Tôi biết ngay là có chuyện vì cách đây khoảng 10 ngày tự nhiên tôi nhớ và gọi video cho anh. Anh đang nằm viện. Chị đưa máy cho anh nói chuyện với tôi. Anh bảo:
- Anh đang lọc máu, yếu lắm và còn hỏi thăm gia đình tôi. Tôi bảo chị kết nối zalo với em để liên lạc cho tiện.
Hôm nay, nghe điện, chị bảo:
- Trong danh sách anh dặn, khi anh mất có tên chú. Tôi thảng thốt:
- Anh mất rồi sao?
Chị bảo:
- Anh chưa mất, nhưng bác sỹ bảo không còn nhiều thời gian. Gia đình chuẩn bị hậu sự.
Chị đi xem giờ và nói với bác sỹ:
- Thày phán ngày 30 anh đi mới tốt, chị nhờ các bác sỹ cố duy trì cho anh đến ngày đó.
Bác sỹ nói:
- Từ khi anh vào đây chúng tôi đã áp dụng các kỹ thuật y học tiên tiến nhất hiện có của bệnh viện rồi. Còn anh có kéo dài được đến 30/10 hay không thì chúng tôi không thể cam kết được.
Đúng là " Sinh có hạn, tử bất kỳ" Anh đã mất hồi 16 giờ 50 phút ngày 29/10/2022. Thọ 78 tuổi.
Tôi là thế hệ sau anh cả chục năm. Tôi gặp anh lần đầu hôm Hội TT đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, được đến Nhà Quốc Hội gặp Chủ tịch Quốc Hội khi đó là ông Nguyễn Phú Trọng.
Hai anh em ngồi cạnh nhau. Khi ăn tiệc vô tình lại ngồi cạnh nhau. Nghe giọng Quảng Bình của anh lúc đầu khó nghe, sau cũng quen. Anh hỏi tôi:
- Có Xạ thợ máy ở HN không? Tôi bảo anh Xạ rỗ chứ gì. Anh đang làm việc ở Xí nghiệp khai thác Cát bến Phà Đen Hà Nội.
Chẳng hiểu hợp tuổi hay hợp mệnh, anh hay gọi điện cho tôi. Khoảng năm 2010, gia đình tôi vào nghỉ mát ở Đà Nẵng, hai vợ chồng vào thăm anh và thuyền trưởng Vũ Tấn Ích. Biếu mỗi người nửa cân chè. Anh chị giữ ở lại ăn cơm, chị rất niềm nở, ăn nói khéo hơn người Hà Nội. Mấy năm sau anh bảo đã chuyển vào TP.HCM với con trai.
Tôi lại nhớ tháng 5 năm 2011, hội CCB Sinh viên Hải Quân chúng tôi vào thăm Học viện Hải Quân Nha Trang. Chúng tôi được bạn Phạm Hồng Thuận, Giám đốc Học viện chiêu đãi. Trong buổi liên hoan có cả Ban giám hiệu cũ và Ban giám hiệu đương chức. Một đồng chí ngồi cùng bàn nói:
- Anh biết anh Tam nguyên thuyền trưởng tàu không số không? Tôi đáp có chứ. Đồng chí ấy giới thiệu:
- Tôi là Khoa, quê Ninh Bình, thông gia với ông Tam.
Vui quá, bắt tay! Lại có thêm lý do chúc rượu nhau rồi - tôi reo lên!
Nhiều lần gặp nhau, tôi biết được quá trình công tác của anh ở đoàn 125 Anh kể:
- Tháng 8/ 1969 anh tốt nghiệp Thuyền trưởng ở trường Sỹ quan Hải Quân ( trường 45 Quảng Yên ). Anh được phân công về đoàn 125 làm thuyền phó tàu 12.
Anh kể về chuyến đi biển chở hàng đầu tiên vào Nam:
- Một ngày tháng 8 năm 1969, tàu anh được lệnh chuẩn bị một cơ số gạo, dầu, nước, thuốc men đủ dùng cho một tháng. Tham mưu trưởng đoàn 125 xuống giao Nhiệm vụ tại cảng K20 HP: - Đưa tàu vào miền Trung đón đoàn cán bộ tỉnh ủy, ủy ban tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An ra đảo hòn Mê, hòn Mé công tác.
Vào đến nơi, chẳng thấy khách đâu. Cán bộ, chiến sỹ được đưa đến một căn cứ bí mật. Trong 5 ngày, cán bộ, chiến sỹ được huấn luyện kỹ thuật thuốc nổ, kỹ thuật gài mìn. Tập xử lý tình huống như rời tàu, hủy tàu, lao trực diện tàu vào tàu địch. Sau đó bọn anh được ô tô bịt kín chở về căn cứ, xuống tàu. Khi đó anh mới biết là tàu sẽ đi làm nhiệm vụ bí mật vào Nam. Lần đó hàng trên tàu là 45 tấn dầu.
Trước khi đi, cấp trên xuống dặn dò, làm lễ truy điệu. Tàu rời căn cứ đi ngay trong đêm. Hôm đó sóng rất to, đó là ngày 20/8/1969.
Tàu không gắn tên, không treo cờ của quốc gia nào, không gắn biển số, lặng lẽ luồn lách, tránh tàu buôn các loại, đi qua eo biển Hải Nam Trung Quốc, qua biển Malaysia, Thái Lan, Campuchia.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 1/9/1969 tàu bắt được đèn biển Phú Quốc, đến trưa chuyển hướng sang đảo Thổ Chu. Trên trời máy bay địch bay đi bay lại thăm dò. Có lẽ chúng đã phát hiện ra tàu anh. Lúc này Mỹ điều thêm hai tàu chiến của hạm đội 7 đeo bám, chúng vượt lên rồi quay lại, rồi có lúc thẳng mũi, lao vào tàu anh, dọa dẫm, uy hiếp. Khi tưởng như chúng sắp đâm thẳng vào tàu mình, chúng mới chuyển hướng. Anh ra lệnh cho anh em bí mật, sẵn sàng chiến đấu. Anh cho tàu chạy bình thường, đồng thời báo cáo tình hình về chỉ huy cấp trên. Tàu nhận chỉ thị:
- Quay tàu ra Bắc! Anh rất ngạc nhiên nhưng chấp hành ngay. Trên trời thì máy bay, dưới biển thì tàu chiến Mỹ. Chúng cứ đi theo, đeo bám gần một tuần mới bỏ đi. Ta đã thắng trong cuộc đấu trí căng thẳng này.
Về đến Phan Thiết, một thợ máy nghe Rađio, chạy lên đài chỉ huy mếu máo báo tin:
- Bác Hồ đã mất, cả tàu khóc lặng. Đến vùng biển thuộc miền Bắc mọi người mới được công khai nghe tin trên đài Tiếng nói Việt Nam thông báo Bác Hồ kính yêu đã qua đời. Tàu tổ chức truy điệu Bác ở một địa điểm thuộc vùng biển phía Đông Bắc, các thủy thủ khóc nức nở như trẻ thơ.
Tôi rụt rè hỏi anh:
- Sao cuối năm 1972, tàu em cũng đi B mà không thấy truy điệu sống nhỉ? Anh cười:
- Câu đó chú hỏi cấp trên!
Tôi lại hỏi anh về lần chở quân đi đánh trường Sa thế nào. Anh kể:
- Ngày 29/3/1975 Đà Nẵng giải phóng. Bộ tư lệnh Hải Quân thành lập tiểu đoàn 2 gồm tàu 673 do anh Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng. Tàu 674 do anh Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng và tàu 675 do anh làm thuyền trưởng. Phân đội 3 tàu này do anh Trần Phong, tham mưu phó và anh Dương Tấn Kịch chỉ huy.
Ngày 10/4/1975, ba tàu rời Hải Phòng lên đường vào Cảng Tiên Sa Đà Nẵng.
