Trò chơi “chi chi chành chành”

CCB Nguyễn Vinh Hùng

30/11/2021 08:39

Theo dõi trên

Viết dựa theo các câu chuyện truyền miệng và lời giải thích của Trương Tửu trong sách Kinh thi Việt Nam

tro-choi-chi-chi-1638235947.jpg
Ảnh minh hoạ

Nghỉ hưu, công việc quan trọng nhất là chơi với cháu (cho bố mẹ nó đi làm). Ông cháu tôi thích nhất là trò chơi “Chi chi chành chành”. Thấy vui, bà nó cũng tham gia, thế là tôi xòe bàn tay, hai bà cháu đưa ngón tay chỏ vào giữa rồi cùng đọc: “Chi chi chành chành/Cái đanh nổ lửa/Con ngựa mất cương/Ba vương tập đế/Cấp kế đi tìm/Hú tim bắt ập”. Cùng với từ “ập” tôi nắm nhanh bàn tay lại, bắt được ngón tay của ai, người đó thua. Vì trẻ, nó nhanh hơn, chơi ba lần bà nó toàn thua. Nghỉ chơi. Một lúc sau, cháu hỏi: Ông ơi! ý nghĩa của bài này thế nào sao cháu không hiểu. Tôi giải thích: Đây là bài đồng dao của người Bách Việt có từ hồi chưa bị bọn giặc Tàu xâm chiếm, cách nay khoảng trên 5 ngàn năm cơ. Ý nghĩa từng câu nó thế này:

1. Chu tri rành rành: Là loa lên để cho thiên hạ được biết (không biết vì sao người ta đọc trại ra là Chi chi chành chành)

2. Cái đanh nổ lửa: Ngay từ thời thượng cổ, người Bách Việt ta đã biết dùng hai khúc gỗ cứng, cọ sát vào nhau để tạo ra lửa, việc tạo ra lửa là một bước tiến vĩ đại của lịch sử loài người.

3. Con ngựa mất cương: Ngày xưa, người Hoa Hạ (nay còn gọi là người Hán) ở bên Tàu ấy chỉ là những bộ tộc man rợ, cưỡi ngựa đi cướp đất của người Bách Việt. Nhưng đánh trận nào cũng thua; Điển hình là trận trên cánh đồng Trác Lộc, quân ta hóa phép làm cho trời đất tối tăm, sương mù dày đặc, người ngựa của quân cướp đất mất hết phương hướng. Đúng như con ngựa mất cương, không biết chạy đường nào.

4 Ba vương tập đế: Vua Đế Minh đi tuần thú phương nam, đến vùng núi Ngũ lĩnh, kết duyên cùng con gái của Vũ Thiên sinh ra Lộc Tục, vua rất yêu quý và muốn truyền ngôi; nhưng Lộc Tục không giám vâng lệnh vì còn có anh là Đế Nghi. Vua bèn gọi cả Đế Nghi và Lộc Tục rồi phân chia: lấy núi Ngũ Lĩnh làm ranh giới: Đế Nghi làm vua phương Bắc (gọi là nước Xích Thần; nhưng người Hoa Hạ gọi là Đông Di bởi có ý khinh miệt), Lộc Tục làm vua phương Nam (gọi là nước Xích Quỷ; nhưng người Hoa Hạ gọi là Man Nam cũng có ý khinh miệt) và chứng kiến hai anh em làm lễ ăn thề. “Giữa đất trời nguyện rằng: Nam, Bắc cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc, Bắc không chiếm Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền thì sẽ chết dưới đao thương. Nếu có gặp nguy hiểm thì lập tức báo cho biết để cùng nhau giúp đỡ; nhớ đừng quên”. Thế là Vua cha dạy hai con cách thức yên dân; gọi là ba vương tập đế. Lại có ý kiến cho rằng tên nước Xích Quỷ là ngôi sao đỏ trên bầu trời; chữ “Quỷ” là do ba chữ “Vương” ghép lại mà thành nên mới có từ “Ba vương tập đế”.

5. Cấp kế đi tìm: Do lực lượng người Hoa Hạ rất mạnh lại tàn ác, liên minh Xích Quỷ (lúc này là Đế Lai (con của Đế Nghi) và Lạc Long Quân (con của Lộc Tục)) chống không nổi, Đế Lai chết, Lạc Long Quân rút theo đường biển đóng đô ở Ngàn Hống (Nghệ tĩnh) sau chuyển lên Phong Châu tìm kế đánh đuổi quân xâm lược.

6. Ú tim bắt ập: Sau khi liên kết với An Dương Vương chống Tần, rồi Triệu Đà chống Hán. Đến thời Hai Bà Trưng đã thu được đến 65 thành trì. Tuy nhiên, mùa đông năm 42, Mã Viện theo ven biển san núi làm đường mà tiến. Thế giặc mạnh lắm, nước ta rơi vào tay giặc mở đầu thời kỳ bắc thuộc.

Nghe xong, bà cháu bảo: Thế à ? sao em đọc ở Kinh Thi Việt Nam của ông Trương Tửu thì đây là một bài sấm dân gian nói về tình hình nước ta thời kỳ giặc Pháp mới xâm lược; ý nghĩa như thế này:

1. Câu đầu thì đúng rồi: Chu tri rành rành là loa lên để cho thiên hạ được biết

2 Câu thứ 2: Cái đanh nổ lửa: Năm 1856, Pháp dùng súng bắn vào Đà Nẵng, viên đạn chỉ bé như cái đanh thế mà nổ ra lửa.

3. Con ngựa mất cương: Giữa lúc nước nhà đang rối loạn vì bị Pháp xâm lược, vua Tự Đức băng hà. Nước ta thật đúng là như con ngựa mất cương.

4. Ba vương tập đế: Sau khi Vua Tự Đức mất, trong vòng chưa đầy một năm, cả ba vua lên thay đều lần lượt bị ám hại (Vua Dục Đức bị bỏ đói, vua Hiệp Hòa và Kiến Phúc bị đầu độc). Câu “ba vương tập đế” chỉ vào những biến cố này.

5. Cấp kế đi tìm: Vua Hàm Nghi có tư tưởng chống Pháp, sợ lại bị hại, Tôn Thất Thuyết đem vua đi trốn. Quân đội Pháp một mặt phải lo dẹp loạn, một mặt tìm kế bắt Hàm Nghi cho yên lòng dân; vì thế mà có câu “Cấp kế đi tìm”.

6. Ú tim bắt ập: Chỉ vào việc Trương Quang Ngọc làm phản, nửa đêm vào long sàng bắt vua giao cho Pháp để lãnh thưởng, sau đó vua Hàm Nghi bị đi đầy sang Algérie. Cũng từ đó, nước ta bắt đầu thời kỳ Pháp thuộc.

Nghe xong, hai ông cháu tôi thấy cũng có lý. Chả biết đúng sai thế nào. Tôi thì chỉ thắc mắc: Tại sao cả hai bản đều là “Chu tri rành rành” thế mà sang trò chơi lại bị đọc trại thành “Chi chi chành chành”.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Trò chơi “chi chi chành chành”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn