Tượng Lê Thái Tổ

Một sáng đầu năm Quý Mão, lang thang ven hồ chụp hoa, lá, tháp rùa. Năm ngoái có cháu nội đi cùng làm mẫu nhí cho Ông chụp ảnh. Năm nay cháu bị ươn nên ở nhà, Ông đi chụp một mình. Một mình ngó nghiêng các góc tuy quen mà lạ.

Người ta nói rằng: Ở hồ Hoàn Kiếm, dù có chụp hàng trăm lần thì cũng không tìm được các bức ảnh giống hệt nhau. Hầu như mỗi lần chụp là lại tìm được một góc mới, cảm xúc mới…

Qua Hàm Cá Mập, qua nhà Thuỷ Tạ, chợt thấy một đàn chim Bồ câu bay lượn. Thấy 2 Mẹ Con nhà kia đang cho chim ăn phía trước nhà số 16. Cánh cổng mở rộng cả 2 cánh như mời kẻ lữ khách. Đã nhiều lần qua đây nhưng cửa đóng, đã nhiều lần nghển cổ chụp tượng Vua Lê tít phía trong mà không ưng ý vì xa và tối. Nhẹ nhàng bước qua đường chụp cổng và nhà Phương Đình. Tiếp đó đi vào trong chụp tượng Vua Lê. Bức tượng nhỏ bằng đồng được đặt trên trụ đá tròn cao. Bức tượng cao hơn 1 m thể hiện nhà Vua đang trả Kiếm cho Rùa Vàng. Chính vì vậy mà hồ có tên là: Hồ Gươm, hồ Hoàn Kiếm cùng với các tên khác là: Hồ Lục Thuỷ, hồ Thuỷ Quân, hồ Tả Vọng và Hữu Vọng.

b1lang-hck1-1675004481.jpg

Tượng đài vua Lê Thái Tổ nằm trong một quần thể kiến trúc nhiều hạng mục, ở số 16 phố Lê Thái Tổ. Cổng vào xây gạch theo kiểu tam quan - tứ trụ sát với hè đường. Các hạng mục công trình hài hòa trong khuôn viên nhiều cây xanh. Công trình nhỏ và kiến trúc chính lùi sâu bên trong, khuất tầm mắt nên ít người biết nơi đây có tượng đài một vị vua anh hùng dân tộc đã gắn liền với truyền thuyết hồ Gươm. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Chắp tay trước tượng lầm rầm khấn cầu cho sức khỏe với gia đình an khang, quốc thái dân an rồi nhẹ nhàng bấm máy, trong lòng vẳng lên câu thơ của Chế Lan Viên: Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê - Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ …Bâng khuâng nghĩ về số phận của bức tượng cũng long đong, chìm nổi như cuộc đời của người. Rất ít người biết rằng bức tượng này đã có một thời gian ( bị khoá ) gần 40 năm và có nhiều thời kỳ hoang phế..

Để tưởng nhớ đến công ơn vị Vua đã “ nằm gai nếm mật “ 10 năm kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh, giành lại nền độc lập cho Dân tộc, nhằm tái tạo lại truyền thuyết mượn và trả gươm Rùa vàng, một vị khi đó được bổ nhiệm làm Kinh lược sứ Bắc Kỳ cho xây dựng tượng Vua Lê năm 1894 trên nền cũ của đền Vua Lê đã bị hoang phế. Bức tượng Vua Lê tay phải trả kiếm đầu hơi chúc xuống, tay trái chống hông, mặc áo bào khuôn mặt trang nghiêm thể hiện khát vọng hoà bình của dân tộc. 

Trải bao thăng trầm và các cuộc chiến tranh, bức tượng trải qua hơn trăm năm vẫn bình yên đứng đó, như nói nên một điều rằng: Cuộc sống có thăng trầm, thiên hạ có lúc thịnh, suy…thì Thiên hạ Thái Bình luôn là đích đến của các bậc Quân Vương yêu nước, thương dân, luôn đặt lợi ích của Nhân Dân lên trên lợi ích của bản thân. Mới hay câu:” Làm lật thuyền mới thấy sức dân mạnh như nước “ của Nguyễn Trãi quân sư của Lê Lợi thời nào cũng đúng !

Trái tim người lính