Nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa, vai trò của ngành công nghiệp văn hóa, Bắc Ninh đã và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để tiếp cận mảnh đất màu mỡ này. Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh xác định rõ từng lĩnh vực mà Bắc Ninh có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển như: Du lịch văn hóa; Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, triển lãm và Quảng cáo.
Trong đó, du lịch văn hóa là ngành sẵn có thế mạnh nên được ưu tiên phát triển. Cụ thể, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ văn hóa du lịch; tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng riêng có của tỉnh, đưa các sản phẩm du lịch văn hóa trở thành sản phẩm chủ lực của ngành du lịch Bắc Ninh; chú trọng phối hợp liên ngành trong việc quản lý, khai thác và phát huy phù hợp các giá trị văn hóa; tăng cường xúc tiến, quảng bá rộng rãi, thu hút khách du lịch, đồng thời tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.
Lĩnh vực điện ảnh cũng được Bắc Ninh chú ý với chủ trương lập dự án xây dựng Rạp (hoặc Trung tâm) chiếu phim hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại thành phố Bắc Ninh với sự đầu tư đồng bộ về tổ chức bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Ngoài ra sẽ cử các hạt nhân tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghề đạo diễn, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật sân khấu, kỹ thuật - công nghệ, diễn viên… và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo, sản xuất các tác phẩm điện ảnh chất lượng nghệ thuật.
Về nghệ thuật biểu diễn, tỉnh cũng định hướng phát triển thị trường tác phẩm sân khấu, âm nhạc, các chương trình diễn xướng Dân ca Quan họ, Ca trù, Rối nước, Tuồng, Chèo, Trống quân… đồng thời khuyến khích sự kết hợp sáng tạo giữa chất liệu dân gian truyền thống với những xu hướng hiện đại để tạo ra nhiều tác phẩm, chương trình nghệ thuật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng đương đại; có chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích các tài năng, sự sáng tạo của các văn nghệ sỹ.
Đến năm 2030, hoàn thành Dự án nâng cấp Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh thành “Trung tâm bảo tồn không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ Bắc Ninh”; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Nhà hát Dân ca Quan họ gắn với nhiệm vụ bảo tồn, nghiên cứu thể nghiệm, phát huy giá trị di sản; mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực; hình thành một số thương hiệu uy tín, các trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng; khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập; đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm: Tập trung xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng, phục vụ dân sinh, cảnh quan kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và bản sắc dân tộc; phát triển ngành mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường; xây dựng các bộ sưu tập về hình ảnh, đất nước, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc nhằm quảng bá văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch và giao lưu với bạn bè quốc tế... Về quảng cáo, tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quảng cáo phát triển; thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động quảng cáo ngoài trời; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong quảng cáo, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ di động...
Thực tế những năm gần đây, công nghiệp văn hóa Bắc Ninh đã có được một vài nét chấm phá trong việc đầu tư phục dựng các không gian văn hóa Quan họ để thu hút khách du lịch; gắn hoạt động du lịch với Di sản Dân ca Quan họ, Ca trù, các loại hình diễn xướng dân gian, làng nghề thủ công truyền thống cùng những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu; khuyến khích sáng tạo các mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc trưng của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc; tăng cường quảng bá về du lịch Bắc Ninh trên các nền tảng số và thông qua các kênh thông tin đại chúng, các hãng hàng không nổi tiếng…Hoặc việc mở rộng liên doanh, liên kết, đầu tư sản xuất các chương trình phim truyện, phim tài liệu về lịch sử văn hóa quê hương, con người Bắc Ninh cũng đang nhen lên những kỳ vọng mới về ngành công nghiệp trẻ này.
Tin rằng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn lâu dài và sự quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra, Bắc Ninh nhất định sẽ biết tận dụng cơ hội, phát huy thế mạnh, biến tiềm năng văn hóa thành nguồn lực kinh tế, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của quê hương, đất nước.
Vài nét chấm phá về công nghiệp văn hóa Bắc Ninh
06:33 21/08/2021
Trên thế giới, công nghiệp văn hóa đã trở thành chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam đây vẫn còn là mảnh đất mới bắt đầu được “vỡ hoang”. Ngoài lợi ích kinh tế và sự bảo đảm cho phát triển bền vững, công nghiệp văn hóa còn gia tăng sức mạnh mềm của mỗi quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.