Trả giá

Có lẽ vì cầm tinh con lợn nên nó được cha mẹ đặt tên là Hợi. Tuổi ấu thơ lớn lên bằng củ khoai củ sắn dưới mái tranh nghèo, nhưng lúc nào cũng ấm áp tình thân.
243260727-2955753341354746-6649655691578156138-n-1633146278.jpg
Ảnh minh họa

Bảy tuổi mới đến lớp vỡ lòng để làm quen con chữ. 11 tuổi nó bắt đầu tập đi mót lúa rơi theo từng vụ gặt. Đi học về tay dao, tay bị ra đồng. Từng hạt thóc nhặt về được mẹ nâng niu phơi phóng để cả nhà có những bữa cơm ngon. Ngày đó làm ruộng theo Hợp tác xã ghi công điểm. Năm nào cũng đói dài đói rạc. Lúc giáp hạt một hạt gạo cõng ba miếng sắn. Thời đó trẻ con rất ngây thơ trong sáng cứ lớn lên tự nhiên như cây rừng. Mười mấy tuổi đầu vẫn cởi truồng tắm suối không hề biết e ngại. Cha mẹ tuy nghèo nhưng cũng cố nuôi các con ăn học với hi vọng sau này đỡ khổ.

16 tuổi Hợi thi vào trường Trung cấp Sư phạm, 18 tuổi ra trường. Cầm quyết định về nhận công tác ở một trường miền núi. Cô đã mang cả tâm hồn và tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp và con đường mà mình đã chọn. Tuy nhan sắc không “nghiêng thùng đổ nước” nhưng cũng ưa nhìn, có nét duyên. 18 tuổi H chưa từng yêu ai, dù có vài nơi nhòm ngó. Thế mà lần này cô đã phải lòng anh: Một chàng trai tên Minh bộ đội vừa xuất ngũ, nhà ở liền kề khu tập thể giáo viên. Nhiều lần gặp gỡ đón đưa (ngày đó chỉ đón đưa bằng xe đạp đã là hạnh phúc). Họ đã yêu nhau, đường quê về đêm vắng vẻ chỉ có ánh trăng sáng trên cao chứng kiến cho đôi lứa thề non hẹn biển một đời có nhau. Ngày qua ngày, đêm nối đêm họ quấn quýt bên nhau. Những nụ hôn ngọt ngào say đắm. Họ tan chảy vào nhau cho không gian ngừng lại, đêm này đến đêm khác. Rồi Hợi có thai, khi báo tin, Minh không ngạc nhiên nhưng đã tỏ rõ là anh chàng họ Sở: Muốn quất ngựa truy phong, nhưng chạy đằng trời (vì ở gần kề). Sau nhiều lần thương lượng bàn tính, hai người đi đăng ký kết hôn (không có đám cưới) Sau đó Minh xin đi thoát li, tình cảm cũng nhạt dần. Chỉ cách nhau hơn trăm cây số, nhưng không hề liên lạc (mà thời đó liên lạc cũng không dễ như bây giờ ) Đến tận khi Hợi sinh con gái được nửa tháng, anh ta lù lù xuất hiện, mang theo mấy bánh xà phòng 72 và hai cân đường (mua tem phiếu). Có vẻ hối lỗi, chăm sóc con và muốn nối lại tình cảm gia đình. Từ đó anh cứ đi về khoảng cách hơn trăm cây số, khi nửa tháng, lúc một tháng hoặc một tuần lại về nhà với vợ con. Rồi Hợi có thai lần 2 .

Ngày cô sinh, lại là con gái, Minh không nói gì, kể từ đó anh không về nữa. Hợi ở nhà chăm lo cho hai đứa trẻ vừa đảm bảo công tác. Thời gian biểu luôn khép kín, không có thời gian để buồn. Rồi anh có người mới ở chỗ làm. Tình cảm nhạt phai. Họ dẫn nhau ra tòa ly hôn khi bé gái vừa tròn 8 tháng tuổi. Hợi nhận nuôi cả hai con, Minh chưa hề một lần chu cấp. Ngoài giờ dạy Hợi làm thêm đủ kiểu để nuôi con. Đó là những tháng ngày gian nan vất vả thời bao cấp. Thiếu thốn đủ đường: Cái phích đựng nước nóng cho con không có, mâm ăn cơm cũng không. Ba mẹ con chỉ có cái màn một. Tối ngủ phải cho chiếu to vào để căng ra, cho đỡ chật. Ăn uống kham khổ, khoai sắn... Có gì ăn nấy cho xong. Rồi các con cũng lớn dần cuộc sống ổn định hơn. Mẹ con đã cất được ngôi nhà gỗ nhỏ đơn sơ dưới chân đồi... Có tý vốn để chăn nuôi . Lúc đó cuộc sống của Minh và người vợ mới lại “cơm không lành, canh không ngọt” Họ đã chia tay, Minh dắt đứa bé trai 14 tuổi trở về, mong Hợi tha thứ cùng bao lời hứa hẹn, sẽ bù đắp cho ba mẹ con sau này. Với bản chất nhân hậu bao dung, cô lại mở lòng tha thứ, chấp nhận sự trở về của hai bố con anh. Đăng ký kết hôn lần hai và trở thành vợ chồng của nhau sau 15 năm ly biệt. Hai lần làm vợ, nhưng chưa hề mặc áo cô dâu, vẫn với một người chồng. Thật hiếm có, phải không các bạn? Đó là quyết định sai lầm không thể sửa chữa, dẫn đến bi kịch cuộc đời cô sau này....

Được một thời gian đầu Minh có trách nhiệm với vợ con. Cơ quan cho anh chuyển công tác về gần nhà ( Cách 26 km) Ngày nghỉ anh về nhà giúp gia đình những công việc cần bàn tay người đàn ông. Thắm thiết được chừng 3 năm. Sau đó, những lần về nhà cứ thưa dần, tỉ lệ thuận với tình cảm vợ chồng. Hợi biết mình đã bị lợi dụng, họ cần chốn đi về, có người nuôi thằng nhỏ. Cô vẫn nai lưng nuôi 3 đứa con ăn học mà không hề biết một đồng lương của chồng. (Anh không có thói quen đưa tiền cho vợ) Mọi sự cố gắng đều vô ích, Hợi tự trách mình và buông xuôi. Minh lại cặp bồ, ở gần nơi công tác. Hợi biết nhưng không nói, có nói cũng không được. Tệ hại hơn Minh còn dây vào thứ chết người đó là ma túy. Mỗi lúc có việc qua nhà Minh chỉ vội vàng rồi đi nhanh. Nếu có ở lại, tình cảm cũng nguội lạnh.

Tận khi về hưu Minh mới thú nhận chuyện chơi bời sa đọa. Hứa sẽ sửa đổi, Hợi đã tìm mọi cách để lôi chồng về nẻo thiện, nhưng vô ích. Mọi thứ đã ngấm sâu, thành bản chất, khó đoạn tuyệt. Cứ hẹn, rồi đâu lại vào đấy. Về hưu nhưng Minh ít ở nhà. Chủ yếu thời gian đi chơi bời hàng họ. Đầu năm 2011 Minh bị công an bắt và kết án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Thụ án được một năm, Minh phát bệnh.... Cứ mỗi lần đi viện điều trị, cán bộ lại gọi cho Hợi. Bà lại sắp xếp công việc, tiền bạc đi thăm nuôi chồng ốm. Vì môi trường tù tội, nên bệnh tiến triển rất nhanh. Một lần Trại báo tin cho gia đình có thể bảo lãnh cho Minh về nhà chữa bệnh. Hợi lại lo thủ tục, thuê xe đi đón chồng về vào một ngày giữa hạ. Lúc khỏe mạnh, ngon lành thì bồ bịch gái gú, chiến hữu rất nhiều. Lúc sa cơ nhìn lại chả còn ai chỉ một mình bà với màn đêm và hai hàng nước mắt chảy dài những đêm thâu. Về nhà được 10 ngày Minh đã ra đi mãi mãi. Khép lại một cuộc đời đầy đau thương và tội lỗi. Một tay bà lại lo liệu tất cả để cho ông được mồ yên mả đẹp.

Gánh nặng trên vai đã trút bỏ. Giờ đây khi mái tóc hoa râm, nghĩ lại cuộc đời đen bạc, Hợi biết mình đã lựa chọn sai và đã phải trả giá. Những đồng nghiệp trẻ đã nói: “Cô là người tốt mà sao không được hưởng hạnh phúc? Ông trời thật bất công”. Bà lại nghĩ: Phải chăng kiếp trước mình mắc nợ người ta? Nên kiếp này ráng mà trả nợ cho xong. Tuổi xế chiều, cuộc sống của các con cũng tạm yên bề gia thất. Hàng ngày làm bạn với cỏ cây hoa lá, để sống nốt quãng đời còn lại, mong sao được bình yên thanh thản, mai về cát bụi chả có gì phải luyến tiếc. Vì trần gian cũng chỉ là cõi tạm mà thôi.

 

Theo Chuyện Làng quê