), cuốn Hồi ký mới được in lại tương đối đầy đủ hơn của NXB Văn nghệ TP. HCM. Và cũng chỉ in 1000 cuốn…”.

Bên cạnh bài tham luận chia sẻ về tình thầy trò đầy cảm xúc, GS Trần Quốc Vượng cũng đã gửi Ban tổ chức Hội thảo một bài viết khác với tựa đề “Giáo sư Đào Duy Anh với môn địa lý học lịch sử”. Trong bài viết này, GS Trần Quốc Vượng đã hệ thống lại quá trình hình thành và phát triển môn Địa lý học lịch sử Việt Nam từ “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (1435), Lê Quý Đôn ở thế kỷ 18 với “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục”…, Ở thế kỷ 19 có “thần Siêu” với “Phương Đình dư địa chí”, Nhà Nguyễn có “Đại Nam nhất thống chí”…Rồi ông nhận xét: “Đứng hàng đầu về Địa lý học lịch sử (Gesographie historique) vẫn là thầy tôi, Giáo sư Đào Duy Anh, với tác phẩm bất hủ, để đời “Đất nước Việt Nam qua các đời” (NXB KHXH, HN, 1964). Đấy là một cái nhìn hệ thống, đầy đủ thời - không gian liên tục (Continiumtempo - spatial theo ngôn từ của Albert Einstein vĩ đại) của Đất Việt - Trời Nam , cho dù trong nhiều chi tiết, tôi có cách nhìn và cách lý giải khác thầy tôi…”.

Từ những cơ sở luận và phân tích khoa học, GS Trần Quốc Vượng đi đến kết luận, hệ thống sử học (đặc biệt là Cổ sử học), Giáo sư Đào Duy Anh là một cách nhìn, cái nhìn mới, Mácxit đầu tiên về quá khứ của Việt Nam, với những luận điểm mới, hậu Mácxit - Lênin nít và thấm đẫm tư tưởng Hồ Chí Minh Mácxit - Việt Nam.

3. Tham luận của GS Đào Thê Tuấn - trưởng nam của Giáo sư Đào Duy Anh trình bài bài viết “Cha tôi - Đào Duy Anh”. Trong bài tham luận của mình, Giáo sư Đào Thế Tuấn đã trình bày lại quá trình hoạt động cách mạng đầy sôi nổi đến những ngày tháng miệt mài nghiên cứu khoa học để phục sự Tổ Quốc của cha mình. Ông cũng đã điểm lại những công trình, tác phẩm bất hủ mà cha mình đã dày công nghiên cứu…Tất cả đã đem lại cho người đọc niềm cảm xúc vô hạn và lòng ngưỡng mộ sâu sắc qua những câu chuyện về tấm lòng yêu nước, tinh thần say mê khoa học và sự tận tâm trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh.

Đáng chú ý, trong bài tham luận của mình, GS Đào Thế Tuấn khẳng định dù không phải là một nhà sử học, nhưng trong việc nghiên cứu của mình, các kiến thức về lịch sử, văn hóa từ cha mình đã giúp ông rất nhiều trong việc áp dụng tiếp cận lịch sử để giải quyết các vấn đề hiện tại như vấn đề lịch sử tiến hóa của nông nghiệp để giải quyết các vấn đề hiện đại như vấn đề lịch sử tiến hóa của nông nghiệp, phát triển nông thôn, làng xã, kinh tế hộ nông dân, thể chế kinh tế…Sự hiểu biết rộng rãi là cơ sở để phát triển các mối quan hệ liên ngành.

Bên cạnh bài trình bày tại Hội thảo, GS Đào Thế Tuấn cũng đã gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo bài viết “Người trợ thủ đắc lực của học giả Đào Duy Anh”. Người trợ thủ mà Giáo sư Đào Thế Tuấn nhắc tới trong bài viết này là bà Trần Thị Như Mân, phu nhân của Giáo sư Đào Duy Anh, tức là người mẹ tảo tần sớm hôm của ông. Theo bài viết này, mặc dù bà Mân được sinh ra trong một gia đình “danh gia vọng tộc” nhưng bà sớm giác ngộ lý tưởng, đồng hành cùng Giáo sư Đào Duy Anh hoạt động cách mạng. Từ năm 1926, bà hoạt động trong phong trào nữ sinh Đồng Khánh, Hội nữ công yêu nước. Bà được kết nạp vào đảng Tân Việt và cùng chị em phát triển phụ nữ đoàn ở nông thôn. Năm 1929, bà xuất bản tờ báo “Phụ nữ tùng san”, một trong hai từ báo phụ nữ đầu tiên ở nước ta để tuyên truyền cho việc giải phóng phụ nữ, đấu tranh cho nữ quyền. Bà bị bắt cùng Giáo sư Đào Duy Anh. Sau khi ra tù, ông bà tổ chức đám cưới và bà chuyên tâm phụ giúp công việc của Giáo sư Đào Duy Anh. Sau cách mạng tháng Tám, bà tham gia công tác Hội phụ nữ cho đến khi nghỉ hưu. Năm 1965, bà về hưu và tập trung vào công việc phụ giúp ông công tác sưu tầm tài liệu. Cuộc đời bà là một tấm gương sáng cho con cháu họ Đào noi theo.

4. GS Hà Văn Tấn trình bày tại Hội thảo với tham luận “Vài kỷ niệm với Giáo sư Đào Duy Anh”. Là một trong những học trò thành danh nhất của Giáo sư Đào Duy Anh, GS Hà Văn Tấn có nhiều kỷ niệm sâu sắc về những ngày tháng được gần gũi học tập, nghiên cứu với học giả Đào Duy Anh. Ông kể ngay khi còn rất nhỏ ông đã say mê cách nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh. Ông thừa nhận mình bị ảnh hưởng về phong cách nghiên cứu khoa học của Giáo sư Đào Duy Anh, nhất là phong cách chú trọng sử liệu.  Ông chia sẻ: “Tôi không thể nào kể hết các ảnh hưởng lớn lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với tôi. Giờ đây khi viết các công trình khoa học, tôi đã nhận ra những ảnh hưởng đó. Ảnh hưởng càng lớn khi mà tình cảm Giáo sư đối với tôi, tôi biết là rất ấm áp, không chỉ là tình thầy trò mà còn pha lẫn mối tình cha con. Vì thế qua những lần nói chuyện riêng, ông đã để lộ ra nhiều tâm sự. Chúng ta có thể hiểu những tâm sự đó nếu hiểu được cuộc đời ông…”.

