Vải thiều Lục Ngạn

Năm nào cũng vậy, cứ có hoa phượng nở, tiếng ve kêu ra rả là biết sắp đến mùa vải Thiều. Ngày xưa còn có chim tu hú, còn có bài hát" Tu hú kêu, tu hú kêu, hoa gạo nở, hoa phượng đỏ, đầy ước mơ hy vọng"

dt1hq1a-1716949074.jpg

Vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Internet.

 

Tu hú kêu, tu hú kêu mùa quả chín vào mùa thi tình bạn trong sáng dưới mái trường.

Mà bây giờ chẳng thấy chim tu hú đâu nữa.

Tình cờ xem chương trình VUI KHỎE CÓ ÍCH của VTV3 ĐTHVN sáng thứ bẩy 25/5/2024. Kỷ niệm về mùa vải Thiều xưa lại ùa về.

Ngưỡng mộ người CCB quê hương vải Thiều. Anh là Vũ Cương 67 tuổi và vợ là Đinh Thị Ngo 55 tuổi. Anh chị nắm tay nhau tươi tắn bước ra sân khấu.

dt2hq2b-1716949140.jpg

Vợ chồng anh Cương chị Ngọ (chụp màn hình).

 

Người vợ mặn mà trong tà áo dài xanh cánh chả. Người chồng rất galăng với bộ comble trắng như tài tử điện ảnh. Qua lời tự giới thiệu mới biết anh là CCB mặt trận Biên giới phía Bắc. Ra quân, anh về quê LỤC NGẠN làm nghề nông, trồng lúa nuôi heo và trồng VẢI THIỀU. Thời đại 4.0 người nông dân và vị Giáo sư không khác gì nhau về ngoại hình và cách suy nghĩ lập dự án trồng vải.

Anh kể tình yêu với người vợ xinh đẹp đứng cạnh. Họ yêu nhau trong vườn vải, trao nụ hôn đầu trong hương hoa vải, dưới bầu trời đầy sao xào xạc cành vải đu đưa. Đám cưới của họ linh đình cũng nhờ được mùa vải. Anh chị cười, nụ cười tỏa nắng khi khoe có ba cô con gái. Chắc chắn ba nàng công chứa ấy phải cao ráo xinh đẹp lắm vì cháu lấy nét đẹp của cả bố cả mẹ.

Anh nói giống vải thiều bố anh mang từ Hải Dương lên. Đất LỤC NGẠN rất hợp với cây vải Thiều nên nó phát triển mạnh mẽ. Vải thiều Lục Ngạn còn đẹp hơn vải Thiều Hải Dương. Quả to hơn, ngọt đậm hơn, vỏ đỏ tươi, có quả đỏ sậm. Bóc lớp vỏ đỏ ra là lớp cùi dầy mọng nước ngọt lừ, hột vải nhỏ xíu. Cây vải Thiều đã đưa những người nông dân nghèo khó năm xưa thành những tỷ phú ngày nay.

Mùa vải chín, cả Lục Ngạn quàng chiếc áo mầu đỏ, mầu của vải chín. Mùi vải chín thơm nồng, ngọt ngọt, ngây ngây khó tả.

Dọc đường làng, sân kho, sân bóng. Ô tô của thương lái ăn hàng đỗ kín. Tiếng còi của mấy bác dân quân, bảo vệ xã tuýt lên. Tiếng còi ô tô pin pin ồn ào, nhộn nhịp. Chợ vải với những dãy ki ốt , xe máy xếp hàng dài, chất đầy vải chín đỏ.

Đỏ, chỉ thấy màu đỏ, đỏ từ vườn ra đường, từ đường vào làng, từ làng ra đồi vải. Từ đồi vải xuống chợ vải. Những đồi vải chín đỏ được bao quanh bởi những ruộng lúa chín vàng và bờ cỏ xanh ven đồi, tạo thành một bức tranh đồng quê trung du tuyệt đẹp. Đỏ nhất là chợ vải. Nơi vải được tập trung rồi theo xe máy, theo ô tô, bây giờ thì theo cả máy bay đi khắp đất nước. Vải thiều xuất khẩu sang tận Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản...

Mùi vải chín thơm lừng như mật. Mùi vải nát lên men chua nồng cay cay. Ong mật bay vo ve quanh sọt vải, hàng đàn ruồi bâu đầy những trái vải thối hoặc bị dẫm nát. Mùi mồ hôi của thợ cân, thợ bốc hàng hăng hăng. Các cô gái khỏe mạnh, che kín mặt cùng nhau xốc những sọt vải lên xe máy cho các anh các chú đưa ra Hà Nội và các nguồn tiêu thụ. Niềm vui được mùa vải rạng ngời ánh mắt nụ cười người già, trẻ nhỏ!

Quanh chợ, lũ trẻ con vừa được nghỉ hè đi " mót vải ". Mỗi đứa một cái rá, rổ nhỏ. Chúng chạy theo xe công nông chở vải từ vườn về. Từ đồi vải xuống bãi tập trung. Các em xô vào nhặt những cành vải rơi xuống đất. Có em liều lĩnh còn giựt cả vải trên xe. Tiếng bác Bảo vệ hét lên:

- Con cái nhà ai mà hư thế này? Xe pháo chạy rầm rập nó nghiến nát bét ra bây giờ!

Kệ! các em bị niềm vui nhặt, mót vải cuốn vào. Ánh mắt long lanh, mồ hôi nhỏ giọt trên trán khi nhặt được cành vải to.

