Văn hóa nghệ thuật trong việc hình thành và phát triển nhân cách văn hóa Việt Nam

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Việt Nga có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, điện ảnh. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển xin lần lượt giới thiệu một số bài viết, công trình nghiên cứu của chị.
ts-viet-nga-1623141215.jpg
Tiến sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Việt Nga

Văn hóa nghệ thuật và mọi hiện tượng văn hóa khác đều xuất hiện từ hoạt động sáng tạo của con người. Qua quá trình cải tạo thế giới, con gnười tự cải tạo mình. Những ý tưởng, quan niệm là kết quả của sự phản ánh thế gới khách quan vào đầu óc con người, nhưng không phải là sự phản ánh bị động, tiêu cực mà là tích cực sáng tạo.

Trong hoạt động thực tiễn, con người luôn phấn đấu vượt qua những khó khăn và có nguyện vọng tiến lên xây dựng ngày mai tươi đẹp hơn. Văn học nghệ thuật phản ánh những bước tiến trong cuộc đấu tranh của con người để tự giải phóng và nói lên ước mơ, hoài bão của mình về tương lai.

Với tư cách là trình độ người của sự phát triển, văn hóa nghệ thuật tập trung tư tưởng, tình cảm, khả năng sáng tạo, đánh dấu những tiềm năng phát triển của nhân cách. Vì được sáng tạo ra trong quá trình đấu tranh để tự giải phóng mình, cho nên những giá trị văn hóa có tác dụng cổ vũ và hình thành một nhân cách sống văn hóa văn minh, yêu chuộng chính nghĩa, ý chí kiên cường, đức quả cảm, lạc quan, yêu đời.

Môi trường văn hóa là cái nôi nuôi dưỡng văn học nghệ thuật. Tagor kỳ vĩ có thể được sinh ra từ cái gốc vững chãi của nền văn hóa Ấn độ. Cũng như ở Trung Quốc, nếu không có một nền văn hóa lâu đời mà bề dày của nó chịu được thách thức của mọi thời gian và không gian thì làm sao có được Lỗ Tấn, Từ Bi Hồng hay Tề Bạch Thạch. Nền văn hóa lâu đời của Việt Nam đã sản sinh ra nhân cách văn hóa Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.v..v..

Bất cứ nền nghệ thuật nào cũng vậy, nếu không bắt rễ sâu vào cội nguồn văn hóa thì nó sẽ non yểu và không có chút bản sắc. Trong quá trình hình thành một nền nghệ thuật, biết bao công sức của các nhà văn hóa đã đổ xuống làm cầu nối cho các giai đoạn lịch sử.

Vì được sáng tạo ra trong quá trình đấu tranh để tự giải phóng mình, từ cuộc sống thực tế, cho nên những giá trị tinh thần đó đã có tác dụng khuyến khích, cổ vũ, động viên con người, dạy cho con người một nhân cách sống văn hoá, văn minh, lành mạnh, yêu chuộng chính nghĩa, ý chí kiên cường, đức quả cảm, lòng yêu đời và chủ nghĩa lạc quan.

Ngay từ thời cổ đại, văn học và nghệ thuật dân tộc Việt Nam thông qua các huyền thoại và Fonclo đã khơi dậy chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cổ vũ các phẩm giá con người. Có thể thấy rằng, ngay từ buổi bình minh của dân tộc, những câu chuyện thần thoại về các anh hùng sáng tạo, kỹ thuật giỏi, chiến đấu giỏi, trung thực như Thần Đá, Rùa Vàng tiêu biểu cho những nhân cách: Lao động, trí tuệ, tinh thần dũng cảm của nhân dân Lạc-Việt. Nó thúc đẩy nhân cách sống yêu quê hương, đất nước và những giá trị nhân bản cộng đồng.

