Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Ngay từ buổi đầu lập nước, với việc dựng Văn Miếu vào năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông và lập trường Quốc Tử Giám vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông, các vị vua triều Lý đã thể hiện sự coi trọng hiền tài, bồi đắp nguyên khí để xây dựng quốc gia hùng mạnh. Trải qua thời Trần, dù đất nước còn muôn vàn khó khăn nhưng giáo dục vẫn được chú trọng và có bước tiến mới, với sự xuất hiện của nhiều thế hệ thầy giáo, môn sinh mà tiêu biểu là thầy giáo Chu Văn An cùng các học trò của ông. Sang thời Lê, đặc biệt dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, văn hoá giáo dục Đại Việt có sự phát triển rực rỡ, lần đầu tiên trong lịch sử, khoa cử được tổ chức quy củ chặt chẽ, người đỗ Tiến sĩ được khắc tên trên bia đá đặt tại Quốc Tử Giám”.
Sau một thời gian nghiên cứu nội dung, lên ý tưởng thiết kế và thực hiện công tác thi công, dự án trưng bày “Khơi nguồn đạo học” đã hoàn thành và sẵn sàng để giới thiệu đến công chúng.
Triển lãm sử dụng hơn 300 tài liệu hiện vật, chia 4 phần nội dung chính được giới thiệu theo dòng lịch sử, tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và những người có tầm ảnh hưởng như Nguyên phi Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh và những danh nhân khoa bảng khác.
Triển lãm cũng kết nối nội dung với trưng bày “Quốc Tử Giám-Trường Quốc học đầu tiên” thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và kết quả của nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.
Bên cạnh đó, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, triển lãm cũng tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân, để phục vụ tốt nhu cầu của khách tham quan tìm hiểu và có những cảm nhận sâu sắc về những đóng góp của các bậc danh nhân khoa bảng đối với nền giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống xã hội hiện nay.