Một cành vải vừa rơi xuống. Hai ba đứa trẻ lao vào. Đứa nắm cành, đứa nắm quả, đứa nắm lá. Quả vải tươi bị đứt rời ra, lăn lông lốc trên mặt đất. Cái Lan hét lên:

- Em nhặt trước , của em chứ?

Thằng Hưng to cao hơn nó nửa cái đầu gầm gừ:

- Tao nhìn thấy đầu tiên, cành này của tao! Con bé Lan tức quá khóc hu hu. Bác bảo vệ thương tình tiến ra can thiệp:

- Mấy thằng con trai mà tranh của con gái à? Phải nhường cho các em gái chứ! Tiện xe vải đi qua, bác nhặt luôn một cành đưa cho bé Lan.

- Đây bác cho! Con bé Lan ngước đôi mắt đẹp còn ngấn nước lý nhí nói:

- Cháu cảm ơn bác!

Mót vải chả khác gì mót lúa thời còn Hợp tác xã nông nghiêp. Bố mẹ hoặc người nhà ấn những lượm lúa nằm bẹp xuống gốc rạ cho con cháu đi sau mót mang về. Còn mót vải thì người hái vải, người chở vải vô tình " đánh rơi " chùm vải cho lũ trẻ nhặt.

Cả ngày phơi nắng đen cháy, chúng cũng mót được dăm kg vải mang về. Mẹ nó làm hàng, bó lại kèm vài cành lá tươi thành những bó vải đẹp, đều quả. Mang ra chợ bán lẻ cũng được dăm chục ngàn bỏ ống tiết kiệm. Không chỉ có trẻ con, còn có cả các bà già lụ khụ đi mót vải. Rổ cắp nách, lưng còng nhưng các cụ rất nhanh khi lao ra nhặt cành vải rơi.

Mùa thu hoạch vải thật vui, thật náo nhiệt. Từ sáng tinh mơ khi chú gà trống đầu thôn cất tiếng gáy Ò ó o! thì gà của cả thôn, cả làng cùng đua nhau gáy. Lũ chào mào, chim chích bắt đầu cãi nhau trên cây vải. Bản hòa ca chào ngày mới bắt đầu. Mặt trời lúc này mới lên sau đồi vải. Tia nắng đầu tiên luồn vào tán vải như những ánh hào quang . Một ngày nắng nóng bắt đầu. Mùa vải chín là giữa hè. Nhiệt độ thường trên 37 độ. Đầu ngõ chó sủa gâu gâu đón người đi trảy vải thuê trong đêm về. Bếp nhà nhà nổi lửa nấu bữa cơm sáng cho người đi thu hoạch vải, người đi chở vải thuê. Nồi cơm buổi chiều nấu gạo mới tỏa hương thơm ngát, mùi mướp hương trong nồi canh cua tỏa thơm ngào ngạt.

Mâm cơm thêm món thịt gà rang, đĩa chân giò luộc và chai rượu nút lá chuối cho người đàn ông của gia đình của mùa vụ. Mâm cơm của mùa vải thiều.

Để có ngày hôm nay LỤC NGẠN đã phải qua nhiều sóng gió. Nhớ mùa vải cách đây mươi mười lăm năm nghe nói một cháu bé nhặt quả vải chín rụng xuống gốc cây, ăn và bị chết. Báo đài xô vào đưa tin:

- Do phun thuốc sâu, vải nhiễm độc, ăn vào nguy hiểm đến tính mạng. Cơ quan y tế chưa kịp vào cuộc thì vải ập chín. Mùa vải chỉ kéo dài 2 đến 3 tuần. Giá vải sụt như lũ rút. Một kg vải ban đầu 25.000 - 30.000 đồng xuống còn có 5.000 đ đến 6.000 đ. Người trồng vải ngao ngán, nuốt nước mắt vào lòng. Những xe vải đỏ ối dọc đường tầu bay, dọc phố Hai Bà Trưng; Trần Hưng Đạo; Lý Thường Kiệt và dọc các phố ở Hà Nội vắng hoe người mua. Nhìn những anh những chị đứng phơi nắng bên xe vải mà lòng xót xa.

Lại có năm vải được giá xuất sang Trumg Quốc. Hàng đoàn xe công te nơ dài đứng chờ làm thủ tục ở cửa khẩu. Vải là thứ hàng hóa. " Sáng là hoa chiều là rác " chậm thông quan, vỏ đỏ chuyển dần màu thâm. Nước quả vải lên men phải đổ đi vì khi đó chưa có thiết bị bảo quản, xe lạnh như bây giờ.

Có năm do quan hệ thương mại với nước láng giềng TQ trục trặc ... Vải không xuất đi được. Hàng trăm xe vải thối hỏng phải đổ đi. Người trồng vải nước mắt tuôn rơi. Tiền vay ngân hàng, tiền vay tín dụng đen phải trả. Gia đình rối ren, tan nát.

Chỉ đến khi VietGAP ra đời, gắn thương hiệu cho vải Lục Ngạn thì người trồng vải mới yên tâm. Mấy năm gần đây người trồng vải thu bội tiền vì xuất được vải ra nước ngoài. Giá xuất ra nước ngoài gấp gần chục lần giá trong nước. Thật bõ công bao năm vất vả của người trồng vải. Chẳng cần nói nhiều, nhìn nụ cười sảng khoái của vợ chồng anh Cương, chị Ngọ trên sân khấu là biết.

Mùa vải Thiều Lục Ngạn đang tới. Màu đỏ dần lan choàng khắp xóm làng, vườn, đồi trồng vải, báo hiệu mùa hạnh phúc ấm no.

Chúc bà con LỤC NGẠN thu hoạch một mùa vải thiều bội thu, xuất được nhiều tấn vải ra nước ngoài.

Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 2024.