Lịch sử phát triển văn học, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam chỉ ra rằng, ca dao, dân ca, điệu múa…biểu hiện các mặt hoạt động lao động, tình yêu, tinh thần đấu tranh của  con người chống lại cái ác. Những truyện thần thoại: “ Sơn Tinh- Thủy Tinh” nói rất rõ tính cách của con người Việt Nam được hình thành từ các khả năng thích ứng với hệ sinh thái Đông Nam Á, cải tạo những vùng sông ngòi thành đồng ruộng. Ở truyện “ Phù Đổng Thiên Vương” hình ảnh người anh hùng dân tộc xuất hiện như mơ ước của con người về tự do, khát vọng đánh đuổi giặc ngoại xâm ( 1:87).

Khía cạnh nhân cách anh hùng được gợi lên từ các giá trị nghệ thuật, ngợi ca những anh hùng dựng nước và giữ nước. Tên tuổi của những anh hùng ấy đã tô điểm cho truyền thống vì dân, vì nước. Đó là bản chất trong sáng, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Cùng với truyền thống anh hùng chống ngoại xâm, một nhân cách phù thiện, chống ác, bảo vệ các tài năng đã được cổ vũ bằng những giá trị nghệ thuật. Nội dung của các giá trị ấy hướng tới việc can gián vua, trừng trị những kẻ nịnh thần, thực hành tư tưởng trọng dân, không màng danh lợi, không ưa cường quyền và có lòng tự tôn dân tộc.

nghe-thuat-1623141703.jpg
 

Văn chương bác học càng thể hiện rõ việc hướng tới giáo dục những nhân cách trung thực, thẳng thắn và cao thượng. chung quanh nhân cách Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi.v..v..Nhân dân ta đã biểu thị sự ngưỡng mộ, mến phục, tin tưởng và tự hào. Các sáng tác và nhân cách của các vị đó có tác dụng mạnh mẽ đến việc củng cố và xác lập bản sắc dân tộc của văn hóa.

Trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn học nghệ thuật dân tộc, truyền thống yêu nước và anh hùng, xuyên suốt cuộc đấu tranh chính nghĩa chống giặc ngoại xâm, xuyên suốt lịch sử hình thành sức sống các nhân cách trong bảng giá trị Việt Nam.

Những vấn đề về tình yêu, sự thật cuộc sống, cái thiện và cái ác, ý niệm về điều thiện và điều ác được phản ánh theo lý tưởng cái thiện thắng cái ác, đã định hướng lòng hướng thiện sâu rộng trong nhân cách văn hóa Việt Nam.

Các tác phẩm mang tính nhân dân đich thực luôn tồn tại hai loại nhân vật: Đại diện cái tthiện và đại diện cái ác; cái đẹp và cái xấu, thẳng thắn và gian manh, và thường phản ánh xu thế hướng về sự hoàn thiện. Tình hình ấy vừa biểu hiện rõ nhân cách sáng tạo văn hóa nghệ thuật là cao thượng, và từ nhân cách ấy tỏa sang giá trị của nó trong các quá trình xã hội hóa.

Nói chung, nền văn học nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến trước cách mạng tháng Tám 1945, về bản chất, gắn chặt với văn minh nông nghiệp, với đời sống sinh hoạt nông thôn, cá tính chưa phát triển trong cộng đồng làng xã. Song văn học nghệ thuật đã có tác dụng làm cho các nhân cách phát triển ưu trội về mặt đạo đức, sống có tình, có nghĩa, lịch thiệp và thương yêu nhau. Các hình thức văn học nghệ thuật tuy chưa phong phú, chủ yếu là ca dao, dân ca, tục ngữ, cải lương, hò, chèo. Các nhân cách dưới ảnh hưởng của nó mang rõ tính lạc quan yêu đời. Văn chương bác học càng mang tính nhân dân, tính nhân đạo, yêu hòa bình, từ đó làm cho nhân cách văn hóa hướng tới cái thiện, cái mỹ, chống cái ác, cái xấu.

