Ung bướu Hà Nội ký sự: Kỳ 4 -  “Tiểu nhân phòng bị gậy”, vấn đề “Đầu tiên” và Truyền hóa chất, xạ trị

Hồ Công Thiết

16/07/2022 22:42

Theo dõi trên

Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Chỉ là nghe nói mà có nhiều câu chữ : Thấy vậy; Nghe đồn; Bảo thế; Nói thế; Tưởng thế…vân vân và mây mây.

Đã vào đến bệnh viện là vất vả rồi. Trăm cái phải lo và cái lo “Đầu tiên – Tiền đâu” nếu gặp bệnh hiểm nghèo thì đại gia cũng phải tính.

Vào bệnh viện bây giờ, bên cạnh những khoa phòng thuần túy chuyên môn, nay có thêm bộ phận khám chữa bệnh theo yêu cầu hoặc khu điều trị cao cấp. Nôm na là có tiền sẽ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc tốt hơn.

Nhà neo người, cần điều dưỡng riêng có ngay, nhưng phí phải trả khiến những người hưởng lương hưu hoặc công nhân viên chức thuần túy chóng mặt.

chau1a1b-1657986495.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Mình vào bệnh viện đúng tuyến, có bảo hiểm loại CK nên được bảo hiểm chi trả 100%. Tuy vậy, việc đầu tiên vẫn là đóng ký quỹ để sẵn sàng chi trả những khoản chi vượt khung bảo hiểm. Những thủ thuật y tế, những áp dụng công nghệ cao, thầy thuốc trao đổi với người nhà bệnh nhân, đồng ý chi thêm dịch vụ công nghệ cao thì tiến hành.

Tại Bệnh viện Xanh Pôn mình là bệnh nhân khoa Nội. Việc khám chữa bệnh và các xét nghiệm, chiếu chụp được bảo hiểm chi toàn bộ. Do nghi vấn cần chụp chiếu gấp nên mình tự nguyện sang khu công nghệ cao. Bảo hiểm chi trả ở mức quy định chung và phần phát sinh (chiếm tới 2/3) bệnh nhân chi trả.

Sang đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, mình rất ngạc nhiên khi không thấy bệnh viện nhắc chi một khoản nào. Từ các xét nghiệm tới chiếu chụp, nội soi, mổ nội soi đặt ống sonde và cả yêu cầu gây mê hay gây tê, các loại thuốc dùng trong điều trị, bệnh viện cứ tiến hành làm mà không cần trao đổi với người nhà. Toàn bộ, bảo hiểm y tế sẽ lo.

Hai vợ chồng già chia nhau mỗi người vài cái phong bì, dằn sẵn trong túi để “rải” mỗi khi các y tá, hộ lý làm thủ thuật y tếcho mình. Cũng toàn bộ, khi nói lời cảm ơn và dấm dúi đưa phong bì, vợ chồng mình đều bị gạt phăng cùng câu giải thích : “Ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chúng cháu không nhận phong bì”.

Trước khi nhập viện mình đã nghe ở bệnh viện khác, cũng chữa trị ung thư như tại Ung bướu Hà Nội, tệ nạn phong bì được đẩy cao đến mức trầm trọng.

Cô cháu gái có chồng điều trị ung thư kể khi tiêm phải lo sẵn 200 nghìn thì tiêm không đau. Nhà nghèo chỉ lo được 100 nghìn thì mũi tiêm giảm đau còn một nửa. Đủ 200 nghìn sẽ hết hẳn đau.

Lại có người kể nỗi lấy thuốc cấp cho bệnh nhân ngoại trú.

Nhà ở tỉnh xa lên lấy thuốc đều muốn mau mau chóng chóng về cho kịp chuyến xe chiều. Muốn vậy, mỗi đơn thuốc “phải cộp” 500 nghìn để được cấp phát ngay.

chau2a1b-1657986622.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Lại còn chạy bệnh viện. Muốn chuyển lên bệnh viện tuyến trên phải mất tiêu cực phí và muốn chuyển đến bệnh viện mình yên tâm lại phải xuất phong bì.

Mình phải điều trị ung thư.

Sau cơn choáng váng và phân vân giữa nhiều nơi, nhiều phương pháp chữa ung thư, mình quyết định nghe tư vấn của bác sỹ quen tại Bệnh viện Xanh Pôn, xuống làm bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Tại nơi làm thủ tục nhập viện, không thấy y tá giới thiệu bệnh viện có khoa Điều trị theo yêu cầu. Mọi việc cứ “Tuần tự nhi tiến” và mình đinh ninh nơi mình nằm chữa bệnh là sự sắp xếp theo quy định chung của bệnh viện. Chỉ phân biệt duy nhất là bệnh nhân bệnh gì và nặng hay nhẹ.

Cũng may. Sau này tương đối khỏe mình qua các nơi khác xem xét để thỏa chí tò mò. Đúng là tiện nghi phòng bệnh có khác nhưng cách điều trị đều theo chung một phác đồ. Loại quần quật ngoài sân cỏ như mình, nay vào nằm viện, có tấm ra trải giường trắng toát, phòng ốc sáng sủa, các nữ y tá đon đả nhiệt tình thì thấy sướng như đi an dưỡng, cần gì đến sự chăm sóc công phu như ở khu Khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Không ai nói trước được điều gì. Nay bị bệnh, chờ duyên thì khỏi bệnh. Nếu không, sống đã trọn kiếp người thì những băn khoăn về thái độ, về miếng ăn, về tiện nghi sinh hoạt không làm mình bận tâm.

Đời là cõi tạm. Khi còn sống trên đời giây phút nào thì hãy gắng sống một cách an nhiên cho đời an lạc.

“Hết ngày dài lại đến đêm thâu” mình nằm trên giường bệnh ở khoa Nội 2 nhà C Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để truyền dịch và hóa chất.

Có những chai dịch truyền như tên lửa, chỉ vài chục phút là xong. Nhưng cũng có những chai, theo lý thuyết phải truyền trong 20 giờ, qua máy đếm giọt gắn sẵn ở cọc truyền. Thực tế mình truyền trong khoảng 16 giờ là hết 1 chai nhưng chai đầu tiên, không biết tại sao lại chỉ truyền trong hơn 12 giờ. Cơ thể không thấy khác lạ nhưng lo đường ven “bị cháy” do tốc độ hóa chất đi qua quá nhanh. Cũng may khi truyền loại hóa chất này đều có chai truyền trước và sau khi truyền hóa chất chính, gọi là chai rửa mạch máu. Rửa xong, mạch máu nó như thế nào không biết nhưng đây là phác đồ điều trị đã được đúc rút, tổng kết dựa trên cơ sở y học nên cũng yên tâm. Từ hôm đấy, việc điều chỉnh tốc độ truyền mỗi khi thay chai truyền hay tạm dừng để đi xạ trị đều “mắt chớp chớp như bồ câu”, ngoan ngoãn chờ y táthao tác.

Có cảm giác hóa chất này tác động vùng ven gây tê tê lành lạnh khi giọt hóa chất vào cơ thể. Có lần đang truyền vùng ven tay phải bị phồng, y tá phải lấy ven bên tay trái truyền tiếp. Chỗ ven phồng hơi ngả màu sẫm nhưng sau hai ngày lại phẳng phiu, màu da hòa đồng với xung quanh. Nơi chọc ven, chỉ còn một chấm đen mờ mờ tinh mắt mới nhận ra.

Làn đầu tiên trong đời nằm viện, Mama Tổng quản và 2 đứa con trai theo hộ tống.

Mình được cấp Thẻ bệnh nhân và đeo dây nhựa màu xanh nơi cổ tay, ghi họ tên và các thông tin khác. Mama Tổng quản được đeo dây màu hồng dành cho người nhà. Có loại dây này nơi cổ tay, bảo vệ mới cho vào khu điều trị.

Khách đến thăm xin mời liên lạc với người bệnh hoặc người nhà. Thu xếp được, kéo nhau ra vườn hoa trước cửa khoa hoặc sang khu Tiếp nhận người đến viện. Nơi ấy thoáng, ghế ngồi đánh véc ni bóng lộn, điều hòa tổng làm mát cả những góc của tòa nhà.

Mình chưa muốn loan tin bị bệnh nên không tiếp người đến thăm. Mama Tổng quản tôn trọng, cũng chỉ nhỏ to với bạn bè và tiếp bạn bè khi đã về nhà riêng.

Riêng bạn của 2 ông con, chúng lũ lượt kéo tới bệnh viện thăm phụ huynh của bạn.Lúc đầu vẻ mặt đứa nào cũng như “Cảnh sát hình sự”. Sau trao đổi mấy câu với người bệnh, chúng lại cười nói râm ran và còn hẹn khi nào khỏe hẳn, chúng sẽ đến phố nhà mình để liên hoan với món chân gà nướng ngon nhất Hà thành.

