Lần đầu tiên trên sân khấu rạp Đại Nam công diễn một vở sân khấu kết hợp âm nhạc và những thủ pháp điện ảnh. Đây sẽ là vở diễn có nhiều sáng tạo mang đến cho công chúng thưởng thức nghệ thuật những trải nghiệm thú vị.
“Trăng Khuyết” do Đạo diễn Phạm Lê Nam đồng thời là tác giả kịch bản thực hiện với sự tham gia của Đinh Hương Thuỷ - vai Thuỷ; Quốc Toàn - vai Toàn; Lê Tuyết Trinh - vai Ánh, Lã Tất Đông - vai Vinh và các diễn viên khác.
Là một đạo diễn phim tài liệu, nhưng Phạm Lê Nam còn được biết đến là một đạo diễn kịch. Sống trong gia đình nhiều người làm nghệ thuật nên Phạm Lê Nam luôn muốn khám phá, tìm cho mình những lối đi riêng.
Sau một loạt phim hình sự theo những vụ án; những serie phim sitcom phát trên truyền hình và trên các kênh thương mại, Phạm Lê Nam cũng từng thành công trong nhiều chương trình ca nhạc có cốt truyện, trong đó có chương trình “Khi gió mùa về”, và lần này anh đã cho ra mắt công chúng vở diễn: “Trăng khuyết”.
“Trăng khuyết” không chỉ phản ánh hiện thực khách quan mà còn khơi gợi và chạm đến nhân sinh quan của mỗi người trước cuộc sống vốn nhiều toan tính thiệt hơn, khắc nghiệt nhưng đâu đó quanh ta vẫn đầy lòng trắc ẩn.
Những thân phận người
“Trăng khuyết” kể về thân phận của một cô gái điếm, nhưng thông qua câu chuyện để nói lên thân phận của những mảnh đời bất hạnh đang tồn tại trong xã hội. Hình ảnh một cô gái có dáng đi xiêu vẹo, ẩn hiện dưới ánh trăng le lói chiếu xuống con ngõ nhỏ cho thấy cả một sự cô đơn, chông chênh bao phủ.
Chọn tên “Trăng khuyết” là ẩn ý của đạo diễn và cũng chính là tác giả kịch bản Phạm Lê Nam, bởi chẳng có ai là người hoàn hảo, tròn đầy cả. Ở “Trăng khuyết”, Đạo diễn Phạm Lê Nam nói nhiều đến những góc khuất của mỗi phận người trong xã hội, đặc tả được tính cách của nhân vật một cách rõ nét thông qua diễn xuất, âm nhạc, ánh sáng và bối cảnh.
Vốn là người chuyên dòng phim hình sự và tài liệu nên việc lựa chọn đề tài, ngôn ngữ biểu đạt trong tác phẩm, luôn được Đạo diễn chú ý. Ngay cả kịch bản văn học cũng được anh xây dựng từ những tình tiết câu chuyện có thật đã từng xẩy ra đâu đó, được chắt lọc và dẫn dắt chúng trong một mạch cảm xúc xuyên suốt để làm nổi bật lên mỗi phận người trong xã hội.
Nội dung cốt truyện xoay quanh Thuỷ, một cô gái nông thôn, xinh đẹp nết na, có rất nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có một người đàn ông lớn tuổi tên Vinh. Vì quá yêu Thủỷ và biết sẽ chẳng bao giờ có cơ hội, nên Vinh đã nảy sinh ý đồ xấu, cưỡng hiếp Thuỷ. Sau khi biết mình mắc sai lầm, Vinh đã bỏ lên thành phố kiếm sống để tránh ánh mắt oán hận của Thuỷ và tránh những lời đàm tiếu của dân làng.
Thấm thoát thời gian qua đi, khi phát hiện mình mang thai, sợ mang tai tiếng với dân làng nên Thuỷ đã bỏ quê lên thành phố tìm kế sinh nhai và tìm cách bỏ cái thai. Nhưng bản tính lương thiện, cô cảm thấy đứa bé chẳng có tội tình gì, mà làm vâỵ là thất đức nên Thuỷ đã kiếm việc làm và giữ lại cái thai chờ ngày sinh nở.
