Sáng ngày 28-3 (ngày 19-2 ÂL), hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu, người dân địa phương cùng du khách thập phương rộn ràng, nô nức về chùa Quán Thế Âm để chiêm bái, dự lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (lễ chính thức của Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024). Đây là năm thứ hai lễ hội Chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được triển khai thực hiện với quy mô cấp thành phố. Năm nay, lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 26 đến 29-3 (nhằm các ngày 17, 18, 19 và 20-2 năm Giáp Thìn) với hơn 30 hoạt động phần lễ và hội.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 - cho biết: Từ một lễ vía thuần túy của đạo Phật nhằm tôn vinh lòng độ lượng, bao dung, từ bi, hỷ xả của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngày nay Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) trở thành một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương.
Phát biểu tại buổi Lễ, Hòa thượng Thích Từ Nghiêm, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TP Đà Nẵng) đã nêu rõ giá trị Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, cũng như thể hiện nỗ lực của địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện các nghi lễ Phật giáo truyền thống, cầu nguyện quốc thái dân an, thả bong bóng cầu nguyện hòa bình cho nhân loại, đất nước. Người dân và du khách thập phương đặc biệt ấn tượng phần Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ tát, lễ hóa trang Long - Phụng Quán Thế Âm Bồ Tát và tái hiện câu chuyện lịch sử tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công chúa năm xưa... Đây cũng là phần lễ được người dân, du khách thập phương mong chờ nhất vào mùa lễ hội Quán Thế Âm hàng năm.
“Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được đưa vào Danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến tháng Hai (ÂL), Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức quy mô, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức. Như lời lưu truyền trong dân gian, “Quán Âm mười chín tháng Hai/Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về”, Lễ hội đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người, gồm cộng đồng phật tử theo đạo Phật, nhân dân địa phương, cùng du khách trong và ngoài nước về đây tham dự, lễ bái, nguyện cầu cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Đất nước Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh…”- Hòa thượng Thích Từ Nghiêm nhấn mạnh.
Lễ hội Quán Thế Âm năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ 26 đến 29-3 (từ 17 đến 20-2 năm Giáp Thìn), với bao gồm phần Lễ và phần Hội hòa quyện với nhau. Phần Lễ với các nghi thức tôn giáo, cầu Quốc thái dân an; phần Hội, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, thể thao phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có sự tham gia của các Đoàn nghệ thuật dân tộc đến từ các nước như: Nhật Bản, Thái Lan…
Bên cạnh đó còn diễn ra tọa đàm về phát huy nâng tầm giá trị Lễ hội Quán Thế Âm và các di sản văn hóa trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; tổ chức các gian hàng trưng bày, biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước; các gian hàng OCOP giới thiệu sản phẩm đặc trưng của TP Đà Nẵng, hò hát bài chòi; tổng kết, trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Non nước ngũ Hành Sơn-2024” và triễn lãm ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn và Ma nhai Ngũ Hành Sơn; triển lãm mỹ thuật, hội họa, thư pháp; hội hoa đăng, lửa trại; đua thuyền, không gian ẩm thực chay Việt… Đặc biệt năm nay có 10 chiếc xe hoa của đoàn phật tử quận Ngũ Hành Sơn diễu hành trên các đường phố Đà Nẵng làm tăng phần hoành tráng của Lễ hội Quán Thế Âm.
Đặc biệt, ban tổ chức đưa vào chương trình tọa đàm “Giải pháp nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” và mở cửa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo để đón du khách đến tham quan, nghiên cứu. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động thể thao truyền thống như: Hội đua thuyền truyền thống có hoạt cảnh đoạt cờ lệnh rước Huyền Trân Công chúa, kéo co, cờ làng và giải chạy olympic vì hòa bình với hơn 2.600 người tham gia.
Lễ hóa trang Bồ tát Quán Thế Âm được thực hiện song song với nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm. Việc hóa trang Bồ tát Quán Thế Âm tại lễ hội nhằm ngụ ý Bồ tát luôn đồng hành với chúng sinh mọi lúc mọi nơi, đem hạnh nguyện từ bi, ban vui cứu khổ của mình tỏa khắp nhân loại. Ngoài việc hóa trang Quán Thế Âm Bồ tát, tại lễ hội còn có những hóa trang thành các tiểu đồng, các vị Bồ tát khác và các tiên nữ cùng Tứ Thiên vương theo hầu, đều do gia đình Phật tử chùa Quán Thế Âm thực hiện.
Có thể nói, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024 được UBND TP Đà Nẵng phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hết sức tôn nghiêm, trang trọng, hoành tráng với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc đầy ấn tượng. Đạo pháp và Dân tộc được hòa quyện trong từng nội dung của chương trình. Hy vọng sự hài hòa đó tiếp tục được phát huy, trường tồn để lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn xứng đáng là Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn sẽ không chỉ là một sự kiện truyền thống mà còn là một biểu tượng của văn hóa và di sản của Đà Nẵng, thu hút du khách từ khắp nơi đến tham gia và trải nghiệm du lịch về tâm linh đặc sắc của TP. Đà Nẵng.