5. “Đào Duy Anh - Một quãng đời không thể nào quên” là chủ đề tham luận của Giáo sư Đinh Xuân LâmPGS.TS Phạm Xanh. Trong bài viết này, tác giả đã trình bày lại những diễn biến chính trong hoạt động chính trị của Giáo sư Đào Duy Anh trong giai đoạn 1925 - 1929. Nói về vai trò của báo Tiếng Dân đối với hoạt động chính trị, tác giả cho rằng, việc xuất bản công khai báo Tiếng Dân là một cơ hội thuận tiện để hợp thức hóa những hoạt động chính trị của Giáo sư Đào Duy Anh. Đồng thời, việc thành lập Quan hải tùng thư của Đào Duy Anh đã góp thêm một ngả đường để đưa chủ nghĩa Mác vào Việt Nam.

Cuối cùng bài viết đi đến kết luận, để trở thành một nhà văn hóa lớn của đất nước, trước đó Đào Duy Anh đã có những tháng năm hoạt động chính trị sôi nổi gắn chặt với phong trào chính trị sôi động của Đất nước năm (1925 - 1929). Đó chính là một quãng đời ngắn những không thể nào quên của nhà văn hóa lớn Đào Duy Anh.

Cùng với bài viết này, Giáo sư Đinh Xuân Lâm cũng có một bài viết riêng với chủ đề “Đào Duy Anh và sự kết hợp cách mạng với văn hóa”. Trong bài viết này, tác giả nhấn mạnh đến một số phương thức hoạt động cách mạng mới của Giáo sư Đào Duy Anh sau năm 1930. Bởi sau khi ra tù các điều kiện hoạt động chính trị không còn, trong hoàn cảnh bị giám sát chặt chẽ, Giáo sư Đào Duy Anh đã lựa chọn con đường hoạt động văn hóa với mong muốn “góp phần phục hồi cái sinh khí dân tộc đang bị lu mờ dưới chế động thực dân”. Tác giả phân tích, rõ ràng là ngay việc biên soạn Hán - Việt từ điền cũng được Giáo sư Đào Duy Anh hướng vào mục đích cách mạng, khi ông cố tình giải thích các thuật ngữ trong từ điển do sự hiểu biết của mình về chủ nghĩa Mác. Mặt khác trong cuốn từ điển Hán - Việt có những từ chính trị mà thời đó nêu ra, giải thích trên sách báo thì có thể bị kiểm duyệt cắt bỏ, nhưng đưa vào từ điển thì chót lọt.

Dựa trên những phân tích đó, Giáo sư Đinh Xuân Lâm kết luận: “Nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp Giáo sư Đào Duy Anh, có một điều tôi vô cùng tâm đắc. Đó là cuộc đời của một thanh niên yêu nước, đầy hoài bão, đã hăng hái tìm con đường cách mạng đúng đắn cho mình và cho dân tộc. Nhưng vốn là một trí thức tiến bộ, quá trình tìm đường cách mạng cũng là quá trình tìm hiểu, học hỏi, rồi đưa ra những điều sở đắc của minh ra mà phục vụ cho đồng bào, đồng chí. Đến khi không còn điều kiện hoạt động cách mạng trực tiếp nữa thì vẫn đứng vững trên mặt trận văn hóa, cần cù lao động khoa học, trước sau không không xa rời mục tiêu của đời mình là giải phóng dân tộc, tiến tới một xã hội tự do, dân chủ, công bằng, văn minh.

6. PGS. TS Đinh Trần Dưỡng trình bày tham luận với chủ đề “Đào Duy Anh với Tân Việt cách mạng Đảng”. Bài tham luận này cho chúng ta biết về quãng thời gian (1925 - 1929), Giáo sư Đào Duy Anh xin thôi dạy học ở Trường tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình), trở lại Huế tham gia hoạt động chính trị và học thuật. Đào Duy Anh đến với Tân Việt đảng muộn hơn Trần Mộng Bạch, cùng có tâm trạng chung của tầng lớp tiểu tư sản, trí thức. Theo Đào Duy Anh nhớ lại qua văn học và lịch sử Pháp mà họ đã được học trong chương trình trung học thì “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” đã làm cho họ rất hâm mộ cách mạng Pháp. Họ cho đó là sự đánh dấu đỉnh cao nhất của tiến bộ loài người. Các nhà văn, nhà triết học Pháp như Rousseau, Voltaire, Montesquieu, Diderot là tiêu biểu cho trí tuệ cao nhất của con người. Nhưng giai cấp tư sản Pháp đã phản bội những giá trị lịch sử của các cuộc đại cách mạng đó. Họ không chỉ bóc lột nhân dân lao động Pháp, mà còn gây ra tội ác với với các dân tộc bị họ nô dịch. Trong buổi đầu của những nhận thức đó, những bài báo sôi sục khí thế cách mạng của Nguyễn An Ninh đăng trong báo “Tiếng Chuông rạn” đã truyền cho thanh niên Việt Nam lòng căm thù đối với chế độ thực dân và khơi dậy lòng khát khao tự do bình đẳng trong họ. Những bài diễn văn của cụ Phan Bội Châu về “Đạo đức luân lý Đông Tây”, về “Quân trị và Dân trị” cũng đã gây thêm lòng hâm mộ của lớp thanh niên yêu nước tiến bộ trong nước khi đó đối với nền dân chủ Phương Tây và thúc đẩy cuộc đấu tranh đòi người Pháp phải thực hiện tự do bình đẳng với nhân dân ta.

