Ngày 27/11, UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tổ chức lễ tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn và khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Hạ.
Qua truyền thuyết được lưu truyền trong đời sống tâm linh của nhân dân, Tản Viên Sơn Thánh là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ. Tôn vinh công trạng, ân đức của Ngài, nhân dân tôn kính và lập nhiều đền thờ trên địa bàn huyện Ba Vì và ở nhiều nơi trong vùng văn hóa Xứ Đoài.
Ngọc phả còn lưu giữ tại di tích đền Trung, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Đức Thánh Tản Viên Sơn sinh ngày Rằm tháng Giêng, hóa Thánh vào ngày mùng 6 tháng 11 và nơi Ngài hóa Thánh là tại đỉnh núi Tản Viên, sau này nhân dân lập đền thờ Ngài, đó chính là đền Thượng. Trải qua hàng ngàn đời, việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ Ngài đã ăn sâu vào đời sống nhân dân. Vào những ngày này, nhân dân các dân tộc khu vực núi Ba Vì thường tổ chức lễ hội, lễ dâng hương, dâng các sản vật do chính người dân làm ra lên Đức Thánh để tri ân công đức của Ngài và cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, gia đình hạnh phúc.
Trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích, trong đó có tới hơn 100 di tích thờ Đức Thánh Tản. Cụm di tích đền Thờ Tản Viên Sơn Thánh - đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2008. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2018.
Năm 2021, huyện Ba Vì đã khởi công dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Hạ tới tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Các hạng mục gồm: Nhà mẫu, nhà tả hữu vu, nhà bia, nhà hòm đòn, nhà khách, nghi môn nội và điều chỉnh bổ sung bờ kè, bình phong, bãi xe, nhà dịch vụ, đồng thời xã hội hóa động ngũ dinh, hệ thống tượng, đồ thờ và hệ thống cây xanh…
Đến nay, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ và kế hoạch đề ra, đảm bảo các yêu cầu về kiến trúc truyền thống, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị văn hóa - lịch sử của di tích, tạo nên tổng thể không gian văn hóa biểu tượng của Ba Vì.
Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Hạ nằm dưới chân núi Tản Viên, bên sông Đà thuộc địa phận xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Theo các nhà nghiên cứu, đền Hạ xuất hiện muộn hơn so với đền Trung và đền Thượng. Tương truyền, thuở nhỏ, ba anh em Sơn Tinh từ Lăng Sương sang núi Ngọc Tản kiếm củi, nhiều hôm trời tối không về kịp, ba anh em phải đốn cây rừng dựng lều ngủ lại. Về sau nhân dân đã xây dựng đền ngay tại nơi đây để thờ Ngài và gọi là đền Hạ.
Kiến trúc của đền Hạ theo kiểu chữ tam, theo thế tựa lưng vào dãy núi Ba Vì, quay mặt ra phía sông Đà. Theo sách Sơn Tây tỉnh địa chí, đền Hạ còn được gọi là Tây cung. Đền Hạ được xây dựng từ lâu và được trùng tu sửa chữa qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Qua thời gian bị hủy hoại, năm 1993 nhân dân địa phương và thập phương công đức xây mới đền Hạ bao gồm: Nghi môn, Tiền bái, Hậu cung, điện thờ Mẫu, điện thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình phụ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản.