Tuổi thanh xuân ở Trường Sa

Cuốn sách “Tuổi Thanh xuân ở Trường Sa” do Nhà xuất bản Dân Trí thực hiện và phát hành đúng vào tháng Ba, tháng Thanh niên như một lời tri ân, biết ơn các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển… đã không quản hi sinh, gian khổ, ngày đêm bám biển giữ vững chủ quyền đất nước.

Cán bộ, chiến sĩ, lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển, đồng bào và ngư dân - những người mang truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc đang ngày đêm kiên cường bám biển, giữ biển, vững vàng nơi đầu sóng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã có những chuyến thăm, sự trải nghiệm. Bằng tình yêu và ngòi bút, những bài viết về Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 đã ra đời và tụ về trong cuốn sách giàu ý nghĩa.

tuoi-thanh-xuan-o-truong-sa-1-min-1682064307.jpg
 

Chúng ta sẽ bắt gặp trong cuốn sách hình ảnh những người lính trẻ xa nhà, xa quê hương ngày nào cũng khóc sau những ngày đầu ra đảo. Còn cả anh lính nhớ người mình yêu, nhớ vợ và con nhỏ nhưng nén lại qua cánh hoa ốc, gửi nỗi nhớ theo sóng vào đất liền. Hay có người không kịp làm trọn chữ hiếu khi bố mẹ già đổ bệnh… Tuy hoàn cảnh khác, nốt trầm sâu thăm thẳm ấy lại càng khác, nhưng họ đã nén lại cái tôi riêng để tạo nên cái ta chung thật cao cả. 

Mỗi nhà văn, nhà báo, tác giả đến Trường Sa, đều mang trong mình lòng biết ơn đối với những người đã nằm xuống vì chủ quyền biển đảo. Qua mỗi bài viết của mình, các tác giả đều mong muốn góp thêm một tiếng nói để người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ yêu và hiểu biển đảo để từ đó cùng gìn giữ lấy nơi đây. Nhà văn Nguyễn Phú tự hào: “Với tình cảm của một người lính, rất nhiều lần, mạch đập trái tim tôi hướng về đồng đội - những người lính, và tất cả những con người đang cùng với bộ đội giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với tôi, họ là những con người dù thời bình hay thời chiến đều rất đáng được thấu cảm, chia sẻ, tôn vinh”.

Mỗi bài viết đều là những ghi chép và tình cảm chân thực, sống động của các tác giả về miền biển đảo thiêng liêng, đưa người đọc theo hải trình ra quần đảo Trường Sa cho đến những hoạt động công tác, những góc tâm tư, tình cảm của người lính đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, những người lính phục vụ trên chuyến tàu chở đoàn công tác “mang hơi thở đất liền” ra tới đảo…

Qua cuốn sách một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tình yêu, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.