Tuyên Quang: Kinh tế 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng khá

Ngày 25/6, Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang 6 tháng đầu năm 2021.
py1-a-1624609868.jpg
Quang  cảnh buổi họp báo.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Tuyên Quang nhìn chung đạt khá so với cùng kỳ năm 2020: GRDP ước 6 tháng đầu năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 8.718 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng trên 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng đây cũng là tốc độ tăng khá (nằm trong top khá so với mức tăng trưởng của khu vực Trung du miền núi phía Bắc). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,53%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,7%, khu vực dịch vụ tăng 5,61%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 8,07%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, lấy công nghiệp chế biến – chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt cho nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ trọng trên 27%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng trên 28%, khu vực dịch vụ chiếm trên 40%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm trên 3,9%.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thiện hồ sơ công nhận 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 47 xã; tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 6 tháng đầu năm đạt trên 1.187 tỷ đồng, đạt trên 48% dự toán năm, tăng 22,5% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt trên 1.164 tỷ đồng, đạt trên 48%, tăng trên 30%; tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt trên 5.078 tỷ đồng, đạt trên 60% dự toán, tăng trên 27% so với cùng kỳ.

pt-1b-1624609975.jpg
Ông Vũ Tuấn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang cung cấp thông tin cho báo chí.

Tình hình xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tương đối ổn định, số lượng việc làm tăng, đời sống dân cư được quan tâm, đảm bảo an sinh xã hội. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 13.978 lao động, đạt 66,6% kế hoạch, tăng 17,2% so với cùng kỳ; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 15,3%, đạt 86% kế hoạch, tăng trên 17,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận 11.500 liều vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất, trong đó đã tổ chức tiêm phòng mũi 1 cho 7.497 người, tiêm phòng mũi 2 cho 830 người. Quá trình tiêm diễn ra thuận lợi, an toàn không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm…

Nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19: chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch, triển khai tiêm phòng COVID-19 khi có nguồn vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tích cực tăng thu ngân sách trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh phát triển du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, xây dựng các chương trình liên kết, phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ trồng và khai thác gỗ rừng trồng; khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, chế biến, tiêu thụ kinh doanh thương mại về lầm sản; đa dạng hóa các sản phẩm đồ gỗ, các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa; tiếp tục chăm lo đến công tác an sinh, phúc lợi xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, trị an; thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình, các đối tượng chịu thiệt hại do thiên tai, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến cuối năm 2021: Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) tăng 8,02% so với năm 2020;GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) khoảng 47 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng trên 6%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng 10,2%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giá so sánh 2010) đạt 9.582,6 tỷ đồng; tăng 4,0% so với năm 2020; sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn; duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; tạo việc làm cho 21.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,5%, trong đó có bằng, chứng chỉ khoảng 22%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội 17,34%...