Vãn cảnh đền thờ Nguyễn Xí - Thái sư cương Quốc công, Tướng quốc

Về xã Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vãn đền Nguyễn Xí mới thấy hết được sự cổ kính, uy nghi, trang nghiêm, rộng lớn nơi đây.

Giữa bức tranh rộng lớn nhưng vô cùng phức tạp của các triều đại phong kiến Việt Nam trước và sau thế kỷ 15, lịch sử dân tộc hiện lên chân dung cuộc đời, sự nghiệp chói sáng của bậc khai quốc công thần, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Đình - Danh tướng Nguyễn Xí.

12412354235235343463-1621356954.jpg
Đền thờ Thái sư cương Quốc công, Tướng quốc - Nguyễn Xí (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

“Ngọn lửa rực sáng”

Năm Đinh Sửu (1937) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) tướng Quốc Nguyễn Xí ra đời. Danh tướng Nguyễn Xí cống hiến trọn đời vì sự nghiệp chống xâm lăng, xây dựng bảo vệ vững chắc nền độc lập tự chủ của quốc gia Đại Việt ở thế kỷ 15. Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm giữ nước của dân tộc, ông là vị công thần duy nhất được tôn vinh “người 2 lần khai quốc”. 

Dưới cờ nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ soái, danh tướng Nguyễn Xí (1397 - 1465) là một trong 40 công thần khai quốc, ông từng 10 năm nếm mật nằm gai, cùng anh trai là tướng Nguyễn Biện (1394 - 1423), đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, giải phóng đất nước thoát khỏi 20 năm dưới ách đô hộ bạo tàn của chúng. Tư tưởng “trung quân ái quốc”, trong 33 năm giai đoạn đầu của triều Hậu Lê, ông là trụ cột nhiếp chính 4 đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông. 

Tộc phả họ Nguyễn Đình (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) do Hội đồng gia tộc tái bản năm 1993 có chép: “Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lớn lên ông theo Thái tổ Cao Hoàng Đế khởi nghĩa Lam Sơn, cùng người anh tên là Nguyễn Biện vượt núi băng sông, mũ rơm tên đá, lập nên công to đại định. 

125412352356363463-1621357178.jpg
Bia đá bằng chữ Hán ghi công trạng của Ngài.

Năm Quý Sửu (1433) niên hiệu Thuận Thiên thứ 6, Thái tổ Cao Hoàng Đế lúc sắp mất để di chiếu giao cho ông trách nhiệm phụ nhiếp chính. Ông đã trải qua 4 đời Vua triều Hậu Lê, cùng xây dựng nền thái bình cho đất nước. Năm Kỷ Mão (1459) Lê Đức Hầu tức Lê Nghi Dân (1439 - 1460) làm phản. 

Lúc này tướng Nguyễn Xí đã nghỉ việc quân, lui về sống tại tư dinh trong kinh thành Thăng Long. Không thể khoanh tay đứng nhìn cơ nghiệp nhà Hậu Lê ngàn cân treo sợi tóc, hưu tướng Nguyễn Xí nghĩ mưu bày trận, bất thình lình xướng đại nghĩa bắt gọn toàn bộ bè lũ phản loạn. Quốc gia được trung hưng là nhờ có sức mạnh xoay trời, lật đất của cuộc phản đảo chính do tướng Nguyễn Xí chỉ huy. Ông trở thành đệ nhất công thần triều Lê Thánh Tông”. 

Với công lao to lớn của ông, nhà vua tiến phong là Khai quốc Suy Trung Dương Võ Minh Nghĩa… và nhều phẩm hàm khác. Ông là người cứng rắn mà sáng suốt, dũng cảm mà nghĩa khí, gặp lúc hữu sự có thể dứt tình thân để đặt lợi ích của thiên hạ lên trên. 

Ông mất giờ Thân ngày 30 tháng 10 Âm lịch năm Ất Dậu (1465) tại Thăng Long, hưởng thọ 69 tuổi. Nghe tin ông mất, vua Lê Thánh Tông buồn than "Từ khi khai quốc đến nay chẳng ai được như ngươi", vua bỏ triều 3 ngày không ngự, ban nhiều tặng vật, cấp mọi thứ nghi trang tế lễ, 100 quan tiền, và sai quan hữu ty lo liệu mọi việc, nhà vua còn tặng ông danh hiệu Thái sư Cương Quốc Công đặc ân khai quốc. Từ xưa đến nay người làm bề tôi mà lúc sống được phong, khi chết được tặng, văn ngợi ca vinh quang không dứt, thật không ai sánh nổi với ông.

Một ngày trước khi phát dẫn, các quan đại thần đều hội nhau làm lễ và đến ngày 13 tháng 12 năm Bính Tuất (1466) thì an táng ông tại quê nhà huyện Chân Phúc (tên gọi xưa của huyện Nghi Lộc), vốn là đất “thiên trụ” trước đó cũng đã táng thân phụ của ông, rồi vợ ông là Quốc phu nhân Ngọc Lân. Ông có 16 người con trai, 8 người con gái.

1542352352356346346-1621357039.jpg
Du khách thập phương về với đền.

Đền thờ trên đất “thiên trụ”

Sáng chớm lạnh, sương vẫn cứ chùng chình, giăng mắc cả con đường vào đền. Năm Đinh Hợi (1467) dịp kỵ đại tường ông, vua Lê Thánh Tông ban 1000 quan tiền đem về lập dựng đền thờ tại quê xã Thượng Xá, theo chế độ “quốc tế, quốc tạo” (nhà nước lập dựng, nhà nước cúng tế). Sai Trạng nguyên Nguyễn Trực soạn văn khắc vào 3 tấm bia đá Thái sư Cương Quốc Công Di huấn; Thái sư Cương Quốc Công bi ký; Tự điền cận hiệu tịnh miếu quy chế.

Đền thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí được xây dựng trên một khu đất cao, tách xa khu dân cư. Với dáng dấp kiến trúc thời Lê, Đền Nguyễn Xí được xem là một trong những ngôi đền linh thiêng, cổ kính, độc đáo vào hạng bậc nhất xứ Nghệ. Ngày 10/01/1990, Đền thờ Thái sư Cuông Quốc Công Nguyễn Xí được công nhận di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Đặt chân vào đền là khu hoa biểu có Bảng Hổ và tứ trụ. Bảng Hổ được xây bằng gạch đá có hình ông Hổn đắp nổi trong tư thế ngồi, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước. Việc thờ Hổ ở Đền gắn với câu chuyện:

Hổ vồ chết thân phụ Ngài, rồi cõng đi táng ở cánh đồng Lầm cạnh làng. Tiếp đó là tứ trụ xây sau Bảng Hổ, gồm hai cột chính và hai cột nhỏ, mỗi bên đều đắp hình con ngựa trong tư thế đứng. Vào khoảng 30m là cầu Ao, mặt cầu vồng, hai bên cầu có lan can bằng đá, khắc họa hoa văn cổ rất tinh xảo. Ao hình bán nguyệt có từ lâu đời, bốn mùa nước biếc trong xanh. 

Qua cầu là cổng Tam Quan có hai cột đèn ngũ sắc to được chạm trổ rồng phượng hoa văn rất đẹp. Phía trên chính môn có bảng ghi 4 chữ Hán: Thiên Khai Cầm Sắc (Trời mờ sắc đẹp). Tiếp đén là nhà Bái Đường 5 gian bằng gỗ lim được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Vào đến Trung điện có gác chuông, khanh, nhà Tả vu, Hữu vu, hai bên thờ hai ông Hổ. Trong Đền có lưu 3 bia đá được khắc bằng chữ Hán ghi công trạng, chiến tích của Ngài. 

Đứng từ sân Lỗ Thiên nhìn lên lầu 2 có bảng ghi 4 chữ Hán: Cương Quốc Công Từ (nghĩa là: Đền thờ người cầm cương điều hành đất nước). Trong Trung điện nơi đặt Tượng Ngài, phía trên có bức hoành phi ghi ba chữ Hán: Nhạc Giáng Thần (nghĩa là: Khí thiêng của trời đất, sông núi giáng xuống vị thần dưới này). Hai bên còn có hai câu đối do Vua Lê Thánh Tông ban: Hà nhạc, nhật tinh thiên thu hạo khí/ Phụ tử, huynh đệ vạn cổ anh phong nghĩa là: 

“Sông núi trời sao ngàn năm khí cả/ Cha con, anh em vạn thuở anh hào. Phía trong cùng là nhà Thượng điện, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá: sắc phong, văn bia, phả tộc. Nhà có 3 gian, gian giữa thờ Thái Bảo Đình Quận Công Nguyễn Hội và Quận phu nhân Vũ Thị Hạch (cha mẹ Ngài). 

Bên phải thờ bá Tổ thái phó nghiêm Quận công Nguyễn Biện (anh trai Ngài), bên trái thờ Ngài và Quốc phu nhân Lê Thị Ngọc Lân. Đền thờ Thánh tổ Nguyễn Xí về quy mô kiến trúc và quy mô tâm linh, đều vào hàng bậc nhất trên đất Nghệ. Để tưởng nhớ, tôn vinh, ngưỡng vọng vị danh tướng danh thần kiệt xuất của dân tộc, vị Thánh Tổ của một trong những dòng họ sớm có mặt từ buổi đầu khai ấp lập làng nơi miền duyên hải, dần phát triển ra khắp xứ Nghệ, hàng năm các thế hệ con cháu của Cương Quốc Công tổ chức Lễ hội ngay tại khu vực đền.

Về đền “Cương quốc Công Từ” đọc những dòng do tiền nhân viết khắc lên bia đá, in trong sử sách, lớp lớp người đời càng hiểu rõ công lao trời biển của người “hai lần khai quốc”, càng cảm nhận rõ Lễ hội đền Nguyễn Xí là một thông điệp mang giá trị lịch sử to lớn. Đó là: Yêu nước thương nòi là truyền thống của người Việt. Yêu nước sẵn sàng xả thân cứu nước đã thành lẽ sống của người Việt.

“... Xét Nguyễn Xí khí độ trầm hùng, tính người cương đại, giúp Cao Hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò Tiên Khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập, ra vào hết chức phận tướng văn, tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con, giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều trưởng mộ phong thái, bốn biển đều ngưỡng vọng uy thanh” - Vua Lê Thánh Tông nói về Tướng quốc Nguyễn Xí./.