Hạn chế của nền văn học nghệ thuật truyền thống Việt Nam là nó không thể thể hiện được những khát vọng sáng tạo của cá tính riêng trong các điều kiện chế độ phong kiến. Con người không thể tự do phát triển hài hòa, độc lập quyết định số phận của mình trong điều kiện cai trị hà khắc của quan lại. Văn học nghệ thuật truyền thống tuy đạt được trình độ cao về giáo dục đạo đức, nhưng nó vẫn nằm trong cơ tầng văn hóa cộng động. Những điển hình cá nhân chưa gắn với các hoàn cảnh điển hình. Vì lẽ đó, những hoài bão cá nhân chưa được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ.

Con người thường được đánh giá và định hướng các giá trị cuộc sống từ những quan điểm kinh tế, xã hội. Mỗi xã hội thường có ba hệ chuẩn mực định hướng nhân cách: Hệ chuẩn mực đạo đức là phổ quát. Hệ chuẩn mực pháp lý là đạo đức tối thiểu. Hệ chuẩn mực thẩm mỹ và sự kết hợp giữa các đỉnh chuẩn cứng của xã hội với khả năng sáng tạo to lớn của cá nhân. Văn học nghệ thuật mà chúng ta cần đạt tới là làm cho những giá trị thuộc về nhân cách con người phát triển cả đức lẫn tài, cả thế giới nội tâm, tính tích cực chính trị, xã hội.

Nhân cách văn hóa trong bảng giá trị Việt Nam được tôi đúc trong cuộc đấu tranh hàng ngày vì sự sống còn, biểu hiện trong kết quả lao động, trong khát vọng vươn tới sự phát triển tài năng và tinh thần sáng tạo. Mục tiêu này đòi hỏi nền văn học nghệ thuật đương đại ở nước ta hướng tới, khi đảm bảo các giá trị hiện thực; nó cũng đồng thời hướng tới các giá trị nhân văn, tính dự báo và một tình cảm thẩm mỹ vô tư, cao quý.

Trong thời đại của chúng ta, một nhân cách văn hóa phải sống và làm việc theo pháp luật, phải thường xuyên nâng cao sự hiểu biết, nắm được khoa hoc kỹ thuật, công nghệ. Chúng ta phải làm cho bản sắc văn hóa dân tộc thấm vào tinh thần khoa học và pháp luật, từ đó tạo thành bản sắc dân tộc Việt Nam mới. Và từ bản sắc mới này tác động lại nền văn hóa nghệ thuật, dẫn đến việc hình thành nhân cách con người Việt Nam mới, như là một tấm gương phản ánh trình độ cuộc sống xã hội Việt Nam hiện đại.

Con người, với tư cách là đối tượng của nghệ thuật, là con người thực thể xã hội, vừa hội tụ, vừa phát tán những giá trị xã hội và tồn tại trong cái NHÂN CÁCH cá nhân xác định. Thực thể xã hội luôn luôn mang tính phổ biến và chịu sự quy định của những điều kiện lịch sử- xã hội cụ thể. Đồng thời nó tác động trở lại đối với chính những điều kiện xã hội- lịch sử đó. Mối quan hệ giữa con người với cái tốt, cái đúng, cái đẹp, cái cao cả, và trong mối quan hệ về ý thức đối với tồn tại có cả quan hệ về lý trí và tình cảm. Một nhân cách văn hóa mới dưới ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại phải phát triển cả lý trí và tình cảm. Phải bù đắp những sự phát triển thiên lệch của cơ chế thương mại bằng các giá trị văn hóa.

Đối với nghệ thuật, chính con người vừa là bản thân nó, vừa là “ cả thế giới”. Bởi lẽ, con người động chạm, liên quan đến toàn bộ thế giới” người hóa” và cải tạo thế giới. Ngược lại,  cái gì ở ngoài “ tầm mắt, tầm tay” con người, con người chưa biết thì không nằm trong phạm trù của các giá trị, trong đó có giá trị thẩm mỹ, tức là không nằm trong thế giới của con người. Con người hiện thực như có lần Mác đã nói: “Tư duy đang nhận thức là con người hiện thực, và vì vậy, chỉ có thế giới đã được nhận thức mới là thế giới hiện thực. (2: 180-181).