Ngày 11/4/1975 tàu đón đặc công nước Hải Quân thuộc đoàn 126 và đặc công sư đoàn 2 Quân khu 5 ra Trường Sa đánh bọn ngụy, đang chốt giữ các đảo. Chủ trương của BTL Hải Quân là giải phóng đảo Song Tử Tây trước, sau đó đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn...
Trong 3 ngày đêm vượt sóng to, gió lớn trên biển, lính đặc công trên boong tàu, dưới hầm hàng say lử, nôn ọe đầy sàn khoang. Họ bảo:
- Chúng em tập bơi, tập lặn rất giỏi nhưng chưa tập say sóng. Sợ quá! Cánh lính thủy cười bảo:
- Say sóng có tập bao nhiêu cũng không quen, không hết được.
Đến gần biển khu vực Song Tử Tây,
Tàu 674 và 675 án ngữ đầu Song Tử Tây, tàu 673 chở 40 chiến sỹ đặc công tiến vào. Đến gần đảo, thủy thủ dùng ca nô nhỏ trên tàu, chở từng tốp chiến sỹ đặc công, bí mật đổ bộ lên đảo, chiếm lĩnh vị trí chiến đấu.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 14/4/1975 ta đồng loạt nổ súng ở các mũi. Bọn lính trên đảo bị bất ngờ hốt hoảng bỏ súng đầu hàng. Trận này ta tiêu diệt 7 tên ngụy, bắt sống 33 tên.
Ngay trong đêm 14/4/1975 anh chuyển sang tàu 674, chỉ huy tàu, chở số tù binh về Tiên Sa. Ngày 18/4/1975 tàu cập cảng, giao tù binh cho Ủy ban quân quản.
Anh bảo chuyến đó, có chú Nguyễn Công Lý quê Ninh Bình làm thuyền phó và Nguyễn Duy Xạ quê Thanh Trì Hà Nội là thợ máy. Bất ngờ anh hỏi:
- Em vẫn gặp Xạ và Lý chứ?
Tôi bảo Xạ thì thường xuyên gặp nhân kỷ niệm Ngày mở đường HCM trên biển của hội TKS Hà Nội. Còn anh Lý, năm 2010, vợ chồng em tham gia chuyến du lịch xuyên Việt, về Đất Mũi Cà Mau với anh em lớp 12A SQHQ, có cả vợ chồng anh Lý. Anh kể tiếp:
- Không kịp nghỉ ngơi, sau khi tiếp dầu, tiếp nước, lương thực, thực phẩm. Tàu 674 lại chở lính bộ binh sư đoàn 2 Quân khu 5 ra Trường Sa. Chốt giữ những đảo ta vừa giải phóng được.
Đến 2 giờ sáng ngày 29/4/1975 cờ giải phóng tung bay trên các đảo Nam Yết, Song Tử Tây. Sơn Ca... Anh về lại tàu 675 làm thuyền trưởng, tiếp tục làm nhiệm vụ chuyển quân của đoàn 125 giao cho.
Anh được bổ nhiệm làm Tham mưu phó quân chủng phụ trách tác chiến.
Trước khi về hưu anh mang quân hàm đại tá.
Chuyển vào sinh sống cùng con trai tại TP HCM, anh được bầu là ủy viên Ban chấp hành Hội TT đường HCM trên biển Việt Nam, giữ chức Phó chủ tịch hội TT đường HCM trên biển TP HCM.
Anh mất đi hội TT đường HCM Việt Nam mất một cựu Thuyền trưởng tài ba, đầy ắp chiến công. Chúng tôi mất một người anh cởi mở thân thiết.
Không vào TP HCM viếng anh được. Viết vội bài này cùng một nén nhang gửi tiễn biệt anh, cầu mong anh siêu thoát về nơi cực lạc.
Hà Nội, 10 giờ ngày 3 tháng 11 năm 2022.
Trái tim người lính