Nhiều thanh niên, trong đó có Đào Duy Anh đã đến các cửa hàng sách Trung Quốc ở Hội An, Sài Gòn tìm mua một số sách về cách mạng Trung Quốc, trong đó có “Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Dật Tiên. Họ nghiền ngẫm những bài diễn văn của Tôn Trung Sơn về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền và chủ nghĩa dân sinh. Trong hồi ký của mình, Đào Duy Anh đã viết về chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn. Khi đó ông cho rằng: Chủ nghĩa dân tộc, chủ trương cách mạng dân tộc của Tôn Trung Sơn rất phù hợp với tình hình nước ta và có những quan chúng ta có thể làm được. Về chủ nghĩa dân quyền thì qua những lời phê bình của Tôn đối với nền dân chủ rất hạn chế còn xa mới thực hiện được. Cái lý tưởng nhân quyền và dân quyền chỉ mới có trong sách mà thôi. Do đó, ông nhận thấy chủ trương của Tôn Dật Tiên đòi quyền bãi miến đối người do mình bầu ra để đảm đương việc công là tiến bộ hơn cái quyền phổ thông đầu phiếu nửa chừng của các nền dân chủ Âu Mỹ. Với chủ nghĩa dân sinh thì Đào Duy Anh càng thấy có những điểm mới lạ hơn, như về luận điểm bình quân địa quyền và thiết chế tư bản là điều mà các sách chính trị ông từng đọc trước kia chưa và hề nói đến. Đối với hai con đường bạo động và cải lương hồi đó, Đào Duy Anh phê phán tư tưởng của Phan Châu Trinh và thừa nhận chủ trương của Phan Bội Châu. Muốn có tự do bình đẳng thật sự thì phải có độc lập dân tộc chứ không thể chờ người Pháp ban ơn cho, mà muốn có độc lập dân tộc thì tất phải đấu tranh không khoan nhượng với bọn thực dân. Con đường đó đã được Phan Bội Châu vạch ra cho những người Việt Nam yêu nước hồi đầu thế kỷ XX. Song từ chủ trương đến hiện thực, con đường phải trải qua tất còn dài và gian khổ, mà những bước đi ban đầu để đạt đến kết quả cuối cùng là phải mở mang dân trí và bồi đắp dân quyền. Đó là tình hình diễn biến tư tưởng của Đào Duy Anh khi ông vào Đà Nẵng và nhận làm báo với cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Bài tham luận trên, cũng đã chỉ rõ cuộc vận động, giác ngộ cách mạng của Trần Mộng Bạch - Hội trưởng hội Phục Việt (lúc đó đã đổi tên thành Việt Nam cách mạng đảng) dành riêng cho Đào Duy Anh. Từ đó Đào Duy Anh nhìn nhận các cuộc cách mạng tư sản thế giới một cách đầy đủ hơn. Sau đó, Đào Duy Anh được kết nạp vào Việt Nam cách mạng đảng. Đào Duy Anh càng khát khao nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản, nghiên cứu các học thuyết kinh tế, chính trị thời cận đại đã giúp ông tin tưởng rằng cách mệnh Việt Nam muốn thành công cuối cùng tất phải theo cách mệnh xã hội chủ nghĩa với lập luận “Chúng ta muốn khôi phục độc lập mà đừng để cho giai cấp nào phỗng mất tay trên thành quả cách mạng mà bóc lột đồng bào, thì phải đi theo con đường của chủ nghĩa Mác vạch ra”.

Bài tham luận của PGS. TS Đinh Trần Dương cũng đã tiếp tục khẳng định vai trò của Đào Duy Anh thông qua báo Tiếng Dân và Quan hải Tùng thư để tuyên truyền và vận động cách mạng, thông qua việc xuất bản để gieo vào tâm trí thanh niên những kiến thức sơ đẳng nhất về chủ nghĩa Mác, kiến thức mới về khoa học, nhất là khoa học xã hội, là những điều cần thiết để hiểu chủ nghĩa Mác dễ hơn. Ông tâm sự về ánh sáng của chủ nghĩa Mác: “Tôi đã sung sướng nhận thấy rằng chủ nghĩa Mác không những là một cách lí luận cách mạng đúng đắn, mà còn là một thứ nhân sinh quan, một phương pháp tư duy đúng đắn, một thứ ánh sáng có thể chỉ dẫn con đường học hỏi của mình. Tôi tự biết rằng đọc được năm mười quyển sách như thế, tôi chỉ mới có thể gọi là được bước chân lên ngưỡng của của chủ nghĩa Mác mà còn phải tiếp tục nghiên cứu lâu dài, nhưng tôi nghĩ rằng kết hợp hoạt động cách mệnh, tôi nên đem cái kinh nghiệm bản thân mình để tìm tư tưởng cách mệnh mà phổ biến cho các bạn thanh niên khác…”.

Cuối bài tham luận đã khẳng định “Cách làm ấy của các tác giả trong Quan hải Tùng thư dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đào Duy Anh đã tạo điều kiện cho nhiều trí thức, học sinh, sinh viên đến với những vấn đề sơ đẳng của chủ nghĩa Mác. Đó cũng là những đóng góp và cách thức đóng góp của ông đối với Tân Việt cách mạng đảng trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”.

7. GS.TSKH Vũ Minh Giang tham dự Hội thảo với bài viết về chủ đề “Phương pháp nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh qua tác phẩm “Cổ sử Việt Nam””. Ngay mở đầu bài viết, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã khẳng định: “Giáo sư Đào Duy Anh đã để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ và có giá trị về nhiều mặt. Mỗi công trình đều in đậm dấu ấn của một học giả uyên bác, phong cách của một nhà khoa học chân chính. Nghiên cứu đầy đủ và toàn diện di sản khoa học Đào Duy Anh đòi hỏi phải có nhiều thời gian và công sức…”.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng cho rằng tác phẩm “Cổ sử Việt Nam” được công bố cách đây nữa thế kỷ đã phản ánh tương đối tập trung phương pháp và phong cách nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh. Ông nêu lại nguyên tắc rất căn bản của một công trình nghiên cứu sử học theo Giáo sư Đào Duy Anh đã trình bày trong phần “Tự ngôn” của cuốn sách. Đó là “phải gắng sức xủ lý thích đáng tất cả các tài liệu vụn vặt mà sử học cũ còn để lại, lấy ánh sáng của phương pháp lịch sử mới, phương pháp lịch sử duy vật và đứng trên lập trường của nhân dân để thuyết minh, đặng khôi phục cái thực tế sinh hoạt và đấu tranh của nhân dân ở thời viễn cổ, tìm ra nguồn gốc chân xác của dân tộc và văn hóa Việt Nam”.

