Có những cái chết hóa thành bất tử!
“…Ai qua mảnh đất Truông Bồn
Có nghe hàng phi lao dào dạt
Giữa đại ngàn có bản hùng ca
Có bản hùng ca vang lên ngàn đời…“
Khu di tích lịch sử Truông Bồn - nơi lưu giữ ký ức hùng thiêng về một thời đạn bom, một thời oanh liệt của những chiến sỹ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.
Nắng rải đều Truông Bồn, từng ngọn cây, ngọn cỏ nơi này tĩnh lặng. Hơn 50 năm trước, những chiến sỹ thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 2 đã hòa mình vào đất mẹ.
Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối liền huyết mạch giao thông: Mốc số 0 đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, đường 7, đường 34 để hậu phương miền Bắc chi viện nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam.
Những câu chuyện xung quanh 13 chiến sỹ thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 2, đại đội 317, tổng đội thanh niên xung phong khiến ai nghe thấy cũng đều thẫm đẫm, quặn thắt. Họ “hòa” vào đất mẹ khi còn quá trẻ, chỉ mới 19, đôi mươi. Còn bao dự định, kế hoạch phía trước… nhưng đều dang dở. 13 liệt sỹ chỉ tìm được thi thể của 6 người, 7 người còn lại đã hòa vào đất mẹ Truông Bồn. Tất cả nằm chung trong một ngôi mộ, trên một tấm bia chung…
Họ nằm xuống, máu, nước mắt của họ lẫn với mảnh đất hùng thiêng Truông Bồn tạo thành một bản hùng ca bất tử.
Tượng đài sừng sững hiên ngang, nhưng người ở lại thì quặn thắt. Giá như không có ngày 31 của tháng 10 năm 1968 định mệnh ấy thì…
Đó là những năm tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nước ta. Đầu năm 1967, nhất là năm 1968, sau khi bị thất bại nặng nề liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc. Chúng gọi là chiến dịch “Sấm rền”. Sau khi đánh phong tỏa các tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An. Trọng điểm là tập trung đánh phá Truông Bồn.
Ngày 27/5/1965, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An được thành lập với 5 đại đội, trong đó có Đại đội 317 là đơn vị được tổ chức tốt, cán bộ có tinh thần xung phong nên được BCH Tổng đội xem như là đơn vị chủ lực của toàn lực lượng TNXP tỉnh, liên tục được điều động đi ứng cứu khắc phục hậu quả giao thông ở nhiều trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt. Đến ngày 19/2/1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn. Thời điểm này, Truông Bồn đang là địa điểm bị đánh phá ác liệt nhất.
Ngày cao điểm, máy bay Mỹ đánh phá lên tới 131 lần, Truông Bồn ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn. Cùng với bộ đội phòng không, bộ đội công binh Quân khu 4, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của Tiểu đội 2, Đại đội 317: “Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập - nhưng đường không thể tắc”; “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là động lực mạnh mẽ thôi thúc các lực lượng của quân và dân ta làm nên chiến thắng Truông Bồn, làm nên một Truông Bồn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Ngày 31/10/1968 lúc 6 giờ 10 phút, một tốp máy bay Mỹ oanh tạc Truông Bồn. 4 máy bay Mỹ trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá, Truông Bồn chìm trong mịt mù khói lửa. Trận bom cùng lúc đã vùi lấp 14 chiến sỹ TNXP thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317. Ngớt tiếng bom, toàn đại đội cùng nhân dân xã Mỹ Sơn đã nỗ lực tìm kiếm nhưng chỉ tìm được Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thông. 13/14 chiến sỹ (11 nữ, 2 nam) quê ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu và Hưng Nguyên đã anh dũng hy sinh khi chỉ còn mấy giờ nữa là lệnh ngừng ném bom miền Bắc. Các anh chị ra đi mãi mãi để lại tuổi đôi mươi trên đất mẹ dấu yêu. Họ là đỉnh cao tột cùng về lòng quả cảm của “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, là điển hình trong những điển hình của hơn 1.500 TNXP ở Truông Bồn”.
Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hi sinh không sử sách nào ghi hết. Các chiến sĩ TNXP đã không tiếc máu xương và cả thời trai trẻ hiến dâng cho Tổ quốc. Tất cả đã viết nên một huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX… Để rồi, mỗi chuyến hành hương về nơi đây, chúng tôi càng thấm thía giá trị của mỗi ngày đang sống, càng có thêm sức mạnh đi tới ngày mai và cũng chợt hiểu sâu sắc hơn về những câu thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ:
“Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em”.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khói hương chưa bao giờ tắt ở nơi chiến trường từng một thời khói lửa. Cùng với Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, Thành Cổ Quảng Trị và nhiều địa danh khác, Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Máu, mồ hôi và nước mắt của họ đã hòa quyện nơi đất thiêng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà…
“… Chết kiên cường dũng cảm”
Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn được xây dựng trên diện tích 22 ha với nhiều cụm công trình quy mô lớn, kéo dài theo trục đường 15A huyền thoại. Ngoài một số hạng mục chính như: Nhà che mộ 13 liệt sỹ, Khu tưởng niệm, khu quảng trường, Đài chiến thắng, tháp chuông còn có nhiều công trình phụ trợ khác làm nên cảnh quan tổng thể của khu di tích.
Gây ấn tượng mạnh nhất đối với khách tham quan chính là khu Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Truông Bồn. Đây là công trình văn hóa nghệ thuật nhiều màu sắc, vừa để tưởng niệm ghi nhớ, vinh danh các anh hùng liệt sỹ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước trên mặt trận giao thông vận tải vô cùng gian khổ, ác liệt; vừa là điểm nhấn văn hóa du lịch tâm linh, thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng và hành lễ.
Ở công trình này có một đài hương gồm ba cây hương được làm từ đá xanh nguyên khối cao 27m, đường kính hơn 1m, bên trên có những áng mây phủ đồng tượng trưng cho những nén tâm nhang gửi đến những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Truông Bồn. Phía sau đài hương là bức phù điêu lớn với nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo, tái hiện hình ảnh cuộc sống, quá trình lao động, chiến đấu đảm bảo giao thông của các cán bộ, chiến sĩ và TNXP trên tuyến đường. Phần chính giữa bức phù điêu là Bia ghi danh 1.240 liệt sỹ hy sinh tại Truông Bồn. Xung quanh Đài tưởng niệm là hai nhóm tượng và 6 trụ huyền thoại khắc tạc hình ảnh mang tính biểu tượng cho tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của lực lượng TNXP nơi đây.
Những câu chuyện về năm tháng chiến tranh khốc liệt ngày ấy cùng mùi hương trầm hòa trong không gian thiêng liêng đã khiến thời gian như ngưng đọng. Tôi rời đi, dường như nhẹ bước chân hơn, bởi:
“Phần mộ các chị các anh vẫn nằm đó
Hai tiếng Truông Bồn
Vẫn oai hùng và giản dị
Như những ngày các chị các anh đi…”
Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và biết ơn các chị, các anh đã ngã xuống trên mảnh đất này. Bài ca Truông Bồn là khúc tráng ca của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam và truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh, và là bản hùng ca bất tử cho hôm nay và mai sau./.