Tượng đài Hồ Chí Minh tại đảo Phú Quốc là công trình lịch sử văn hóa đặc biệt có ý nghĩa
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Đại tướng Lê Hồng Anh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Lãnh đạo nhiều địa phương phía Nam và đại biểu các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã tham dự lễ Khánh thành Tượng đài Hồ Chí Minh. NSND. Vương Duy Biên, tác giả Tượng đài đã tham dự buổi Lễ.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, nhằm mục đích tôn vinh hình tượng Bác Hồ kính yêu và khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và theo nguyện vọng, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại thành phố biển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình phát biểu.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, ông Đỗ Thanh Bình cho biết: “Ngày 20/10/1962, trong dịp tiếp Đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miềm Bắc, Đoàn đã tặng Bác một số kỷ vật của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, trong đó có một chiếc lọ hoa làm bằng vỏ đạn và nói: “Nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ!”. Bác rất xúc động và nói: “Bác chẳng có gì để tặng lại cả, chỉ có cái này”- Bác đặt tay lên ngực trái của mình. Ngừng một lát, Bác tiếp: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”. Đối với miền Nam, Bác Hồ luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng. Trong trái tim Người luôn có một miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau.
Câu nói của Bác mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử và khẳng định chủ quyền biển đảo Tây Nam của Tổ quốc; khẳng định lời của Bác Hồ đã tuyên bố: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam; là thịt của thịt Việt Nam; sông có thể cạn, núi có thể mòn; song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Từ ý nghĩa đó, tỉnh Kiên Giang đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan Trung ương chọn chủ đề “Miền Nam trong trái tim tôi” để làm chủ đề cho công trình Tượng đài Bác Hồ và phù điêu tại Phú Quốc”;
Cũng tại lễ khánh thành, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Phú Quốc, các sở, ngành có liên quan làm thật tốt việc quản lý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách hiệu quả. Nhất là để giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của của dân tộc, tấm gương vĩ đại của Bác Hồ; nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; qua đó hun đúc lòng yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, vẻ vang của các thế hệ cha ông đi trước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, sau 2 năm quyết tâm, nỗ lực, chung tay thực hiện, công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ đã được hoàn thiện. Chân dung của Người uy nghiêm giữa biển trời Phú Quốc, với muôn vàn tình yêu dành cho miền Nam, cùng những phong cảnh tiêu biểu của biển đảo Việt Nam được khắc hoạ sinh động trong bức tranh phù điêu sẽ là điểm đặc biệt cho tất cả du khách trong và ngoài nước tham quan, chiêm ngưỡng, thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Lãnh đạo Trung ương và địa phương Kiên Giang cắt băng khánh thành Tượng đài
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, đây là công trình văn hoá mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, thể hiện tình cảm của người dân miền Nam nói chung, của người dân Kiên Giang và Phú Quốc nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời là công trình góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
“Tôi tin tưởng và mong rằng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc sẽ luôn tự hào, trân quý, quan tâm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của công trình thật tốt, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Phú Quốc cao 20,7m, trong đó thân tượng cao 18m, đế tượng cao 0,3m và bệ tượng cao 2,4m, được tạo bằng hợp kim đồng nặng hơn 93 tấn. Tượng và đế tượng đúc bằng chất liệu hợp kim đồng, bên trong có khung thép không gỉ. Bề mặt bệ tượng ốp đá granite màu đen, bên trong là lõi bê tông cốt thép. Mẫu trang phục tượng được chọn là kiểu áo khoác không cài khuy với tà áo bay nhẹ theo gió, cho thấy sự giản dị, gần gũi của Bác Hồ với người dân.
Toàn bộ bức tượng toát lên thần thái của một vị lãnh tụ có tài thao lược, trí tuệ uyên thâm và đầy sức sống. Chiều cao tổng thể của tượng hài hòa với không gian xung quanh và biển trời Phú Quốc. Tượng được đúc tại làng đúc đồng truyền thống nổi tiếng huyện Ý Yên (Nam Định).
Phía sau lưng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là bức phù điêu hai mặt, chạm nổi, dài 63m, nơi cao nhất 10,8m, nằm trên bệ cao 1,2m. Phù điêu gồm 484 tấm đá trắng ghép lại với nhau. Mặt trước giới thiệu hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Mặt sau thể hiện hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu gắn liền với Kiên Giang và các địa danh khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh) đến quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang).
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khánh Thành Tượng đài (NSND. Vương Duy Biên- tác giả Tượng đài, thứ 3, phải sang)
Để tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa của công trình, tỉnh Kiên Giang quy hoạch đầu tư xây dựng Quảng trường nơi đặt Tượng đài Bác Hồ với quy mô 7,45 héc-ta tại khu vực trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ, Cảng biển hành khách quốc tế, khu hành chính tập trung mới của thành phố Phú Quốc - nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí của người dân trên đảo Phú Quốc và tổ chức Lễ động thổ xây dựng Tượng đài Bác Hồ vào ngày 29/4/2022.
NDND. Vương Duy Biên (thứ tư, trái sang) và các cá nhân, đơn vị được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Tại quảng trường Hồ Chí Minh còn có đền thờ và nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà đón tiếp, sân quảng trường và nhiều hạng mục khác tạo thành một công trình mang ý nghĩa chính trị và văn hóa to lớn mang tầm quốc gia.
Tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc: Tác phẩm để đời của NSND Vương Duy Biên Tác phẩm tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc của NSND Vương Duy Biên không chỉ là một công trình điêu khắc quan trọng mà còn là biểu tượng của tình yêu đất nước và lòng tôn kính đối với Bác Hồ. Hình ảnh Bác với bàn tay đặt lên ngực trái thể hiện tình yêu thương đất nước và nhân dân sâu sắc. Khi duyệt tượng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng tượng đài này phải trở thành biểu tượng niềm tin, ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. NSND Vương Duy Biên sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Hà Nội. Ông nội là nhà hoạt động văn hóa Vương Duy Trinh, cha là nhà phê bình mỹ thuật Vương Như Chiêm, và mẹ là nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung. Từ nhỏ, ông đã được nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật phong phú và sớm bộc lộ tài năng. Ông đã tổ chức nhiều triển lãm tranh lụa thành công ở Việt Nam và quốc tế, và nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bảo tàng quốc tế. Ngoài điêu khắc, NSND Vương Duy Biên còn bộc lộ sự tài hoa trong lĩnh vực hội họa và đạo diễn. Các tác phẩm điêu khắc nổi bật của ông bao gồm tượng Trần Hưng Đạo ở Nam Định và tượng Tổng Bí thư Trường Chinh ở Xuân Trường. Vở múa rối "Hồn quê" do ông đạo diễn đã chứng minh sự kết hợp tài tình giữa rối nước truyền thống với nghệ thuật sắp đặt hiện đại. |