Cuộc đời tưởng xuôi chèo mát mái khi thời gian ở cữ Thuỷ cũng được những người có lòng tốt giúp đỡ và cuộc sống của mẹ con Thuỷ cứ thế trôi đi mỗi ngày…tháng…năm.
Song, số phận thật bi hài khi con gái đang theo học lớp 1 là lúc cô phát hiện con bị bệnh máu trắng phải nhập viện. Thuỷ đã phải làm đủ nghề, ai thuê làm gì làm nấy để có tiền chữa bệnh cho con. Cuộc sống vất vả, hai mẹ con bữa đói bữa no. Tiền học của con cũng tháng có, tháng chậm, khiến con gái Thuỷ bị nhà trường nhắc nhở nhiều lần. Thuỷ đã quyết định đi làm tiếp viên ở quán bar để có truyền máu cho con.
Cuộc đời thật trớ trêu, trong một lần phục vụ khách, Thuỷ đã gặp lại Vinh và hắn đã đề nghị Thuỷ về sống chung với mình, nhưng Thuỷ từ chối và tìm cách tránh Vinh, bởi Thuỷ không muốn Vinh biết sự hiện diện của con gái trong cuộc đời này. Nhưng Vinh giờ đã là tay giang hồ có máu mặt nên anh đã yêu cầu không cho Thuỷ được làm ở bất cứ quán nào, chặn đường sinh sống của Thuỷ nếu như cô vẫn khước từ lời đề nghị của Vinh…
1 năm sau, trong lúc đang học ở trường, con gái Thuỷ bỗng đổ máu cam, phát bệnh nặng phải nhập viện. Với số tiền đi làm xe ôm hàng ngày của chồng không đủ để chạy chữa cho con, Thuỷ không còn cách nào khác để có tiền truyền máu và điều trị cho con, Thuỷ không còn cách nào khác đành quay lại làm ca-ve chứ không thể nhìn con mỗi ngày một suy yếu bởi con Thuỷ phải cần một số tiền lớn để tìm tuỷ tương thích và phẫu thuật mới có thể cứu được.
Để truyền tải cốt truyền nhiều tình tiết phức tạp đan xen với những xung đột, mâu thuẫn xảy ra liên tục giữa các nhân vật: Thủy: vợ Toàn; Toàn: lao động tự do nghèo; Vinh: trùm bảo kê chợ; Ánh: phục vụ quán, sau trở thành vợ Vinh; Hà Đào: quản lý phục vụ quán; Quyên: phục vụ quán; Hany Hằng: phục vụ quán; Kami: phục vụ quán; Diệp: phục vụ quán; Hiếu: bảo kê chợ - đệ tử của Vinh; Qúy: bảo kê chợ - đệ tử của Vinh; Đông: bảo kê chợ - kẻ thù của Vinh; Hải: bảo kê chợ - đệ tử của Đông; Hùng: bảo kê chợ - đệ tử của Đông; Dương: Hà cảnh sát khu vực; Cường: cảnh sát khu vực; Và một số nhân vật phụ: dân xóm nghèo chợ, lao động tự do ở chợ đầu mối… và đỉnh điểm là giết người, đi tù nên đạo diễn Phạm Lê Nam đã chọn một cách kể khác biệt.
Làm sao để làm nỗi bật được nhân vật chính - bi kịch cuộc đời Thuỷ, và những éo le xoay quanh mối quan hệ tình - tiền giữa Thuỷ và Toàn; Giữa Thuỷ - Vinh và Đông - những đại ca giang hồ; đồng thời cũng phản ánh được nhân vật anh Cảnh sát khu vực giàu lòng nhân ái.
Điểm nhấn của vở cũng chính là đỉnh điểm đau buồn cho số phận, chồng Thuỷ đã ôm Thuỷ vào lòng và nói: “Một khi đã bước được một bước, thì những bước tiếp theo chẳng có nghĩa lý gì cả”. Thuỷ đáp: “Em không bước thì con em sẽ chết” … sau một hồi im lặng, Toàn đáp “ thôi - thế thì anh bước cùng em”.
Thông qua câu chuyện Phạm Lê Nam đã truyền tải thông điệp về cuộc sống. Nhìn thấy bản ngã thật sự cuả những con người cùng khổ. Khi phải đối diện với sự bất lực đến tận cùng như việc “lấy đĩ về làm vợ” rồi lại phải đớn đau “cho vợ đi làm đĩ” thì cái sĩ diện của thằng đàn ông bị nén xuống tận cùng và như quả bóng bật vỡ toác ra. Nếu không giữ mình thì ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa sự tử tế và bất lương rất mong manh. Và rất có thể “Tôi đang chết mà như cách mọi người đang sống”.
Làm nghề phải biết dấn thân
Khi được hỏi điều gì đã khiến Đạo diễn Phạm Lê Nam quyết định thực hiện dự án “Trăng khuyết” khi mà các sân khấu ngày một thưa vắng khách. Đạo diễn Phạm Lê Nam cho biết: “Với mong muốn đem đến những điều mới mẻ, giúp khán giả đến rạp để có những cảm nhận mới về sự phát triển của sân khấu hôm nay và giữ chân họ trong nhiều đêm diễn, nên tôi mong muốn khán giả tới rạp là có thể cảm nhận và hoà mình vào mạch cảm xúc của vở diễn.
Trong ngôn ngữ điện ảnh có những thủ pháp riêng biệt mà người ta gọi là “phá vỡ cánh cửa thứ tư” làm xoá nhoà ranh giới giữa khán giả và khung. Điều này làm khán giả có cảm giác như mình được sống trong khung hình của bộ phim thì trong sân khấu, điều này rất dễ để thực hiện bởi khi khán giả bước chân vào rạp, nếu diễn viên xuất hiện ở nhiều nơi trong rạp và cả trên màn hình… kết hợp ánh sáng, kỹ xảo một cách nhuần nhuyện với nhau như vậy là ta đã đưa thêm được không gian của điện ảnh vào với nhau trong vở diễn của. Điều đó góp phần làm rõ hơn chi tiết và đường nét của tuyến kịch mà trong sân khấu hạn hẹp không thể truyền tải hết. Như vậy toàn bộ không gian vở diễn được mở rộng, thời gian có thể trở đi trở lại bằng nhiều thủ pháp và hình thức thể hiện và bằng cả chi tiết, xúc cảm của từng nhân vật… tạo cho người xem có thêm nhiều cảm xúc hơn”.
Với mỗi vở diễn, đường dây âm nhạc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch kịch. Bởi theo đạo diễn, âm thanh - âm nhạc sẽ đi thẳng vào trái tim con người, còn hình ảnh thì bao giờ cũng phải thông qua não bộ xử lý, nên phần âm nhạc trong vở diễn đã được đạo diễn Phạm Lê Nam rất trú trọng. Mỗi ca khúc và phần biểu diễn của NSND Đức Long, NSƯT Lê Ánh Tuyết như những lát cắt truyển cảnh, nhưng nội dung của những bài hát lại có tác dụng dẫn dắt mạch cảm xúc của công chúng vào đường dây kịch bản. Những bài hát ấy có tác dụng là rõ hơn tính cách, nội tâm, thân phận của từng nhân vật, từng số phận người trong xã hội.
Đạo diễn Phạm Lê Nam cho rằng: “Sự chân thật từ góc máy, từ diễn xuất của diễn viên sẽ là những gì chân thực nhất đến với công chúng. Và chúng tôi tin “Trăng Khuyết” sẽ không phụ lòng mong đợi của công chúng. Và dù muốn hay không, đã theo nghề thì cái nghề, cái nghiệp nó đeo bám và mình phải dấn thân, phải tìm ra những hướng đi riêng để làm mới chính mình và làm thay đổi diện mạo sân khấu mới có thể hội nhập quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay”.