Từ đó, GS.TSKH Vũ Minh Giang đi vào luận giải những nguyên tắc nêu trên của Giáo sư Đào Duy Anh và khẳng định cho đến tận hôm nay, không phải tất cả những ai nghiên cứu lịch sử đã đều nhận thức đầy đủ những nguyên tắc căn bản ấy. Ông cho rằng, Lịch sử là tất cả những gì đang diễn ra. Nhiệm vụ của khoa học lịch sử là phải phát hiện những quy luật vận động và phát triển của các cộng đồng người trong quá khứ góp phần xây dựng căn cứ khoa học cho việc lý giải hiện tại và hoạch định tương lai. Muốn vậy, trước hết phải tái hiện lại lịch sử một cách khách quan sao cho gần nhất với những gì đã diễn ra.

Điều quan trọng là Giáo sư Đào Duy Anh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “cái thực tế sinh hoạt và đấu tranh của nhân dân”. Đã có một thời gian dài sử học Việt Nam ít chú ý đến đời sống kinh tế - xã hội khiến cho nhận thức lịch sử dân tộc bị thiên về các sự kiện chính trị và quân sự. Di ảnh của quá khứ chỉ còn lại từng mảng mẩu trong các tư liệu không phải lúc nào cũng chân xác nên việc thu thập tất cả những tư liệu có thể có được, dù là “vụn vặt” để rồi “xứ lý thích đáng” là một nguyên tắc mà giới sử học luôn phải coi là nền tảng cho mỗi công trình nghiên cứu. Vậy mà việc chọn tư liệu cho phù hợp với ý kiến chủ quan của mình hoặc để minh họa cho một luận điểm nào đó vẫn còn là hiện tượng khá phổ biến trong hoạt động sử học ở nước ta. Tệ hại hơn còn có những ấn phẩm, thậm chí mới xuất bản gần đây, chẳng những đã không tuân thủ nguyên tắc này mà còn cắt xén, gán ghép tư liệu một cách tùy tiện để phục vụ cho một mục đích cá nhân nào đó. Trong bối cảnh như vậy, luận điểm có tính nguyên tắc của Giáo sư Đào Duy Anh nêu ngay ở phần đầu của công trình “Cổ sử Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị thời sự…”, GS.TSKH Vũ Minh Giang phân tích.

Trên cơ sở phân tích nêu trên, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã chỉ ra phương pháp nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh qua công trình “Cổ sử Việt Nam”, đó là phương pháp tiếp cận liên ngành (Interdisciplinary Approach); bên cạnh việc khai thác triệt để các nguồn tài liệu thư tịch có liên quan như: khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học, văn bản học, thậm chí cả kiến thức về sinh học…Đồng thời, GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng đã khẳng định “Phê phán văn bản và ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước một cách khách quan khoa học là phương pháp nhất quán của Giáo sư Đào Duy Anh qua công trình “Cổ sử Việt Nam”. Theo đó, Giáo sư Đào Duy Anh thường tóm lược trung thực nội dung sử liệu hoặc ý kiến của các nhà khoa học khác rồi phân tích những điểm hợp lý, chỉ ra những điểm không hợp lý, từ đó mới đi tới luận giải quan điểm tán đồng hay phản bác của mình. Chẳng hạn, Giáo sư Đào Duy Anh đã không ngần ngại phê phán những điều vô lý của những bộ sử lớn như “Đại Việt sử ký toàn thư”, một bộ sử mà phần đông những người sử dụng đều dẫn theo không một chút nghi ngờ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang còn chỉ rõ phương pháp nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh còn được thể hiện trong Logic trình bày kết quả nghiên cứu. Ông luôn bắt đầu tư việc giới thiệu các nguồn tư liệu, sau đó phân tích sự sai khác giữa các tư liệu và nêu lại những nghi vấn về những thông tin được nêu trong tư liệu, rồi mới trình bày ý kiến của mình. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, cách làm như vậy của Giáo sư Đào Duy Anh phản ánh một tư duy khách quan, không áp đặt, mà trái lại còn mở đường cho những người đi sau tiếp tục nghiên cứu.

Từ những cơ sở đó, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã đi đến nhận định cuối bài viết “Sách Cổ sử Việt Nam cũng như bất kỳ công trình sử học nào, tất có những hạn chế về mặt tư liệu và trình độ nhận thức khoa học chung của thời kỳ cách đây gần nửa thế ký, nhưng phương pháp nghiên cứu và sự gợi mở phương hướng nghiên cứu của tác giả là những giá trị không thể phủ nhận. Nó thể hiện một cách sinh động cốt cách khoa học của Giáo sư Đào Duy Anh và điều mà tôi, người học trò của học trò Giáo sư, cảm nhận rất rõ là cốt cách ấy đã và đang được thế hệ tiếp theo kế thừa và phát triển. Ảnh hưởng về phong cách, phương pháp nghiên cứu của một nhà khoa học lên các thế hệ học trò nhiều khi ý nghĩa còn lớn hơn chính giá trị của những công trình khoa học cụ thể. Sự trưởng thành của các Đại giáo sư Khoa Lịch sử, những người đã từng được trực tiếp học Giáo sư Đào Duy Anh là những minh chứng hùng hồn về điều đó”.

8. TS. Hoàng Hồng, Khoa Lịch sử - Trường Đại học khoa học XH & NV với bài viết “Các luận điểm của Giáo sư Đào Duy Anh về lịch sử và sử học”. Trong bài viết này, TS. Hoàng Hồng đã đề cập đến một cuốn sách nhỏ trong thư mục đồ sộ của Giáo sư Đào Duy Anh. Đó là cuốn “Muốn hiểu sử học” (nhà Minh Đức xuất bản năm 1950). Đây là cuốn sách được viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nền sử học cách mạng Việt Nam còn rất non trẻ, chưa được trang bị nhiều lý luận sử học, lại đang bị ảnh hưởng bới các trào lưu sử học phi mác xít. Tác giả bài viết đã khẳng định, Giáo sư Đào Duy Anh vốn là một chiến sĩ cách mạng, đã dựa trên lập trường duy vật biện chứng để trình bày và lý giải những luận điểm cơ bản về lịch sử (đối tượng nghiên cứu của sử học) và sử học (quá trình nghiên cứu và kết quả nghiên cứu lịch sử). Mô hình lý thuyết của Giáo sư Đào Duy Anh đưa ra nhằm trả lời câu hỏi: Lịch sử là gì?, và Làm thế nào để tiếp cận được lịch sử?