Mặt khác, bản chất con người không phải là một thực thể trìu tượng, cố hữu của cá nhân riêng biệt, mà là một cá nhân hiện thực. Do đó, đố tượng của nghệ thuật là sự thống nhất biện chứng giữa con người của “ cái chung” ( xã hội phổ biến) và con người của “cái riêng” ( cá nhân, đơn nhất), trong đó “ cái chung” chỉ tồn tại trong “ cái riêng”, và “ cái riêng” chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung. Đối với nghệ thuật “ con người là một cá nhân nhất định”, một nhân cách xác định, một “ cái tôi” này không trộn lẫn với cái tôi khác.

Như vậy, con người được tái tạo trong nghệ thuật nằm trong một chỉnh thể toàn vẹn, không bị chia cắt, đa dạng và riêng biệt. Đó là con người “ chịu nhiều sự quy định” mà nghệ sĩ “ cần nắm lấy” để tạo cho mình sức mạnh sáng tạo. Đối với người nghệ sĩ, vốn văn hóa về “ con người” là cơ sở đầu tiên và cũng là cái vốn quan trọng nhất.

Chị Nâm Khùng - Kịch bản: Nguyễn Thị Việt Nga

Thế giới bên trong con người là trung tâm phản ánh của nghệ thuật. Xem con người là “ chủ thể có ý thức”, nghệ thuật xâm nhập vào toàn bộ chiều sâu và độ rộng của tinh thần, tâm linh con người, kể cả những tầng” tiềm thức” vô hình”, những “ cõi lòng thầm kín” nhất ẩn náu trong con người. Sự phản ánh con người tổng hợp trong tính tổng thể, toàn vẹn của nó không thể không đòi hỏi nghệ thuật phải khám phá đến tận gốc rễ và cốt lõi của mọi hành động, hành vi trong quan hệ xã hội của con người. Nếu xem con người là tổng hợp của các yếu tố sinh học- tâm lý- xã hội tạo nên nhân cách con người nói chung và cá nhân nhất định, thì việc nghệ thuật hướng vào cái “ hạt nhân” thế giới tinh thần, tâm hồn của nó là hướng vào cái kết tinh của tất cả những gì tạo nên con người, và cũng là cái chi phối mọi hành động, hành vi trong quan hệ xã hội của con người. Hầu hết các nghệ sĩ lớn đều đã xem việc tìm kiếm “tri thức về trái tim nhân loại” với “ những bí mật của nó” ( Trécnư-sépxki) như là một việc làm duy nhất của phản ánh nghệ thuật. “Nếu như có nghệ thuật và nghệ thuật có mục đích, là thể hiện và nêu ra sự thật về tâm hồn con người” ( L. Tônxtôi).

Sự cảm hóa con người bằng nghệ thuật là hình thức cảm hóa tổng hợp, toàn diện mang tính thực tiễn- tinh thần đối với con người. Đối với mỗi cá nhân, nghệ thuật là một thế giới mà con người có thể  soi toàn bộ con người mình vào đó. Nói một cách khác, chức năng cảm hóa có tính chất tổng hợp của nghệ thuật là chức năng nhân đạo hóa con người trong toàn bộ quan hệ của nó. Nếu bản chất hiện thực của con người là: “tổng hòa những quan hệ xã hội”, thì nghệ thuật có trách nhiệm làm cho sự “ tổng hòa đó” có được cái tốt, cái cao thượng, nhân ái. Bởi vật, cảm hóa nhân cách con người, nhân đạo hóa cá nhân là cơ sở để nghệ thuật giữ vai trò cải tạo, tổ chức các quan hệ xã hội theo hướng có “tính loài”, nâng dắt xã hội, “ giữ lại tất cả sự phong phú của sự phát triển đã đạt được”, và tiến tới “ chiếm hữu một cách thật sự bản chất của con người, bởi con người và vì con người” ( C.Mác).

Tiến sĩ - NSƯT

Nguyễn Thị Việt Nga

Sinh ngày 10/02/1957

Quê quán: Hà Hồi- Thường Tín- Hà Nội.

Tốt nghiệp hệ chính quy khoa Lịch sử- Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1981.

Bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là TS) chuyên ngành: Lịch sử Văn hoá Nghệ thuật tại Viện nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật- Bộ Văn hoá Thông tin, nay là Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch), tháng 9/1996.

Tốt nghiệp khoá 2, hệ tại chức, chuyên ngành Đạo diễn Điện ảnh- Trường Đại học SK&ĐA HN, tháng 9/1999.

Tác giả kịch bản phim: ”Chị Năm Khùng”, giải thưởng phim ngắn xuất sắc nhất Liên hoan phim Châu Á- Thái Bình Dương, tại Hà Nội, tháng 12/2000.

Được giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16, thành phố HCM, năm 2009, và nhiều giải thưởng tại các LHP trong nước khác.

Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú tháng 5/2012.

hư vậy, nghệ thuật là hình thức tổng hợp làm hình thành và phát triển con người. Tiếp xúc với nghệ thuật, con người sẽ được gợi mở, khuyên nhủ hay can ngăn, dạy dỗ hay răn đe “ về mọi mặt”, từ thế giới quan, thái độ xã hội đến lối sống, cách xử thế, cả đạo đức, lương tâm lẫn nghĩa vụ, trách nhiệm, cả tư tưởng, trí tuệ, ý chí, tình cảm, tâm lý, cả nhu cầu tinh thần, động cơ hành động, lẫn lý tưởng ước mơ…

Công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để nền kinh tế xã hội Việt Nam trong những năm gần đây đã đặt chiến lược giáo dục và phát triển con người Việt Nam hiện đại có tri thức, có văn hóa lên một tầm cao mới. Sự phát triển của con người với tư cách là con người và một cá nhân mang nhân cách công dân chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sa của những tác động văn hóa.

Mọi tiến bộ và phát triển của lịch sử, của xã hội là tiến bộ phát triển của văn hóa nghệ thuật, được xác định và phản ánh qua tính chất, trình độ và các giá trị văn hóa mà mỗi thời đại, mỗi dân tộc đạt được trong sự sáng tạo lịch sử. Diện mạo của từng cá nhân và của xã hội hình thành trên nền tảng văn hóa và là kết quả của sự sáng tạo và thần thái các giá trị văn hóa của nó trong quá trình phát triển.

Do đó có một mối quan hệ biện chứng khách quan và tự nhiên, giữa văn hóa và phát triển. Quan hệ này tiềm ẩn sâu sắc trong mọi lĩnh vực của của đời sống xã hội, trong hoạt động sáng tạo của con người nhằm tự biểu hiện và tự khẳng định sức mạnh bản chất mình. Chính vì vậy “Văn hóa trở thành biểu tượng về sức mạnh và giá trị con người do con người sáng tạo ra. Đến lượt nó, nhờ có văn hóa, thông qua văn hóa mà nền tảng của nó là văn hóa lao động, con người đạt đến trình độ trưởng thành của con người xã hội, có nhân cách và tự do. Văn hóa đào luyện con người, từ con người tự nhiên xã hội, thành con người xã hội văn hóa (3:2).

Văn hóa không chỉ như một quá trình phát triển mà còn là quá trình hình thành nhân cách. Cơ sở để hình thành nhân cách là lao động. Còn trình độ phát triển, chất lượng và ảnh hưởng xã hội của nhân cách được quyết định bởi văn hóa. Nhân cách con người là tổng hợp giá trị xã hội được hình thành và ổn định ở người đó nhờ kết quả của giáo dục và tự giáo dục, bằng cách tiếp thu các giá trị văn hóa và tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa của xã hội.