Nằm một chỗ truyền dịch, thấy ổn định nên mình buộc Mama Tổng quản về nhà nghỉ ngơi, chỉ đến viện khi cần thiết. Mình đùa là anh đã lớn rồi, tự lo được cho mình. Nói xong giật mình vì xung quanh, ai cũng có người nhà ở lại qua đêm để đỡ đần. Họ và người nhà cả nghĩ, dễ sanh chuyện.

Mình chỉ nghĩ đơn giản vào viện đã có bệnh viện lo. Nếu tự làm được một số việc cá nhân thì cố để không “bắt tội” người nhà. Mình không thích cái cảnh Mama Tổng quản ngồi cạnh giường, vừa ngủ gật vừa nhìn chòng chọc vào người bệnh với ánh mắt âu lo.

Bà ấy cũng kém tí ti đầy 70 (dù cả y tá lẫn bệnh nhân chỉ nghĩ bà ấy là con mình vì quá trẻ so với tuổi thực), cần giữ nhịp độ sinh hoạt bình thường và ăn ngủ đúng giờ để tái tạo sức khỏe. Mình đã nằm bẹp. Nay bà ấy bị ốm thì loạn hết cả nhà.

Bà này vốn là sỹ quan trung cao cấp về hưu, kinh nghiệm đầy mình nên có cách ra vào bệnh viện chăm mình như đi chợ. Vào cửa khoa thì đeo chiếc dây màu hồng nơi cổ tay. Khi về, qua bảo vệ ở cổng lại mặc áo chống nắng che đi, trông lại giống người vào thăm bệnh nhân. Bà ấy còn mày mò để tự tháo chiếc vòng mà không làm đứt hoặc rách miếng ni lông. Mỗi khi cần, bà ấy lại đeo vào như đeo chiếc vòng trang sức.

Vết mổ nội soi đặt ống sonde dạ dày dần ổn định, chỉ nhói đau khi thay đổi tư thế cơ thể hoặc khi cần đến gân bụng.Mama Tổng quản truyền kinh nghiệm sau lần mổ đẻ rằng đau là do chỉ khâu cứng cọ vào chỗ được khâu. Quả nhiên sau khi cắt chỉ, nửa ngày là hết những lần nhói đau.

Mama Tổng quản được y tá hướng dẫn, đóng mở nắp ống sonde và bơm nước kiểm tra van được gắn nơi thành bụng.

“Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay”.

Bà ấy một tay cầm chiếc xy lanh đầy nước gắn sẵn vào ống truyền, một tay dò tìm cái nắp van nơi thành bụng. Ấn xuống, lôi lên bằng một tay làm cái van cọ mạnh vào dạ dày chưa kịp lên da non khiến mình đau chảy nước mắt.

Giữ chặt tay bà ấy, mình yêu cầu dùng cả 2 tay. Một tay giữ cố định cái van và tay kia tìm nắp để mở. Cố gắng giữ cái van nằm bất động, chỉ cái nắp mới được bật lên.

Cũng may bà này sáng dạ, sau một lần làm mình đau vãi linh hồn, khi làm lại, vẫn đau nhưng chấp nhận được. Đến nay, bà này đã thành người bơm dinh dưỡng qua sonde vào dạ dày giỏi nhất Vịnh Bắc Bộ.

Sức khỏe ổn định, sau đợt truyền hóa chất, mình được ngoại trú. Hàng đêm, lúc 20h25 mình đến bệnh viện để xạ trị theo dạng bệnh nhân ngoại trú. Đến vào giờ này để nhường cho những bệnh nhân ở xa xạ trị ban ngày. Với mình còn tiện hơn khi tối về, đường thanh vắng, mọi việc trong ngày đã giải quyết xong, thư thái để đi xạ trị.

Chỗ xạ trị yên ắng. Kỹ thuật viên căn cứ giờ hẹn để lập trình liệu pháp xạ nên không có tình trạng nhờ cậy để chen ngang. Mọi người bình tâm chờ đến lượt.

Nằm trên giường máy, bộ phận chiếu xạ chạy vòng quanh ngực, nơi được đánh dấu trước đó bởi những vết săm màu chàm. Lách cách, sè sè trong khoảng mươi phút là xong, không cảm thấy biến động gì trong cơ thể.

Xạ trị xong về nhà, mình chìm trong mộng đẹp mà không hay biết chỉ ít ngày sau, phản ứng phụ nhưng cái đau là chính bắt đầu làm tình làm tội mình.