Bàn về lịch sử - đối tượng nghiên cứu của sử học, tác giả bài viết cho rằng: “Bác bỏ các quan điểm cho lịch sử là sự nghiệp của các vĩ nhân (anh hùng tạo thời thế), hoặc cho lịch sử đơn thuần chỉ là hoạt động chính trị của giới cần quyền, Giáo sư Đào Duy Anh lý giải lịch sử theo một tinh thần mới: Lịch sử là toàn bộ sinh hoạt của con người trong quá khứ, các hoạt động này được biểu hiện trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa…Do đó, lịch sử vừa có thể được nhìn nhận như một tập hợp các yếu tố liên hệ với nhau tạo thành một tổng hòa vừa có thể được xem như là lịch sử của các lĩnh vực riêng khác nhau như lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn hóa…”.

Tác giả của bài viết cũng chỉ rõ sự khác biệt về quan niệm phổ biến của các sử gia phương Tây coi lịch sử như một bức tranh tĩnh tại, mô tả lịch sử là mô tả các sự kiện cá biệt trong cấu trúc đứng im, thì Giáo sư Đào Duy Anh đã chỉ ra rằng, lịch sử không tồn tại trong trạng thái tĩnh mà luôn vận động theo hướng đi lên. Mô tả lịch sử là mô tả các sự kiện trong trạng thái vận động. Nhưng để thấy sự vận động biến chuyển của lịch sử, không thể nhìn nhận qua các cá nhân mà phải nhìn nhận qua các tập đoàn. Từ đó, Giáo sư Đào Duy Anh đề cao vai trò của quần chúng nhưng lại xem nhẹ vai trò của cá nhân. Về bản chất của lịch sử, Giáo sư Đào Duy Anh phê phán quan niệm “duy thiên” ở phương Đông cho lịch sử tuân theo thiên mệnh hoặc quan niệm “duy thần” ở phương Tây, khi cho rằng lịch sử loài người là do ý chí của Thượng đế. Giáo sư Đào Duy Anh lý giải rằng, chính hoạt động có mục đích, có ý thức và xét đến cùng, toàn bộ hoạt động của con người luôn bị quy định bởi những điều kiện nhất định. Trong đó, điều kiện sinh hoạt vật chất đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Như vậy, trong lịch sử có quy luật lịch sử, nhưng quy luật khách quan chi phối tiến trình lịch sử cũng là đối tượng nghiên cứu và khám phá của sử học.

Tiếp đó, TS. Hoàng Hồng tiếp tục làm rõ “Con đường tiếp cận lịch sử” theo quan điểm của Giáo sư Đào Duy Anh. Theo tác giả, lịch sử là một thực tế (biến cố lịch sử, hiện tượng lịch sử) chỉ xẩy ra một lần trong quá khứ và không lặp lại. Giữa lịch sử và nhà sử học luôn có khoảng cách về thời gian. Để khôi phục lịch sử, nhà sử học không thể quan sát lịch sử hay làm thực nghiệm lịch sử. Con đường duy nhất để nhà sử học tiếp cận lịch sử là phải làm việc với các nguồn sử liệu, nơi lưu giữ các thông tin về hoạt động của con người trong quá khứ.

Tác giả bài viết cho rằng, Giáo sư Đào Duy Anh (ảnh hưởng các nguyên lý sử học Thực chứng của Langlois và Seignogos) lần đầu tiên giới thiệu một mô hình nghiên cứu lịch sử, mà hoạt động nghiên cứu lịch sử là quy trình thực hiện các kỹ năng để lấy thông tin lịch sử từ các nguồn sử liệu. Theo đó, Giáo sư Đào Duy Anh chia các nguồn sử liệu thành ba nhóm hay ba loại di tích lịch sử: Di tích bằng vật thực; Di tích truyền khẩu; Di tích bằng văn tự. Ba nhóm di tích trên hàm chứa mọi thông tin lịch sử nhưng để sử dụng những thông tin này, thì nhà nghiên cứu lịch sử nhất thiết phải thực hiện giám định sử liệu.

Vấn đề cuối cùng mà tác giả trong bài viết đề cập là “Khôi phục lịch sử”, đây là công việc cuối cùng của nhà sử học trong quá trình nghiên cứu lịch sử. Giáo sư Đào Duy Anh gọi đây là công việc “Trần thuật và thuyết minh sử sự”. Tức là khi đã có những thông tin lịch sử tin cậy, cần sắp xếp, liên kết chúng theo một thiết kế hay một cấu trúc sử học nào đó để lịch sử được tái hiện. Về nội dung này, Giáo sư Đào Duy Anh đã đề xuất một thiết kế sử học như sau: “Theo quan điểm lịch sử duy vật, chúng tôi đề nghị nên phân tách toàn bộ cuộc sinh hoạt ra làm ba phương diện hoặc tách toàn bộ lịch sử thành ba lịch trình lớn là: Sinh hoạt vật chất, xã hội, văn hóa. Mỗi lịch trình ấy lại chia ra làm nhiều mục, đại khái có thể chia như sau: 1) Sinh hoạt vật chất, gồm kỹ thuật, kinh tế; 2) Xã hội, gồm gia tộc và các tổ chức xã hội khác, giai cấp, tổ chức chính trị,, sinh hoạt chính trị, quân sự, chiến tranh; 3) Văn hóa, gồm tôn giáo, đạo đức, pháp lý, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật…” .

Từ đó, TS Hoàng Hồng đã kết thúc bài viết cảu mình với kết luận: “Những luận điểm trên đây của Giáo sư Đào Duy Anh thể hiện sự nhận thức sâu sắc của ông về những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Từ sự nhận thức này, ông đã diễn đạt lịch sử, đối tượng nghiên cứu của sử học, như là một hệ thống của luận diểm triết học lịch sử Macsxit. Và sử học bao gồm các kỹ năng lấy thông tin lịch sử từ các nguồn sử liệu và trình bày các thông tin ấy trong một kết cấu biện chứng…”.

9. Trong bài viết “Vài cảm nhận về Giáo sư Đào Duy Anh qua nghiên cứu thư mục của ông”, TS. Phan Phương Thảo đã tìm hiểu, nghiên cứu các công trình khoa học của Giáo sư Đào Duy Anh, với tư cách là một trong những sử gia đầu tiên của nền sử học Việt Nam hiện đại. Tác giả đã phân loại 82 công trình, kể cả một số bài viết đánh máy chưa được công bố thành 05 nhóm như sau: Lịch sử: 51 công trình (Khoa học lịch sử có 07 công trình; Phân kỳ lịch sử và vấn đề hình thái KT - XH, lịch sử cổ trung dại Việt Nam có 11 công trình; Các dân tộc thiểu số và vấn đề hình thanh dân tộc có 05 công trình; Lịch sử chống ngoại xâm có 03 công trình; Văn hóa và truyền thống dân tộc có 07 công trình; Cách mạng Việt Nam có 01 công trình; Nhân vật lịch sử có 07 công trình; Lịch sử thế giới có 05 công trình; Giáo trình có 04 công trình); Văn học, ngôn ngữ: 16 công trình; Địa lý học lịch sử: 04 công trình; Đọc và hiệu đính, chủ giải sách: 07 công trình; Từ điển: 04 công trình.

Từ số liệu thống kê thư mục ấn tượng đó, tác giả bài viết đi đến nhận xét: “Đặc điểm đầu tiên, nổi bật nhất khi xem xét thư mục trên, qua 82 công trình của Giáo sư Đào Duy Anh đã thể hiện rất rõ tính đa dạng, phong phú trong nghiên cứu của ông. Các công trình này đề cập tới rất nhiều vấn đề, thể loại: từ vấn đề có tính chất phương pháp luận đến những vấn đề cụ thể; từ lịch sử Việt Nam đến lịch sử thế giới; từ nghiên cứu viết giáo trình, hiệu đính, chú giải; từ phương diện sử học sang văn học, từ điển, địa lý học lịch sử…Không chỉ có như vậy, trong hầu khắp các lĩnh vực, ông đều có những tác phẩm “để đời” vì ý nghĩa khoa học cũng như thời đại của chúng, từ Hán - Việt từ điển, Pháp - Việt từ điển, cho tới Cổ sử Việt Nam, Khổng giáo phê bình tiểu luận, Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam, Việt Nam lịch sử giáo trình (4 tập), hay Đất nước Việt Nam qua các đời, Việt Nam văn hóa sử cương…Tuy nhiên, những công trình về sử học vẫn chiếm một vị trí đáng kể trong các nghiên cứu của ông (51/82 = 62,2%)…”.

Trong bài viết, TS. Phan Phương Thảo đã tập trung phân tích các tác phẩm sử học của Giáo sư Đào Duy Anh qua các giai đoạn khác nhau để đi đến kết luận: “Giáo sư Đào Duy Anh, với hàng vạn trang sách in, từ điển cùng cả vạn trang sách hiệu đính, chú giải và những tên sách nổi tiếng từ thế hệ sang thế hệ khác, không chỉ trong nước mà còn cả thế giới, ông xứng đáng được tôn vinh là một nhà sử học lớn, một nhà văn hóa lớn, một sử gia tiêu biểu của nền sử học Việt Nam hiện đại!”.

10. PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc với bài viết “Giáo sư Đào Duy Anh và môn địa lý học lịch sử Việt Nam” đã phân tích toàn bộ quá trình hình thành và các công trình có liên quan đến môn địa lý học lịch sử từ “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đến “Thiên Nam dư hạ tập” dưới thời Lê Thánh Tông cuối thế kỷ XV, những công trình về địa lý học lịch sử vào đầu đời Nguyễn cho đến những công trình Địa lý lịch sử Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XX dưới chế độ mới, tuy có rất nhiều công trình có đề cập liên quan đến địa lý học lịch sử nhưng hầu như không có mấy tác giả coi Địa lý học lịch sử là đối tượng nghiên cứu trực tiếp như Giáo sư Đào Duyb Anh.

Theo tác giả bài viết, Giáo sư Đào Duy Anh là người đã khéo kết hợp hài hòa giữa tri thức uyên bác của một học giả lỗi lạc với truyền thống và kinh nghiệm khảo cứu Địa lý học lịch sử Việt Nam và phương Đông, cùng phương pháp tiếp cận mới chính xác và hiệu quả của các học giả phương Tây. Chính sự kết hợp này đã nâng tầm các công trình của ông nổi bật và vượt trội so với các công trình của các tác giả đi trước.

Phân tích các tài liệu có liên quan trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Đào Duy Anh, PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc rút ra nhận xét, những công trình nghiên cứu về Địa lý học lịch sử Việt Nam của Giáo sư Đào Duy Anh vừa có tính tổng, tổng kết cao, vừa đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể với những phát hiện và đóng góp mới mẻ. Ông cho rằng, Giáo sư Đào Duy Anh quan niệm vấn đề quan trọng trước hết của địa lý học lịch sử Việt Nam phải là “xác định cương vực của nước ta và vị trí của các khu vực hành chính trải qua các đời”. Vì thế, Giáo sư Đào Duy Anh đã dành nhiều thời gian và công sức tập trung nghiên cứu từ cương vực của nước Văn Lang đời Hùng Vương, nước Âu Lạc đời An Dương Vương, trải qua các thời kỳ Bắc thuộc, thời kỳ Đại Việt đến quá trình mở mang lãnh thổ xuống phía Nam của các vương triều về sau. Trong số những công trình chuyên khảo về Địa lý học lịch sử của Giáo sư Đào Duy Anh thì cuốn sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” phải được coi là cuốn sách tiêu biểu nhất.

PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc trong bài viết của mình đã chỉ rõ, bên cạnh công trình “Đất nước Việt Nam qua các thời kỳ”, Giáo sư Đào Duy Anh còn có “Địa lý học lịch sử về những cuộc kháng chiến, chống ngoại xâm”, là tổng hợp những phát hiện mới về địa lý học lịch sử phục vụ cho yêu cầu nghiên cứu và pahts huy truyền thống quân sự của ông cha trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; “Những đường giao thông lớn của nước ta trong thời cổ” nhằm chứng minh tính thống nhất của lãnh thổ Việt Nam phục vụ cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Giáo sư Đào Duy Anh còn có nhiều bài viết về địa lý học lịch sử khu vực Thăng Long - Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cảng Hải Phòng và Địa chí Thanh Hóa…

11. PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế với bài viết “Việt Nam văn hóa sử cương - Công trình mở đầu có giá trị định hướng cho quá trình nghiên cứu Văn hóa và Lịch sử Văn hóa Việt Nam” đã khẳng định dù được xuất bản lần đầu năm 1938, hầu như không có một công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về lịch sử, văn hóa Việt Nam sau đó lại không một lần nhắc đến tác phẩm ấy như là một công trình tham khảo cần thiết, trước hết là khi điểm lại lịch sử vấn đề nghiên cứu.

Tác giả của bài viết nhận định, vai trò, ý nghĩa mở đầu của “Việt Nam văn hóa sử cương” không chỉ giới hạn đơn thuần vì nó xuất bản sớm nhất, đề cập chuyên biệt, trực tiếp đến lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và lịch sử văn hóa Việt Nam mà chính là nổi bật ở nội dung khoa học, tính nghiêm túc, toàn diện của một công trình. Theo đó, công trình này đã giới thiệu đến 173 công trình (gồm 26 tác phẩm “Quốc văn”, 39 tác phẩm Hán văn, 108 tác phẩm Pháp văn) và 16 loại tạp chí các loại để tham khảo.

Sau khi phân tích cấu trúc các thiên trong cuốn sách, PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế đã nhận xét: “Như vậy, với 4 thiên chính của lý luận và lịch sử văn hóa có thể thấy trên cơ sở dựa hẳn vào giới thuyết về văn hóa của Félix Sartiaux trong cuốn La Civilisation, Đào Duy Anh đã triển khai toàn diện các nội dung của văn hóa Việt Nam từ góc độ lịch sử, trong đó, tập trung cho các vấn đề của sinh hoạt chính trị xã hội…”.  

12. PGS.TS Lâm Bá Nam với bài viết “Đào Duy Anh và Dân tộc học” đã khẳng định Giáo sư Đào Duy Anh bên cạnh những công trình nghiên cứu đồ sộ về nhiều lĩnh vực, những đóng góp khá sâu sắc về sự hình thành dân tộc quốc gia, về lịch sử tộc người và quan hệ tộc người, về văn hóa và quan hệ văn hóa thông qua các công trình nghiên cứu có liên quan.

Theo tác giả bài viết, “Việt Nam văn hóa sử cương” được xuất bản lần đầu năm 1938 của Giáo sư Đào Duy Anh là cuốn sách văn hóa sử nhưng trên thực tế, văn hóa ở đây được nhận diện dưới góc độ dân tộc học. Dựa trên cơ sở những tài liệu nghiên cứu của phương Tây về văn hóa - văn minh mà Giáo sư Đào Duy Anh đã tiếp nhận, ông đã đưa ra một quan niệm khá sâu sắc và toàn diện về văn hóa. Với quan điểm văn hóa tức là sinh hoạt, Đào Duy Anh đã chia phân chia văn hóa thành 03 dạng: Kinh tế sinh hoạt, xã hội - chính trị sinh hoạt và trí thức sinh hoạt. Theo ông, văn hóa có mối quan hệ mật thiết với các điều kiện tự nhiên, cho nên nghiên cứu văn hóa của một dân tộc phải nghiên cứu hoàn cảnh tự nhiên của dân tộc ấy trước. Theo cách nhìn ấy, ngay từ năm 1938, Giáo sư Đào Duy Anh đã phân ra các vùng văn hóa với những đặc trưng riêng.

Tác giả bài viết cũng đã chỉ rõ, khi nghiên cứu lịch sử tộc người và quan hệ tộc người, Giáo sư Đào Duy Anh bao giờ cũng xem xét quá trình này trong mối quan hệ liên tộc người và đặt nó trong những miền địa lý liên quốc gia giữa Việt Nam với Đông Nam Á, Nam Á với Đông Á. Chính nhờ xem xét mối liên hệ này, Giáo sư Đào Duy Anh đã chỉ ra khá xác đáng mối quan hệ cảu nhiều tộc người trên lành thổ Việt Nam, Đông Dương và Nam Trung Quốc, mặc dù cũng có những vấn đề còn bỏ ngỏ. Có thể coi đây là một trong những phương pháp rất thiết thực trong việc nghiên cứu quá trình tộc người ở nước ta.

Phân tích về “đặc trưng tộc người, giao lưu và phát triển” tác giả bài viết chỉ ra trong các công trình nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh đã nêu lên các đặc trưng tộc người trong tiếp biến văn hóa. Ông cho rằng, nước ta vốn lấy nông nghiệp lập quốc nên cơ sở văn hóa là nông nghiệp gắn liền với cư dân cốt lõi là nông nghiệp và chính vì vậy mối quan hệ gia đình - gia tộc - làng xóm có vị trí quan trọng. Vì thế văn hóa nước ta lấy cảm tình làm bản vị, khác với Trung Hoa và càng khác với phương Tây. Ông cũng cho rằng, sự sinh hoạt bằng nông nghiệp đã gây cho dân tộc ta cái tính ưa chuộng hòa bình, chỉ cốt an cư lạc nghiệp chứ không muốn cạnh tranh với ai. Nông nghiệp lại còn gây cho ta một thứ nhân sinh quan rất kiện toàn. Sau hết, văn hóa của ta còn một tính chất trọng yếu nữa là tính trường tồn (các yếu tố truyền thống có tính bền vững cao)…

13. TS Hoàng Bá Thịnh với bài viết “Mấy nét về vấn đề gia đình và phụ nữ trong “Việt Nam văn hóa sử cương”, bằng phương pháp phân tích tài liệu và từ góc độ xã hội học, giới và gia đình đã đề cập về vấn đề gia đình và phụ nữ đã được Giáo sư Đào Duy Anh đề cập trong tác phẩm “Việt Nam Văn hóa sử cương” được xuất bản năm 1938. Theo tác giả bài viết, mối quan hệ cá nhân, gia đình và xã hội Giáo sư Đào Duy Anh chỉ ra mang đậm nét đặc trưng của lịch sử - văn hóa Việt Nam. Ông cho rằng, “gia đình là cơ sở của xã hội, cho nên nhiệm của của gia đình đồi với xã hội là rất nặng nề”, thể hiện trước hết ở việc người đứng đầu gia đình phải chịu trách nhiệm về “hết thảy hành vi của người trong gia đình”. Nói cách khác vai trò giáo dục của gia đình hết sức quan trọng, việc con cái ngoan hay hư là sản phẩm của gia đình và gia đình phải chịu trách nhiệm trước xã hội khi “com em mà làm điều phi pháp thì phụ huynh vì không cấm chế được chúng cũng phải bị hình phạt”.

Tương tự, tác giả bài viết cũng đã làm rõ vấn đề “định vị và vai trò của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam xưa” được đề cập cụ thể trong tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” của Giáo sư Đào Duy Anh. Tác giả cho rằng, trong xã hội cũ, với ảnh hưởng của Nho giáo, có sự khác biệt về giá trị con gái và con trai thể hiện “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, hay không coi con gái là thành viên trong họ “nữ nhi ngoại tộc”…Tuy nhiên sự tuân thủ những giáo lý đó không phải là sự sao chết máy móc, mà có sự biến đổi tùy thuộc tùy thuộc vào phong tục, tập quán. Khi viết vấn đề này, Giáo sư Đào Duy Anh đã xem xét ở ca 3 góc độ: Luân lý, Pháp luật, Phong tục. Đề cập đến người phụ nữ trong quản lý kinh tế gia đình, theo Giáo sư Đào Duy Anh thì “việc quản lý gia sản không những là vợ làm giúp chồng mà lại chính vợ tự đảm đương, cho nên   không những người ta gọi người chủ phụ là nội trợ, mà lại thường gọi là nội tướng”…

Từ những phân tích vấn đề “Biến đổi gia đình” và những vấn đề có liên quan được Giáo sư Đào Duy Anh đề cập trong tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương”, TS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, các chức năng cơ bản của gia đình đã được tác giả đề cập đến trực tiếp và gián tiếp như: chức năng sinh sản, chức năng kinh tế, chức năng giáo dục, chức năng tình cảm, cùng vấn đề hôn nhân, vấn đề quan hệ giữa các thành viên trong gia đình…đã được Giáo sư Đào Duy Anh trình bày ngắn gọn nhưng sâu sắc và dễ hiểu. Việt Nam văn hóa sử cương là công trình nghiên cứu có giá trị trên nhiều phương diện văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội…

14. Mở đầu bài viết “Nói thêm một khía cạnh trong nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh: Tôn giáo”, GS.TS Đỗ Quang Hưng đã nêu lại phân tích của nhà nghiên cứu Phan Ngọc khi đánh giá trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, ít nhất là Đào Duy Anh “là người sáng lập” (hoặc “mở đầu”) cho ba ngành: Văn học (với Việt Nam Văn hóa sử Cương, 1938, Huế, Quan hải Tùng thư); môn Lịch sử Cổ đại Việt Nam (với Lịch sử cổ đại Việt Nam - Vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc; Đại học Văn Khoa, Hà Nội, 1957); môn Địa lý học lịch sử Việt Nam (với Đất nước Việt Nam qua các đời - Nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam, NXB Thuận Hóa, Huế 1994. Riêng cuốn này xuất bản sau khi ông đã mất, được coi là công trình địa lý học lịch sử toàn diện nhất về Việt Nam). Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc, ở thời điểm mà trên thế giới cũng chưa có ngành khoa học gọi và Văn hóa học (1938), cuốn Việt Nam văn hóa sử cương của Giáo sư Đào Duy Anh đã đặt nền tảng vì là công trình lớn nhất về văn hóa Việt Nam.

Tác giả bài viết nhấn mạnh, trước Đào Duy Anh người ta chỉ nhấn mạnh “Tam giáo đồng nguyên” (Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo), không ai nghĩ đến việc phân loại các thành tố trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng. Trong Việt Nam văn hóa sử cương Giáo sư Đào Duy Anh đã viết phần “tín ngưỡng” và “tế sự” (tiết II trong Thiên thứ ba). Có thể nói đây là lần đầu tiên có sự phân loại và hệ thống hóa toàn cảnh sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta.

Tác giả bài viết cho rằng, Giáo sư Đào Duy Anh đi đầu trong việc cắt nghĩa các khái niệm liên quan đến đời sống tâm linh, tôn giáo của người Việt. Đó là sự cắt nghĩa  khá sáng rõ, dễ hiểu và đầy tính thuyết phục, các khái niệm dễ phân biệt: Hồn, vong hồn, phách, vía…mà nhiều khái niệm đến nay cũng không dễ chuyển ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, ngoại trừ khái niệm “hồn” (I’Ame).  Giáo sư Đào Duy Anh còn phân tích cụ thể sự thờ cúng của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã rút ra nhận định quan trọng khác. Tri trình bày về các tôn giáo, các hình thức tín ngưỡng cụ thể, Giáo sư Đào Duy Anh vừa tỏ ra bao quát, hiểu khá sâu sắc giáo lý, giáo luật, căn gốc tư tưởng các hiện tượng tôn giáo ấy mà còn chỉ ra rất tinh tế, sống động đời sống thực hành tôn giáo. Giáo sư phân tích sự chuyển biến mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam trong việc tiếp xúc, đụng độ với văn minh đã có những ý kiến rất đáng chú ý liên quan đến việc truyền giáo, cụ thể là vấn đề chữ Quốc ngữ. Không chỉ có vậy, Giáo sư Đào Duy Anh sớm có cái nhìn toàn diện, khá cập nhật trong việc đánh giá những đóng góp của Công giáo về nền văn hóa Việt Nam…

Tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2004), Ban Tổ chức đã cũng nhận được nhiều bài viết tâm huyết khác của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước, các học trò cũ qua các thế hệ và đông đảo con cháu họ Đào Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn và cảm nghĩ xúc động về người thầy tài cao đức trọng đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục của đất nước./.