Quá trình hình thành nhân cách như là một tập luyện văn hóa. Con người cùng nhân cách của nó là một giá trị văn hóa, hơn nữa là một giá trị văn hóa cao nhất. Điều này được chứng tỏ ở chỗ, con người sản xuất ra văn hóa, sáng tạo ra mọi thành quả và giá trị văn hóa trên tất cả các hàm nghĩa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, trên các cấp độ và hình thức biểu hiện của văn hóa tinh thần, trên các cấp độ và hình thức biểu hiện của văn hóa được biết đến trong đời sống hiện thực. Con người không chỉ là chủ thể sáng tạo mà còn là chủ thể cảm thụ, tiêu dùng văn hóa. Đồng thời con người sử dụng văn hóa làm chất liệu cho sự phát triển không ngừng các năng lực và hoàn thiện các phẩm chất của mình, thông qua việc chiếm lĩnh văn hóa với tất cả các sắc thái, hình thái của nó ( truyền thống và hiện đại, dân tộc, cộng đồng và nhân loại) để hòa nhập và phát triển, sáng tạo để phát triển không ngừng với sự phát triển của thế giới ngày nay. Trên tất cả những cái đó, chung đúc tất cả những cái đó, mọi sự phát triển lành mạnh, đích thực, của văn hóa được quy tụ, được kết tinh ở sự phát triển con người, theo quan điểm phát triển, điều đó cũng là phù hợp với lý tưởng nhân đạo. “Cái đích cao nhất của văn hóa là sáng tạo ra con người với tư cách con người tạo và tự do, hướng tới cái Chân- Thiện -Mỹ của cuộc sống” ( 4: 3-4).

Nhân cách, nếu có thể nói như vậy, là hệ quả của sự tác động của toàn bộ đời sống xã hội, với không gian và thời gian với các chiều lịch đại và đồng đại của xã hội ấy. Mặt khác, nhân cách lại là một thực thể cá biệt, nó là những yếu tố đặc thù từ cơ địa của mỗi cá thể, là “ tổng hòa các quan hệ xã hội”, nhưng lại thể hiện dưới dạng qui chiếu bởi các yếu tố đặc thù, cá biệt. Vì thế mới có câu” Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Song không ai có thể phủ nhận tác động to lớn và mối quan hệ hữu cơ giữa nghệ thuật và nhân cách. Trong những phẩm chất của nhân cách, gói gọn vào Chân- Thiện- Mỹ, thì nghệ thuật đều có thể góp phần. Đặc biệt “thông qua cảm xúc thẩm mỹ, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu nhận thức thế giới con người bằng thẩm mỹ và nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của con người. Những nhu cầu này là dạng nhu cầu tổng hợp, toàn vẹn của con người xã hội trong đó có sự liên kết hài hòa, thậm trí hòa tan lẫn nhau của tất cả các nhu cầu tinh thần của con người: Trí tuệ, cảm xúc,nhận thức tư tưởng, giao lưu cộng đồng, thể hiện nhân cách và “ cái tôi”, lối sống cải tạo và phát triển xã hội, sáng tạo, thưởng thức và ước mơ cái đẹp, cái cao cả.v.v..Tất cả các nhu cầu trên ở dạng tổng thể thống nhất của chúng, có thể tìm thấy sự thỏa mãn đầy đủ và sâu sắc trong và bằng nghệ thuật” (5: 2-3).

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của văn hóa nghệ thuật đối với việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cương linh Đảng cộng sản Việt Nam được thông qua tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đã nhấn mạnh: “Xây dựng lập trường, quan điểm, ý thức và nhân cách đúng đắn, khắc phục những tư tưởng sai lầm, nhằm : xây dựng một nền văn hóa mới, tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ và tiến bộ” (6).

