Ứng xử văn hóa, có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội

Sau nhiều lần được góp ý, chỉnh sửa, mới đây, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TTTT) ban hành. Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng khuyến nghị cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép...

Không gian mạng tác động đến đời sống thực

Theo một con số thống kê vào đầu năm nay, Việt Nam có hơn 70 triệu người đang sử dụng internet, chiếm gần 70% dân số. Trong số này, 95% người dùng vào internet thông qua di động và dành hơn 3 tiếng để truy cập mạng, trong đó dành không ít thời gian vào mạng xã hội. Những thống kê trên cho thấy mạng xã hội tuy ảo nhưng tác động đời sống thật ngày càng lớn.

Chú thích ảnh

Mạng xã hội cung cấp một lượng lớn thông tin cho con người. Ảnh: TTXVN

Vào mạng xã hội hàng ngày, chị Hồng Loan (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận thông tin phục vụ công việc nhưng xen kẽ đọc tin tức, chát với bạn bè. Gần đây, chị Hồng Loan nhận thấy ngày càng nhiều quảng cáo, tin giả, tin không đúng sợ thật, những lời lẽ công kích, nói xấu trên mạng xã hội.

“Có cảm giác nhiều cái không nói trên đời thực thì họ nói trên mạng. Nhiều người đích danh nhưng nhiều người ẩn danh vào bình luận những sự việc đang “nóng” trên mạng”, chị Hồng Loan cho biết.

Điển hình như sau trận bóng Việt Nam – Indonesia, không ít cổ động viên vào tìm trang facebook của trọng tài điều khiển trận đấu với những lời nói khiếm nhã. Hành vi này tạo ra tiếng xấu về hành xử thiếu văn minh khiến những người yêu bóng đá trong khu vực phản đối.

Cùng với đó, nhiều người sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp) công kích người khác hoặc giới thiệu quảng cáo tràn lan những sản phẩm kém chất lượng, một số cá nhân ăn mặc hở hang, phản cảm…

“Đây là những mặt trái trên không gian mạng và xuất hiện càng nhiều trong thời gian dịch COVID-19”, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết.

Không chỉ những người ẩn danh coi là mạng xã hội là ảo mà thậm chí cả những người nổi tiếng, có dấu tích xanh (dấu xác định danh tính trên facebook) cũng tham gia chia sẻ thông tin chưa xác thực, gây hoang mang trong dư luận …. Những hành vi tưởng vô hại trên không gian mạng được lặp đi lặp lại và theo số đông khi không có sự điều chỉnh tạo thành thói quen và tạo thành ứng xử thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội.

Cần truyền thông rộng

PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Về mặt pháp luật, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng và hệ thống văn bản dưới luật, tạo ra một hành lang pháp lý ở kiến trúc thượng tầng, điều chỉnh hành vi ứng xử nói chung trên mạng xã hội khi vi pháp pháp luật. Sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành mới đây giống như một thể chế cơ sở hạ tầng từ dưới lên, điều chỉnh hành vi ứng xử của cộng đồng ở khía cạnh văn hóa, đạo đức, dùng áp lực nhóm để điều tiết hành vi.

Chú thích ảnh Cơ quan chức năng làm việc, xử phạt trường hợp tung tin giả lên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN.

Bộ Quy tắc này cũng giống như một hương ước - là những quy ước điều lệ của một cộng đồng sống trên cùng một không gian tự đặt ra và cam kết với nhau. Đồng thời, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi ứng xử, thông tin hình ảnh mà họ chia sẻ trên các mạng xã hội nói chung.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: "Với Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì mỗi cá nhân bên cạnh việc chấp hành pháp luật cũng phải tuân thủ chuẩn mực văn hoá khi tham gia không gian mạng. Có thể hiểu như đây là quy tắc “mềm” về mặt đạo đức khi tham gia trên không gian mạng”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có tác dụng lớn để có thể điều tiết hành vi của mỗi người trên môi trường mạng khi mà ảnh hưởng từ đây ngày càng lớn. Những người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về những hành động, phát ngôn, hình ảnh của mình.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Quý Vũ khẳng định: “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội”.

Mục đích chính của Bộ quy tắc ứng xử này là nhằm tạo điều kiện lành mạnh hóa mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

“Nếu xem Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng giống như hương ước, đầu tiên cần truyền thông để cộng đồng hiểu thấu những giá trị cốt lõi của hành vi ứng xử trên mạng, gồm tôn trọng và tuân thủ pháp luật, an toàn và bảo mật thông tin, lành mạnh để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, trách nhiệm với các thông tin chia sẻ. Họ phải được quyền tham gia góp ý cho những hành vi nên và không nên. Cụ thể hóa cho phù hợp với từng đối tượng, từng bối cảnh văn hóa và cập nhật với những xu hướng diễn biến phức tạp trên mạng xã hội”, PGS.TS Nguyễn Thành Nam cho biết.

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chú trọng đến việc trang bị năng lực số phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, qua đó, duy trì một môi trường mạng lành mạnh, tạo điều kiện cho việc học tập, giải trí, kết nối sáng tạo.