Đặc biệt tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4, khóa VII, trong bài phát biểu “ Chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh” cố Tổng bí thư Đỗ Mười đã nhấn mạnh: “ Văn học nghệ thuật là một bộ phận trong yếu của nền văn hóa, thể hiện khát vọng tiềm tàng của nhân dân về Chân- Thiện- Mỹ. Vì vậy, cùng với việc xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa, phải xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…” (7).

Nói đến văn hóa là nói đến dân tộc. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã từng nói: “Một dân tộc đánh mất truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc thì dân tôc ấy sẽ mất tất cả. Văn hóa suy thoái sẽ trực tiếp cản ngại cho tiến trình xây dựng kinh tế và không thể xây dựng kinh tế thành công. Bởi lẽ, kinh tế và văn hóa chính là hai nội dung cốt lõi của sự sinh tồn và phát triển của một dân tộc. Muốn xây dựng kinh tế phải có những con người được đào tạo trong một môi trường văn hóa lành mạnh…” (8).

Như vậy, chức năng văn hóa của nghệ thuật có một phạm vi đặc biệt rộng lớn: đánh giá mối quan hệ xã hội của toàn xã hội, gạt bỏ, phê phán, phủ định những quan hệ “ phi xã hội”, phản con người, bất công, áp bức, nô lệ. Đồng thời định hướng tổ chức lại, sáng tạo những quan hệ mới- quan hệ xã hội có tính người, vì sự phát triển con người và toàn xã hội.

Chính vì vậy, bằng những tác phẩm cụ thể văn học nghệ thuật dân tộc tác động vào tâm hồn con người Việt Nam, làm sáng tỏ những lẽ sống, những lý tưởng cao đẹp, ngợi ca những chuẩn mực có ý nghĩa nhân đạo đối với con người, giúp con người Việt Nam hiện đại tự định hướng bước đi của mình trong quan hệ với thế giới xung. Nhờ tác động của các loại hình nghệ thuật, những tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân dân đích thực, con người Việt Nam sẽ tạo nên được những giá trị tinh thần có tính cá nhân- xã hội mới, hình thành và phát triển nhân cách văn hóa, phát triển con người và xã hội Việt Nam  theo hướng hài hòa, hoàn thiện.

 

(1). Nguyễn Đổng Chi. Lược khảo về thần thoại Việt Nam; Nxb Văn Sử Địa; 1956. 

(2). Vũ Minh Tâm. Mỹ học Mác- Lê Nin; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Khoa lý luận Mác- Lê Nin; Hà Nội, 1991.

(3). Hoàng Chí Bảo. Ảnh hưởng của văn hóa đối với việc phát huy các nguồn lực con người; Tham luận tại Hội thảo khoa học văn hóa và phát triển; Hà Nội, 11-1991.

(4). Hoàng Chí Bảo. Ảnh hưởng của văn hóa đối với việc phát huy các nguồn lực con người; Tham luận tại Hội thảo khoa học văn hóa và phát triển; Hà Nội. 11-1991.

(5). Tô Ngọc Thanh. Chuyên đề Nhân cách- Nghệ thuật, mối quan hệ qua lại ( Trích trong báo cáo trung gian thuộc đề tài khoa học cấp Nhà nước KV-06-09 do Giáo sư- Tiến sĩ Đình Quang chủ biên).

(6). Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII; Nxb Sự thật; Hà Nội; 1991. Tr.80-81.

(7). Đỗ Mười. Chăm sóc, bồi dưỡng và phát triển con người vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh. Báo nhân dân, 16-1-1993.

(8). Võ Văn Kiệt. Chấn hưng, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc là nhiệm vụ trực tiếp của báo chí, xuất bản. Tạp chí nghiên cứu nghệ thuật xuất bản; Hà Nội, 1991, Tr.13.